Cũng có rất nhiều loại bộ đồ lặn, trong những của hàng bán đồ lặn tôi đã thấy riêng loại dày 5mm đã có giá từ hơn 100 ero đến hơn 800 ero, còn đắt hơn nữa thì tôi chưa thấy. Đây không phải thứ bắt buộc phải có trong môn thể thao này, ví dụ như ở châu phi, tôi và những người khác chẳng bao giờ mặc đồ lặn trong sáu tháng hè. Vì vậy nếu bạn nào chỉ lặn ở những vùng nhiệt đới thì có lẽ chẳng cần mua làm gì. Tuy nhiên tuy không bắt buộc phải có nhưng nó có rất nhiều công dụng như sau:

Công dụng của bộ đồ lặn

Công dụng giữ ấm cho cơ thể, đây là công dụng quan trọng nhất, ở những vùng biển lạnh như châu âu chẳng hạn, bạn khó có thể xuống nước lâu được nếu không có bộ đồ lặn. Tùy theo nhiệt độ nước của vùng biển mà bạn sẽ lặn mà bạn chọn độ dày của bộ đồ lặn, tất nhiên là bạn nên chọn bộ đồ lặn có thể giúp bạn chịu được nhiệt độ thấp nhất ở vùng biển mà bạn sẽ lặn, gặp những khi nước có ấm hơn thì cũng chẳng sao. Trong mỗi cửa hàng bán đồ lặn đều có bảng hướng dẫn chọn độ dày của bộ đồ lặn tương ứng với nhiệt độ nước có thể chịu đựng dưới đây tôi cũng có một bản như vậy để các bạn tham khảo :

Bảng chọn độ dày bộ đồ lặn theo nhiệt độ nước
Nhiệt độ nước 10o đến 18o 16o đến 24o
Độ dày bộ đồ lặn từ 6 đến 7 mm từ 5 đến 7 mm
Loại đồ lặn quần có yếm và áo liền mũ quần không yếm và áo liền mũ

Tuy nhiên lý thuyết là như vậy thôi theo kinh nghiệm của tôi thì với nhiệt độ dưới 13người Việt mình mặc loại 7 mm thì không chịu nổi trừ khi bạn ở trên thuyền thỉnh thoảng nhảy xuống lặn một chút rồi lên.

Khi chọn độ dày của bộ đồ lặn các bạn nên lưu ý, tuy bản hướng dẫn là như vậy nhưng không tuyệt đối chính xác, với mỗi loại đồ lặn khác nhau thì lại có những thông số khác nhau vì vậy để cho chính xác thì nên tham khảo catalogue đi kèm theo mỗi bộ để chọn cho chính xác.

Bộ đồ lặn bắn cá quần áo rời, quần không có yếm

Công dụng khác nữa là để bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân bên ngoài như : Ở những vùng biển có nhiều sứa ngứa chẳng hạn (tôi loại trừ loại sứa độc có thể gây chết người, vì nếu có loại này thì tốt nhất là không nên xuống nước) bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của bộ đồ lặn. Khi bạn lặn xuống nước bạn sẽ thấy vô số những thứ có thể làm cho bạn bị thương, bị xây sát, những tảng đá ngầm lởm chởm, có khi bám đầy những vỏ hà sắc như dao cạo, chỉ cần lướt qua một chút xíu thôi là rách thịt ngay. Ở nhiều nơi vách đá bám đầy những con cầu gai có gai hệt như gai bồ-kết, một cơn sóng đẩy bạn vào vách đá thì hôm đó bạn sẽ tha hồ mà gỡ gai ở trong người. Cũng có những lúc bạn phải len lỏi qua những bụi rong biển hoặc nằm phục kích trong đó, nếu không có bộ đồ lặn khó tránh khỏi hàng vạn những sinh vật nhỏ li ti làm cho bạn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Rong biển đa số đều mềm mại, không gây tổn thương cho da, nhưng thỉnh thoảng cũng có những thứ chẳng thích hợp cho da mình chạm vào (xem thêm bài: Kỹ thuật phục kích)

Công dụng khác nữa, đa số những bộ đồ lặn thiết kế cho môn thể thao bắn cá dưới nước đều có lót một miếng caosu dày ở ngực hoặc bụng, hoặc chạy dài từ ngực xuống đến bụng. Tác dụng của tấm cao su là để khi ta lên đạn (xem thêm bài: Súng bắn cá) ta phải tỳ báng súng vào đó, tấm cao su sẽ làm đỡ rách bộ đồ lặn, làm ta đỡ đau do lực ấn của báng súng. Khi lặn ở châu phi nếu không có đồ lặn tôi đã phải đeo một cái dép trước ngực để tỳ báng súng khi lên đạn, vì nếu không chỉ cần lên đạn độ 20 lần thôi ngực của bạn chắc chắn sẽ trầy da, rớm máu. Miếng cao su thiết kế trên bộ đồ lặn cũng là một chi tiết để bạn nhận ra loại đồ lặn dùng riêng cho môn thể thao này. Ngoài miếng caosu trước ngực (bụng) có khi còn có miếng caosu (có khi họ chỉ làm dầy thêm hoặc thêm một lớp vải) vào đầu gối và khủy tay, là nơi ta hay va chạm và cọ sát nhất, nhưng chi tiết này không phải chỉ thiết kế riêng cho môn lặn bắn cá.

Công dụng nữa là dùng để ngụy trang, tôi cũng chẳng biết tại sao loài cá cũng sợ người như những loài thú khác trên mặt đất, tôi đã thấy những lũ cá con quanh quẩn bên lũ cá to chẳng hề sợ hãi, mặc dù thỉnh thoảng có vài con bi xơi tái. Ấy vậy mà khi thấy con người thì cả cá con lẫn cá to đều chạy biến, chẳng hiểu có phải tại vì loài người chúng ta quá độc ác và tàn nhẫn không. Khi có một bộ đồ lặn có màu ngụy trang tốt bạn sẽ thấy hiệu quả hơn hẳn.

Công dụng khác, cũng là để giảm thiểu thương tích do ngạnh hoặc vây lưng của lũ cá gây cho ta trong lúc giãy dụa khi bị ta tóm hoặc chúng lao vào bạn khi chúng bị thương.
Một công dụng khác, bộ đồ lặn có thể được coi là làn da thứ 2, nó giúp bạn giữ được « làn da châu á » nếu bạn không muốn bị nâu đi hoặc nếu bạn sợ ảnh hưởng của tia tử ngoại.

Hi hi công dụng cuối cùng theo ý của tôi là : để chụp ảnh nom cho nó oai.

Tuy nhiên không phải mặc đồ lặn không phải lúc nào cũng hay, nhất là những hôm trời nóng nực, bị mất đi đi cảm giác ve vuốt của sóng biển thì cũng rất đáng tiếc cho những ai yêu biển. Không có bộ đồ lặn còn giúp ta bơi lội dễ dàng hơn, thao tác nhanh nhẹn hơn. Hơn nữa, ta đỡ phải mang đi mang lại, mặc vào rồi lại cởi ra, lôi thôi, lích kích, lại đỡ phải giặt dũ, phơi phóng – một khâu ngại nhất trong môn thể thao này – và không có bộ đồ lặn ta đỡ tốn tiền.

Phân biệt bộ đồ lặn

Về chế tạo, bộ đồ lặn thông thường (phân biệt với những bộ đồ lặn được chế tạo đặc biệt) cũng rất khác nhau. Ở chỗ này tôi muốn giải thích thêm một chút, có nhiều bạn nghĩ rằng bộ đồ lặn là bộ đồ ngăn không cho nước ngấm vào da thịt mình, nghĩ như vậy la sai (trừ một số được chế tạo đặc biệt) các bộ đồ lặn đều cho nước ngấm vào trong, nhưng sau đó sẽ giữ nước ở đó không cho lưu thông ra ngoài. Khi nhiệt độ của cơ thể sửa ấm chỗ nước đó, thì chính chỗ nước đó sẽ giữ ấm cho cơ thể của chúng ta. Vì vậy bộ đồ lặn tốt là bộ đồ lặn ôm sát người (lượng nước giữ lại ít nhất, ta đỡ tốn nhiệt để làm ấm nước), giảm lượng nước lưu thông giữa bên trong và bên ngoài (ta đỡ mất lượng nước nóng và đỡ phải nhận thêm lượng nước lạnh). Để có bộ đồ lặn ôm sát người thì vật liệu chế tạo phải mềm và đàn hồi tốt, thường là một loại vải polieste đàn hồi và caosu nhân tạo (neoprene).

Các môn thể thao khác nhau thường có các bộ đồ khác nhau nhìn qua thì có vẻ rất giống nhưng thật ra rất khác nhau ví dụ:

Với các bộ đồ của các môn thể thao nước khác như lướt ván hay bơi thuyền bộ đồ của các môn này thường mỏng hơn và có tráng một lớp caosu ở một vài nơi.

Bộ đồ dùng cho các môn thể thao khác với lặn bắn cá

Bộ đồ dùng để bơi ở nước lạnh thường làm bằng cao su để đảm bảo mềm nhất tránh làm vận đông viên bị mất sức vì cử động không thoải mái, bộ đồ này cũng thường thiết kế mặt ngoài trơn bóng để giảm tối đa ma sát của nước. Bộ đồ này thường không có mũ, bạn có thể dùng nó để mặc phía trong của bộ đồ lặn bắn cá

Bộ đồ lặn dùng cho lặn bình dưỡng khí thông thường thì thường có lớp lót bên trong và cả mặt bên ngoài bằng vải đề bảo đảm độ bền vì nếu hoàn toàn bằng caosu như bộ đồ lặn dùng cho lặn bắn cá thì rất dễ bị rách do phải đeo nhiều thứ trên mình. Có nhiều bộ đồ lặn dùng cho lặn bình dưỡng khí được thiết kế đặc biệt tôi không mô tả ở đây. Các bộ đồ lặn dùng cho lặn bình dưỡng khí thường ít dùng màu nguỵ trang mà thường chỉ dùng một màu duy nhất đôi khi được dùng các màu nổi bật như đỏ, cam, vv dễ nhìn thấy ở dưới nước.

Cũng có nhiều bộ đồ dùng cho các môn thể thao dưới nước khác như lướt ván, thuyền kayak, thuyền buồm v.v. nhưng thường mỏng hơn và tỷ lệ vải nhiều hơn cao su tổng hợp.

Bộ đồ lặn dùng cho lặn bắn cá ngoài đặc điểm là có miếng lót ở ngực còn có vài đặc điểm khác với bộ đồ dùng cho các môn thể thao khác là thường làm hoàn toàn bằng caosu để cho mềm, dễ cử động nhất, ôm sát người nhất, đôi khi có lớp ngoài cùng là vải để giảm bớt trầy xước do va chạm, màu sắc thường là màu nguỵ trang. Bạn cần lưu ý với các bộ đồ lặn có phía trong bằng caosu khi mặc bạn phải bôi trơn bằng nước pha dầu tắm, xà phòng, vv nếu không rất khó mặc.

Để giảm lượng nước lưu thông, bộ đồ lặn có thể có 2, 3 lớp với các chất liệu khác nhau, cũng có nhiều bộ, cổ tay và cổ chân được làm bằng caosu vì hai chỗ này là nước lưu thông nhiều nhất. Có nhiều bộ đồ lặn có độ dày khác nhau ở nhiều nơi, ngực, đầu gối, khủy tay thường dày hơn những chỗ khác. Chất lượng vật liệu cũng theo giá tiền mà tăng lên, nếu chất lượng vật liệu càng tốt thì giữ ấm tốt hơn, nhẹ hơn, mặc vào cử động dễ dàng hơn. Tất nhiên là những bộ có nhiều lớp thì tốt hơn và đắt hơn, ở đây tôi không có lời khuyên nào thực sự tốt cả, các bạn cứ tùy túi tiền mà lựa chọn.

Bộ đồ lặn bắn cá áo quần rời, quần có yếm

Về kiểu, cũng có rất nhiều kiểu khác nhau, kiểu dành cho nam riêng, kiểu dành cho nữ riêng, nam và nữ không thể mặc lẫn lộn được.

Có kiểu liền một bộ cả quần, áo, mũ. Loại áo liền mũ có tiện lợi là không phải có cái mũ riêng, nhưng cũng có cái bất lợi là nếu nhiều bạn luôn bị nước lọt vào kính lặn, hoặc bạn hay đeo camera trên đầu thì khi bạn vận động dưới nước mũ sẽ bị dịch chuyển nhiều hơn so với loại mũ rời, loại mũ rời cũng ôm sát đầu và cổ hơn.

Có kiểu áo riêng, quần riêng, quần cũng có 2 loại, có loại có yếm đeo lên vai, cũng có loại không có yếm.

Có kiểu fermeture ở sau lưng, có kiểu ở bên hông, có kiểu ở đằng trước v.v…..

Cũng có những bộ mỏng khoảng 3mm, cũng có những bộ chỉ dài đến đầu gối, tay thì chỉ đến độ khủy tay, có loại ngắn hơn theo kiểu ghi-lê.

Lựa chọn bộ đồ lặn.

Lựa chọn theo kiểu cũng có một số kinh nghiệm như sau, nguyên tắc quan trọng nhất là phải vừa, nói thì dễ nhưng thực sự là không dễ chút nào cả. Những bộ đồ lặn thường là may sẵn, lại yêu cầu bó sát lấy người, lại không thể sửa chữa được, người ta thì kích cỡ khác nhau đã đành, tỷ lệ chân – người, tỷ lệ các vòng cũng khác nhau. Vì vậy, để ta có thể chọn được bộ mặc vừa in đôi khi cũng rất vất vả. Dưới đây có một bảng tính số của bộ đồ lặn theo cân nặng của bạn, nhưng những con số này rất tương đối, để chọn chính xác không có cách gì hơn là mặc thử, nhất là đối với những bộ dày từ 5mm trở lên.

Chọn số áo theo số đo vòng ngực (nam nữ như nhau)
Số đo vòng ngực (cm) 81 85 89 93 97 101 105 109 114 117
Theo số của pháp 34 36 38 40 42 44 46 48 50 52
Theo số châu âu 2XS XS S M L L XL XL 2XL 2XL
Chọn số quần theo số đo vòng bụng nam
Số đo vòng bụng (cm) 71 75 79 84 87 91 95 100 105 117
Theo số của pháp 36 38 40 42 44 46 48 50 52 54
Theo số châu âu XS S M L L XL XL 2XL 2XL 2XL
Chọn số quần theo số đo vòng bụng nữ
Số đo vòng bụng (cm) 60 63 67 71 76 79 83 88 95 100
Theo số của pháp 34 36 38 40 42 44 46 48 50 52
Theo số châu âu 2XS XS S M L L XL XL 2XL 2XL

Lưu ý : Nếu số đo của bạn không chính xác với bảng trên thì bạn chọn với size gần đúng nhất (ví dụ vòng bụng của bạn là nam 85 cm bạn chọn size 42; khi đo dùng thước dây quấn quanh ngực hoặc bụng và nhớ là chặt tay ; quần áo nam và nữ khác nhau dù có cùng size.

Công việc mặc thử bộ đồ lặn thường hết sức vất vả, nhất là nếu bạn mua nó vào mùa hè. Bạn cứ thử tưởng tưởng mà xem, mặc vào người một bộ đồ dày cộp, chật căng, mồ hôi toát ra như tắm. Thường là lúc đó bạn phải có sự giúp đỡ của người bán hàng hoặc của bạn cùng đi chứ nếu không thì khó có thể mặc vào nổi. Không những thế đâu phải chọn một cái là được bộ vừa ngay đâu, có khi phải thử hết bộ này đến bộ khác, có khi được cái quần thì lại mất cái áo. Tuy nhiên các bạn không nên nản trí vì lựa chọn được một bộ đồ ưng ý rất có lợi.

Bộ đồ lặn bắn cá áo liền quần có fermeture

Theo tôi thì các bạn nên bắt đầu thử từ những bộ quần liền áo và mũ trước, tất nhiên phải phù hợp với giá tiền, độ dày, loại vật liệu, kiểu dáng và màu sắc mà bạn định mua. Trước tiên căn cứ vào số đo vòng ngực và vòng bụng để chọn số cho phù hợp hoặc nhờ người bán hàng chọn hộ, sau đó bạn mặc thử. Chú ý những điểm sau :

Vai và tay không được quá bó (tất nhiên quá rộng lại càng không được), nếu tay và vai quá bó sẽ làm bạn khó khăn khi thao tác dưới nước, nhất là khi lên đạn. Khi lên đạn bạn sẽ phải căng một sợi caosu rất nặng, nếu áo có tay hoặc vai quá bó đôi khi bạn không thể lên đạn nổi, hoặc chỉ có thể lên được ở nấc nhẹ nhất.

Khi mặc thử bạn phải chú ý đến những túi hơi giữa da và bộ đồ lặn, bạn phải dùng tay ép cho nó ra ngoài hết, sau đó làm vài động tác mạnh nếu không khí không bị hút trở lại là được. Lưu ý những nếp nhăn ở phần nách, cổ nếu dễ dàng kéo ra, không ôm sát vào da sẽ tạo thành túi hơi, sau đó sẽ đọng nước trong đó.

Chú ý khác là chiều dài của đũng, nếu quá dài so với thân của bạn thì sẽ bị đọng nước ở đũng, còn nếu quá ngắn (mặc dù có độ đàn hồi) sẽ gây cho bạn khó chịu, nhất là đối với các bạn nam.

Chú ý khác nữa là độ rộng của phần đùi, nhược điểm này rất hay gặp đối với người châu á, vì có lẽ người châu á chúng ta thường có chân to hơn những giống người khác đôi khi lúc thử thì không thấy có vấn đề gì nhưng đến khi sử mới thấy bị rát bỏng ở đùi hoặc kheo chân do hơi chật.

Chiều dài của bộ đồ lặn bán ở cửa hàng thường dài hơn tay và chân của chúng ta nên khỏi phải lo, chỉ cần sắn lên là xong.

Ưu điểm của bộ đồ lặn liền một cục này là : rẻ hơn nếu cùng chất liệu như nhau, ôm sát người hơn do không có chỗ nối giữa áo và quần. Nó thường được thiết kế đồng bộ nên nom đẹp hơn những bộ quần này áo kia.

Nhược điểm của nó là khó vừa người nếu ta không có 1 thân hình tương đối chuẩn, đôi khi được phần trên thì không ưng phần dưới hay ngược lại.

Nếu không chọn được bộ quần áo mũ liền một cục ta quay ra chọn bộ quần áo rời nhưng được thiết kế thành một bộ, sẽ tránh được mặc một bộ có hai màu khác nhau hoặc có thiết kế không ăn khớp với nhau. Ngay loại này cũng có nhiều loại, về áo thì đa số giống nhau có đai làm đũng quần luôn thường có 2 nấc chỉnh cho vừa với chiều dài của thân người. Với áo ta nên chọn loại có fermeture ở phía trước hay bên hông cho dễ kéo khi đi một mình, tuy nhiên nếu mua cho bạn gái thì nên chọn loại có fermeture ở phía sau để mình còn có cơ hội giúp nàng. Lưu ý là bộ đồ lặn chuyên dùng cho lặn bắn cá thường ít thiết kế có fermeture lý do : thường 100% là caosu chẳng có chỗ nào để gắn cả, caosu đàn hồi tốt hơn nên có thể mặc theo kiểu chui đầu được.

Nhược điểm của loại quần rời có yếm cũng như của bộ đồ lặn áo liền quần là không thể giải quyết việc tiểu, đại tiện trong khi đang lặn. Còn với loại quần rời không có yếm thì bạn có thể giải quyết được chuyện này nếu bạn không sợ lạnh. Theo tôi thì đại tiện thì đành chịu rồi, còn tiểu tiện thì hi hi lâu lâu tự sửa ấm mình cũng đâu có sao.

Trong trường hợp ngay cả những bộ quần áo rời nhau bạn thử cũng không ưng nữa thì đành phải chọn quần riêng, áo riêng vậy, cũng có nhiều loại quần riêng áo riêng chẳng có liên quan gì đến nhau cả. Khi lựa chọn bạn nên chú ý đến màu sắc sao cho nó không chỏi nhau quá là được, có dày hay mỏng hơn nhau một chút cũng không có sao.

Lần đầu mặc thử bộ đồ lặn bạn sẽ thấy chật căng như bó giò, nhiều khi bạn cảm thấy nghẹt thở không chịu nổi, nhưng bạn đừng lo, bộ đồ lặn xuống nước sẽ mềm hơn bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Gilet mặc trong bộ đồ lặn

Còn có loại áo lót mặc phía trong (áo gilet – thường dày từ 3mm đến 5mm) cho các bạn nếu các bạn muốn tăng cường độ ấm cho phần ngực và bụng.

Theo tôi thì thay vì chọn một bộ dày thì các bạn nên chọn một bộ hơi dày và một bộ mỏng. Ví dụ : nếu bạn lặn ở vùng có nhiệt độ nước từ 14° đến 24° chẳng hạn bạn có thể chọn một bộ 5mm đến 6mm và một bộ cộc 3mm thay vì mua một bộ 8mm. Hôm nào lạnh thì bạn mặc cả hai bộ, còn bình thường bạn chỉ mặc 1 bộ dày là đủ. Với nhiệt độ nước như vậy phần lớn thời gian trong mùa bạn sẽ chỉ dùng bộ 5-6mm là được, luôn luôn khoác bộ 8mm bạn sẽ thấy rất khó chịu vừa chật chội, khó cử động lại nặng nề vì phải tăng thêm chì, bạn có thêm một bộ cộc 3mm dùng cho những chuyến du lịch vùng biển nhiệt đới. Và, hai bộ như vậy thường rẻ hơn nhiều bộ 8mm.
Ngoài các yêu cầu quan trọng trên, về màu sắc của bộ đồ lặn bạn cũng phải lưu ý bởi vì màu sắc ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc lặn bắn cá. Để chọn mầu sắc cho phù hợp nhất thì ta phải hiểu rõ nơi mà chúng ta sẽ lặn ví dụ :

Nếu khu biển mà chúng ta sẽ lặn có nhiều rong biển loại nhỏ như lau sậy thì ta chọn loại rằn ri có hai màu xanh lá cây và nâu (có khi 3 màu, xanh, nâu, trắng). Nhưng nếu rong biển đa số là loại to bản như hình lá sen hoặc như vạt áo chẳng hạn ta chọn loại có thiết kế màu sắc là những mảng xanh, nâu lớn xen nhau (3D).

Ngược lại nếu lặn ở những vùng biển đa số là những tảng đá lớn, ta nên chọn màu đen để có thể dễ dàng ẩn mình giữa những tảng đá. Ở nhiều vùng, đa số ở vùng ôn đới như châu âu chẳng hạn đá ở dưới biển thường chỉ có một màu đen đơn giản, vì vậy ta nên chọn màu đen tuyền là tốt nhất, nếu quá đơn điệu ta chọn thêm loại có các phụ tiết màu xanh nước biể đậm hoặc xám tro, không nên chọn loại có các phụ tiết phản quang, vàng, trắng, cam. Nhưng ở các vùng biển nhiệt đới, nhất là các vùng biển san hô, việc lựa chọn màu sắc có vẻ dễ dàng hơn bởi vì thực tế ở dưới biển rất nhiều màu sắc, màu gì cũng có vì vậy các bạn có thể lựa chọn theo ý các bạn, miễn chụp ảnh thấy đẹp là được.

Có những vùng biển cá bạn bắn chủ yếu trên mặt cát, bạn có thể chọn màu xám nhạt, nâu nhạt hoặc rằn ri trắng xanh lá cây nhạt.

Có nhiều khi bạn lặn bắn ở những vùng nước sâu, thường là dùng tầu đi ra xa và lặn bắn cá ở các tầng nước trên, lúc đó yêu cầu của bộ đồ lặn là phải có màu sắc cùng màu với màu nước biển, bạn chọn màu xanh nước biển đậm là tốt nhất.

Nói chung, về chọn màu sắc mỗi người có kinh nghiệm và sở thích, thẩm mỹ khác nhau nên có sự lựa chọn thường khác nhau, các bạn nữ thường không thích màu rằn ri, dù rằng không bắn được cá cũng không sao, như màu thì phải đẹp. Theo tôi đấy là một kinh nghiệm nếu các bạn trai muốn tặng bạn gái một bộ đồ lặn bắn cá, hoặc được nhờ đi tư vấn cho việc mua đồ.

Các bạn cũng chú ý, đối với các môn lặn khác, không cần phải trốn tránh, ẩn nấp lũ cá việc chọn màu sắc có xu hướng ngược lại, màu sắc thường chọn những màu nổi bật để các thành viên trong đội dễ dàng nhận biết ra nhau.

Bộ đồ lặn có bo và không có bo

Một lưu ý nhỏ nữa, các bộ đồ lặn thường có hai loại, có bo (chỗ cắt được bo lại bằng cao su) hoặc không có bo (vết cắt để hở ra lớp cao su tổng hợp). Thường thì cổ tay có bo thì những chỗ khác như viền mũ, cổ chân cũng có bo và ngược lại. Nên chọn loại có bo vì nó dùng bền hơn, nước lưu thông ít hơn

Sử dụng bộ đồ lặn.

Sử dụng và bảo quản nên có một số chú ý như sau : không nên phơi nắng quá lâu sẽ bị ròn, nứt, bạc màu, khi phơi nhớ phải lộn mặt vì có khi mặt này khô nhưng mặt kia vẫn ướt. Khi giặt thì không nên dùng loại hóa chất tẩy rửa mạnh, các cửa hàng bán đồ lặn thường bán loại dầu riêng để giặt đồ lặn. Họ cũng có bán một loại dầu nữa vừa có tác dụng làm mềm, vừa có tác dụng bôi trơn dùng khi ta mặc vào cho dễ, nhưng theo tôi thì không nên dùng, vì cá có thể nhận biết được mùi này. Một bộ đồ lặn thường khá đặt tiền nhưng thời gian sử dụng cũng lâu (khoảng 4-5 năm là chuyện thường) vì vậy theo tôi mua cũng xứng đáng, nghề chơi cũng lắm công phu mà.

13-12-2019 / qtn / 3262 lượt xem /