1. Kỹ thuật phục kích (Fr : Agachon ; En : The ambush)

Agachon là một từ lấy từ từ gốc là “agácho” ngôn ngữ miền nam nước Pháp có gốc la tinh là “gachare” có nghĩa là “rình rập”.

Có thể mô tả vắn tắt kỹ thuật phục kích như sau : trước hết tìm vị trí thường xuyên có cá như chỗ cá thường xuyên kiếm ăn, chỗ chúng tập trung tìm bạn tình, giao phối hay sinh sản, v.v.. Làm quen với địa hình nơi đó chọn vị trí phục kích thích hợp. Phục kích chờ đợi cá đến, chọn đối tượng, ngắm chuẩn và bắn. Có thể dụ cá đến bằng nhiều cách từ đơn giản đến phức tạp, tuỳ theo loại cá khác nhau mà có những cách khác nhau.

Sơ đồ kỹ thuật phục kích.

Kỹ thuật này thường chỉ kết hợp với kỹ thuật tìm kiếm.

2. Bộ đồ nghề thích hợp cho kỹ thuật này là :

Bộ đồ lặn : Đã là kỹ thuật phục kích thì tất nhiên bộ đồ nguỵ trang là rất cần thiết, tuỳ vào địa hình mà bạn định phục kích mà bạn lựa chọn màu sắc của bộ đồ lặn cho thích hợp. Màu rằn ri thích hợp cho địa hình phức tạp có cả đá, rong rêu, cát. Màu xanh thích hợp cho phục kích trong cỏ, màu đen thích hợp thích hợp cho phục kích trong đống đá. Sự lựa chọn này tuỳ theo kinh nghiệm và sở thích của mỗi người, tuy nhiên xuống càng sâu ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời càng yếu thì bộ đồ đen hoặc sẫm màu càng có lợi thế. Do nằm phục kích một chỗ nên lượng vận động cũng không nhiều nên bạn cũng nên chọn bộ đồ lặn hơi dày một chút đừng để vừa phục kích vừa run cầm cập.

Thắt lưng chì : vì bạn phải nằm im một chỗ để phục kích nên bạn phải chọn thắt lưng chì hơi nặng hơn một chút để cho lúc lặn xuống nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn, lúc nằm phục kích không bị nổi lên, không bị các cơn sóng làm cho trôi nổi vật vờ. Sử dụng dây đeo chì hoặc áo đeo chì nếu bạn có bởi vì nếu bạn dùng loại thắt lưng chì phổ thông tất cả sức nặng của thắt lưng chì tập trung vào vùng bụng bạn sẽ khó hít hơi vào đầy bụng và ngực, khả năng nhịn thở cũng giảm. Cũng nên dùng chì đeo ở cổ chân để tư thế nằm tương đối thoải mái hơn không bị tình trạng chân bị vểnh lên.

Súng bắn cá : Nên chọn loại từ 90 cm trở lên, tốt nhất là chọn loại 110 cm với hai sợi dây caosu, có quận dây giữ mũi tên hoặc không có cũng không sao. Lý do phải chọn loại súng tương đối dài, tương đối mạnh bởi vì áp dụng kỹ thuật phục kích ta phải bắn tương đối xa, thường từ 2 m trở lên tới 6, 7 m. Tuy nhiên ta có thời gian ngắm bắn, lại có bệ tỳ hoặc tay có chỗ để tỳ cho nên khả năng bắn chính xác sẽ cao hơn. Nếu bạn muốn ghi lại quá trình bắn cá như các clip trên youtube thì bạn có thể gắn camera lên súng và áp dụng kỹ thuật này là hiệu quả nhất. Bạn cũng có thể dùng hai súng, một súng ngắn hơn để bắn những con cá bơi qua ngay trên đầu. Còn nếu chỉ một súng đặt nằm ngang nếu gặp đàn cá bơi ngang ngay trên đầu bạn cũng chỉ đành nhìn chúng nó bơi qua, khi bắn đàn cá bơi ngang qua đầu bạn phải hết sức lưu ý có thể có đồng đội hoặc người lặn bắn cá khác có thể ở ngay phía trên bạn.

Kính lặn và ống thở : kính lặn trong trường hợp này không đòi hỏi phải có góc nhìn rộng, nên dùng loại hai mắt kính để giảm bớt phản quang khi gặp ánh nắng mặt trời, nên dùng màu đen, màu sẫm để nguỵ trang tốt nhất. Lựa chọn loại thích hợp nhất với khuôn mặt để tránh cho nước lọt vào, bởi vì lặn lâu mà nước lọt vào sẽ rất khó chịu, nhiều khi chưa hết hơi cũng phải nổi lên vì nước lọt vào kính. Ống thở nên chọn loại đơn giản nhất, không cần loại có van thoát khí, không cần nắp che nước, đường kính lớn nhất có thể, nhiều người còn bỏ cả ống thở để khỏi vướng mục đích là để hít hơi vào được nhiều nhất, nhanh nhất và đỡ tốn sức nhất. Khi bắt đầu lặn xuống thì nhả ống thở ra, mục đích tránh lọt hơi thở ra làm cá chú ý, đối với các bạn luyện yoga làm tăng thời gian nhịn thở có thể di chuyển không khí từ bụng lên ngực, lên miệng sau đó lại dồn xuống làm tận dụng hết lượng oxy trong số khí mình hít vào và tạo hiện tượng hô hấp giả đánh lừa khả năng chịu đựng của cơ thể.

Phao báo hiệu và móc treo cá : nếu điểm phục kích không nhiều thì nên dùng loại phao báo hiệu loại lớn, khi lặn nên tháo dây giữ phao báo hiệu ra để tránh lộ mục tiêu và cản trở khi lên xuống, nên neo phao báo hiệu cách xa nơi phục kích một chút. Dùng phao báo hiệu loại lớn bạn có thể bám vào nó để nghỉ ngơi đôi chút sau vài lần lặn sâu. Nên sử dụng móc treo cá quấn quanh bụng, lý do : đó cũng là một điểm nguỵ trang, đỡ mất công bơi lại phía phao báo hiệu để treo cá. Tuy nhiên nếu là vùng biển có cá mập, cá nhám, chình biển, hoặc loại cá dữ khác thì chớ có đeo cá quanh mình. Nếu bắn được cá to thì cũng không nên đeo quanh mình vì rất vướng.

Chân nhái : nên dùng loại tốt một chút nếu vị trí phục kích tương đối sâu, lý do : chân nhái tốt lên xuống đỡ mất sức, thời gian phục kích sẽ lâu hơn, loại bằng carbon dù mỏng, nhẹ nhưng trọng lượng riêng lại cao không bị nổi lềnh bềnh như loại bằng nhựa hoặc caosu. Chiều dài không đòi hỏi quá dài từ 75 đến 85 cm là được.

3. Kỹ thuật phục kích áp dụng trong trường hợp nào và cho những ai ?

Kỹ thuật phục kích chỉ áp dụng trong trường hợp bạn quen thuộc địa hình. Nếu bạn đến một vùng biển lạ, bạn không quen thuộc địa hình đáy biển, không biết điểm tập trung của cá, không biết đặc điểm sinh hoạt, thói quen của cá ở những vùng biển này thì bạn rất khó áp dụng kỹ thuật phục kích.

Thực hiện kỹ thuật phục kích tại những điểm bạn quen thuộc và có cá tập trung như những đám đá nổi giữa biển, những bãi đá ngầm ven các hòn đảo, những bãi đất nổi cao như những bình nguyên giữa biển, các triền dốc đá hoặc đất, các vũng, vịnh ven bờ, các đám lau sậy, các đám rong rêu, các đám tảo biển hoặc các loài thực vật là thức ăn ưa thích của một loài cá nào đó, các rặng san hô, v.v..

Các cao thủ ‘’lặn bắn cá’’ thường ưa thích kỹ thuật này vì các lý do : để đánh giá về lặn bắn cá có một vài chỉ tiêu, lặn sâu bao nhiêu, lặn lâu bao nhiêu, và bắn được cá nặng bao nhiêu. Sâu bao nhiêu là độ sâu tối đa bạn có thể lặn tới, 6 m hay 26 m. Lâu bao nhiêu là thời gian bạn có thể nhịn thở ở dưới nước (chú ý là khi lặn bắn cá chứ không phải trong hồ bơi) 1 mn hay 4 mn. Nặng bao nhiêu là con cá to nhất bạn bắn được nặng bao nhiêu. Theo các tài liệu ghi chép lại, ở những thập niên trước 80 như thập niên 50, 60 chẳng hạn, kỹ thuật bổ nhào được ưa chuộng hơn vì biển còn rất nhiều cá, cá to hơn và không có tinh ranh như bây giờ. Dân lặn bắn cá chỉ cần lặn xuống sâu là có rất nhiều cá để bắn, cá cũng không chạy ngay khi thấy người như hiện nay. Chính vì vậy kỹ thuật bổ nhào được ưa chuộng. Sau này cá không còn nhiều nữa, cá càng to thì lại càng khôn, nói đúng hơn là cá có khôn thì mới to được còn ngu thì chưa kịp to đã toi mạng rồi. Vì vậy muốn bắn được cá to thì phải áp dụng kỹ thuật phục kích. Thêm nữa từ ngày ra đời mấy cái camera dạng Go-sport, kỹ thuật này càng được ưa chuộng vì nhiều người thích đi bắn cá nhưng lại không thích bắn cá, có lẽ họ không muốn sát sinh, cũng có lẽ họ không cần cá, có lẽ họ muốn bảo vệ thiên nhiên, chiến lợi phẩm của họ là những clip và những bức ảnh đẹp.

Đòi hỏi quan trọng nhất của kỹ thuật phục kích là bạn phải nhịn thở được đủ lâu, thường là phải từ 2 mn trở lên, vì nếu bạn nhịn thở không đủ lâu thì bạn chỉ vừa đủ thời gian đến vị trí phục kích thì đã hết hơi rồi. Đòi hỏi tiếp theo là bạn phải chịu được áp lực nước ở dưới sâu vì vị trí phục kích thường tương đối sâu, thường từ 6 m trở lên. Vì vậy nếu bạn nào không đạt được khả năng tối thiểu, thì không nên áp dụng kỹ thuật này. Tất nhiên các bạn thỉnh thoảng làm một cú phục kích trong khi áp dụng kỹ thuật tìm kiếm cũng không sao, còn nếu áp dụng liên tục thì không nên, vì trong các môn lặn nín thở nói chung và lặn bắn cá nói riêng không khuyến khích bạn nhịn thở quá mức chịu đựng của cơ thể vì sẽ rất có hại cho cơ thể.

3. Thực hiện kỹ thuật phục kích nếu nói hay ho thì có thể coi đó là một nghệ thuật.

Lựa chọn địa điểm phục kích, có rất nhiều vị trí phục kích bạn có thể lựa chọn. tuy nhiên tôi cũng xin nhắc lại, quen thuộc vùng biển bạn lặn bắn cá và kinh nghiệm lặn bắn cá của bạn ở vùng biển này rất quan trọng, mọi lý thuyết, lý luận của người khác đôi khi không có tác dụng đối với bạn, có khi còn trái ngược với kinh nghiệm của bạn nhưng bạn có thể tìm hiểu thêm, có vấn đề gì chúng ta cùng trao đổi.

Tuỳ thuộc vào địa hình đáy biển, tuỳ thuộc vào loài cá, tuỳ thuộc vào thời gian trong năm, trong ngày, vào thuỷ triều, hướng gió, hướng mặt trời ta có thể chọn được nơi phục kích thích hợp. Có một số ví dụ như sau :

Kỹ thuật phục kích trên bãi đá.

Phục kích ở bãi đá : những bãi cát nhỏ giữa các tảng đá, giữa các bãi cỏ thường hay có cá tập trung kiếm ăn. Phục kích giữa các tảng đá bạn nên chọn vị trí sao cho có tầm quan sát tốt nhất để có thể quan sát rộng nhất mà không phải nhô đầu lên cao hoặc quay phải quay trái. Nếu tảng đá không đủ lớn thì nên nép sát vào tảng đá hoặc khe hở giữa hai tảng đá, chỉ thò súng ra không nên thò đầu ra. Nếu là tảng đá lớn cao hơn mặt cát từ 2 m trở lên bạn có thể phục kích ngay trên đỉnh của tảng đá, bắn chéo từ trên xuống cá kiếm ăn trên cát, bắn ngang cá kiếm ăn ở tầng cao hơn và cá bơi ngang qua, lưu ý, có thể có cá bơi qua ngay trên đỉnh đầu mình. Nên phục kích ở phía bóng râm của tảng đá nếu có ánh nắng mặt trời. Nên phục kích ở phía bên phải tảng đá nếu bạn thuận tay phải, vì nếu tay thuận ép sát vào tảng đá sẽ rất bất tiện, tuy nhiên bắn súng bằng cả hai tay cũng không khó lắm. Nếu đá màu đen và nước trong thì bạn nên chọn bộ đồ lặn màu đen. Thắt lưng chì phải đủ nặng để bạn có thể ép sát xuống đáy, cũng nên dùng chì đeo cổ chân để chân nhái không bị vểnh lên.

Phục kích trong đám cỏ, từ đám cỏ sát bãi cát bạn có thể từ từ tiếp cận rìa bãi cỏ, phải tiếp cận từ xa, di chuyển bằng tay trong cỏ để tránh làm cỏ quá rung động. Khi đến rìa bãi cỏ thì dừng lại, không thò đầu ra khỏi bãi cỏ cũng không nhô đầu lên cao quá ngọn cỏ, súng thò ra càng ít càng tốt. Trong trường hợp này tầm nhìn thường rất hẹp nhưng bạn lại hay có những mục tiêu rất gần vì vậy súng không cần quá dài, 90 cm là được. Nên mang chì vừa đủ, nếu nặng quá bạn sẽ làm người sát vào gốc cỏ, khi di chuyển sẽ làm cỏ xao động mạnh, nhẹ quá bạn sẽ bị nổi lên làm lộ mục tiêu, nên có chì ở cổ chân. Nên chọn bộ đồ lặn màu rằn ri. Có rất nhiều vị trí mà rìa cỏ tiếp xúc với một bãi cát lõm xuống như một lòng chảo, hoặc một rãnh cát chạy dài là đường đi của cá, bạn có thể tiến sát hơn nhưng không nên thò hẳn đầu ra khỏi rìa cỏ.

Đôi khi bạn cũng có thể phục kích ngay trên bãi cát nếu bãi cát quá rộng hoặc quá it vị trí để ẩn nấp. Phục kích tên cát đòi hỏi bạn phải nhịn thở khá lâu vì khi bạn đến vị trí phục kích thường cá sẽ chạy đi mất, bạn phải có thời gian chờ đợi để cá quay lại hoặc có những động tác nhỏ để gọi cá đến. Tuy nhiên phục kích trong cát có tầm nhìn rất rộng, bạn có thể bắn được cá từ 4 phía nhưng tất nhiên cũng đòi hỏi bạn phải bắn rất nhanh, nhiều người dùng hai súng nhưng chỉ cầm một súng ở tay một súng khác bỏ ngay trên cát, bắn xong súng này nhặt súng khác lên bắn, 2 con cho 1 lần lặn cũng không phải là hiếm.

Kỹ thuật phục kích trên vách đá.

Phục kích trong vách đá : đây thường là vị trí áp dụng kỹ thuật phục kích lý tưởng nhất vì có rất nhiều chỗ có thể phục kích, các hang thông từ bên này sang bên kia của vách đá (nếu hang dài quá không nên chui vào) có khi bạn vừa đến đầu kia đã gặp cá hoặc gặp cá ngay trong hang. Những chỗ lõm trên vách đá, những khe đá, thậm trí bạn có thể dán sát trên vách đá cũng được, đấy đều là những điểm phục kích tốt. Bạn nên chọn vị trí có tầm nhìn rộng nhất, nếu tìm được bệ tỳ tay, tỳ súng là tốt nhất. Khi nằm phục kích ở vách đá bạn nên tỳ đùi, bắp chân, chân nhái vào các kẽ hoặc vách đá để tránh cho sóng làm cho dập dềnh vừa lộ mục tiêu vừa khó ngắm bắn. Chú ý, nhiều khi thắt lưng chì nặng cũng không ăn thua vì sóng dội vào đá tạo ra sóng ngầm rất mạnh. Khi chọn hướng bắn lưu ý nhất vẫn là hướng có nhiều cá nhất nhưng cũng nên tránh hướng có vách đá đối diện quá gần, có thể làm gãy mũi tên. Nếu có thể chọn hướng bắn ngang hoặc từ dưới lên, thuận lợi hơn từ trên xuống, lý do bắn ngang mục tiêu là lớn nhất, bắn từ dưới lên phần bụng cá thường mỏng nhất, quan trọng nhất là mắt cá ở phía trên nên nếu mình ở phía dưới nó ít phát hiện ra mình hơn. Tuy nhiên bạn cũng lưu ý : bắn ngược lên ngoài lực cản của nước, trọng lượng của mũi tên cũng làm giảm đáng kể tầm hiệu quả của súng vì vậy bạn phải ước lượng khoảng cách cho tốt, bắn ngược lên cũng dễ gây ra tình trạng tên rơi đạn lạc nếu bạn đi lặn bắn cá cùng nhiều người khác.

Kỹ thuật phục kích trong đám rong rêu.

Phục kích trong đám rong rêu : Khác với kỹ thuật tìm kiếm, thay vì luồn lách trong đám rong rêu, bạn nằm im trong đám rong rêu hướng về các khoảng trống nhỏ hoặc rạch nhỏ giữa đám rong rêu nơi bọn cá thường đi qua hoặc kiếm ăn, bạn có thể nổi ở một vị trí cố định (có người còn neo mình bằng một sợi dây nối với một cái mỏ neo). Lợi thế nổi một chỗ là bạn không phải nhịn thở lâu, bình thường bạn có thể thở nhè nhẹ, chú ý ống thở, dùng loại bằng caosu để không gây ra tiếng động lớn khi không khí di chuyển trong ống thở, nếu là ống thở bằng nhựa bạn có thể quấn thêm một lớp băng dính cách điện bên ngoài để giảm tiếng ồn. Tuy nhiên khi phát hiện ra cá thì nên nhịn thở, nếu muốn xuống thấp một chút để dễ bắn thì thở hết hơi ra cho người từ từ chìm xuống. Nếu vị trí bạn lặn bắn cá là một dải rong rêu cá đi kiếm ăn thường đi dọc theo đám rong rêu vì vậy nếu bạn phục kích ở một đoạn giữa thì bạn chắc chắn sẽ gặp hầu hết đàn cá kiếm ăn ở đây. Nếu là từng đám rong rêu rải rác thì bạn nên phục kích trong đám rong rêu, không nên chui vào quá sâu làm đám rong rêu rung động mạnh, chỉ nên chui vào đủ hết người là đủ. Nếu chui vào phục kích trong đám rong rêu thì không cần súng quá dài, 90 cm là đủ, nhưng nếu phục kích nổi cố định trên đám rong rêu thì nên sử dụng súng dài vì bạn có thể phải bắn xa và bạn có thời gian ngắm bắn cẩn thận. Bạn cũng có thể phục kích trong đám rong rêu để bắn cá trên bãi cát phía ngoài đám rong rêu.

Kỹ thuật phục kích ở xác tầu chìm.

Phục kích ở xác tầu chìm : xác tàu chìm cũng là một vị trí cá thường hay tập trung kiếm ăn vì vậy đây cũng là một vị trí phục kích lý tưởng, phục kích trong hành lang của tàu, bắn ra bên ngoài qua các cửa sổ đôi khi bạn có những thu hoạch bất ngờ. Tuy nhiên chui vào hành lang của xác tầu chìm bạn phải quen thuộc địa hình và đánh giá đúng khả năng lặn của mình. Bạn cũng có thể phục kích ngay trên bong tàu, dưới mái cabin tàu. Có những nơi họ kéo tàu cũ đến đánh đắm làm vị trí để nuôi san hô, khi bắn bạn phải tìm hiểu trước xem địa phương đó có được phép lặn bắn cá hay không, và trong khi lặn bắn cá bạn cũng nên bảo vệ môi trường thiên nhiên, không nên tàn phá chúng.

Điểm phục kích là muôn hình muôn vẻ, trên đây chỉ là một số ví dụ cơ bản thôi.

4. Áp dụng kỹ thuật phục kích như thế nào ?

Có một số điểm bạn cần lưu ý như sau :

Di chuyển đến vị trí phục kích : Nếu nước trong từ trên mặt nước bạn có thể quan sát được vị trí phục kích bạn có thể tiến thẳng đến vị trí phục kích. Nếu nước đục hoặc quá sâu bạn không nhìn thấy vị trí phục kích thì bạn lặn xuống đáy sau đó di chuyển ngang sát mặt đất để tiến đến vị trí phục kích dựa vào những điểm mốc dưới đáy mà bạn ghi nhớ. Từ mặt nước tới điểm phục kích là sự kết hợp của một loạt các động tác kỹ thuật đòi hỏi điêu luyện và chính xác. Trước hết là một động tác chúi đầu, một cú chúi đầu hoàn mỹ có thể đưa bạn tới độ sâu khoảng 3 m mà không gây tiếng động. Trước khi chúi đầu bạn nên bảo đảm cơ thể đang ở trạng thái tốt nhất để lặn, nhả ống thở ra khỏi miệng. Sau động tác chúi đầu có hai kỹ thuật có thể thực hiện, một tiếp tục lặn xuống đáy nếu vị trí phục kích tương đối sâu, hai là hơi xéo hướng thẳng tới chỗ phục kích nếu chỗ đó che khuất bọn cá (phía sau một tảng đá to chẳng hạn). Trong quá trình chúi đầu có hai trường phái không biết ai đúng ai sai, một là để súng ép sát vào người, vai thu nhỏ vào hết mức với lý do giảm tạo hình góc cạnh dưới nước làm cá cảnh giác (cũng là thu lại sát khí), giảm sức cản của nước và giảm tiếng xé nước tối đa, hai là súng giơ thẳng về phía trước ở tư thế sẵng sàng bắn với lý do : có cá thì bắn liền và cũng là để phòng thủ phía trước đầu nếu nước đục. Khi thực hiện động tác chúi đầu bạn chú ý, không nên đập chân nhái trước khi chân nhái chìm hẳn xuống nước, khi đập chân nhái phải hết sức nhẹ nhàng và chậm, chủ yếu dựa vào độ dẻo của chân nhái là chính, khi đến một độ sâu nhất định bạn có thể không cần phải đập chân nhái nữa, quán tính và sức nặng của thắt lưng chì sẽ đưa bạn tới đáy. Nếu động tác của bạn chuẩn xác, khi tới đáy bạn chỉ cần một cú ưỡn lưng, hoặc chống nhẹ báng súng hay tay xuống đáy là bạn có thể chuyển sang tư thế nằm ngang sát đáy mà không gây động tĩnh quá lớn. Nếu động tác của bạn thiếu chính xác, bạn có thể chuyển hướng quá sớm, bạn bị dừng lại phía trên các tảng đá có thể bị lộ mục tiêu, nếu bạn quá đà bạn sẽ va chạm mạnh với đáy, tay hoặc súng chống xuống đáy quá mạnh, thắt lưng chì đập vào đáy, đầu gối hoặc chân nhái đập vào đáy, những động tác này sẽ gây tiếng động, làm cuộn bùn hoặc cát từ phía dưới lên, tiếng động dưới nước lọt vào tai bạn có thể rất nhỏ nhưng vào tai cá thì rất lớn đấy nhé, một cú quẫy đuôi bỏ chạy của một con cá sẽ là tín hiệu bỏ chạy của tất cả các con cá khác cũng như một con chim rừng hốt hoảng đập cánh sẽ làm cho các con khác bay vụt lên. Khi bơi ngang thì bạn nên chuyển sang tư thế sẵn sàng bắn vì bạn có thể gặp cá bất cứ lúc nào.

Tại vị trí phục kích bạn nên dán sát vào mặt đất, hoặc đá, hết sức có thể dấu kỹ chân và chân nhái, đầu và súng hướng về vị trí mà bạn lựa chọn, cố gắng không xoay đầu, xoay người, xoay mũi súng. Nếu có phát hiện con mồi ở hướng khác thì cũng nên bỏ qua nếu khoảng cách giữa mình và con mồi khá gần. Nằm im bất động, kiên nhẫn và một chút máu lạnh đấy là trạng thái cần phải có trong những lúc chờ đợi này, nếu bạn tập yoga để kéo dài nhịn thở thì lúc này bạn nên loại bỏ mọi cảm xúc của mình (mọi trạng thái cảm xúc sẽ làm tăng lưu thông máu dẫn đến bạn phải cần nhiều không khí trong phổi hơn), đồng thời thực hiện các động tác giúp bạn kéo dài thời gian nhịn thở hơn. Bạn có thể kiểm tra tình trạng phục kích của mình bằng cách quan sát lũ cá con xung quanh, đám cá con thường không tinh ranh như đám cá lớn, nếu đám cá con vẫn thản nhiên bơi xung quanh bạn thì chứng tỏ bạn ẩn núp đã thành công.

Ngắm bắn : Để ngắm bắn tốt bạn nên có một bệ tỳ, mô đất, tảng đá, vách đá, thân rong rêu đều có thể làm bệ tỳ, nếu không có cũng nên tìm chỗ để tỳ vai hoặc khuỷ tay để giảm bớt súng bị đong đưa do sóng đánh. Nếu chưa chọn được được mục tiêu (chưa thấy cá to, cá ngon chẳng hạn) thì chưa nên di chuyển mũi súng, sau khi tìm được mục tiêu thì chuyển hướng mũi súng từ từ, tránh động tác đột ngột làm cá giật mình. Khi cá lộ hết thân mình (nằm ngang) là thời cơ bắn tốt nhất vì khi đó mục tiêu là lớn nhất. Bạn nên cố gắng chờ đợi khi cá đến gần nhất thì mới bắn, tuy nhiên nếu bạn đã hết hơi không thể chờ được nữa thì cũng nên bắn, có còn hơn không mà. Nếu con cá tiến thẳng về phía bạn, nếu thuận lợi thì nên bắn ngay vì nó gặp bạn nó giật mình, nó sẽ phóng vụt đi rất khó bắn trúng.

Động tác thu hút cá.

Các động tác thu hút cá : Thức ăn của cá có thể là cá nhỏ hơn, tôm, cua và các loại động vật khác dưới biển như giun biển, hà, sâu biển, v.v.. Dựa vào những tập quán này của cá, dân lặn bắn cá tạo ra những tín hiệu giả để gọi cá đến. Những tín hiệu này đối với những loài cá khác nhau thì khác nhau, có khi do bản thân mỗi người tự sáng tạo ra, nhưng phần lớn được truyền lại từ những người đi trước. Có khi là những động tác khẽ đập đập bàn tay xuống cát, gây nên tiếng động nhè nhẹ, đứt quãng và có ít cát quẩn lên như có con gì đang chui vào cát, có khi gõ nhẹ hai viên đá nhỏ vào nhau như tiếng đá lăn, có thể gõ nhẹ báng súng xuống đá, bật bật nhẹ sợi dây caosu. Tóm lại động tác thu hút cá rất nhiều, bạn nên thử và tự rút kinh nghiệm. Đối với loại ‘’cá răng’’ là loại cá có hàm răng sắc (như cá mập, cá nhám) chuyên săn đuổi các loại cá khác thì các tín hiệu này là vô dụng. Để phục kích chúng thì tốt nhất là trốn thật kỹ. Cũng có thể dụ dỗ chúng nhưng phải bằng mồi thực như cá tươi, máu cá, đây là một kỹ thuật thu hút cá chủ yếu trong kỹ thuật bắn cá biển xanh.

Kỹ thuật thu hút cá bằng mồi thực cũng có thể thực hiện được ở nhiều nước chưa có quy định cụ thể về môn thể thao lặn bắn cá như ở châu phi, nhiều nước châu á, như Việt nam chẳng hạn. Bạn có thể chuẩn bị một cái lồng bằng lưới inox, mắt lưới càng nhỏ càng tốt, dưới đáy gắn một cục chì để bảo đảm lồng chìm xuống và không bị nước trội đi mất. Sau đó cho cá loại rẻ tiền thôi, hoặc đầu cá cũng được, chặt nhỏ ra nhưng đừng nát quá sau đó thả ở vị trí bạn định phục kích, lũ cá ngửi mùi sẽ kéo đến bạn chỉ việc chọn con nào vừa ý thì bắn, bắn xong chờ một chút là chúng lại bu lại. Cũng có người nói có máy thu hút cá nhưng tôi thì chưa thấy, chú ý : hầu hết những nước có luật về môn thể thao lặn bắn cá thì dùng mồi và máy thu hút cá thì bị cấm, nhưng tạo ra những tín hiệu giả bằng tay thì được phép.

Tạo ra được tín hiệu thu hút cá hữu dụng cũng là một chỉ tiêu đánh giá đẳng cấp của dân lặn bắn cá.

Rời khỏi vị trí phục kích : Nếu bạn bắn được cá không có gì để nói, nếu cá không lớn lôi nhanh con cá về phía mình, kết thúc bằng một nhát dao hoặc nổi ngay lên mặt nước lôi cá theo luôn. Nếu cá tương đối lớn bạn nên cố gắng quan sát nếu mũi tên chưa xuyên đủ sâu bạn không nên kéo nó về phía mình mà nên vọt về phía nó, nhanh nhất có thể nắm lấy mũi tên đè nó xuống cát sao cho mũi tên xuyên hẳn qua người nó, lẫy mũi tên bật ra lúc đó mới yên tâm xử lý tiếp. Nếu không, để nó giãy dụa một hồi có thể sẽ thoát ra khỏi mũi tên.

Nếu bạn không bắn được cá, có hai giải pháp, thứ nhất vị trí phục kích không có cá, bạn muốn rời khỏi vị trí phục kích, bơi chéo lên ngang qua chỗ phục kích có thể cá đang tiến về phía này và bạn có thể có cơ hội ở giây cuối cùng. Thứ hai, bạn thấy có cá nhưng chưa đủ khoảng cách để bắn, bạn cần phải đổi hơi, hãy lùi lại và lên theo đường bạn xuống. Sau khi nghỉ một chút bạn lại lập lại hành động như lần trước. Có người thích mang theo súng, lý do : có thể gặp cá khi nổi lên, hoặc chưa quyết định chính xác có tiếp tục phục kích ở vị trí đó nữa hay không. Có người thích để lại súng ở vị trí phục kích, lý do : lên xuống nhẹ nhàng hơn, cá cũng quen với sự có mặt của súng.

Khi nổi lên bạn nên ngậm ống thở vào miệng, một vài phân lên mặt nước trước có khi cũng cứu bạn một mạng, nên ít thò đầu lên mặt nước, trừ phi bạn cần xác định phương hướng hoặc sửa lại kính lặn. Nếu bạn hết hơi, có thể tận dụng không khí còn lại trong kính lặn, khi gần tới mặt nước nếu không cần thiết thì không cần đập chân nhái, để tránh nổi lên quá đà gây tiếng ồn, khi nổi lên luôn chú ý phía trên xem có an toàn không.

Ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời đối với kỹ thuật phụ kích :

Nếu nước không đủ trong và vượt qua một độ sâu nhất định, ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời không lớn nên nhiều khi ta cũng không cần chú ý lắm nhất là đối với những lúc trời mưa hay nhiều mây. Ở dưới sâu bạn chỉ cần ẩn mình vào trong bóng tối của một tảng đá là đủ, tuy thiếu ánh sáng bạn khó nhìn thấy cá nhưng nó cũng khó phát hiện ra bạn vì vậy cơ hội bắn gần cũng rất nhiều và càng sâu cá càng to, mục tiêu lớn cũng dễ bắn hơn.

Còn nước trong và vị trí phục kích không đủ sâu thì ánh nắng mặt trời là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng nguỵ trang và tầm nhìn của bạn. Vị trí tốt nhất là ánh nắng mặt trời chiếu vào sau lưng bạn, bạn sẽ có tầm nhìn xa hơn, cá ở phía trước bị chói mắt khi nhìn về phía bạn. Nhưng những con cá đến từ phía sau sẽ dễ phát hiện ra bạn. Bạn có thể tạo ra cái bóng nếu bạn nhô đầu hoặc nửa người cao hơn chỗ phục kích làm cá chú ý. Vì vậy nếu để ánh nắng chiếu về phía sau bạn nên chui vào khe đá hay chui vào bóng râm của một tảng đá, khi phục kích ở bãi cát hay trong vách đá nên chọn hướng này.

Vị trí thứ hai, bạn phục kích ngược sáng, tầm nhìn của bạn sẽ ngắn hơn, bạn cũng dễ bị chói mắt, mắt kính lặn cũng dễ bị phản quang, cá lại dễ phát hiện ra bạn vì vậy hướng này thường không được lựa chọn nhiều. Tuy nhiên cũng không phải là không được sử dụng, ví dụ trong đám rong rêu chẳng hạn, bạn không cần tầm nhìn quá xa, chỉ cần đủ ánh sáng là được, có đám rong rêu che mắt nên không sợ chói lại được nguỵ trang tốt, khi bạn phục kích trong đám cỏ cũng vậy, nắng chiếu vào lưng dễ bị lộ hơn nắng chiếu trước mặt. Nếu bạn phục kích trong vách đá, nếu vị trí ẩn thân là tuyệt vời, trang bị của bạn tối ưu, bạn không cần lo về hướng mặt trời, chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhất, cá sẽ chủ quan và bạn sẽ có cơ hội.

Trên đây là một số lý thuyết cơ bản, thực tế có nhiều khác biệt, người chơi thường phải dựa vào kinh nghiệm của mình và thực tế để áp dụng cho phù hợp. Ngày trời trong nắng gắt áp dụng khác, trời mưa nhiều mây áp dụng khác. Buổi sáng, buổi chiều nắng xiên khoai áp dụng khác, buổi trưa nắng áp đỉnh đầu áp dụng khác, hi hi tuỳ cơ hành sự, liệu cơm gắp mắm đấy mới là muôn màu muôn sắc của trò chơi.

Ảnh hưởng của dòng chảy : Nước biển ít có khi nào yên tĩnh, ngoài sóng biển có khi lớn có khi nhỏ tạo nên chủ yếu do gió, ở phía dưới cũng luôn luôn có những dòng chảy, khi có ở chỗ này, khi có ở chỗ khác, khi mạnh, khi yếu, lúc chiều này lúc chiều khác, khi thi ấm, khi thì lạnh. Nguyên nhân chủ yếu do hiện tượng thuỷ chiều, địa hình đáy biển, các dòng hải lưu lớn, lưu lượng tăng giảm của những con sông đổ ra biển. Quên đi nguyên nhân tạo ra những dòng chảy dưới biển, chúng ta xem xét ảnh hưởng của nó đối với kỹ thuật phục kích. Nếu dòng chảy quá mạnh có thể lôi bạn ra khỏi chỗ phục kích, thậm trí cá cũng bị trôi băng băng thì bạn nên quên vị trí phục kích này đi, nên tìm vị trí khác. Nếu dòng chảy quá yếu hầu như không có tác dụng gì, bạn có thể đánh giá dòng chảy bằng cách quan sát đám rong rêu và các vật thể trôi trong nước, hoặc có thể đánh giá bằng chính tốc độ di chuyển của bản thân, bạn có thể bỏ qua tác động của dòng chảy khi áp dụng kỹ thuật phục kích.

Còn nếu như dòng chảy là vừa phải thì bạn cần phải xem xét, có rất nhiều lý thuyết, nhiều ý kiến, tôi cũng thực sự chẳng biết lý thuyết nào là hoàn toàn đúng. Nhưng có lẽ mỗi lý thuyết thường đúng cho một vùng địa lý nhất định, hoặc đúng cho một loài cá nhất định. Chính vì vậy với mỗi loài cá lại có những kinh nghiệm và kỹ thuật lặn bắn cá riêng biệt, tôi thực sự không rành lắm về những loài cá ở Việt nam nên không thể viết về kinh nghiệm lặn bắn cá cho từng loài cá ở Việt nam, mong rằng bạn nào có kinh nghiệm thì đóng góp để mọi người cùng chia sẻ.

Phục kích ngang dòng chảy, bạn hãy hình dung dòng chảy là dòng sông, bạn thì đứng bên bờ dòng sông, cá giống như những con thuyền xuôi ngược trên dòng sông. Tìm vị trí phục kích mà cá hay đi qua nhất, có thể là một mũi đá kéo dài từ bờ ra, một tảng đá ngầm nằm giữa dòng chảy, một bụi rong rêu nằm giữa dòng chảy đều là những vị trí phục kích tốt. Nếu dòng chảy tương đối mạnh, bạn nên phục kích ở phía chịu áp lực của dòng chảy sao cho nước ép sát bạn vào vị trí ẩn nấp (mũi đá, tảng đá, đám rong rêu) thay vì phục kích ở phía bên kia sẽ dễ dàng bị dòng nước kéo bạn ra khỏi vị trí phục kích hoặc bạn phải luôn để một tay bám vào chỗ phục kích rất bất tiện. Tuy nhiên cũng có nhiều vị trí khá đặc biệt ví dụ như những tảng đá lớn có hình dạng đầu nhỏ đuôi to, đầu nhỏ đối diện với dòng chảy, phía đuôi thường tạo ra một vùng nước lặng không bị cuốn trôi, chỗ đó cũng rất hay có cá nghỉ chân, bạn cũng có thể phục kích tại đây. Một vị trí khác ví dụ như một cái khe hẹp, bạn có thể nằm vào đó như một cái giao thông hào, cũng tránh được ảnh hưởng của dòng chảy. Một vị trí khác giữa hai tảng đá chẳng hạn. Nằm ở phía trước của dòng chảy có lợi thế bạn có thể phát hiện ra cá từ xa nếu chúng xuôi dòng mà đến, bạn có thời gian ngắm bắn. Tầm nhìn của bạn cũng lớn hơn. Nếu cá ngược dòng bạn cũng bắn kịp mặc dù phát hiện chậm do cá bơi ngược dòng sẽ chậm hơn. Nhưng cũng có khuyết điểm là cá xuôi dòng sẽ dễ phát hiện ra bạn.

Nếu dòng chảy nhẹ, bạn nên chọn ở phía vật cản không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy. Mặc dù ở vị trí này cá xuôi dòng bị bạn phát hiện chậm hơn do vật cản che khuất tầm nhìn nhưng được lợi thế là rất bất ngờ đối với cá, bạn có thể để nó đi qua một chút xíu rồi mới bắn. Với cá ngược dòng lúc đó chúng đang cố tiến lên nên phản ứng cũng thường chậm hơn, nếu kết hợp được với ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, bạn lại đang ẩn nấp dưới bóng râm của tảng đá thì rất tuyệt vời. Phục kích ngang dòng chảy có lợi thế mục tiêu lộ ra toàn thân nên bắn rất dễ, nhược điểm là mục tiêu di động vừa do cá bơi, vừa do dòng chảy ảnh hưởng đến độ chính xác của mũi tên vì vậy đòi hỏi kỹ thuật bắn phải tương đối điêu luyện, súng phải đủ mạnh. Một lợi thế nữa là phục kích ngang dòng chảy dễ dàng tiếp cận vị trí phục kích hơn so với phục kích ngược hoặc xuôi dòng chảy. Phục kích ngang dòng chảy bạn nên lưu ý một số điểm, có loài cá thích kiếm ăn ngược dòng, có loại thich xuôi dòng, bạn bắn loại nào thì chọn kiểu phục kích cho phù hợp. Những vùng biển có thuỷ triều lớn cá thường theo thuỷ triều tiến vào kiếm ăn (nước lên tới đâu cá lên tới đó) chúng thường xuôi theo dòng nước nhiều hơn, khi vào đến bờ thì chúng sẽ tản ra vì vậy nếu bạn phục kích ở đường vào của cá thì đối tượng chủ yếu của bạn là cá xuôi chiều. Những loại cá kiếm ăn sát đáy biển, kiếm ăn trong đám rong rêu cũng thường kiếm ăn xuôi chiều (nhưng không nhất thiết). Những cá đi thành đàn, kiếm ăn ở tầng trung và tầng trên thường hay ngược dòng.

Phục kích ngược dòng chảy: rất nhiều cao thủ thích kiểu phục kích này vì đây là cuộc đối đầu thực sự, mặt đối mặt, mục tiêu thường đến rất nhanh và rất nhỏ, một mũi tên bắn xuyên qua mồm như là xiên để nướng cá thường là một kỷ niệm đáng nhớ. Để phục kích ngược dòng chảy bạn cũng phải lựa chọn vị trí ổn định nhất, ví dụ : một tảng đá không quá to, bạn nằm dán lên nó, khuỷ tay có thể tỳ lên nó để người không bị lật ngửa về phía sau, đầu gối chống xuống cát để thân sau và chân nhái không bị bồng lên, hi hi tư thế này rất kỳ phải không bạn, nhưng rất hữu hiệu đấy vì bạn sẽ tạo hình giống tảng đá hơn giống người (cá rất sợ người đấy nhé). Cá xuôi dòng thường tiến đến phía bạn rất nhanh, nếu chúng vừa đi vừa kiếm ăn sát đáy thì có lẽ sẽ chậm hơn, còn nếu chúng đang trên đường di chuyển thì bạn sẽ không có nhiều thời gian để suy nghĩ, hãy bắn ngay nếu có thể, một con quẫy đuôi bỏ chạy có nghĩa là tất cả sẽ bỏ chạy. Khi chúng bất ngờ thấy bạn, lúc chúng xoay người đây là cơ hội cuối cùng của bạn. Bạn cũng có thể bắn cá ngược dòng, nếu bạn nguỵ trang tốt cá ngược dòng sẽ đến từ phía sau bạn, không nên xoay đầu lại chúng nó có thể vượt qua ngay trên đầu bạn hoặc lách sang một bên, bạn hoàn toàn có thể bắn ở phía sau. Nhưng dù sao nhiều người vẫn thích bắn đối đầu hơn. Nếu bạn chọn được vị trí phục kích ngược chiều lại có nắng xiên khoai chiếu vào mắt cá hoặc có vài cọng rong rêu che mắt thì cơ hội bắn gần rất nhiều. Phục kích ngược chiều bạn cần chú ý: chân nhái rất dễ bị bồng bềnh lên vì vậy nên đeo chì ở cổ chân. Nếu thấy cá ở phía xa đã quay đầu bỏ chạy là bạn đã có một sơ hở nào đó rất quan trọng ví dụ : bạn nhô đầu lên quá cao, bạn tạo thành cái bóng, mắt kính của bạn phản quang làm cá giật mình, thậm trí đầu mũi tên loé sáng cũng làm bạn lộ mục tiêu, hãy quan sát đám cá nhỏ xung quanh để đánh giá tình trạng nguỵ trang của mình.

Phục kích xuôi dòng chảy : vị trí phục kích tốt là sau các tảng đá lớn, sau các bụi rong rêu dày, quay lưng lại hướng dòng chảy, tảng đá và đám rong rêu sẽ làm giảm đáng kể lực kéo của dòng chảy, bạn có thể bắn được cá từ phía trước (cá ngược dòng) cá hai bên và trên đầu (cá xuôi dòng). Nếu tảng đá phía sau đủ phẳng, đủ thẳng đứng bạn có thể quỳ, ngồi hai chân duỗi thẳng chống xuống cát, lưng dựa sát vào vách đá làm điểm tỳ, những tư thế khác tư thế thẳng chân thẳng tay đôi khi có tác dụng nguỵ trang khá tốt, hơn nữa tư thế ngồi sẽ làm cơ bắp bạn đỡ căng cứng hơn và tầm nhìn rất thoải mái thay vì nằm sát đáy. Phục kích xuôi dòng chảy bạn nên lưu ý, ảnh hưởng của dòng chảy đối với chân nhái rất lớn vì vậy bạn nên đeo chì ở cổ chân hoặc có một cách nào đó giấu hoặc ép sát chân nhái xuống đáy.

Còn một kỹ thuật phục kích theo dòng chảy nữa mà những ‘’hiệp sỹ lười biếng’’ hay sử dụng đó là: dùng một sợi dây (có thể là một loại cước câu lớn) một cái mỏ neo cố định mình tại một điểm nào đó cứ nằm im trên mặt nước và chờ đợi, con cá nào tới thì bắn, không tới thì thôi, có người còn có thể vừa nghe nhạc nữa. Nếu bạn có một bộ quần áo nguỵ trang phủ kín người nữa thì rất tốt, hoặc có thể cắt rong rêu nguỵ trang xung quanh, nếu luật không cấm bạn có thể treo mồi nhử ở giữa đoạn dây neo, bắn được con nào xỏ vào dây đeo ở lưng, cá lớn có khi không được nhưng loại cá choai choai thì chắc nhiều. Yêu cầu súng phải tương đối mạnh để có thể bắn xa, chân nhái không cần quá dài, thậm trí loại 30 cm, 40 cm cũng được. Có thể dùng loại kính lặn loại mới, loại trùm hết mặt và thở tự nhiên. Thích hợp cho những bạn ‘’không thích’’ lặn không thích ‘’di chuyển nhiều’’ nhưng lại thích bắn cá.

Một chút kinh nghiệm ngoài lề: Nếu không có luật cấm, như ở Việt nam, bạn có thể dùng máy thở và bình dưỡng khí để lặn bắn cá đặc biệt có hiệu quả khi áp dụng kỹ thuật phục kích. Tuy nhiên nếu dùng một cái máy nén khí chạy bằng xăng hoặc dầu đặt trên thuyền chỉ để phục vụ cho 1, 2 người thì quá tốn kém, dùng bình dưỡng khí cũng không kinh tế. Nhưng bạn có thể dùng một máy bơm hơi nhỏ dùng bình ắc quy 12 v , có thể để cả máy và bình ắc quy trên phao báo hiệu loại lớn. Một ống dẫn hơi khoảng hơn 10 m có thể giúp bạn phục kích ở vị trí khoảng 10 m, nếu bạn sợ phao báo hiệu làm lộ mục tiêu thì có thể dùng ống dài hơn, các đoạn ống gần phao báo hiệu xỏ qua những miếng xốp hoặc miếng phao lưới đánh cá sau đó neo phao báo hiệu ở xa, công suất của máy bơm hơi phụ thuộc chủ yếu vào đoạn ống chìm trong nước tức là độ sâu bạn định lặn. Bạn cũng có thể nguỵ trang đáy phao báo hiệu bằng một chút rong rêu, khác với những người lặn bắt hải sản hoặc mò vật liệu ở Việt nam, họ phải di chuyển và vận động nên họ cần quấn ống dẫn khí quanh mình, bạn thì không cần bạn có thể cố định ống dẫn khí ở vị trí phục kích (buộc vào một vật nặng). Một điểm khác nữa, để tránh lọt ra bọt khí bạn cần phải thiết kế một ống dẫn khí để thở ra, ống này thiết kế một cái van một chiều, bạn có thể sử dụng van giống như bộ van bình lặn hoặc tận dụng van của loại ống thở có van, ống thoát khí có thể dẫn lên trên (có thể buộc chung với ống dẫn khí xuống). Nếu rắc rối quá thì bạn chỉ cần khoảng 3 m dẫn xa chỗ bạn phục kích một chút là được, có bọt khí làm cá tập trung chú ý có khi lại không để ý đến bạn. Với chút sáng kiến như vậy bạn có thể ở vị trí phục kích khá lâu. Tuỳ thuộc vào công suất của máy bơm hơi mà bạn có thể xuống sâu bao nhiêu. Và chú ý : không phải ở nước nào cũng được sử dụng phương pháp này.

13-12-2019 / qtn / 1237 lượt xem /