Kính lặn (En: Mask; Fr: Masque) là một trong những đồ nghề quan trọng nhất trong môn thể thao lặn bắn cá cũng như snokeling hay lặn tự do. Nếu trước đây các bạn đã từng lặn ngụp không có bất cứ một công cụ hỗ trợ nào bạn chắc sẽ không quên nỗi khổ khi phải mở mắt nhìn dưới nước. Bây giờ nếu bạn không có kính lặn, bạn đừng mong tìm thấy cá chứ đừng nói ngắm bắn chúng. Nếu không có bộ đồ lặn, không sao bạn lặn ở vùng nước ấm, nếu không có súng, không sao bạn có thể dùng lao, dùng xiên hoặc dùng tay để bắt cua bắt ốc hoặc dùng camera để ghi lại những hình ảnh mà bạn cho là đáng phải ghi lại, nếu không có chân nhái bạn có thể bơi kiểu khác, v.v. còn nếu không có kính lặn, bạn chỉ có thể ở trên bờ.
Có rất nhiều loại kính lặn, bạn chú ý phân biệt kính lặn và kính bơi. Kính bơi thường có 2 mắt kính nhỏ, kính bơi chỉ chụp kín 2 mắt. Kính lặn thường chỉ có 1 mắt kính lớn chụp kín nửa khuôn mặt kể cả lỗ mũi.
Cấu tạo kính lặn
Kính lặn có 3 bộ phận chính:
Mắt kính:
Mắt kínhthường làm bằng thủy tinh hoặc loại nhựa đặc biệt, phẳng chứ không cong (như kính bơi). Thuỷ tinh làm mắt kính lặn là thuỷ tinh an toàn (giống kính ô tô) cũng còn gọi là kính cường lực, có ghi chú “Tempered” hoặc chữ “T” chịu được chầy sát, va đập tốt hơn thuỷ tinh bình thường, khi vỡ sẽ thành những hạt vụn không có những cạnh sắc làm tổn thương khuôn mặt, khi bạn thực hiện kỹ thuật bắn cá trong hang phải chui đầu vào các hang hốc rất dễ gặp tai nạn này. Ưu điểm của mắt kính làm bằng thuỷ tinh là độ bền (ít chầy xước) cao, tuổi thọ cao (nếu không bị vỡ) đặc biệt là không bị biến dạng dưới áp lực của nước. Hầu hết các hãng sản xuất đồ thể thao danh tiếng đều dùng thuỷ tinh an toàn làm mắt kính cho kính lặn. Nhược điểm của nó là có thể vỡ, tạo ra áp suất lớn hơn khi xuống sâu.
Mắt kính làm bằng nhựa có rất nhiều khuyết điểm: bị biến dạng khi bị áp suất lớn (lặn sâu) hình ảnh bạn nhìn thấy xung quanh có thể bị nhoè, không trung thực, đôi khi có thể làm cho bạn chóng mặt, buồn nôn; một nhược điểm lớn nữa là nó rất dễ bị trầy xước, găng tay bạn có bám cát, bạn rửa nó trong nước có cát, bạn để lẫn nó với các dụng cụ khác như súng bắn cá, dao, v.v. cũng có thể bị trầy xước vì vậy bạn phải giữ gìn thật cẩn thận; cũng vì mềm dễ bị biến dạng nó rất hay bị bung ra khỏi khung kính, rất là xui xẻo nếu lúc ấy bạn đang ở dưới nước. Một nhược điểm nữa là tuổi thọ kém do vật liệu nhanh bị lão hoá. Nó cũng có một vài ưu điểm như: vì nó mềm kết hợp với khung kính mềm nó dễ dàng ép sát với khuôn mặt bạn hơn do đó không gian phía trong kính là nhỏ nhất, khi bạn lặn sâu bạn ít phải cân bằng áp nhất (sẽ giải thích ở phần dưới). Có một ví dụ: Aqualung Sphera là một dòng kính lặn khá nổi tiếng vẫn trung thành với kính lặn có mắt kính làm bằng nhựa. Một ưu điểm nữa là do nó có thể áp sát với khuôn mặt nên tầm nhìn thường rộng hơn loại có mắt kính làm bằng thuỷ tinh.
Mắt kính lặn thường có cấu tạo phẳng, khác với kính bơi thường có cấu tạo lồi, cấu tạo phẳng giúp bạn định vị chuẩn hơn, bạn có thể thí nghiệm bằng cách ném một cái chìa khoá xuống hồ bơi sau đó lặn xuống nhặt nó lên hai lần với hai loại kính bạn có thể cảm nhận được sự khác nhau của nó, còn nếu bạn đeo kính bơi để bắn cá thì chắc chắn là trượt. Mắt kính lặn có thể là hai mắt riêng cũng có thể chỉ là một mắt kính lớn.
Một mắt kính lớn thường có tầm nhìn tốt hơn, nhưng thường có không gian phía trong kính lớn hơn, loại này có khung hay không khung cũng giống nhau đều có tác dụng như loại khung cứng do đó thường phải cân bằng áp nhiều hơn. Mắt kính loại một mắt thường dùng cho lặn bình hoặc snokeling khi yếu tố cân bằng áp không được đánh giá cao lắm và theo nhận xét của nhiều người loại kính lặn một mắt kính dễ bị cá để ý hơn.
Loại hai mắt kính rời thường đi với bộ khung mềm hoặc không cứng lắm, nó giúp kính lặn ôm sát với khuôn mặt bạn hơn do đó không gian phía trong kính nhỏ hơn. Loại này do cản trở của khung kính nên góc nhìn thường kém hơn để cải thiện góc nhìn người ta có thể thiết kế hai mắt kính hơi chéo nhau, hoặc khung kính mềm có thể uốn cong một chút, như cải tiến này thường làm cho khả năng định vị không chính xác dẫn đến kết quả ngắm bắn không chính xác. Đại đa số vẫn thích loại hai mắt kính cùng nằm trên một mặt phẳng và loại khung kính cứng hơn.
Trên mắt kính có thể dán thêm một lớp lăng-tin giúp cho các bạn bị quá cận hoặc quá viễn có thể nhìn rõ dưới nước mà không cần phải đeo kính. Tuy nhiên chuyện mua được lăng-tin không phải dễ vì không phải cửa hàng nào cũng có bán, đôi khi phải đặt mua trên mạng hoặc đặt hàng ở cửa hàng chuyên bán đồ lặn. Sử dụng kính có dán lăng-tin cũng hết sức cẩn thận vì nếu để tuột kính ra thì đồng nghĩa với việc lăng-tin trôi theo nước biển. Có một số kính có cho phép bạn chọn (thường là mua thêm) mắt kính tương đối phù hợp với mắt của bạn giá cũng không đắt lắm, cũng có những cơ sở làm kính nhận đặt làm đúng như yêu cầu của bạn nhưng thường là rất đắt.
Khung kính:
Khung kính là bộ phận nằm giữa và kết nối giữa mắt kính và cao su trùm mặt (the skirt), nó có tác dụng để cố định mắt kính, dán cao su trùm mặt, gắn dây đeo hoặc gắn camera. Nó có thể làm bằng inox (hiện nay không thấy nữa) hoặc nhựa (rất thông dụng) có rất nhiều kiểu dáng, có thể cứng, có thể mềm; cứng thì không bị biến dạng khi lặn sâu, mềm thì ôm sát với khuôn mặt của bạn hơn. Lựa chọn thế nào đó là tuỳ thuộc vào sở thích và kinh nghiệm của bạn. Bạn cũng có thể thử qua là đeo kính rồi hít vào (tương đối mạnh nhé) từ từ, tình trạng lúc đó sẽ gần giống như khi lặn với loại nào bạn thấy dễ chịu hơn một chút thì chọn nó. Có nhiều bạn nghĩ rằng giữa khung kính và khuôn mặt còn có một lớp cao su đàn hồi tốt (hiện nay kính tốt thường làm bằng silicon) cần gì một khuôn kính mềm, nhưng thực sự không phải vậy, khi xuống sâu nếu khung kính quá cứng áp lực lên cao su trùm mặt không đều rất dễ bị lọt nước nhất là khi thực hiện cân bằng áp, đặc biệt đối với những bạn có khuôn mặt rất khó tìm được kính lặn không lọt nước. Trong trường hợp đó có khi phải chọn loại kính lặn có khung kính mềm hoặc không hoàn toàn cứng.
Cao su trùm mặt:
Cao su trùm mặt (The skirt) là bộ phận cao su được dán liền với khung kính, có nhiệm vụ trùm hết nửa khuôn mặt mục đích là ngăn không cho nước lọt vào. Các kính lặn hiện nay đại đa số bộ phận này làm bằng silicon do tính ưu việt của nó về độ bền, độ đàn hồi, dễ gia công, chế tác. Tùy theo chất lượng của silicon mà giá cả của kính cao hay thấp. Hình dáng của bộ phận này có nhiều kiểu khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Khi lựa chọn các bạn nên lựa chọn loại có tầm nhìn rộng nhất để khỏi phải quay đầu hay ngẩng lên, cúi xuống khi lặn.
Dây đeo:
Dây đeo, làm bằng silicon hoặc cao su, có rất nhiều loại, các bạn nên chọn loại có phần dây chạy qua ngang lỗ tai nhỏ thôi. Lý do như sau: đối với môn lặn này ta thường phải treo ống thở lên dây đeo kính, nếu dây ở phần này quá to thì ống thở không thể điều chỉnh dễ dàng đến vị trí ta muốn, đối với môn lặn dùng bình dưỡng khí thì lý do này không cần thiết. Nhưng nếu quá nhỏ sẽ dễ bị đứt, nếu bạn muốn gắn camera lên kính lặn thì dây đeo phải tương đối chắc và cứng. Chọn loại dây đeo có phía sau gáy to bản (thường được tách ra làm 2 nhánh) để sợi dây ôm sát với đầu hơn. Khoá dây đeo cũng phải lựa chọn kĩ cho phù hợp với bạn vì có rất nhiều kiểu khoá rất khó sử dụng khi đeo găng tay.
Lưu ý: trước khi giới thiệu về cách lưạ chọn kính lặn tôi xin được giới thiệu một số lý thuyết như sau. Trước hết là về không gian phía trong kính, đây là khoảng không gian giữa kính lặn và khuôn mặt của bạn khi bạn đã đeo kính lên, khoảng không gian này thường được tính bằng ml, với kính lặn Aqualung Sphera nó khoảng 65ml, với các loại khác nó khoảng 120ml. Thể tích của không gian này rất quan trọng đối với lặn tự do, thể tích càng lớn thì khi xuống sâu áp lực làm thể tích bị ép nhỏ lại (áp lực và thể tích luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau) với không gian phía trong kính càng lớn bạn sẽ phải chịu áp lực lên mặt càng lớn. Để chứng thực điều này bạn có thể thử nghiệm bằng cách sau : lặn xuống cùng một độ sâu với hai lần, một lần đeo kính lặn và một lần không đeo bạn sẽ cảm nhận được tác động của không gian phía trong kính lặn.
Cân bằng áp: đây là một kỹ thuật có lẽ mọi thợ lặn đều phải biết, có vài kỹ thuật cân bằng áp như cân bằng áp cho khoang giữa của tai, cân bằng áp cho khoang của xoang mũi và liên quan tới kính lặn đó là cân bằng áp cho kính lặn. Tại sao lại phải cân bằng áp cho kính lặn? có thể giải thích như sau: khi lặn xuống sâu, thể tích không gian phía trong kính thu nhỏ lại, hậu quả có thể xảy ra như sau: nếu là loại kính lặn có một mắt kính lớn hoặc loại kính lặn khung hoàn toàn cứng, mắt kính và khung sẽ bị ép sát vào mặt, rất khó chịu đôi khi bạn sẽ chẳng nhìn thấy gì cả, hậu quả thứ hai cũng là do áp suất biến đổi cũng ép cho thuỷ tinh thể của bạn bị biến dạng (có lẽ là lồi ra) bạn sẽ bị hoa mắt, nếu ép nữa có thể làm bật cao su chùm mặt ra và nước sẽ lọt vào, đó là những hậu quả chính, còn có thể có nhiều những tác động khác xảy ra không giống nhau đối với mỗi người.
Đối với kính lặn có khung kính mềm, hoặc không hoàn toàn cứng tác động này giảm đi chút ít nhưng không hoàn toàn loại bỏ được.
Để khắc phục những hậu quả này thợ lặn phải làm cho thể tích bên trong kính trở lại bình thường, tức là làm cho áp suất bên trong kính và áp suất bên ngoài bằng nhau, người ta gọi đó là cân bằng áp cho kính lặn. Để cho thể tích bên trong kính lặn trở lại như lúc ban đầu tức là tăng lên, người ta không thể dùng tay kéo nó ra được mà phải đẩy ra một chút không khí dự trữ trong phổi qua đường mũi, kỹ thuật này gọi là kỹ thuật cân bằng áp cho kính lặn. Kỹ thuật này hoàn toàn không khó, ai cũng có thể làm được những lần đầu chắc là sẽ không trôi chảy. Và tất nhiên khi nổi lên bạn sẽ phải làm động tác cân bằng áp ngược lại nhưng thường là dễ hơn rất nhiều.
Hậu quả của việc cân bằng áp là bạn sẽ tốn đi một lượng không khí quý báu trong phổi để giành cho việc kéo dài thời gian lặn. Tuy nhiên còn có một số ý kiến trái ngược nhưng kể ra thì rất dài dòng, hy vọng tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn trong một bài chuyên về cân bằng áp. Thường thì ở độ sâu 6 m trở đi là thợ lặn đã bắt đầu thực hiện kỹ thuật cân bằng áp cho kính lặn, độ sâu này phụ thuộc vào loại kính lặn mà họ đeo và thể trạng của mỗi người, với kính lặn bình thường thì thường phải cân bằng áp trước 15 m, với Aqualung Sphera có thể chịu đến 25 m mà không cần cân bằng áp.
Bạn lưu ý phân biệt cân bằng áp cho kính lặn và cân bằng áp cho tai giữa nhé.
Lựa chọn kính lặn
Kính lặn theo tôi có lẽ là món đồ nghề quan trọng nhất trong môn lặn bắn cá và cũng là món khó lựa chọn nhất, có một vài chi tiết sau các bạn cần chú ý khi lựa chọn:
Quan trọng nhất là tìm được cái kính vừa khít với khuôn mặt của mình để không bị nước vào. Khi đi mua kính thì mình nhất thiết phải tự đi thử (người khác trả tiền cũng không sao). Khi lựa chọn người bán hàng thường tư vấn mình cách thử như sau: úp kính lên mặt không đeo dây, hít hơi vào đằng mũi rồi bỏ tay ra nếu cái kính không rơi xuống là được. Tuy nhiên cách thử như vậy không chắc chắn, vì vậy tốt nhất là nên thỏa thuận trước với người bán xin được đổi lại nếu như bị lọt nước khi dùng thử. Yêu cầu của kính lặn là khi ta đeo kính dưới nước kể cả trong trường hợp dây kính trùm ra ngoài mũ lặn và khi ta co giãn da mặt cũng không bị nước lọt vào. Nếu không được như vậy và không thể kiếm được cái nào khác tốt hơn ta có thể đeo vào phía trong của mũ lặn, cách này cũng giảm đáng kể nguy cơ lọt nước vào trong kính.
Đối với kính lặn dùng trong thể thao lặn bắn cá hoặc lặn tự do, bạn chọn loại có không gian phía trong kính cáng nhỏ càng tốt, tuy nhiên vẫn phải ưu tiên tiêu chuẩn không lọt nước trước
Hình dáng của kính lặn bắn cá thường hơi khác với kính lặn khác, nó hơi nhỏ hơn, hơi vát ở phía trên tuy nhiên tiêu chuẩn về hình dáng này không quan trọng.
Về màu sắc, cũng như các đồ nghề khác chúng ta nên chọn màu ngụy trang hoặc màu đen.
Lưu ý về cao su trùm mặt nếu mũi bạn quá to, chắc người Việt mình không phải lo cái khoản này, giữa lỗ mũi và cao su trùm mặt phải có một khoảng cách để bạn có thể thực hiện kỹ thuật cân bằng áp cho kính lặn, nếu cao su trùm mặt sát lỗ mũi quá khi bạn hít hơi vào nó sẽ bịt ngay lỗ mũi bạn lại, khi bạn đẩy hơi ra nó sẽ bị bật ra và nước lọt vào.
Sử dụng kính lặn
Khi sử dụng có một số kinh nghiệm sau mà chúng ta cần chú ý:
Khi chụp kính lên mặt phải chụp cho cân đối, không để bị kẹt tóc hay lông mày giữa cao su và da mặt, phải cạo sạch ria mép (hihi nếu bạn nào muốn để lại bộ râu thì tùy).
Khi xiết dây đeo, hai tay nắm lâý hai sợi dây (phần ngắn phía ngoài) kéo đều cả 2 tay vừa đủ để kính áp sát vào da mặt, không nên xiết chặt vì như thế ta sẽ cảm thấy rất khó chịu nhất là khi lặn xuống sâu, lúc đó áp lực nước bên ngoài sẽ làm cho kính ép chặt vào hơn.
Khi đeo kính lặn (cũng như kính bơi) chuyện khó chịu nhất là là hơi nước ở phía trong bốc lên bám vào mặt trong của kính, làm chúng ta không nhìn thấy gì cả mà cũng không làm cách nào lau được, có một số mẹo nhỏ sau để ngăn không cho hơi nước bám lên mặt kính:
Dùng antifog bán ở cửa hàng (là một loại keo xịt) dùng thứ này tốt nhất, tuy nhiên là tốn tiền, xịt trước khi xuống nước khoảng 15 – 30 phút. Trước khi đeo kính lên khỏa kính xuống nước cho đi hết chất keo bám trên mặt kính vì chất keo này vào mắt sẽ rất sót và hại mắt. Nhớ là chỉ khỏa kính xuống nước thôi, không nên dùng tay hay khăn vải để cọ, vì nếu làm như vậy sẽ mất tác dụng chống hơi nước.
Cách khác, nếu không có antifog ta dùng dầu tắm, dầu gội đầu hoặc kem đánh răng thay thế, và cũng làm như làm với antifog. Nếu không có thứ gì cả thì rửa sạch kính sau đó nhổ vào mặt kính vài bãi nước bọt cũng tạm sài được.
Cách khác nữa, để kính khô, dùng một cái khăn khô, sạch, loại 100% coton (nhớ là 100% coton, nếu dùng khăn nilong xước kính ráng chịu) xoa đều nhanh và mạnh lên mặt trong của kính cho đến khi cảm thấy mặt kính nóng lên thì thôi. Thử lại bằng cách dùng miệng hà hơi lên mặt kính, thấy hơi nước không bám lên là được. Dùng cách này có cái tiện lợi là ta có thể đeo kính khô và đeo trước khi xuống nước rất hữu ích khi lặn ở nước lạnh. Nếu kính của bạn tốt thì có khi từ lúc xuống đến lúc lên không có một giọt nước nào dính vào một nửa khuôn mặt của bạn cả.
Có một biện pháp khác mà cũng có người làm đó là dùng bật lửa hơ lướt qua mặt trong của kính, tôi nghĩ chắc nó chỉ có tác dụng khi kính làm bằng thuỷ tinh, chứ nếu làm bằng mica rất dễ bị cháy, tôi cũng không muốn mạo hiểm để thử, nếu bạn nào thích thì có thể thử xem sao.
Tại thời điểm hiện nay Cressi mới ra một loại kính lặn bắn cá mới (giá 38€) silicon có thêm hai đường gân dọc theo sống mũi có tác dụng ngăn cho hơi thở từ mũi không trực tiếp thổi lên mắt kính. Kính lặn này được quảng cáo là chống được hiện tượng mờ mắt kính nhưng thực tế thử nghiệm cũng không thấy có tác dụng nhiều lắm. Tuy nhiên silicol dày, quai đeo chắc chắn thích hợp để treo thêm camera hoặc đèn lặn, không gian phía trong kính khá nhỏ (thuộc loại nhỏ nhất hiện nay) giúp bạn tăng thêm độ sâu phải cân bằng áp.
Trên một video quay về những người phụ nữ lặn bắt bào ngư ở Nhật tôi thấy họ sát một loại lá cây hay cỏ gì đó vào kính, chắc là để tránh bám hơi nước, tôi không biết lá cây hay cỏ đó là gì, dùng loại khác có được không tôi vẫn chưa thử, nhưng với kinh nghiệm của họ thì điều đó chắc là hữu dụng. Không biết bà con Việt nam ta ở các huyện đảo lặn có kinh nghiệm gì hay không. Cũng trong video này, các bà các chị mặc những bộ đồ lặn khác với các bộ đồ lặn trên thị trường, kính lặn bao ra ngoài bộ đồ lặn chứ không chạm vào da mặt, có lẽ loại bộ đồ lặn này ngăn không cho nước thấm vào da. Cũng trong video này có một đoạn về cá heo cứu thợ lặn rất đáng xem.
Một mẹo nhỏ nữa để nước không lọt vào là khi bạn bắt đầu chúi xuống, bạn dùng tay ấn vào phần silicon ở ngay dưới mũi (đây là chỗ hay lọt nước nhất) hoặc là thêm một sợi dây caosu nữa vòng từ sau gáy ra phía dưới mũ, khi đến một độ sâu nhất định, áp suất nước sẽ ép lên mặt kính bạn có thể bỏ tay giữ ra. Cách này hữu hiệu với số đông nhưng không phải với tất cả.
Một số kính lặn hiện nay, còn có thêm chỗ để gắn camera nhưng không tiện lợi lắm vì rất dễ làm lọt nước vào. Cũng có loại kính lặn có thiết kế camera o trong luôn, nhưng chất lượng thì dở tệ, bạn không nên mua loại này.
Loại kính lặn trùm hết mặt chỉ thích hợp cho những bạn nổi trên mặt nước ngắm cá, không thích hợp cho lặn, các bạn mới dùng kính lặn thì chọn loại này cho dễ vì có thể thở tự nhiên.
Về bảo quản, không để vật nhọn, sắc làm trầy mắt kính hoặc rách cao su. Rửa sạch ngay sau khi dùng, không dùng loại hóa chất tẩy rửa quá mạnh vì tác dụng hóa học của nó có thể làm hỏng silicon. Không nên phơi kính dưới ánh nắng mặt trời vì có thể bị nóng chảy silicon hoặc cao su.