Đã gọi đây là môn thể thao lặn bắn cá thì tất nhiên là phải có súng bắn cá (En: speargun, Fr: arbalète) nếu không có súng thì lấy gì mà bắn. Tuy nhiên cũng không hẳn là như vậy, đôi khi lặn bắn cá cũng không nhất thiết phải có súng. Ví dụ như trong những trường hợp mục đích của chúng ta là lũ cua, ghẹ, nhện biển, v.v. Hoặc có nhiều bạn thích lặn biển nhưng lại có tấm lòng từ bi không muốn sát sinh, các bạn có thể thay thế khẩu súng bắn cá bằng một cái máy ảnh (hoặc một cái camera) và chiến lợi phẩm của bạn không phải là món cá rán mà là những bức ảnh kỳ thú của thế giới dưới nước. Hoặc như ở bên châu Phi chẳng hạn, các tay thợ lặn chỉ cần một cái xiên (thường làm toàn bằng sắt, dài 1,5 m – 2 m) cũng có thể đâm được mực và tôm hùm, cũng có lẽ vì một khẩu súng bắn cá đối với họ là quá xa sỉ. Nhưng với tuyệt đại đa số đối với những người chơi môn thể thao lặn bắn cá thì súng bắn cá là thứ đồ nghề quan trọng nhất và đây cũng là món đồ trung tâm của môn thể thao này. Giây phút hưng phấn nhất của môn thể thao này chắc là lúc bóp cò để cho mũi tên lao về đích. Đây cũng là món đồ được dân lặn bắn cá đặc biệt quan tâm khi mua, khi chọn, những dân chơi lâu năm thường có hơn 2, 3 khẩu súng bắn cá là chuyện bình thường.

Sơ đồ súng bắn cá

Có nhiều loại súng bắn cá nếu phân loại theo nguyên lý vận hành. Có hai loại chính hiện nay đang được lưu hành rộng rãi : loại đẩy mũi tên bằng dây cao su và loại đẩy mũi tên bằng áp lực hơi (xem bài súng bắn cá bằng khí nén). Loại đẩy mũi tên bằng dây cao su được sử dụng phổ biến hơn, trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập đến loại súng này.

Cấu tạo súng bắn cá

Về cấu tạo súng bắn cá được chia làm 3 phần chính:

Phần đầu của súng

Phần đầu thường có 1 bộ phận có thể làm bằng kim loại, phíp, carbon, plastic, gỗ. Phần này có rất nhiều hình dạng, có loại có lỗ tròn, có loại có vít để gắn dây cao su, có loại thì có cả 2. Lỗ tròn là chỗ để luồn dây cao su (loại dây cao su một sợi liền) . Có loại chỉ có 1 lỗ nhỏ chỉ luồn được 1 sợi dây cao su. Có loại có lỗ to có thể luồn được 2, 3 sợi một lúc. Cũng có loại thì có 2 lỗ nhỏ.
Vít gắn dây cao su là 2 lỗ có ren trong, dùng để gắn dây caosu (loại dây cao su có 2 nhánh). Loại này thường chỉ gắn được một sợi. Đại đa số loại súng nhỏ từ 1 m trở lại thường dùng loại này và có thêm một lỗ tròn nhỏ để nếu ai muốn tăng cường thêm sức mạnh của mũi tên thì gắn thêm một sợi dây cao su 1 sợi liền nữa.

Phần đầu súng có một chi tiết rất quan trọng đó là vị trí định vị mũi tên, có hai loại định vị mũi tên đó là định vị ‘’đóng’’ và định vị ‘’mở’’.

Đầu súng bắn cá định vị đóng

Định vị ‘’đóng’’ mũi tên đi qua một lỗ nhỏ, lỗ nhỏ này có khi được đúc liền với phần đầu của súng nếu phần đầu súng làm bằng nhựa hoặc bằng phip, loại định vị này có ưu điểm là rất ổn định, chắc chắn, mũi tên hầu như không bao giờ thoát ra khỏi rãnh định vị. Việc lắp mũi tên vào cũng có phần dễ hơn loại ‘’mở”, nhược điểm của nó là: khi bạn bắn quá gần nếu mũi tên chưa ra khỏi lỗ định vị mà bị bắt buộc dừng lại, ví dụ như bắn phải đá, phải cá quá to, v v. Sức phản chấn của mũi tên có thể phá vỡ lỗ định vị, trường hợp này rất hay xảy ra khi bắn cá trong hang.

Đầu súng bắn cá định vị mở

Định vị ‘’mở’’ thường đi kèm theo một hệ thống rãnh định vị, có khi liên tục dọc theo mũi tên (các loại súng bắn cá bằng gỗ thường hay thiết kế kiểu này), có khi thiết kế gián đoạn tại một vài điểm dọc theo thân súng. Có một số súng bắn cá (như Cressi Cherokee, . .) thân súng có nam châm để giữ cho mũi tên gắn với rãnh định vị chắc hơn, nhưng cũng làm giảm một phần sức mạnh của súng và với mũi tên bằng thép in-nox thì nam châm không có tác dụng. Điểm quan trọng cho thiết kế định vị ‘’mở ‘’ là có một vài chốt cố định dây, đoạn dây này sẽ có tác dụng giữ cho mũi tên luôn luôn cố định trên rãnh định vị. Các chốt cố định này thường là thiết kế một cục liền với đầu súng (với loại súng bằng gỗ có nhiều kiểu thiết kế khác nhau tùy theo người sản xuất). Ưu điểm của loại định vị này là không bị vỡ khi mũi tên bị phản chấn. Có thể dùng cho tất cả các loại mũi tên, lực ma sát với súng giảm đi một chút, ít bị kẹt vì rối dây hơn. Nhược điểm của nó là: đòi hỏi sợi dây ở đoạn này phải đủ mềm để có thể siết chặt mũi tên vào rãnh định vị. Khi mắc dây phải cẩn thận hơn vì dễ dàng bị bung ra trong quá trình bơi, lặn, khi va chạm cũng dễ bị bung ra.
Phần đầu súng còn có một chỗ (thường là một lỗ nhỏ) để móc sợi dây giữ mũi tên và một rãnh cố định để cố định những vòng dây giữ mũi tên.

Đầu súng bắn cá roller

Còn một loại đầu súng nữa (gọi là súng roller) có hai bánh xe nhỏ để sợi dây cao su trượt trên đó, với loại súng này có thể dùng dây cao su dài hơn (bắn mạnh hơn) mà không cần tăng độ dài của súng.

Phần thân súng

Phần thân súng bắn cá

Thân súng bắn cá bằng ống nhôm có rãnh định vị rập sẵn. Đây là phần đơn giản nhất của súng bắn cá, nó có công dụng chính là làm cho súng bắn cá dài ra, phần đầu và phần báng của súng bắn cá thường có kích thước cố định đối với mỗi seri, nhưng phần thân thì dài ngắn khác nhau, kéo theo dây cao su, mũi tên, dây giữ mũi tên cũng dài ra theo. Một công dụng nữa của phần thân súng là cân bằng trọng lượng của súng dưới nước, trọng lượng của súng dưới nước tốt nhất là bằng với trọng lượng riêng của nước, tức là ở dưới nước súng bắn cá không nổi cũng chìm là tốt nhất, thường thì hơi chìm một chút khi chưa bắn, và dứt khoát phải nổi sau khi mũi tên đã bắn ra. Nếu mũi tên chạm đáy mà sợi dây không đủ dài súng bắn cá sẽ nổi lơ lửng trong nước rất dễ nhìn thấy, nhiều trường hợp ta bắn cá ở dưới sâu, mũi tên bị kẹt ở dưới đó mà ta phải buộc ngoi lên mặt nước lấy hơi, nếu súng bắn cá cũng chìm xuống thì ta sẽ rất khó tìm lại. Súng bắn cá quá nặng hay quá nhẹ còn ảnh hưởng tới khi ngắm bắn, nhất là khi bắn ngang, không có chỗ tỳ, lúc đó đôi khi bạn phải cầm súng một tay, lại phải đưa ra xa hết mức, nếu súng bắn cá bị chịu lực đẩy lên (súng quá nhẹ) hoặc kéo xuống (súng quá nặng) đều rất khó ngắm trúng mục tiêu.

Các phương pháp cân bằng súng trong nước

Đôi khi để cân bằng súng bắn cá theo chiều ngang, nhất là những súng bắn cá quá dài, thân súng còn được chế tạo theo hình thoi, hoặc có bán phụ kiện để gắn thêm vào thân súng làm cho nó có hình dáng tương tự. Các nhà sản xuất thường đã tính toán tối ưu cho chức năng này của thân súng nhưng nếu các bạn thay lại thân súng hay chế lại thân súng cần lưu ý tới chức năng này, nhất là không nên làm quá nặng. Nếu bạn thay đổi mũi tên dài hơn hoặc có đường kính hay vật liệu khác với mũi tên bán theo súng thì cân bằng của súng cũng bị thay đổi.

Có thể phân loại thân súng bắn cá như sau (về chất liệu chế tạo) : nhôm, gỗ, carbon, còn có thể bằng sợi thủy tinh.

– Làm bằng sợi thủy tinh và carbon thì tốt hơn, nhẹ hơn nhưng thường rất đắt, cũng không nhiều người dùng các loại này. Thân súng bằng carbon tuy cứng nhưng lại ròn, khi va dập hay bị vỡ hay sứt mẻ.

– Làm bằng gỗ thường là làm thủ công nó liền một cục với phần đầu súng và báng súng, mỗi người thiết kế một kiểu. Thân súng bắn cá đòi hỏi phải cứng không biến dạng hoặc là cong lên theo thời gian sử dụng hoặc khi lên dây, đây là một trong những nhược điểm của súng bắn cá bằng gỗ mà ảnh hưởng của nó chủ yếu lên phần thân súng.

– Thông dụng nhất là làm bằng nhôm sau đó sơn lên, (thường là Ø= 28mm) cũng có khi trên thân súng có dập luôn rãnh định vị. Các ống nhôm này được bít kín hai đầu để cho nước không ngấm vào trong làm tăng sức nổi cho súng khi ở dưới nước. Chiều dài của ống thì khác nhau tùy theo từng model, tuy nhiên cửa hàng thì có bán sẵn rất nhiều ống với chiều dài khác nhau sơn màu khác nhau và có khi còn có in sẵn các biểu tượng của các hãng sản xuất súng bắn cá khác nhau.

Thân súng bắn cá tuy đơn giản nhưng lại quyết định chủ yếu đến sự chênh lệch về giá giữa các loại súng bắn cá, một khẩu súng bắn cá làm bằng sợi thuỷ tinh (thực ra chỉ có thân súng làm bằng sợi thuỷ tinh) nhiều khi giá gấp 5, 6 lần một khẩu súng tương tự làm bằng ống nhôm.

Phần báng súng

Phần báng súng bắn cá

Đây là phần quan trọng nhất của súng bắn cá, cũng là phần có cấu tạo phức tạp nhất, đòi hỏi độ chính xác cao về chế tạo cũng như chất lượng của vật liệu. Các nhà chế tạo thủ công, thường súng bắn cá bằng gỗ thường chế tạo thủ công, các chi tiết thường có độ chính xác không cao, vật liệu đôi khi không đồng đều vì vậy đôi khi có khẩu thì rất tốt, rất bền, nhưng nhiều khẩu thì rất hay trục trặc, đặc biệt khi hỏng hóc thì rất rắc rối. Các hãng sản suất thường chế tạo nguyên một cụm, trong cùng một hãng thì có vài chi tiết có thể thay thế cho nhau được nhưng các hãng khác thì không thể. Khi thay thế thì người ta thường thay thế nguyên một cụm vừa nhanh tốt và rẻ (tính về tổng thể) hơn so với thay từng thế từng chi tiết. Phần báng súng gồm nhiều chi tiết như :

– Phần tay cầm để ta nắm tay vào, có loại cố định, có loại có thể xoay ngang 90° (chủ yếu là để khi vận chuyển cho tiện). Cuối tay cầm thường có một cái móc để có thể treo súng. Phần tay cầm này cũng là một phần ta cần lưu ý khi mua súng bắn cá, vì mỗi súng bắn cá thường làm phần này không giống nhau, nhất là loại súng bắn cá làm bằng gỗ. Vì vậy ta phải ướm thử phần tay cầm này xem có thoải mái không, nhiều khi quá to ngón tay bóp cò rất miễn cưỡng (bạn phải lưu ý là : tay còn có đeo găng tay nữa), hoặc là quá nhỏ khi cho tay vào cò súng rất khó, dễ bị cướp cò, hoặc là nó không phù hợp với bàn tay của bạn nắm vào thấy rất không thoải mái. Bạn nên nhớ rằng đây là một tư thế bạn luôn phải thực hiện trong suốt quá trình lặn bắn cá.

– Cuối báng súng thường có một đoạn để tỳ lên dây, có nhiều súng không có, thường là những loại súng bắn cá nhỏ dưới 50 cm thì không có bộ phận này. Bộ phận này khá quan trọng dùng để tỳ vào bụng khi lên dây, nếu không có nó rất khó lên dây. Mỗi hãng đều có thiết kế hơi khác nhau thường thì không thể thay thế lẫn nhau được và đa phần là làm chung một cụm với báng súng.

– Phần cò súng gồm có cò súng và một cụm các chi tiết dùng để giữ và bung ra mũi tên khi ta bóp cò. Bộ phận cò súng này còn được gắn thêm một chốt an toàn và một cái lẫy để móc dây giữ mũi tên. Chốt an toàn thì không cần phải giải thích thêm, còn cái lẫy móc dây này cũng rất quan trọng, khi bình thường nó phải khoá cứng lại để ta có thể móc vào đó mấy vòng dây của sợi dây giữ mũi tên, khi ta bóp cò nó phải gập lại để sợi dây có thể bung ra. Cụm chi tiết cò súng thường rất hay hư hỏng ví dụ như bị kẹt khi bóp cò, hay bị nhất là không giữ được mũi tên, hay bị cướp cò, v.v. nguyên nhân chủ yếu do mức độ sử dụng và bảo quản, thường được thay cả cụm khi hư hỏng. Vì vậy khi chọn mua súng bắn cá bạn nên tìm hiểu xem cửa hàng có bán phụ tùng thay thế cho loại súng bắn cá mà bạn đang định mua hay không.

– Phần nối với thân súng, thường là tròn vừa khít với thân súng, có chốt để cố định với thân súng, khi chế lại thân súng bạn phải quan tâm đến bộ phận này.

– Bộ phận cài cuộn dây, không phải súng bắn cá nào cũng có bộ phận này, và cũng không phải loại cuộn dây nào cũng có thể cài vừa, vì vậy khi định gắn thêm quận dây thì bạn phải tính toán cho kỹ.

Mũi tên, sợi dây giữ mũi tên

Mũi tên và sợi dây giữ mũi tên súng bắn cá

Mũi tên có chức năng gì chắc các bạn cũng hiểu : để bắn vào con cá, sau đó con cá sẽ bị giữ lại bằng sợi dây, kéo sợi dây vào là ta có thể thu hoạch được một món cá rán. Mũi tên thường được thiết kế bằng thép không gỉ, thép thường tuy sắc và bền nhưng xuống nước rất chóng hỏng, rỉ đen nom rất xấu, titan và carbon tuy không rỉ nhưng nhẹ quá làm giảm độ chính xác khi bắn. Mũi tên thường có Φ từ 6mm đến 7mm nhỏ hơn thì quá yếu lớn thì quá nặng, tuy nhiên có những loại súng cực mạnh thường thiết kế riêng như loại 1,3 m đến 1,5 m dùng trên ba sợi cao su dùng để bắn cá to, hoặc dùng trong kĩ thuật bắn cá bổ nhào người ta có thể dùng mũi tên Ø từ 8 mm đến 8,5 mm. Chiều dài mũi tên tùy theo loại súng bắn cá nhưng thường dài hơn súng từ 15 đến 20 cm trở lên. Mũi tên φ 6mm thích hợp cho súng có độ dài 50 cm đến 75 cm, mũi tên nhẹ hơn, bắn nhanh hơn thích hợp cho bắn gần và kỹ thuật bắn vẩy nhưng nếu lắp cho súng có độ dài 90 cm trở lên thì quá nhẹ làm giảm độ chính xác của súng. Cũng vì lý do trọng lượng của mũi tên ảnh hưởng nhiều đến tính chính xác của chúng nên mặc dù dùng súng roller hoặc có thể tăng thêm nhiều sợi dây caosu để tăng sức mạnh của súng, nhưng người ta vẫn thích dùng giải pháp là tăng chiều dài của súng để tăng sức mạnh của súng hơn.

– Phần tận cùng của mũi tên thường có một khớp lõm để chốt với bộ phận cò súng, khớp lõm này thường tương đối thống nhất đối với các hãng sản xuất vì vậy đa số mũi tên thường có thể dùng chung cho các súng bắn cá khác nhau.

– Cuối mũi tên còn có một lỗ nhỏ (có khi ở chỗ khác) để nối với một sợi dây giữ mũi tên.

– Trên thân của mũi tên thường có 1, 2 hoặc 3 cái khớp để nối với đầu khớp của sợi dây cao su, mỗi loại khớp nối trên mũi tên ứng với một loại đầu khớp của sợi dây cao su. Khớp nối trên mũi tên thường có hai loại là khớp chìm và khớp nổi. Mũi tên có khớp nổi chỉ dùng được cho loại đầu súng bắn cá định vị mở, loại khớp nối này tạo nên một chút lực cản trong nước nhưng rất chắc chắn. Mũi tên có khớp nối chìm dùng được cho tất cả các loại đầu súng bắn cá nhưng mỗi khớp nối là một vết cắt, mũi tên rất hay bị gãy ở vị trí này. Đối với súng bắn cá chỉ lắp 1 sợi cao su thì ta có thể lắp dây cao su vào khớp nào cũng được tuỳ vào sức mạnh của tay, kéo càng đến khớp cuối thì sức bắn càng tăng mạnh. Đến từ hai sợi trở lên thì nên mỗi sợi cao su khớp với một khớp, sợi trong cùng thì khớp với khớp gần nó nhất, đôi lúc hai sợi cùng khớp lên một khớp cũng không sao nhưng đừng ngược với thứ tự như trên là được.

– Đầu mũi tên cũng có rất nhiều loại, có loại liền một cục hoặc loại có thể tháo rời ra, tùy loại cá mà bạn hay bắn mà chọn đầu mũi tên cho thích hợp. Đầu mũi tên còn có một hoặc hai cái lẫy, có loại lẫy có lò xo cũng có khi không có lò xo, tác dụng của những cái lẫy này là tạo ra một cái ngạnh làm cho mũi tên không thể rút ra được. Thường thì nhà sản xuất làm loại đơn giản nhất làm loại lẫy một lẫy không có lò xo và liền một cục với mũi tên.

– Sợi dây giữ mũi tên có chức năng nối mũi tên và súng, yêu cầu của nó là phải đủ mềm để có thể móc được nhiều vòng quanh thân súng và giữ được chắc mũi tên vào rãnh định vị đối với loại đầu súng mở. Vừa đủ cứng để không bị rối khi bung ra, khi kéo cá vào và khi mắc dây vào súng. Nhiều người dùng sợi cước câu cá loại 1,6mm những loại này hơi mềm nên rất dễ bị rối vì vậy tốt nhất vẫn là nên dùng loại sản xuất riêng cho chức năng này. Cuối sợi dây đoạn phía đầu súng thường có một đoạn giây cao su nối với phần đầu súng mục đích giữ cho sợi dây luôn căng không bị bung ra khi di chuyển và một cái khóa để dễ dàng tháo ra, gắn vào. Đôi khi sợi dây còn được nối với một cuộn dây. Cuộn dây này có tác dụng như cuộn dây cần câu cá, trong một số trường hợp ví dụ như các bạn bắn được cá tương đối lớn có thể phải thả ra kéo vào cho nó mệt rồi mới lôi vào thực sự như đi câu cá, nhưng tôi thấy loại cá bình thường dưới 7 kg thì chả cần thiết, cứ kéo thẳng một mạch là được. Trong trường hợp thực hiện kỹ thuật bổ nhào ở vùng biển trống, ít vật cản, khi đó bạn phải lặn tương đối sâu, bạn cũng bắn từ khoảng cách tương đối xa, khi đó bạn dùng cuộn dây sẽ có tác dụng. Trong đại đa số trường hợp sợi dây này chỉ gây thêm phiền phức thôi. Ví dụ khi bạn bắn trượt mũi tên sẽ đi quá xa, nếu lại chui vào hốc đá hay hay đám rong rêu thì rất phiền phức. Hoặc các con cá to khỏe mình lại bắn không trúng chỗ hiểm nó có thể lôi luôn cả mũi tên và sợi dây vào trong hang đá hoặc đám rong rêu thì việc gỡ ra cũng rất rắc rối. Cuộn dây cũng làm cho súng thêm vướng víu nhất là nếu bạn gắn thêm camera trên súng hoặc có nhiều rong rêu trôi nổi. Tóm lại cuộn đây thường không cần thiết, nếu có bán sẵn theo súng thì bạn cũng nên tháo ra khi cần sẽ lắp lại.

Lựa chọn chiều dài sợi dây giữ mũi tên bạn cũng phải tính toán cẩn thận, ví dụ nếu bạn không dùng cuộn dây giữ mũi tên, khi bán súng người ta thường gắn sẵn một sợi dây giữ mũi tên có chiều dài đủ quấn một vòng quanh súng và lẫy giữ sợi dây giữ mũi tên, như vậy nếu súng của bạn là loại 110 cm thì sợi dây giữ mũi tên dài khoảng 3 m. Với 1 vòng dây cao su thì tầm hiệu quả cũng khoảng 3 m như thế là được (vì bạn còn tính đến chiều dài mũi tên nữa). Nhưng nếu bạn thêm một sợi dây cao su nữa thì chiều dài này là hơi thiếu, bạn phải thêm một vòng nữa (khoảng 2 m nữa). Có một kinh nghiệm là nếu bạn lên đạn ở chế độ mạnh nhất khi để súng bắn ngang dưới nước (không phải là bắn từ trên xuống) nếu súng không giật (mũi tên chưa đi hết đà súng sẽ giật) và sợi dây bung ra hết là ok, nếu giật thì thêm 1 vòng nữa (nhưng không nên quá 2 vòng nhé). Nhiều bạn vẫn thích để cuộn dây giữ mũi tên (phòng khi có cá lớn) thì khi bắn cá nhỏ khoá cuộn dây lại, khi bắn cá to thì mở cuộn dây ra.

Nên có khoá dây giữ mũi tên lý do: bạn có thể tháo rời mũi tên ra khỏi súng và gắn lại rất dễ dùng trong các trường hợp: dây bị rối, bị vặn, cá gỡ ngược ra khỏi mũi tên khó khăn, bạn tháo khoá ra sẽ dễ xử lý hơn, chú ý là không gắn chết khoá về phía sợi dây giữ mũi tên. Một lý do nữa nhiều bạn khi đi bắn thay vì mang theo súng dự phòng thì mang theo mũi tên dự phòng, khi cần thay mũi tên chỉ cần mở khoá là xong.

Sợi dây cao su

Dây cao su của súng bắn cá

Một chi tiết cuối cùng trên súng bắn cá là sợi dây cao su. Công dụng của nó là tạo lực đàn hồi đẩy mũi tên đi xa, có rất nhiều loại dây cao su đại đa số hình tròn có Φ từ 14 mm đến 22 mm, loại mầu vàng dẻo hơn những sức mạnh kém hơn, loại màu đen cứng hơn những mạnh hơn. Có loại dây cao su thiết kế là một sợi liền, có loại là hai sợi tạo thành một đôi. Loại một đôi, mỗi đầu của mỗi sợi cao su được cố định với một vít nhựa để gắn vào đầu súng và đầu khớp của dây cao su, cỡ và jen của các hãng đều thường chuẩn giống nhau nên có thể dùng lẫn cho nhau. Loại hai sợi lên đạn (kéo sợi dây caosu mắc vào mũi tên) dễ hơn, nếu đứt một sợi thì chỉ cần thay thế sợi đó là đủ, loại một sợi dễ thay thế hơn vì chỉ cần sợi caosu đủ dài, không cần vit cũng không cần đầu khớp. Còn về lựa chọn Φ và độ dài của dây cao su thì tùy theo sức kéo của mỗi người, Φ càng lớn càng tốt, dây càng ngắn càng tốt, chú ý nếu ngắn quá mà không kéo nổi cũng vứt đi. Bạn có thể gia cố thêm một chùm sợi dây caosu nhưng như thế thường rất vướng víu, mọi người thường không thích kỹ thuật này.

Lựa chọn súng bắn cá

Bảng chọn súng bắn cá (dây cao su đơn):

Chiều dài súng ∅ và chiều dài mũi tên Số lượng, ∅ và chiều dài dây caosu đơn Tầm bắn hiệu quả
81cm 6.75mm X 86cm 2 X 16mm X 38cm 3.0M
102cm 6.75mm X 115cm 2 X 16mm X 46cm 4.6M
117cm 6.75mm X 130cm 2 X 16mm X 55cm 5.5M
127 cm 6.75mm X 130cm 2 X 16mm X 55cm 5.5M
127cm 6.75mm X 140cm 2 X 16mm X 61cm 6.1M
137 cm 6.75mm X 140cm 2 X 16mm X 61cm 6.1M
137cm 6.75mm X 152cm 2 X 16mm X 67.5cm 6.7M
147 cm 7.1mm X 152cm 2 X 16mm X 67.5cm 6.7M
147cm 7.1mm X 160cm 2 X 16mm X 75cm 7.3M
157 cm 7.1mm X 160cm 2 X 16mm X 75cm 7.3M
157cm 7.1mm X 170cm 2 X 16mm X 81.5cm 8.0M

Bảng chọn súng bắn cá (dây cao su đôi):

Chiều dài súng ∅ và chiều dài mũi tên Số lượng đôi, ∅ , chiều dài dây cao su đôi Chiều dài căng của dây cao su Tầm bắn hiệu quả
69 cm 7,1mm X 71cm (2) 13mm X 30cm 56 cm 1.68M
69 cm 7,1mm X 66cm (3) 13mm X 30cm 56 cm 2.44M
84 cm 7,1mm X 86cm (2) 14mm X 38cm 56 cm 2.29M
84 cm 7,1mm X 81cm (3) 14mm X 38cm 56 cm 3.35M
99 cm 7,1mm X 112cm (2) 14mm X 46cm 71 cm 2.9M
99 cm 7,9mm X 107cm (3) 14mm X 46cm 71 cm 4.27M
114 cm 7,1mm X 127cm (2) 14mm X 51cm 86 cm 3.51M
114 cm 7,9mm X 122cm (3) 14mm X 51cm 86 cm 5.18M
122 cm 7,1mm X 127cm (2) 14mm X 51cm 86 cm 3.51M
122 cm 7,9mm X 122cm (3) 14mm X 51cm 86 cm 5.18M
129.5cm 7,1mm X 145cm (2) 14mm X 61cm 101.5 cm 4.11M
129.5cm 7,9mm X 140cm (3)14mm X 61cm 101.5 cm 6.10M
137 cm 7,1mm X 145cm (2)14mm X 61cm 101.5 cm 4.11M
137 cm 7,9mm X 140cm (3)14mm X 61cm 101.5 cm 6.10M


Khi lựa chọn súng bắn cá các bạn nên có một số lưu ý sau:

– Về mầu sắc thường chỉ có ba loại màu : đen, nâu, rằn ri, tuỳ theo vùng mình hay lặn bắn cá và sở thích mà lựa chọn, theo tôi thì lựa chọn mầu rằn ri là tốt nhất.

– Chiều dài của súng rất quan trọng, tôi có lời khuyên, chủ yếu dùng cho người mới bắt đầu chơi. Chiều dài súng bắn cá ít nhất từ 75 cm trở lên, thường là 90cm loại dưới 75 cm thường chỉ để cầm chơi cho vui hoặc là bắn cá trong hang khi mà bạn có thể gí súng sát vào con cá mà bắn thì mới có hiệu quả. Dưới đây tôi có một bản lựa chọn súng để bạn tham khảo. Con đối với các bạn đã có kinh nghiệm dùng súng bắn cả thì chắc không cần tư vấn nhiều, mỗi người đều có kinh nghiệm và sở thích riêng. Chiều dài của xuống còn tùy thuộc vào kỹ thuật bằng cá mà bạn bị áp dụng.

Việc lựa chọn súng bắn cá còn phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng nữa đó là kinh phí, về nguyên tắc thì càng đắt có nghĩa là càng tốt. Tuy nhiên cái đắt đó có xứng đáng với cái tốt mà nó đem lại cho bạn hay không thì lại tuỳ thuộc vào sự đánh giá của bạn.

Sử dụng súng bắn cá

Sử dụng súng bắn cá các bạn nên có một số lưu ý như sau :

Kỹ thuật lắp dây caosu vào mũi tên

– Không bao giờ lên đạn (kéo sợi dây caosu mắc vào mũi tên) và bắn ra khi ở trên cạn, chỉ thực hiện ở dưới nước, với những nước có luật về môn thể thao lặn bắn cá thì đây là quy định bắt buộc. Lý do trước tiên là vì an toàn, khi ở trên cạn do không có lực cản của nước mũi tên sẽ phóng đi rất mạnh, có thể làm đứt sợi dây giữ mũi tên hoặc làm vỡ chốt đầu sợi dây ở đầu súng và tất nhiên có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc.

– Khi không chuẩn bị bắn nên khoá chốt an toàn.

– Kỹ thuật lên đạn có thể được mô tả như hình phía trên:

– Khi di chuyển trong nước, nhất là khi đi cùng nhóm, mũi tên nên hướng về phía trước hoặc xuống phía dưới nơi mình có thể dễ dàng và luôn luôn quan sát được.

– Khi bắn ra cũng phải quan sát kỹ gần đó người không, mục tiêu là cá chứ không phải là chim (các con chim biển khi lao xuống bắt cá rất dễ nhìn nhầm là cá). Tương tự nhiều khi chân nhái của đồng đội bên cạnh cũng có thể nhìn nhầm là cá. Nhìn rõ loại cá mình bắn xem có phải là loại nguy hiểm hay không, ví dụ như cá mập, sứa biển cũng rất nguy hiểm. Không nên bắn quá gần nếu sau con cá là vách đá hoặc đáy biển, mũi tên phản chấn có thể làm vỡ rãnh định hướng hoặc đập vào mặt mình.

– Khi kéo dây cao su nên dùng găng tay gì sợi dây cao su rất trơn vậy nhiều lúc bật ra sẽ có thể làm tay bị thương hoặc vỡ đồng hồ lặn (nếu có). Khi súng có hai sợi dây cao su thì khi lên đạn nên kéo sợi dây ở phía trong trước (sợi ngắn hơn và mắc ở chốt phía gần đầu mũ tên hơn) lý do : nếu khi lắp sợi thứ hai mà sợi thứ nhất bị bung ra bạn ít bị thương hơn.

– Sau khi dùng súng bắn cá nên xối nước ngọt để cho sạch cát và nước mặn, nhất là bộ phận cò súng. Không phơi nắng quá lâu, các chi tiết bằng cao su, nhựa sẽ bị ròn, vỡ. Tuyệt đối không để tình trạng súng luôn luôn lên đạn kể cả khi khóa chốt an toàn khi đã lên cạn. Khi để lâu không dùng đến bung dây giữ mũi tên ra để sợi dây cao su giữ dây không bị lão hóa, mài lại mũi tên sau khi bắn phải đá. Vì mũi tên không đủ nhọn sẽ tăng sức cản của nước làm giảm đi lực xuyên thấu. Bịt đầu mũi tên khi vận chuyển và không dùng đến.

13-12-2019 / qtn / 17167 lượt xem /