
Chân nhái (En: palm, Fr: palme) có rất nhiều loại. Tùy theo túi tiền mà ta có sự lựa chọn khác nhau, hầu như lọai nào cũng sử dụng đựơc cả.
Có một số chỉ tiêu chính để đánh giá công dụng của chân nhái như sau:
Độ đàn hồi, theo tôi thì đây là chỉ tiêu quan trọng nhất, độ đàn hồi càng cao thì khi bơi bạn càng đỡ tốn sức nhất, có thể tăng tốc nhanh nhất. Tuy nhiên có một số điểm bạn cần phải lưu ý độ đàn hồi phải thích hợp cho mỗi người, thường tuỳ thuộc vào cân nặng của bạn, khi lựa chọn chân nhái (nhất là với chân nhái carbon) người bán hàng thường hỏi cân nặng của bạn để tư vấn cho chính xác. Độ đàn hồi còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bạn (ví dụ như tuổi tác), vào kinh nghiệm sử dụng chân nhái, nhất là thói quen của bạn. Các cửa hàng bán thường có hàng mẫu để cho bạn dùng thử, thực tế chỉ có dùng thử mới là cách chọn lựa tốt nhất.
Độ bám nước, chỉ tiêu này rất quan trọng đối với môn thể thao lặn bắn cá. Độ bám nước là mức ma sát của chân nhái với nước, độ bám nước càng nhỏ bạn càng đỡ tốn lực, quan trọng nhất là khi bơi gây ra tiếng động trong nước nhỏ nhất.
Sau đó là độ bền và giá thành, dĩ nhiên càng bền càng tốt giá càng rẻ càng tốt mặc dù đó là một nghịch lý. Càng nhẹ càng tốt vì đỡ công mang vác khi di chuyển.
Về chất liệu
Chân nhái thường được sản xuất bằng các loại vật liệu như carbon, plastique và cao su.

Chân nhái làm bằng cao su thì thường đúc thành một cục, ưu điểm của nó là rẻ, được phép sử dụng ở mọi nơi. Tôi có thể giải thích một chút xíu ở chỗ này: đa số các hồ bơi công cộng có nhiều người bơi chỉ được phép sử dụng chân nhái cao su vì nó mềm không gây thương tích cho người khác. Một số khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt là các rặng san hô họ chỉ cho dùng chân nhái bằng cao su để tránh phá huỷ san hô và làm tổn thương các sinh vật biển trong khu bảo tồn. Nhược điểm của nó thì cũng nhiều, tuy dẻo nhưng độ đàn hồi lại kém vì vậy bơi rất mất lực, không chế tạo được chân nhái dài thường chỉ 50 đến 60 cm, nặng, bám nước cao do đó khi bơi thường phát ra tiếng động lớn. Vì là cao su đúc thành cục nên gẫy rách chỉ có cách dán lại: không sửa chữa được. Tuổi thọ sử dụng không cao do cao su nhanh bị lão hoá hơn các loại vật liệu khác.

Chân nhái làm bằng carbon (có thể kết hợp với sợi thuỷ tinh) là loại được cho là tốt nhất, độ đàn hồi rất tốt, hầu như đa số, bạn có thể uốn cong thành vòng tròn, độ bám nước nhỏ nhất, rất nhẹ. Tuy chân nhái thiết kế thường một cục nhưng có thể tháo ra thành 2 phần, phần đế để xỏ chân vào (rất ít hư) và phần lưỡi (hay hư) thường có bán sẵn bạn có thể thay thế được nhưng nên chú ý là rất ít khi có thể thay thế lẫn nhau giữa các hãng và các moden, rửa sạch nhanh nhất trong tất cả các loại. Do chất lượng của vật liệu nên chân nhái carbon giữ được độ đàn hồi lâu hơn so với các loại khác. Nhược điểm của nó là rất đắt (thường trên 200$), phần lưỡi rất dễ bị trầy xước, dễ bị gãy nếu kẹt vào đá, hơi kén người dùng nếu không vừa với sức của bạn, bảo quản đòi hỏi phải cẩn thận hơn ví dụ không để vật nặng đè lên, không phơi dưới nắng quá gắt và quá lâu. Khi sử dụng cũng phải lưu ý vì nó rất dễ gãy khi bị đè lên, nhất là khi xỏ chân nhái vào chân, không nên xỏ chân nhái ở trên bờ (rồi đi ngược xuống nước), cũng không nên xỏ ở mực nước quá nông, nếu bạn sơ ý dẫm chân lên nó nhất là ở phần lưỡi gần với phần đế và phía dưới là đá, sỏi (và thậm trí là cát) chân nhái rất dễ bị gẫy, nứt, nên xỏ chân nhái ở mực nước từ ngực trở lên, tuy khó xỏ nhưng khi đó trọng lượng của bạn không quá nặng sẽ an toàn hơn.

Chân nhái carbon thường có hai gân cao su nẹp ở hai bên của phần lưỡi carbon, hai gân này rất dễ bị rơi mất nên các cửa hàng thường có bán để thay thế, hai gân này khá là quan trọng nó có tác dụng bảo vệ cho lưỡi carbon không bị các vết sứt khi va chạm vào đá. Những vết sứt này sẽ là những điểm mấu chốt gây nên gãy khi chân nhái bị uốn cong.

Chân nhái làm bằng plastique (nhựa tổng hợp) là loại thông dụng nhất đối với dân nghèo, tất cả các chỉ tiêu nó đều nằm giữa hai loại trên, giá thì lại thấp không đắt hơn chân nhái cao su là bao thường khoảng 70$ dùng tốt cho dân lặn bắn cá nhiều năm kinh nghiệm, nó cũng có thể thay thế phần lưỡi, nhưng đôi khi thay thế không rẻ hơn mua mới là bao. Riêng về độ bền do va quệt thì nó hơn chân nhái carbon nhiều. Tuy nhiên độ bền về chất lượng của nó thì thua. Theo tôi nếu không đòi hỏi áp dụng kỹ thuật đặc biệt (xem bài Kỹ thuật bổ nhào và Bắn cá biển sâu) thì dùng chân nhái plastique là được. Bạn cũng lưu ý, có rất nhiều chân nhái bằng nhựa, thường bán kèm một bộ với cả ống thở kính lặn giá cũng chỉ khoảng 10$ nếu bạn đi biển mua để chơi một lần thì được còn nếu để chơi lâu dài thì không nên.
Cũng có các loại làm bằng các vật liệu khác như bằng phíp, bằng cả plastique kết hợp cao su nhưng không thông dụng lắm nên tôi không giới thiệu.
Về kích thước
Nên chú ý như sau: nếu hay thường xuyên lặn ở chỗ có nhiều hốc đá đòi hỏi phải luồn lách nhiều nhưng không cần phải đòi hỏi tốc độ cao ta chọn loại chân nhái có độ dài khoảng 50 cm (độ dài của chân nhái được tính từ gót tới đầu của chân nhái). Nếu dùng ở chỗ nước rộng, hoặc phải di chuyển nhiều, xa ta nên chọn loại dài hơn khoảng từ 75 cm đến 80 cm, theo tôi thì dùng loại này là tốt nhất. Nhiều bạn mới sử dụng chân nhái, dùng loại từ 75-80cm lúc đầu sẽ thấy hơi khó khăn nhưng dần dần sẽ thấy rất tiện lợi. Dùng loại ngắn hơn thì khi di chuyển sẽ mất sức hơn, khả năng tăng tốc khi cần thiết sẽ kém hơn. Dùng lọai dài hơn thì sẽ khó khăn hơn khi thao tác, khi đổi hướng, hoặc luồn lách trong các khe đá.
Nếu chỉ lặn trong hồ nước hoặc trong vịnh lặng sóng thì chúng ta chọn loại chân nhái dẻo, nhưng nếu lặn ở biển thì phải chọn loại cứng vì dùng loại dẻo có khi bị những cơn sóng ngược đánh cho gập lại rất phiền phức.
Có loại chân nhái liền một cục, loại này thông dụng nhất, dùng loại này là tiện lợi nhất, tuy nhiên cần phải lưu ý tới số chân khi mua. Nếu ta chỉ lặn ở vùng nước ấm không cần phải đi tất (hoặc chỉ cần đi đôi tất mỏng) thì ta chọn theo số của dày, hoặc lớn hơn một số ví dụ: bạn đi dày 42 thì chọn chân nhái số 42 hoặc 43. Nếu bạn lặn ở vùng nước lạnh thì thường bạn phải đi tất dày khoảng 2-5mm vì vậy bạn thường phải chọn lớn hơn 2-3 số, như ví dụ trên bạn phải chọn chân nhái có số 44 hoặc 45. Theo tôi thì cứ chọn lớn hơn độ 2 số là có thể dùng được cho mọi trường hợp. Nhưng các bạn cần thận trọng vì số của chân nhái cũng như số của dày ở mỗi nước có chút khác nhau, vì vậy không nên quá tin vào số ghi trên chân nhái mà phải xỏ thử cho chắc ăn.

Có loại chân nhái khác gồm có 2 phần, phần chân nhái phía trước và phần gót phía sau. Phần gót phía sau thực tế là một cái đai giống như quai hậu của dép, nó được gắn với phần trước bằng một cái khóa có thể tháo và mở dễ dàng. Ưu điểm của loại này là: ta có thể đi thêm một đôi dày mỏng (gần giống đôi tất nhưng có đế caosu). trong nhiều trường hợp bãi lặn của chúng ta rất phức tạp, có khi ta phải bơi, có khi phải lội bộ qua những bãi đá gập ghềnh, lởm chởm việc có một đôi dày dưới chân và một bộ chân nhái có thể tháo nhanh và xỏ vào cũng nhanh là việc rất cần thiết. Ưu điểm nữa của loại này là gần như cỡ chân nào cũng đi vừa vì gót có thể xiết vào hay nới ra thoải mái, hihi có thể mượn và cho mượn thoải mái. Nhược điểm của nó là nặng và đắt tiền và thường chiều dài không đủ dài, dùng để bơi thì không hiệu quả bằng lọai liền một cục.
Về kiểu dáng
Về kiểu và dáng thì có rất, rất là nhiều, có thẳng, có cong, có loại có viền có loại không, hình dáng của lưỡi cũng có rất nhiều, loại nào cũng được quảng cáo là hình dáng động học đã được nghiên cứu tình toán kỹ, tôi thì thấy cũng không khác nhau là bao, nhưng tôi vẫn thích loại lưỡi và đế không thẳng mà làm thành một góc tù, theo tôi loại này di chuyển trên mặt nước đỡ mỏi chân và ít gây tiếng động hơn.
Về màu sắc
Cũng như các đồ nghề khác ta nên chọn màu ngụy trang, hay màu đen không nên chọn các màu nổi bật hay những màu phản quang.
Bảo quản
Cũng như các sản phẩm bằng cao su, plastique và carbon khác ta không nên phơi nắng quá lâu dễ bị dòn và nứt, rửa bằng nước sạch sau khi lặn, cũng không nên tẩy rửa bằng hóa chất mạnh.