1. Kỹ thuật tìm kiếm (Fr : indienne ; En : indian).
Mô tả : kỹ thuật tìm kiếm là một kỹ thuật lặn bắn cá xuất phát từ bản nguyên nhất. Từ indienne trong tiếng pháp cũng như từ idian trong tiếng anh đều chỉ về người Ân độ, cũng không hiểu vì sao họ gọi kỹ thuật này như vậy. Tôi gọi kỹ thuật này là tìm kiếm là để mô tả sát theo nghĩa đen của kỹ thuật này. Kỹ thuật tìm kiếm là di chuyển, tìm kiếm cá, khi phát hiện thì bí mật tiếp cận, khi đến được khoảng cách hiệu quả thì bắn. Khi áp dụng kỹ thuật tìm kiếm có thể áp dụng kết hợp tất cả các kỹ thuật khác.
Ví dụ về kết hợp kỹ thuật phục kích và kỹ thuật tìm kiếm: khi di chuyển đến một vị trí quen thuộc mà ta biết thường xuyên có cá ta có thể tiến hành phục kích ở đó. Hoặc từ xa thấy một đàn cá bơi lại hướng mình ta cũng có thể dừng lại nấp sau những tảng đá hay đám rong rêu để tiến hành phục kích. Bắn cá nước cạn là kết hợp tiêu biểu nhất của kỹ thuật tìm kiếm và kỹ thuật phục kích, đó là vừa nằm im trên mặt nước (kỹ thuật phục kích) thỉnh thoảng di chuyển một đoạn ngắn về những vị trí có thể có cá (kỹ thuật tìm kiếm).
Ví dụ về kết hợp kỹ thuật tìm kiếm và bắn cá trong hang : trong quá trình tìm kiếm nếu gặp những hang đá quen thuộc hoặc những hang đá lạ cũng không ai cấm bạn ghé qua. Đặc biệt những hang đá hay những tảng đá nằm chơ vơ cách xa những tảng đá khác, khi bạn thực hiện kỹ thuật tìm kiếm có thể gây ra tiếng động làm đám cá cảnh giác, phản xạ của chúng là tìm cách lẩn trốn mà những hang đá, hốc đá gần nhất thường là những chỗ chúng lựa chọn, lúc đó kỹ thuật tìm kiếm không khác gì hành động xua đuổi cá vào trong hang để bắn. Tuy nhiên không phải việc kết hợp hai kỹ thuật lặn bắn cá này lúc nào cũng thành công, còn tuỳ thuộc vào loại cá, những loại cá sống cố định (ở trong một vùng nhỏ) thì thường có thể kết hợp được hai kỹ thuật này. Đối với loại cá sống không cố định, thường di chuyển liên tục, khi kiếm ăn hoặc đến mùa sinh sản thì chúng mới vào gần bờ, sau dó lại di chuyển ra xa bờ, ta không thể kết hợp được hai loại kỹ thuật này vì khi có động chúng thường vọt ra xa và rất it khi nào quay trở lại. Cũng chính vì vậy chúng tôi có một lời khuyên nhỏ, với loại cá sống cố định nếu khoảng cách chưa đủ chắc ăn thì có thể không nên bắn, trừ trường hợp bạn muốn luyện tập kỹ thuật bắn, bởi vì có thể lúc khác bạn quay lại bạn sẽ gặp lại nó với cự ly chắc ăn hơn. Còn với loại cá sống lưu động, gặp một lần cũng có thể là lần duy nhất, hãy bắn ngay khi có cơ hội, thành công hay không đến trên 80% là do chọn đúng thời điểm.
Ví dụ về kết hợp kỹ thuật tìm kiếm và kỹ thuật bổ nhào có thể được chia làm hai trường hợp :
– Trường hợp thứ nhất : kỹ thuật bổ nhào là hành động kết thúc của kỹ thuật tìm kiếm. Tôi xin giải thích rõ hơn : khi bạn đang tìm kiếm, gặp một con cá ở ngay phía dưới, bạn không thể bắn ngay vì còn xa, lúc đó bạn có thể thực hiện kỹ thuật bổ nhào bằng một cú chúi đầu và bắn ngay khi có thể.
– Trường hợp thứ 2 đó là sự kết hợp, cũng khi đang thực hiện kỹ thuật tìm kiếm bạn nhìn thấy cá ở dưới sâu bạn thực hiện kỹ thuật bổ nhào để bắn. Nếu chỉ giải thích như vậy các bạn sẽ cho rằng hai trường hợp chỉ là một, nhưng mà không phải hoàn toàn như vậy, trong trường hợp thứ nhất là khi khoảng các giữa bạn và con cá tương đối gần khi bạn thực hiện động tác chúi đầu luôn luôn để mục tiêu trong tầm ngắm và sẵn sàng bắn bất cứ lúc nào. Trường hợp thứ hai là khi khoảng cách giữa bạn và con cá tương đối xa, bạn có thể thực hiện lựa chọn vị trí và phương hướng tiếp cận như thực hiện kỹ thuật bổ nhào hoàn chỉnh.
Kỹ thuật tìm kiếm còn được thể hiện khi dùng thuyền kayak, tôi có thể mô tả như sau : bạn có một chiếc thuyền kayak trên đó trang bị GPS và máy tìm cá, bạn đã có sẵn một lộ trình săn bắn cá, thường dài vài km, đi qua một số điểm mà bạn đã đánh dấu trên GPS, bạn có thể vừa di chuyển vừa quan sát trên màn hình máy tìm cá, nếu có, bạn có thể lặn và bắn, nếu không có, bạn có thể lướt qua luôn đi đến điểm kế tiếp. Để thực hiện kỹ thuật này bạn nên lưu ý một số điểm sau :
– Không phải nước nào cũng cho phép sử dụng máy tìm cá (kể cả ở trên thuyền) trong môn thể thao lặn bắn cá.
– Nên đi hai người thay nhau lên xuống, vì nếu chỉ đi một mình, lên, xuống, neo thuyền, v.v… rất mất thời gian, nhiều khi neo xong thuyền thì cá cũng đi mất rồi.
– Không nên xuống nước ngay trên đầu bọn cá làm chúng cảnh giác.
Kỹ thuật tìm kiếm còn được sử dụng kết hợp để thực hiện dồn bắt cá. Kỹ thuật này được mô tả như sau : thường bọn cá từ xa vào bờ kiếm ăn (theo thuỷ triều) vào và ra theo một lối nhất định, thường là một khe tương đối sâu so với đáy biển ở nơi đó. Nếu quen thuộc địa hình và quan sát lâu ta sẽ tìm được con đường này. Căng một đoạn lưới ở chỗ này, sau đó thực hiện kỹ thuật tìm kiếm từ nhiều hướng (do nhiều người thực hiện) dồn cá về hướng lưới, vừa bắn cá vừa xua đuổi cá, nhiều khi bạn có những thu hoạch rất bất ngờ. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý, luật pháp nhiều nước không cho phép dùng cách này.
2. Bộ đồ nghề cho kỹ thuật tìm kiếm.
– Bộ đồ lặn phải được nguỵ trang cực kỳ tốt, phải bảo đảm ấm hơn khi áp dụng những kỹ thuật khác, lý do vì thực hiện kỹ thuật này đôi khi bạn phải di chuyển rất chậm, đôi khi phải nằm im rất lâu, cường độ vận động không nhiều nên đôi khi rất lạnh nếu bạn mặc không đủ ấm.
– Thắt lưng chì : đòi hỏi cực kỳ chính xác « khi nổi – không chìm ; khi chìm – không nổi » bởi vì sau khi phát hiện cá quan trọng nhất là tiếp cận được nó một cách bí mật để đạt được mục đích này yêu cầu bạn phải điều chỉnh sự chìm, nổi trong nước của cơ thể một cách tuyệt vời nhất, vì vậy ngoài kỹ thuật của bản thân thì trọng lượng của thắt lưng chì là yếu tố quyết định.
Xin nêu một ví dụ rất hay thường gặp. Bạn đang thực hiện kỹ thuật tìm kiếm trong một đám rong rêu, bạn đang nổi trên mặt nước, bạn phát hiện một con cá phía dưới, góc bắn và khoảng cách chưa đủ để bắn, thực hiện chúi đầu thì không được vì ngay phía dưới là rong rêu, làm thế nào để từ từ chìm xuống mà không làm động con cá, một giải pháp thích hợp trong trường hợp này là thở hết hơi trong phổi ra, người bạn sẽ chìm xuống như một khúc gỗ nặng, cơ hội tốt có thể sẽ đến với bạn. Để thực hiện được động tác này trọng lượng của thắt lưng chì đòi hỏi rất chính xác.
Nên đeo chì ở cổ chân, vì nếu cổ chân không có chì chân nhái sẽ luôn có phần nổi trên mặt nước, khi bạn di chuyển trên mặt nước sẽ gây tiếng bì bõm làm cá cảnh giác, khi bạn lặn sát đáy để tìm cá chân nhái cũng vểnh lên rất dễ làm lộ mục tiêu.
– Súng bắn cá : nên chọn loại súng bắn cá có chiều dài súng (không kể mũi tên nhé) từ 90 cm đến 110 cm, dùng 2 sợi caosu là tốt nhất, không nên dùng cuộn dây giữ mũi tên. Lý do lựa chọn như vậy có thể giải thích như sau : đối với áp dụng kỹ thuật tìm kiếm, khoảng cách đến mục tiêu không quá gần (như bắn cá trong hang) cũng không quá xa (như kỹ thuật bổ nhào) nên ta dùng súng có độ dài trung bình là tốt nhất. Nếu súng quá ngắn 75 cm chẳng hạn tầm hiệu quả dưới 2 m, không hữu dụng vì rất ít khi bạn có thể tiếp cận được với mục tiêu ở cự ly 2 m. Nếu súng quá dài trên 110 cm, nhiều khi gặp cá bất ngờ bạn không kịp chuyển hướng mũi súng về phía mục tiêu, hoặc chuyển hướng chậm, hoặc làm động làm cá chạy mất (bạn nhớ là bạn đang ở dưới nước nhé). Khi luồn lách qua các đám rong rêu, giữa các tảng đá, súng dài quá cũng gây nên cản trở không ít. Cũng có rất nhiều người sử dụng 2 súng một lúc trong khi áp dụng kỹ thuật tìm kiếm, mỗi súng chĩa về một hướng để không cấn phải đảo hướng mũi súng khi bất ngờ gặp cá. Việc sử dụng 2 súng còn có một tác dụng nữa là : đôi khi bạn bắn trượt, con cá bạn bắn sẽ phóng vụt đi sau đó sẽ quay ngay trở lại, trường hợp này thường hay sảy ra với loại cá ăn các loại động vật khác như cá con, tôm v.v .. khi bị bắn trượt nó giật mình phóng vụt đi nhưng chưa rõ được nguyên nhân nguy hiểm có thể nó sẽ quay ngay trở lại (có lẽ là vì tò mò) nếu bạn có khẩu súng thứ 2, bạn có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình.
Thêm một vấn đề khi thực hiện kỹ thuật tìm kiếm thường thực hiện ở vùng nước không quá trong, có nhiều địa hình, nhiều vật cản nên khoảng cách với mục tiêu thường không quá xa từ 2 m đến 5 m, nên chọn súng có tầm hiệu quả đến 5 m là được, chọn loại quá mạnh rất có thể làm gãy mũi tên do bắn phải các vật cản.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp khác, ví dụ như ở vùng biển ấm, ở những rặng san hô, nước thường rất trong tầm nhìn hàng chục met thì lại khác, những vùng biển này thường có rất nhiều loại cá ta hoàn toàn có thể lựa chọn, con nào ngon nhất, con nào to nhất để bắn, nhiều lúc cũng chẳng thèm bắn nữa vì nhiều cá quá cũng chẳng biết để làm gì. Trong trường hợp đó bạn có thể chọn loại súng mạnh để bắn cá to ở khoảng cách xa.
– Phao báo hiệu và móc treo cá : nên dùng phao báo hiệu loại nhỏ để tiện cho việc kéo theo và không ảnh hưởng khi lặn xuống. Không nên dùng dây kéo phao có màu sắc quá nổi, không quá dài và không quá ngắn. Nên sử dụng móc treo cá loại treo ở phao báo hiệu cho đỡ vướng khi di chuyển.
– Ống thở và kính lặn : không nên sử dụng ống thở có van thoát hơi vì dễ làm cá chú ý, khi lặn tìm kiếm nên nhả ông thở ra để có thể ém hơi tốt hơn, cũng không để bọt khí thoát ra làm cá chú ý.
Kính lặn : nên chọn loại nguỵ trang tốt nhất, bởi vì là tìm kiếm nên góc nhìn và độ chuẩn xác rất quan trọng vì vậy bạn nên chọn loại kính lặn có góc nhìn lớn nhất. Các loại kính lặn chỉ có một mặt kính là loại có góc nhìn lớn hơn loại có hai mắt kính riêng biệt. Nếu bạn nào bị cận hoặc viễn nên chọn loại mắt kính phù hợp để nhìn được tốt nhất.
– Chân nhái : về chân nhái không có đòi hỏi quá cao, dùng loại trung bình là được, loại có chiều dài từ 50 cm đến 75 cm bằng nhựa, không nên chọn loại bằng caosu, loại này thường hơi nặng khi đập gây tiếng động làm cá chú ý. Tuy nhiên nếu bạn dư giả kinh tế thì chọn loại bằng carbon vẫn là tốt nhất.
3. Kỹ thuật tìm kiếm áp dụng trong trường hợp nào và cho những ai ?
– Trong trường hợp bạn lặn bắn cá ở vùng biển lạ. Nếu bạn đến một nơi mà bạn chưa từng lặn, không có ai hướng dẫn hoặc chỉ dẫn cho bạn, bạn bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật tìm kiếm. Cá cũng giống như người chúng cũng sống tập trung, có nơi kiếm ăn, có nơi vui chơi, có nơi cư trú vì vậy tìm kiếm được nơi, thời gian chúng tụ tập là rất khó, cách tốt nhất là quan sát và ghi nhớ. Chính vì vậy mà đa số dân lặn bắn cá thường thích lặn ở những nơi mình quen thuộc, hoặc đi chỗ khác cũng cần có chiến hữu quen biết nơi đó đi cùng. Còn nếu cứ tìm loạn thì đến 90% là công toi, bởi vì nhiều đoạn hàng trăm met cũng chỉ có khoảng chục met là có cá thôi, những chỗ khác nhiều khi một con cũng không có. Vì vậy đến vùng biển lạ kỹ thuật áp dụng tốt nhất là kỹ thuật tìm kiếm , thận trọng di chuyển, quan sát, tiếp cận, bắn và ghi nhớ vị trí cho lần sau.
– Ở vùng biển cá không tập trung, thường là ven bờ, khi cá vào kiếm ăn thường không quá tập trung mà tương đối rải rác ví dụ như trong một bãi đá ngầm, một vạt rong rêu, một chiếc tàu chìm, ….. lúc đó áp dụng kỹ thuật tìm kiếm là thích hợp nhất.
– Đặc biệt vùng biển có nhiều đám rong rêu giống như rừng cây ở dưới nước, đây là kỹ thuật thích hợp nhất để áp dụng. Cũng có người giảt thích kỹ thuật đi săn của người Ấn độ là luồn lách trong ngững rừng cây nhiệt đới để tìm kiếm thú săn nên xuất phát từ sự giống nhau của kỹ thuật tìm kiếm trong trong đám rong rêu nên mới gọi kỹ thuật này là ‘’indienne’’.
– Thực hiện lặn chữ V ở vách đá dựng đứng.
– Bắn cá trên cát, các loại cá chuyên kiếm ăn sát trên mặt cát, như mực, cá đuối, một số cá dẹt như cái đĩa. Những loại cá này thường ít di chuyển, chúng thường cố định một chỗ, lợi dụng màu sắc của mình hoặc chui xuống cát để ẩn nấp. Nếu bạn không quan sát kỹ sẽ rất khó nhận ra chúng, nhưng nếu nhận ra chúng thì lại rất dễ bắn vì chúng rất it bỏ chạy, bạn có thể tiến đến rất gần và thoải mái ngắm bắn. Thậm trí bạn có thể săn chúng bằng các loại xiên cá.
– Người nên áp dụng kỹ thuật tìm kiếm : tất nhiên là cho tất cả mọi người, không ai cấm mình áp dụng cả. Nhưng cũng có một số gợi ý sau : vì đây là kỹ thuật tự nhiên nhất, dễ thực hiện nhất và cũng là tổng quát nhất, đòi hỏi cũng không cao nên đa số những người mới chơi, người lớn tuổi, các bạn nữ, những người nín thở không đủ lâu, không thích đau tai vì lặn sâu thường áp dụng kỹ thuật này. Còn nữa, những người thích cảnh đẹp dưới biển, trên súng còn gắn một cái Gopro HERO, vừa tìm kiếm, vừa ngắm cảnh, vừa có thể quay phim, chụp ảnh. Với họ kỹ thuật tìm kiếm là kỹ thuật áp dụng lý tưởng nhất.
– Những người ít áp dụng kỹ thuật tìm kiếm : thường các ‘’cao thủ’’ ít áp dụng kỹ thuật tìm kiếm. Lý do : mất thời gian, ít được cá to quan trọng nhất là ít thử thách. Các tay lặn bắn cá lâu năm thường thích áp dụng kỹ thuật phục kích và kỹ thuật bổ nhào hơn. Lý do : họ biết những điểm cá tập trung, họ có khả năng lặn sâu và thời gian nhịn thở dài, có bộ đồ nghề tốt súng dài, chân nhái tốt, mỗi lần đi lặn chỉ cần bắn vài phát là đủ.
4. Áp dụng kỹ thuật tìm kiếm như thế nào
Tìm kiếm trong đám rong rêu : tìm kiếm trong đám rong rêu chủ yếu có hai cách.
Cách thứ nhất tìm kiếm ở phía trên, cách này áp dụng khi rong rêu không ở quá sâu, bơi ở trên mặt nước ta cũng có thể nhìn thấy cá ở trong đám rong rêu. Thực hiện kỹ thuật này ta bơi thật nhẹ nhàng, thở cũng thật nhẹ nhàng phía trên đám rong rêu, tìm kiếm đám cá ở phía dưới, nên tìm kiếm ở những đám rong rêu ở phía bên cạnh mình (mình có thể nhìn chéo sang) vì đám rong rêu ngay phía dưới mình rất khó nhìn, hơn nữa bắn thẳng từ trên xuống mà không có góc lệch rất khó trúng vì lưng cá thường mỏng và cong. Những đám cá ăn rong rêu hay cá ăn các loại cá con, tôm thường đứng im bất động trong đám rong rêu để rình mồi cho nên ta phải quan sát thật kỹ. Rất nhiều trường hợp những con cá vụt đi chỉ cách mình một sải tay. Nhiều con cá mình có thể bắn ở khoảng cách rất gần, có lẽ nó mải rình mồi nên không nhìn thấy mình, cũng có thể nó nghĩ là nó đã ẩn nấp rất tốt trong đám rong rêu nên yên tâm không tránh đi. Rất nhiều lần tôi đã gặp những con cá như vậy, thậm trí còn nhìn rõ nó đảo mắt nhìn mình mà vẫn không chạy đi. Trong trường hợp gặp cá như vậy phải hết sức bình tĩnh, không nên có cử chỉ đột ngột như quay ngay mũi súng về phía nó, quay đầu hoặc đập chân. Cần phải nhẹ nhàng, từ từ rê mũi súng về phía nó, cố gắng nhịn thở hoặc thở thật nhẹ. Nếu khoảng cách chưa đủ gần thì không nên tiến thẳng lại phía nó mà nên tiến xéo đi để nó không lo sợ, nên tiến về phía tạo ra góc bắn tốt nhất và tránh được vật cản phía sau con cá. Có nhiều dân lặn bắn cá nói rằng khi tiếp cận cá không nên nhìn chằm chằm vào nó, hi hi có lẽ là để nó không cảm nhận được ‘’sát khí’’, còn có áp dụng hay không là tuỳ ý các bạn.
Có rất nhiều trường hợp bạn không nhìn thấy toàn bộ con cá mà chỉ nhìn thấy một phần nhỏ, đuôi chẳng hạn, đây thường là một trường hợp khá lý tưởng vì như vậy là cá cũng không nhìn thấy mình, bạn có thể tiến lại gần nó mà nó không biết, mặc dù bạn bắn ra theo kiểu ước chừng nhưng kết quả thường rất khả quan (có thể bắn xuyên qua đám rong rêu che khuất). Tất nhiên nếu nó khuất sau tảng đá chỉ thò một mẩu đuôi ra thì bạn phải suy nghĩ kỹ vì bắn vào một mẩu đuôi là rất khó.
Với đám rong rêu quá rậm rạp thì dùng đèn hỗ trợ cũng rất hiệu quả.
Cách thứ hai áp dụng kỹ thuật tìm kiếm trong đám rong rêu là lặn sát đáy, khi lặn nên tháo dây kéo phao ra, không nên dùng chân nhái quá dài, súng luôn luôn hướng về phía trước và sẵn sàng bắn vì bạn sẽ có thể đối đầu với cá một cách rất bất ngờ. Bạn nên lặn xuống sát mặt đất, di chuyển theo các khoảng trống giữa các đám rong rêu, không nên chui vào giữa vì chắc chắn là bạn sẽ mắc kẹt hoặc làm đám rong rêu rung động mạnh làm cá chạy mất. Khi di chuyển không nên dùng chân nhái vì sẽ làm bùn, rác, cát ở dưới đáy cuộn lên làm cá chú ý, bạn có thể di chuyển bằng cách chống nhẹ tay xuống đất, chỉ cần một lực rất nhỏ cũng đủ đẩy người bạn tiến lên vì dưới nước trọng lượng của bạn rất nhẹ, quan trọng nhất là hết sức nhẹ nhàng và bí mật. Khi ở trong đám rong rêu nếu nhìn thấy cá nằm ngược hướng với hướng của mũi súng thì tốt nhất là nên bỏ qua, vì bạn quay mũi súng lại chắc chắn sẽ động vào đám rong rêu làm nó chạy mất, cứ tiếp tục tiến lên có thể sẽ gặp con khác, hoặc chính con đó sẽ lại xuất hiện trước mũi súng của bạn. Có rất nhiều trường hợp cá chỉ cách mình 1 m nhưng cũng chỉ đành nhìn thôi, bắn cá ở trước mặt hoặc bắn từ dưới lên là lý tưởng nhất. Tóm lại, khi lặn vào đám rong rêu, trong vòng một hơi thở, phân tích nhanh địa hình xung quanh, tìm kiếm và quyết định trong tích tắc đó là một quá trình, thành công hay không đôi khi còn có chút may rủi. Động tác nổi lên cũng rất quan trọng, thường có hai động tác cơ bản, một là đẩy mạnh tay xuống đất làm mình từ từ nổi thẳng lên, nghỉ vài hơi rồi lại lặn xuống tiếp nếu bạn tiếp tục lặn trong đám rong rêu này, hai là đẩy tay để tách khỏi mặt đất sau đó lướt xéo qua đám rong rêu và bắn ngay khi có mục tiêu, có rất nhiều ‘’cao thủ’’ thích động tác này vì nó đòi hỏi phản xạ nhanh, bắn ước lượng phải chính xác, động tác này thường thực hiện khi bạn quyết định rời khỏi đám rong rêu này chuyển sang đám rong rêu khác, vì động tác này sẽ làm đám cá xung quanh lẩn trốn hết. Lặn vào đám rong rêu bạn nên lưu ý không nên nổi lên vào giây cuối cùng vì như vậy sẽ rất nguy hiểm, rong rêu quấn vào người, vào cổ chân, vào súng, v.v.. nên quan sát trước đường lên để tránh gặp tai nạn.
Thực hiện kỹ thuật tìm kiếm trong đám rong rêu thích hợp khi biển lặng, nước tương đối trong, còn khi biển động đáy cuộn lên bùn và rác rất khó nhìn, chui vào đám rong rêu cho dù có đèn cũng vô ích, khi gặp thuỷ triều lớn thường tạo thành các dòng hải lưu có sức trôi rất mạnh làm đám rong rêu rạp về một phía ta cũng khó áp dụng kỹ thuật này.
Áp dụng kỹ thuật tìm kiếm giữa bãi đá hoặc tầu chìm :
Với địa hình đáy biển mấp mô, nhiều tảng đá lớn, trong hoặc xung quanh các tầu chìm, cá thường hay kiếm ăn ở giữa những tảng đá, trong các khe đá, sau các mô đất, những chỗ đất trũng xuống, những bãi cát nhỏ giữa các tảng đá, trong các khoang, phòng của tầu chìm, trên bong tàu hoặc ở hai bên sườn tầu. Áp dụng kỹ thuật tìm kiếm trong trường hợp này là di chuyển gián đoạn, bạn nên vừa di chuyển vừa ẩn nấp, ví dụ như di chuyển đến sau một tảng đá sau đó từ từ quan sát phía sau tảng đá đó và sẵn sàng bắn ngay khi thấy mục tiêu. Cá trong các trường hợp này thường sẽ bỏ chạy ngay sau khi phát hiện mình, vì vậy bắn nhanh trong trường hợp này là yếu tố khá quan trọng.
Nếu tìm kiếm cá trong các tàu chìm bạn nên hết sức lưu ý, có nhiều cạnh sắc được che dấu dưới lớp rêu, những con hà bám vào vỏ tàu rất sắc. Không nên lặn vào các khoang tàu nếu bạn không thuộc địa hình. Nếu gặp đàn cá trong một phòng trên tàu thì phải để cho nó có đường ra đừng để nó phóng ngược vào mặt mình. Khi di chuyển giữa các tảng đá nên nép sát vào một bên để có thể nhanh chóng ẩn nấp nếu thấy cá bơi về hướng của mình hoặc tránh để cho các con cá khác nhìn thấy mình. Bắn cá giữa các tảng đá thường có tầm nhìn xa hơn bắn cá giữa đám rong rêu, chuyển hướng mũi súng cũng dễ hơn nên ta có thể dùng súng dài hơn một chút từ 100 cm đến 120 cm. Tuy nhiên nếu kết hợp với bắn cá trong hang thì lại khác, nhưng bạn có thể sử dụng hai súng mà hi hi. Nếu bạn có khả năng nên chọn loại chân nhái tương đối tốt một chút, và dài từ 85 cm trở lên, với chân nhái tốt khi đập sẽ êm hơn, độ đàn hồi tốt hơn giúp bạn nhanh chóng di chuyển từ tảng đá này sang tảng đá khác. Bạn có thể không cần tháo dây kéo phao ra nhưng không nên dùng dây kéo phao có màu sắc quá nổi.
Áp dụng kỹ thuật tìm kiếm với địa hình là một vách đá dựng đứng.
Một vách đá dựng đứng thường thu hút loại cá ăn rong rêu và các loại cá ăn ốc, cua nhỏ, v.v.. sống bám trên vách đá. Để áp dụng kỹ thuật này ta lặn hình chữ V dọc theo vách đá, bạn nên chú ý thường là lúc lên dễ bắn được hơn lúc xuống, vì vậy bạn nên chọn hướng xuống là hướng có ít cá hơn (theo kinh nghiệm của bạn tại vách đá này) và ngược lại. Có lẽ bọn cá khi kiếm ăn trên vách đá luôn luôn cảnh giác lên phía trên, còn phía dưới do tối hơn lại khuất tầm mắt nên chúng khó phát hiện ra mình. Nếu hai hướng đều như nhau về lượng cá thì nên chọn hướng xuống là hướng có mặt trời, cá chói mắt khó phát hiện ra ta hơn và ngược lại. Trong mọi trường hợp, nếu có dòng chảy thì phải lặn thuận theo dòng chảy. Khi di chuyển ta cũng nên di chuyển gián đoạn, quan sát kỹ, thận trọng có thể có đàn cá bơi ngang qua đầu. Phải canh hơi cho chuẩn đừng để đang lúc nổi lên thì hết hơi phải tăng tốc thì cá chạy hết. Một lưu ý nữa : đồng đội của ta có thể đang lặn xuống, đừng để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Nên tránh xa những vách đá có khả năng có đá rơi, đá lở.
Với kỹ thuật tìm kiếm yếu tố quyết định sự thành công là khả năng tàng hình của người thợ lặn. Nếu mình nhìn thấy cá trước : có khả năng thành công, cá phát hiện ra mình trước hầu như không có khả năng thành công, cùng nhìn thấy cá bỏ chạy và mình bắn theo vội vàng hầu như 99% là trượt.