1. Kỹ thuật bổ nhào (FR : coulée ; En : drifting)

Kỹ thuật bổ nhào có thể được mô tả như sau : Sau một động tác chúi đầu, bạn lặn thẳng đứng xuống, súng giơ thẳng về phía trước và sẵn sàng bắn ngay khi có cá. Trong quá trình lặn bạn cũng quan sát cá ở phía dưới nếu thấy con nào thì đổi hướng về phía con đó, súng cũng hướng thẳng về phía mục tiêu, tăng tốc và bắn ngay khi có thể. Bạn có thể hình dung kỹ thuật bổ nhào giống như kỹ thuật bắt mồi của chim bói cá, nhanh, trực tiếp và dứt khoát.

Sơ đồ kỹ thuật bổ nhào.

Kỹ thuật bổ nhào có thể kết hợp với kỹ thuật tìm kiếm, trong khi tìm kiếm nếu thấy cá ở dưới sâu ngoài tầm bắn bạn có thể áp dụng kỹ thuật bổ nhào để kết thúc. Kỹ thuật bổ nhào cũng có thể kết hợp với kỹ thuật bắn cá trong hang trong khi áp dụng kỹ thuật bổ nhào nếu thấy cá chui vào hang hoặc nhìn thấy hang nào đó, bạn có thể áp dụng kỹ thuật bắn cá trong hang .

2. Bộ đồ nghề thích hợp cho kỹ thuật bổ nhào.

Bộ đồ lặn : kỹ thuật bổ nhào là kỹ thuật bắn cá ở dưới sâu nên bộ đồ lặn nên chọn màu tối, yêu cầu về màu sắc nguỵ trang không quá khắt khe như kỹ thuật tìm kiếm và kỹ thuật phục kích, nhưng nếu có màu sắc phù hợp với màu sắc của môi trường càng tốt. Thực hiện kỹ thuật này có lượng vận động cao, xuống và lên ngay nên không đòi hỏi quá cao về chức năng giữ ấm, có thể mặc bộ đồ lặn mỏng hơn một chút so với kỹ thuật tìm kiếm và kỹ thuật phục kích. Mặc bộ đồ lặn mỏng hơn giúp bạn cử động nhẹ nhàng hơn, thắt lưng chì cũng nhẹ hơn, đỡ mất sức hơn khi di chuyển, hít vào được nhiều không khí hơn và nhịn thở được lâu hơn.

Thắt lưng chì : thắt lưng chì bạn nên tính cho độ sâu lặn là ½ độ sâu thực tế. Theo lý thuyết nếu bạn lặn càng sâu thì trọng lượng cần thiết của thắt lưng chì càng giảm, vì vậy nếu bạn nếu bạn định lặn tới độ sâu 12 m, thì bạn nên tính trọng lượng cho thắt lưng chì ở độ sâu 6 m, 7 m thôi (nặng hơn một chút so với tính cho 12 m). Nếu bạn tính toán đúng thì khi bạn lặn đến độ sâu ½ cần thiết thì bạn sẽ không cần đập chân nhái nữa, bạn sẽ chìm từ từ giống như ‘’rơi tự do’’ xuống vậy. Đây là một yếu tố rất quan trọng cho việc tiếp cận mục tiêu một cách im lặng nhất. Nếu thắt lưng chì quá nhẹ bạn sẽ phải đập chân liên tục, cá sẽ chạy mất, nếu thắt lưng chì quá nặng bạn sẽ ‘’rơi tự do’’ quá nhanh, bạn sẽ không đủ thời gian để đổi hướng và ngắm bắn, khi nổi lên cũng mất sức hơn. Đòi hỏi về thắt lưng chì cũng không quá cao, chỉ cần loại thắt lưng chì thông thường là được, không cần chì ở cổ chân. Tuy nhiên vì là bạn lặn thẳng đứng nên thắt lưng chì rất dễ bị tụt lên ngực vì vậy bạn phải thắt chặt hơn hoặc dùng loại thắt lưng bằng caosu.

Súng bắn cá : Bạn nên chọn súng bắn cá càng dài càng tốt, càng mạnh càng tốt vì vậy nên chọn loại từ 110 cm trở lên (ít nhất cũng phải 100 cm) và có 2 sợi dây caosu. Lý do : vì áp dụng kỹ thuật bổ nhào bạn thường bắn cá từ xa. Nếu cá bạn bắn tương đối lớn (từ 1kg trở lên) thì nên dùng súng có cuộn dây giữ mũi tên vì bắn ở dưới sâu nhiều khi bạn không có đủ thời gian để kéo cá vào đã phải nổi lên lấy hơi vì vậy bạn cần phải có cuộn dây để giữ cá. Nếu bạn kết hợp với bắn cá trong hang thì bạn có thể mang theo một súng ngắn nữa, khi bắn cá trong hang bạn có thể bỏ lại súng dài ở dưới đáy biển, nếu không kịp lấy lên bạn có thể để đến lần lặn tiếp theo. Bạn cũng có thể gắn camera trên súng để quay lại cảnh săn đuổi và bắn cá.

Kính lặn và ống thở : kính lặn trong kỹ thuật bổ nhào cũng không đòi hỏi cao, chỉ cần kín không để nước vào và nhìn rõ là được, dùng kính hai mắt hay một mắt đều được. Một lưu ý khi lựa chọn kính lặn cho kỹ thuật bổ nhào là bạn phải chọn loại kính lặn dễ dàng cân bằng áp vì kỹ thuật bổ nhào thường áp dụng ở độ sâu tương đối lớn (đọc thêm bài Kính lặn)  Lưu ý : kỹ thuật bổ nhào cần phải phát hiện ra cá từ xa và thật nhanh nên đòi hỏi bạn phải tinh mắt tức là nếu bạn bị cận thị thì nên đeo kính lặn có độ phù hợp với mắt của bạn.

Ống thở cũng không có đòi hỏi gì đặc biệt, dùng loại ống thở thông thường nhất là được, khi lặn xuống bạn nên nhả ống thở ra khỏi miệng để ém hơi tốt hơn và không lọt bọt khí ra ngoài. Khi nổi lên thì nên ngậm lại ống thở để rút ngắn một chút thời gian có thể đổi hơi.

Phao báo hiệu và móc treo cá : bạn nên dùng phao báo hiệu loại lớn, nếu dùng phao báo hiệu loại nhỏ thì cũng phải có dây dài và mỏ neo nhỏ để neo phao báo hiệu, vì bạn phải lặn sâu nên thường phải tháo dây giữ phao báo hiệu ra và neo phao cách xa chỗ bạn lặn để đám cá không bị mỏ neo và dây neo doạ chạy mất. Nếu bạn kéo theo dây giữ phao báo hiệu thì bạn lặn xuống rất chậm, nhiều lúc không chuyển sang chế độ ‘’rơi tự do’’ được và tốn rất nhiều sức. Trường hợp áp dụng kỹ thuật bổ nhào trong khe đá nếu có sợi dây giữ phao báo hiệu rất nguỵ hiểm vì sợi dây rất dễ kẹt vào đá.

Nếu bạn dùng phao báo hiệu loại lớn thì nên dùng móc cá loại treo ở phao báo hiệu, cần giảm bớt tới mức tối đa những gì vướng víu trên người để lặn xuống và nổi lên nhanh nhất và im lặng nhất nên bạn không nên dùng móc treo cá loại quấn quanh bụng.

Chân nhái : chân nhái là đồ nghề yêu cầu cao nhất trong tất cả các kỹ thuật lặn bắn cá. Chân nhái cần phải dài ít nhất từ 75cm trở lên, càng dẻo càng tốt vì khi lặn cần nhanh nhưng lại phải êm. Dùng chân nhái carbon là tốt nhất vì nó rất dẻo lại đàn hồi rất tốt, nhẹ nhưng trọng lượng riêng lại lớn, không bám nước nên khi lặn rất êm. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của chân nhái carbon là quá đắt.

3. Kỹ thuật bổ nhào áp dụng trong trường hợp nào ? Cho những ai ?

Từ những thập niên 70 trở về trước kỹ thuật bổ nhào được áp dụng nhiều vì khi đó cá còn nhiều và ít sợ người hơn, dân lặn bắn cá chỉ cần quen biết một số vị trí, lặn thẳng xuống là bắn, cá thì lại rất to. Nhưng đến nay kỹ thuật này không còn được áp dụng rộng rãi bởi vì cá không còn nhiều, 10 lần lặn xuống chưa chắc đã được 2 lần gặp cá, cá bây giờ lại rất tinh khôn, hơi động một chút là chạy mất nên kết quả thường không được tốt lắm. Mỗi lần lặn thường rất sâu, thường từ 12m đến 26m nên rất mệt, nếu bạn không bắn được cá sẽ rất chóng chán. Vì vậy kỹ thuật bổ nhào chỉ thường được áp dụng ở những vùng biển tương đối hoang sơ như châu Phi chẳng hạn, hoặc bạn phải có ca-nô, thuyền đi ra những đảo xa ít người đánh bắt cá thì mới áp dụng được.

Kỹ thuật bổ nhào.
Kỹ thuật bổ nhào.

Kỹ thuật bổ nhào được áp dụng ở những vùng biển bạn quen thuộc cũng như hầu hết các kỹ thuật lặn bắn cá khác, bạn cần phải biết những điểm cá tập trung để lặn, thêm một đặc điểm nữa là cá bạn bắn thường ở rất sâu, bạn thường khó phát hiện ra khi bạn còn ở trên mặt nước nên bạn lại càng phải cần quen biết vùng biển này hơn.

Thường được áp dụng với những vùng biển nước trong, tầm nhìn xa và sâu. Ở những vùng biển nước trong nhiều khi bạn có thể nhìn thấy cá ở phía dưới, nhưng thường thì chỉ khi bạn lặn tới những độ sâu tương đối, cách đáy biển khoảng 10m bạn mới phát hiện ra cá, nếu nước đục thì bạn không thể phát hiện được.

Thường được áp dụng với vùng biển có đáy biển tương đối bằng phẳng ví dụ như bãi cát, bãi cỏ, đám rong rêu thấp, bãi đá nhỏ, địa hình đa dạng, rặng san hô, v.v.. Lý do ở địa hình bằng phẳng bạn có thể dễ dàng phát hiện ra cá từ xa và chuyển hướng về phía chúng.

Thường được áp dụng ở những khe đá sâu và hẹp. Đây cũng là một nơi bọn cá thường hay tập trung kiếm ăn và nghỉ ngơi.

Những cao thủ lặn bắn cá thường thích áp dụng kỹ thuật bổ nhào bởi vì nó đòi hỏi phải có kỹ thuật lặn và bắn tốt. Phải thích nghi được ở độ sâu từ 20m trở lên, cũng đòi hỏi phải có khả năng nhịn thở lâu từ 2mn trở lên. Tuy nhiên bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật bổ nhào ở những độ sâu ít hơn nhưng vấn đề là phải có cá cho bạn bắn mới được. Có thể chuyển hướng bằng cơ thể chứ không phải bằng tay hoặc chân nhái, có thể tăng tốc hoặc giảm tốc độ lặn xuống.

Yêu cầu về bộ đồ nghề cũng rất quan trọng như độ dài và sức bắn của súng, bạn thường phải bắn cá ở cự li 4m đến 6m kể từ đầu súng, chiều dài và chất lượng của chân nhái giúp bạn lặn xuống và nổi lên nhanh nhất, đỡ tốn sức nhất, những người mới chơi thường không có đủ bộ đồ nghề thích hợp cho từng kỹ thuật lặn bắn cá.

Kỹ thuật bổ nhào được áp dụng cho luyện tập lặn bắn cá : đây là một kỹ thuật áp dụng liên tục các động tác quan trọng trong môn thể thao lặn bắn cá nên được rất nhiều người áp dụng để luyện tập cho môn thể thao này. Bạn hãy chọn một vùng biển trong (thường phía dưới là cát để bảo vệ mũi tên), ở một độ sâu thích hợp với bạn, bạn có thể tăng dần độ sâu khi luyện tập. Bắt đầu bằng một động tác chúi đầu, nhả ống thở ra khỏi miệng, lặn thẳng đứng, chân nhái vẫy nhẹ, súng giơ thẳng về phía trước, báng súng che mặt, một tay khác cũng che mặt, bịt mũi để điều chỉnh áp suất ở tai, chuyển sang chế độ ‘’rơi tự do’’, chuyển hướng bằng thân thể, tăng hoặc giảm tốc độ ‘’rơi’’, mục tiêu có thể là lũ cá con hoặc là mục tiêu do bạn tự tạo ra, ngắm và bắn khi đang ‘’rơi tự do’’, sau đó nổi lên nghỉ một chút rồi lại tiếp tục cho lần lặn sau. Chú ý, không nên vượt quá sức của mình, tăng độ sâu và thời gian nhịn thở từ từ.

4. Thực hiện kỹ thuật bổ nhào như thế nào ?

Trước hết bạn phải xác định được điểm lặn, thường là vị trí mà bạn đã quen biết thường có cá tập trung. Kỹ thuật bổ nhào thường áp dụng ở những vùng nước trong có tầm nhìn trên 10m. Tại điểm lặn đã chọn bạn bắt đầu lặn thẳng đứng xuống đáy. Có hai trường hợp : trường hợp thứ nhất bạn đã phát hiện mục tiêu từ phía trên mặt nước, bạn tiến thẳng về phía mục tiêu, súng hướng về phía mục tiêu và sẵn sàng bắn, khi mục tiêu di chuyển thì hướng mũi súng theo, tự nhiên cánh tay cầm súng và thân hình bạn cũng thay đổi theo hướng cá di chuyển. Tuy nhiên nếu cá phóng vụt đi khỏi tầm nhìn của bạn thì bạn đã mất mục tiêu, hãy đi tìm mục tiêu khác. Nếu mục tiêu vẫn trong tầm kiểm soát của bạn thì nên để mình ở trạng thái ‘’rơi tự do’’ khi gần đến mục tiêu để cá không giật mình. Ngắm và bắn ngay khi đang ‘’rơi tự do’’, lý do vì : bạn rất khó dừng lại khi đang rơi tự do mà cá không phát hiện ra bạn. Trường hợp thứ hai, cũng là trường hợp hay xảy ra nhất, bạn chọn được điểm lặn như vì độ sâu vượt quá tầm nhìn, bạn không thể phát hiện ra cá khi bạn còn đang ở trên mặt nước. Bạn cũng lặn thẳng xuống cho đến khi bạn nhìn thấy rõ (hoặc gần nhìn thấy rõ) đáy biển, bạn bắt đầu chuyển sang trạng thái ‘’rơi tự do’’ đồng thời tìm kiếm mục tiêu, khi thấy mục tiêu thì chuyển hướng về phía đó, cố gắng chuyển hướng bằng khẽ uốn hoặc xoay người, hạn chế tới mực thấp nhất dùng tay và chân nhái. Khi lặn xuống và khi ”rơi tự do” súng dang thẳng về phía trước, vươn xa nhất có thể, mũi, thân, báng súng thẳng hàng với mặt mình làm sao cho súng và báng súng che bớt một phần khuôn mặt. Bạn nên cầm súng một tay, tay kia che lên mặt, thường để giữ lấy caosu kính lặn phần ở ngay lỗ mũi vì khi thay đổi áp suất đây là chỗ hay lọt nước vào nhất, cũng có thể dùng tay bóp mũi thở ra để cân bằng áp lực trong tai nếu bạn đau tai khi lặn sâu, hoặc thực hiện kỹ thuật cân bằng áp cho kính lặn. Động tác che mặt cũng có tác dụng nguỵ trang, hai chân nhái nên khép sát vào với nhau để bạn trở thành nhỏ nhất. Bạn có thể quan sát kỹ động tác này nếu bạn lặn xuống, nằm ngửa ở dưới đáy nước nhìn lên trên quan sát một chiến hữu thực hiện động tác này. Để tăng tốc lặn xuống bạn có thể sử dụng chân nhái bằng cách hơi lắc nhẹ hông hoặc vẫy nhẹ cổ chân, tránh dùng động tác đập chân. Để giảm bớt tốc độ ”rơi tự do” bạn có thể co đùi lên vuông góc với bụng hoặc gập bàn chân lên thay vì duỗi thẳng. Nếu mục tiêu của bạn quá xa so với điểm ”rơi tự do” của bạn thì bạn đành phải xuống sát đáy sau đó di chuyển ngang về phía mục tiêu. Khi ”rơi tự do” từ trên xuống, để tiếp cận mục tiêu bạn nên tiếp cận mục tiêu từ phía sau. Lý do mục tiêu sẽ lớn hơn, góc bắn sẽ lớn hơn, cá cũng sẽ không bỏ chạy ngay, nếu có cũng chỉ di chuyển một chút tránh xa bạn thôi. Nếu bạn tiếp cận cá sẽ thường giật mình bỏ chạy rất nhanh, tiếp cận phía sau cá cũng ít phát hiện ra bạn hơn.

Bạn cũng có thể lợi dụng địa hình để tiếp cận mục tiêu, ví dụ bạn phát hiện ra con cá đang kiếm ăn ở một phía của một tảng đá lớn, bạn có thể chọn điểm ”rơi tự do” ở phía bên kia của tảng đá để có thể tiếp cận mục tiêu gần hơn thay vì tiến thẳng về phía mục tiêu làm nó bỏ chạy.

Kỹ thuật bổ nhào.
Kỹ thuật bổ nhào.

Một trường hợp khác cũng rất hay xảy ra, khi bạn xuống gần tới đáy lũ cá bị động sẽ chạy tán loạn, chúng thường chui vào các hang hốc tạm thời ở quanh đó. Nếu nước trong tầm nhìn tốt bạn có thể biết con nào chui vào hang nào và bạn có thể bắn chúng bằng kỹ thuật bắn cá trong hang.

Áp dụng kỹ thuật bổ nhào trong khe hẹp : ở những bờ biển là vách đá thường tạo ra những khe đá hẹp dưới đáy biển, những khe này có khi chỉ rộng chừng 1m có khi rộng hàng chục m, có khi thẳng đứng cũng có khi quanh co, đây cũng là một điểm lặn rất thú vị, cá thường hay tập trung ở những khe đá này. Nếu bạn đến một vùng lạ không biết tìm cá ở điểm nào thì những khe đá này cũng là một gợi ý cho bạn. Cá ở trong các khe này thường hay kiếm ăn ở mọi tầng nước, khác với những vùng biển trống trải cá thường kiếm ăn ở tầng sát đáy vì vậy bạn có thể gặp cá ngay sau khi thực hiện động tác ‘’chúi đầu’’. Khi lặn xuống bạn cũng nên lặn sát vào một bên vách đá nếu khe tương đối rộng, không nên lặn khơi khơi ra giữa khe, lặn sát vách đá bạn cũng có thể dừng lại đột ngột bằng cách bám vào vách đá nếu phát hiện cá ở mục tiêu ở độ sâu ngang với bạn. Nếu bạn chỉ nhìn thấy một nửa người sau của con cá (có thể nó đang đứng im để rình mồi hoặc nghỉ ngơi) hãy dừng lại và thận trọng tiến lại gần, bắn trước khi nó nhìn thấy bạn. Tóm lại, áp dụng ky thuật bổ nhào trong khe đá ngoài việc trực tiếp, nhanh chóng tiến tới mục tiêu bạn còn có thể tận dụng địa hình để tiếp cận mục tiêu một cách hữu hiệu hơn. Khi lặn ở khe đá hẹp bạn phải chú ý tới an toàn, tránh bị mắc kẹt, bị đá rơi, bị sóng dập vào vách đá và phải tính trước đường và thời gian để nổi lên. Trong khe đá bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật lặn chữ V (trong bài Kỹ thuật tìm kiếm) nếu nước không đủ trong.

Nếu mục tiêu của bạn chủ yếu là mực, các loài cá bẹt, cá đĩa, cá đuối sống ở ngay trên mặt cát thì bạn có thể giảm trọng lượng của thắt lưng chì hơn nữa để chìm xuống chậm hơn, bạn có thêm thời gian tìm kiếm chúng, những loài cá này thường rất ít bỏ chạy, chúng thường ẩn mình trong cát hoặc biến đổi màu sắc theo môi trường. Với loại cá này bạn có thể dùng chân nhái và tay để chuyển hướng và điều chỉnh tốc độ rơi, thậm chí chuyển sang tư thế bơi ngang cũng không sao, có thể dừng lại ngắm kỹ và bắn gần.

Nếu luật pháp không cấm bạn có thể dùng lồng mồi nhử (đọc bài Kỹ thuật phục kích) để thu hút cá sau đó bổ nhào xuống đúng vị trí đặt lồng là được.

13-12-2019 / qtn / 1665 lượt xem /