Ngoài các dụng cụ chủ yếu, trong môn thể thao lặn bắn cá còn có khá nhiều các dụng cụ khác phụ trợ, các thiết bị điện tử hỗ trợ, trong bài này tôi sẽ giới thiệu một số dụng cụ phụ trong môn thể thao lặn bắn cá.
Bộ dụng cụ sửa chữa
Bộ dụng cụ sửa chữa tạm thời, tôi xin gọi tắt là bộ dụng cụ sửa chữa thường bao gồm một cái kìm đa chức năng và một tấm inox. Bộ dụng cụ sửa chữa này nếu bạn đang ở nhà thì nó chẳng có tác dụng gì hay nói đúng hơn là tác dụng rất ít. Nếu bạn đang ở nhà bạn thường có đầy đủ kìm, tuốc nơ vít, dũa, cưa, v.v. để bạn có thể sửa chữa, chế tác thêm cho bộ đồ nghề lặn bắn cá của bạn. Nhưng nếu bạn không ở nhà, bạn đang đi du lịch, bạn đang ở bãi biển, hoặc bạn đang ở dưới nước, một loạt các sự cố có thể xảy ra như : đứt dây giữ mũi tên, mũi tên bị cong, bị cùn do bắn vào đá, lẫy mũi tên bị cong, móc treo cá bị cong không thể khoá lại được, v.v. Nếu bạn không có một bộ dụng cụ sửa chữa như vậy đôi khi bạn phải bỏ cả một cuộc chơi mà bạn đang mong đợi chỉ vì một lý do rất cỏn con. Vì vậy dân lặn bắn cá mỗi người thường có một bộ, bình thường cứ quẳng trên xe cùng với đồ dự phòng khác. Bộ dụng cụ sửa chữa ngoài công dụng sửa chữa nhanh bộ đồ nghề lặn bắn cá còn có một công dụng khác khi đi du lịch đó là thay thế một phần nào số chì mà bạn cần thiết.
‘’Tôi giải thích rõ hơn một chút, khi bạn đi du lịch bằng đường hàng không, các hãng hàng không thường không cho bạn mang chì lên máy bay dù bạn gửi theo hành lý, dù bạn thừa cân. Trong trường hợp này bạn chỉ có một vài phương án để giải quyết :
Tốt nhất : liên hệ với nơi bạn đến : khách sạn, khu resort nơi bạn đến, cửa hàng bán đồ thể thao, câu lạc bộ lặn, lặn bắn cá tại địa phương đó xem có thể mượn hay thuê chì không, bạn chỉ cần mang theo thắt lưng là được.
Cách thứ hai : tiện lợi nhưng tốn, đó là đặt mua trên mạng sau đó gửi đến khách sạn nơi bạn đến, nhớ tính ngày cho đúng và liên lạc với khách sạn nhờ họ nhận hộ, sau khi dùng xong có thể gửi lại ‘’tức là cho đi’’ để lần sau có thể dùng nếu bạn quay lại.
Cách thứ ba : nếu bạn đi đến xứ lạnh, hay bạn định mặc bộ đồ lặn từ 5 mm trở lên bạn chỉ có thể dùng hai cách ở trên. Cách thứ ba khi bạn đến vùng biển ấm bạn chỉ cần mặc bộ đồ lặn 3 mm trở xuống khi đó bạn chỉ cần khoảng 3-5 kg chì. Lúc đó bạn có thể mang theo thắt lưng chì loại túi, hoặc những cái túi có thể đeo ở thắt lưng, đến đó nếu bạn thuê (hay mượn) được chì thì tốt, nếu không thì bạn có thể nhét tất cả những vật nặng gì mà bạn tìm thấy như đá, sỏi, cát (nhớ cho vào túi nylon), và bộ dụng cụ sửa chữa mà bạn đem theo, cách này cũng rất hữu hiệu khi bạn muốn đi tầu từ khách sạn ra đảo (nếu bạn không muốn sách theo 3-5 kg chì).
Bộ dụng cụ sửa chữa này thường bao gồm một cái kìm đa chức năng, hầu như các bạn đều biết cái kìm này, nhất là các bạn thường xuyên đi phượt. Tuy nhiên với những mục đích khác nhau, những chức năng cần thiết cũng hơi khác nhau. Ví dụ : nếu bạn đi phượt trên bộ, kìm đa năng thường có thêm chức năng mở nút chai, mở hộp, cái kéo nhỏ, v.v. Ngay cả kìm đa năng dùng cho lặn bắn cá cũng có nhiều kiểu và nhiều chức năng khác nhau, bạn hãy lựa chọn theo kinh nghiệm và sở thích của mình. Tuy nhiên vẫn có một số chi tiết mà bạn phải lưu ý khi mua : không nên mua kìm đa dụng trong các cửa hàng bán dụng cụ bình thường hoặc các cửa hàng bán dụng cụ thể thao không phải là thể thao dưới nước, lý do : những cái kìm này tuy đều ghi là làm bằng inox nhưng thường không phải là 100% inox, cho nên bạn ngâm vào trong nước biển nhiều lần sẽ rất nhanh bị rỉ sét. Những dụng cụ chuyên dụng cho thể thao dưới nước nói chung của những hãng thể thao lớn thường có chất lượng khá uy tín, hơi đắt một chút nhưng tương đối yên tâm.
Tôi chọn một bộ dụng cụ sửa chữa của hãng OMER kìm đa dụng có 14 chức năng : các chức năng như kìm, tuốc nơ vít, dao, dùi nhọn thì ai cũng biết nên tôi không cần phải giải thích thêm. Chỉ có một số chức năng khác tôi xin giải thích thêm về công dụng của nó.
Thước đo : dài 20 cm, nhiều người nói thước đo chẳng có công dụng gì đặc biệt cả, đứt dây thì cứ cắt đúng theo đoạn đã đứt là được cần gì phải đo. Nhưng mong các bạn lưu ý một điểm, ở nhiều nước quy định về kích thước các loài mà bạn được phép bắn rất nghiêm ngặt, chỉ cần bắn con cá ngắn hơn quy định 1 cm, bạn có thể bị phạt số tiền mà bạn có thể mua được 10 kg cá loại này, tất nhiên mức phạt này rất khác nhau, tuỳ nước, tuỳ vùng, tuỳ mùa và tuỳ loại cá. Vì vậy đo đạc chiến lợi phẩm trước khi mang lên bờ là rất quan trọng.
Thước lỗ : ở đây có 4 lỗ với các đường kính : 7 mm ; 6,5 mm ; 6,3 mm, 6 mm. Thước lỗ có tác dụng đo đường kính của mũi tên. Khi mũi tên của bạn cần phải thay thế, bạn có thể biết được kích cỡ mũi tên mà bạn cần thay thế.
Cái dũa : nếu mũi tên của bạn không còn nhọn, với cái dũa này bạn có thể mài được chút xíu ngay cả khi bạn đang ở dưới nước.
‘’Nhân tiện đây tôi cũng xin giải thích thêm về kỹ thuật mài mũi tên : việc mài lại mũi tên là việc rất thường xuyên trong môn thể thao lặn bắn cá nhất là khi bạn bắn cá trong hang. Có rất nhiều cách mài mũi tên như : dùng máy mài, rất nhanh, nhưng bạn không nên dùng vì máy mài có tốc độ quá nhanh, khó mài nhọn đều và dễ làm cháy nước thép của mũi tên. Bạn có thể dùng máy mài trong trường hợp phải mài nhiều do mũi tên bị hư hỏng quá nặng thì bạn nhớ nên rỏ nước liên tục (mài ướt). Dùng đá mài dao : chậm nhất nhưng tốt nhất, đòi hỏi bạn phải tỉ mỉ kiên nhẫn và hơi khéo tay một chút. Dùng dũa : đa số mọi người dùng cách này, luôn luôn thủ một cái dũa trong xe, bạn có thể nhanh chóng làm mũi tên của bạn trở nên sắc bén (bạn có thể làm cho nó sắc hơn bằng đá mài dao) ‘’
Móc treo : thao tác ở dưới nước với bàn tay đeo găng bạn rất dễ làm rơi kìm, mà rơi thì thường là mất cho nên hãy luôn luôn treo nó vào một sợi dây và đây là công dụng của cái móc này.
Bấm khoen : kìm đa năng khác thường không có, chức năng này thường để bấm các khoen nối dây cho sợi dây giữ mũi tên.
Một chi tiết nữa : tiếng anh là : pin puncher dịch là một cái chốt. Nó là một đoạn inox tròn đường kính khoảng 3 mm tôi cũng chẳng biết công dụng cụ thể của nó, ai biết xin chỉ dùm nhé.
Ngoài kìm đa dụng ra bộ dụng cụ sửa chữa này còn có một tấm inox dày khoảng 3 mm, rất cứng, khá nặng trên có khoan lỗ ø7mm ; ø6,5 mm ; ø6,3 mm ; ø6 mm ; ø5 mm là đường kính của những mũi tên thông dụng. Nếu các bạn không biết thì sẽ chẳng hiểu nó liên quan gì đến môn thể thao lặn bắn cá cả. Nhưng nó rất quan trọng nhất là cho bắn cá trong hang. Đây là dụng cụ để sửa chữa mũi tên của bạn, nói đúng hơn là để nắn lại mũi tên. Mũi tên của bạn có thể bị cong, bạn làm thế nào để uốn lại, kẹp vào đá, vào bánh xe hơi, vào bất cứ chỗ nào bạn có thể, nhưng rất dễ ‘’lợn lành chữa thành lợn què’’, cong có thể thành gãy, hoặc hết cong chỗ này lại cong chỗ khác. Nhưng nếu có dụng cụ này bạn có thể nắn lại ngay cả khi bạn ở dưới nước. Trong số này có lỗ ø5 mm rất ít dùng có thể khoan thành ø7,5 mm hoặc kích thước khác nếu có nhu cầu. Rãnh dọc là để uốn, nhưng để uốn cho thẳng hàng nếu mũi tên dạng chĩa có nhiều mũi tên nhỏ. Các lỗ này còn có thể dùng để uốn móc treo cá, dùng để giữ chắc đầu mũi tên khi dũa. Nó khá nặng và cứng bạn có thể dùng nó đập bất cứ thứ gì bạn muốn như : ốc, cua, hà, mun, v.v.
Cuối cùng là kèm theo một cái túi để bạn có thể đeo ở thắt lưng nhưng theo tôi thì không nên để trong túi mà bạn nên treo ở phao báo hiệu nếu bạn không cần nó thay thế cho chì, nếu có để nó ở trong túi thì bạn cũng nên treo nó vào một doạn dây, nếu không bạn rất dễ bị rơi mất.
Vali đựng súng bắn cá
Một trong rắc rối nhất khi đi du lịch theo chủ đề lặn bắn cá là mang theo súng bắn cá (xem thêm bài Du lịch theo chủ đề lặn bắn cá). Súng thường quá dài, các vali bình thường không thể nhét vào được, mũi tên thì nhọn rất nguy hiểm khi vận chuyển. Hình tượng mang một khẩu súng cũng không hay ho lắm vì vậy một cái vali chuyên dụng để đựng súng khi đi du lịch rất có ích. Vali thường có 3 cỡ (S1, S2, S3) với mỗi cỡ của mỗi hãng đều có ghi chú chi tiết các kích thước. Vali thường có bánh xe để kéo khi di chuyển, có chỗ để móc dây kéo, có chỗ để móc khoá. Vali thường là 2 hộp nhựa lồng vào nhau có thể kéo dài ra hoặc thu ngắn lại tuỳ theo yêu cầu, tuy nhiên dài ra bao nhiêu, ngắn lại được tới đâu đều có giới hạn, các bạn lưu ý điều chỉnh độ dài cho phù hợp với quy định của hãng hàng không nếu bạn đi máy bay và dù bạn thu lại ngắn nhất thì nó vẫn phải gửi ở cửa hành lý quá khổ. Trọng lượng của vali thường nặng hơn vali bình thường cùng thể tích một chút vì vậy bạn sẽ bị mất thêm một chút cước hành lý, do kích thước của nó dài nhưng hẹp nên bạn cũng khó xếp đồ hơn, để tận dụng hết thể tích của vali bạn thường phải mất khá nhiều công sức. Theo kinh nghiệm của mọi người thì nên nên mua S2 là vừa, S2 phù hợp cho đi 2 người 1 vali đựng súng và một vali bình thường đựng đồ. Nếu bạn mua S1 thì quá hẹp rất khó xếp đồ, S3 thì quá lớn xếp đầy thì thường quá kg (23kg).
Dụng cụ làm cá
Ngoài con dao dùng để tự vệ và đâm cá mang theo bên mình khi lặn nếu có điều kiện thì bạn nên sắm thêm một con dao fillet, con dao này không phải là một dụng cụ phải có nhưng rất tiện lợi. Dao fillet là loại dao có lưỡi mỏng, nhỏ và dài dùng để lóc lấy phần thịt của cá. Một đặc điểm của loại dao này bạn cần phải lưu ý đó là lưỡi loại dao này vát một bên, với cách cầm dao khác nhau thì lựa chọn phía bên vát khác nhau. Một lưu ý nữa khi lựa chọn là chọn loại dao dễ rửa vì cá khá tanh và bạn thường sử lý chúng ngoài biển nên không có điều kiện rửa sạch như ở nhà. Vì dao rất sắc và phải mang đi mang lại nên chọn loại có vỏ cho an toàn, nếu có thể chọn loại có chỗ buộc dây treo đề phòng khi con dao lặn bị rơi mất thì dùng nó tạm thay thế. Trong lặn bắn cá có một khái niệm “làm rỗng” con mồi, đó là dân lặn bắn cá thường cố gắng loại bỏ phần nội tạng của chiến lợi phẩm càng nhanh càng tốt vì những lý do: phần nội tạng là phần nhanh thiu thối nhất của cá, nếu loại bỏ nó ngay tại điểm lặn bắn cá còn có tác dụng dụ dỗ các con cá khác tới (chú ý: làm rỗng cá khi đang bắn cá dùng dao lặn) vì vậy cần thêm một con dao nữa. Nhưng tại sao lại là dao fillet mà không phải là dao phay hay dao bầu, đơn giản vì nó nhẹ, bạn mang theo nó không quá rắc rối, khi được nhiều cá bạn không muốn mang quá nhiều rác rưởi về nhà, nếu bạn đang ở những ngày hè nóng bỏng và bạn có mang theo thùng đá để bảo quản chiến lợi phẩm: hãy lọc lấy phần ngon nhất cho vào thùng đá. Tuy nhiên có một số lưu ý: có một số quốc gia, một số vùng có quy định cụ thể về kích thước cá được phép bắn thì bạn không được phép lọc lấy fillet vì cảnh sát biển sẽ không đánh giá được con cá bạn bắn có kích thước là bao nhiêu và bạn sẽ bị phạt. Một trường hợp nữa con cá bạn bắn có thể làm món canh chua tuyệt vời, hoặc nhiều bạn khoái món dạ dày hoặc trứng cá bạn có thể giữ lại những gì bạn muốn. Còn một lý do nữa mà nhiều bạn không muốn fillet hoặc làm rỗng cá vì còn phải “cân” và chụp ảnh hoặc đơn giản là vì lười. Thêm một chú ý nữa (hi hi nhiều chú ý quá, nhưng không biết làm sao bỏ được vì thực tế nó là những thứ cần chú ý) nếu bạn làm rỗng con mồi khi bạn đang ngâm mình dưới nước thì mùi tanh của cá sẽ bám vào bộ đồ lặn, vào tóc, bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu gần bạn có loại cá dữ háu ăn và đang đói, bạn cũng sẽ rất vất vả để tẩy mùi của nó nếu bạn gái của bạn không ưa cái mùi của cá.
Một cái cạo vảy cá chuyên nghiệp không rẻ đâu nhé, như cái ở hình này giá trên 60€ đắt ngang với một khẩu súng bắn cá ở tầm giá thấp, nhưng dùng 10 năm vẫn còn rất tốt, không rỉ, không cong, không long cán lưỡi vẫn cực sắc. Nếu bạn nào khéo tay chắc chế nó dễ dàng. Còn công dụng của nó ư ? đơn giản, trước khi mang cá về nhà bạn hãy bỏ lại vảy của nó lại biển hoặc dùng nó để đập bất cứ cái gì mà bạn thấy cần phải đập.
Tôi còn nhớ ngày xưa khi mua cá ở chợ cũ (TP HCM) đứng chờ bà bán cá làm cá. Bà ta dùng một cá kéo vừa đen vừa xấu vì chắc chắn là nó được làm bằng tay, ngày đó những dụng cụ này đa số được làm ra như vậy nhưng kỹ thuật làm cá thì tuyệt vời, không biết kỹ thuật đó bây giờ đã thất truyền chưa. Một cái kéo tốt mang theo ngoài việc giúp bạn làm cá còn dùng để cắt đuôi – một quy định nhằm đánh dấu con cá mà bạn đánh bắt giải trí, loại này không được phép bán ở những nước có quy định cụ thể về môn thể thao này.
Dụng cụ an toàn
Một cái la bàn khi đi biển là quan trọng thế nào chắc các bạn đều biết, tuy lặn bắn cá thường không quá lênh đênh trên biển nhưng một cơn sóng kéo bạn ra xa, hoặc sương mù quá dày, hoặc là mưa quá lớn, bạn không tìm được vật định hướng lúc đó cái la bàn là một trong những công cụ cứu mạng của bạn vì rất tiếc là GPS dưới nước hiện nay vẫn chưa ra đời. Hãy xác định phương hướng trước khi bạn xuống nước và học cách sử dụng nó nếu bạn có. Có rất nhiều loại có loại nhỏ như cái đồng hồ bạn có thể đeo ở tay, có loại bạn có thể treo ở đâu đó trên người, treo ở phao báo hiệu, có loại có đèn để bạn có thể xem nếu trời tối. Nhưng tất cả đều phải là loại dùng dưới nước (chứ không phải chỉ chống được nước mưa), bạn nên chọn loại đơn giản nhưng to và dễ nhìn vì không cần đòi hỏi quá cao, sau này bạn có thể thay nó bằng một cái GPS.
Một cái gương soi cỡ bằng bàn tay, có một cái lỗ nhỏ giữa, thường làm bằng nhựa chất lượng thì không tốt nhưng khó vỡ. Cái gương bé nhỏ này theo tôi thì được xếp vào loại dụng cụ không thể thiếu trong môn thể thao lặn bắn cá cũng như môn thể thao lặn biển nói chung. Nó có hai công dụng chính:
Dùng để gửi tín hiệu cấp cứu, nếu bạn nào đã từng học cách cứu sinh thì chắc biết được công dụng này, sử dụng sự phản quang của gương để gửi đi tín hiệu cầu cứu hoặc để cho các đội cứu hộ tìm ra vị trí của bạn trên mặt biển hay ở bất cứ nơi nào. Hướng mặt gương về phía nguồn sáng (mặt trời, đèn pha) và người bạn định gửi tín hiệu (tàu, thuyền, máy bay trực thăng) hướng tốt nhất là khi nguồn sáng và người nhận tín hiệu ở cùng một phía và mắt của bạn nhìn thấy người nhận tính hiệu qua cái lỗ nhỏ của gương. Công dụng này rất ít khi sử dụng nhưng đôi khi nó có thể cứu mạng của bạn.
Dùng để soi hay tự sướng cũng được, mỗi lần bạn đeo kính lặn là một lần bạn phải cần đến nó để biết được bạn đeo kính có ngay ngắn hay không, cao su trùm mặt có bị gập lại hay không, nếu bạn đeo camera trên kính lặn thì chỉnh lại hướng của camera cho chuẩn v.v. và xem mình nom có ngầu hay không. Một vết thương nhỏ trên mặt do va quẹt, do gặp phải sứa độc, cái gương nhỏ không chữa được cho bạn nhưng cũng giúp bạn đánh giá được tình hình của vết thương.
Bạn có thể treo nó ở phao báo hiệu, ở cổ tay hoặc đâu đó mà bạn thấy tiện lợi nhất. Nếu bạn sử dụng kính lặn thành thạo bạn nên treo nó ở phao báo hiệu để tránh phản quang của nó làm cá chú ý. Nếu bạn luôn luôn tháo kính lặn ra, nếu bạn đi nhóm đông người, bạn muốn xem có ai ở phía sau bạn không mà không muốn quay đầu lại bạn treo nó ở cổ tay.
Các loại hộp, túi chống nước
Một cái hộp nhỏ bằng nhựa có ren vặn và joint cao su để đảm bảo nước không lọt vào trong, với dân lặn bắn cá thì gần như không thể thiếu. Nếu bạn đi xe hơi hay xe máy thì nó là nơi để cất giữ chìa khoá, bạn cũng có thể để một số giấy tờ tuỳ thân quan trọng nếu bạn không muốn để trên xe hoặc là lúc bạn đang đi du lịch. Bạn cũng có thể để một chút tiền để có thể ăn lót dạ, uống ly cà phê ở một quán ven biển, hộp lớn hơn một chút có thể để bao thuốc lá và cái hộp quẹt. Không nên để điện thoại vào đây dù nó có thể cho vào vì nếu bạn mở ra trên mặt nước điện thoại trơn có thể rơi xuống nước, điện thoại thường có hộp riêng để bảo quản tôi sẽ viết ở một bài khác. Loại hộp này có nhiều màu, về nguyên tắc thì nên chọn màu nổi bật để dễ dàng tìm thấy nếu như bị đứt dây trôi đi nhưng vì nó thường quá nhỏ lại nhẹ dây rất khó đứt mà đã đứt thì tìm lại rất khó trừ khi sóng đánh dạt vào bờ. Cũng có người treo nó ngay ở thắt lưng vì vậy màu đen hoặc xanh đậm là màu được lựa chọn nhiều nhất.
Một cái túi lớn dùng bằng vật liệu không cho nước thẩm thấu qua, có một cái van để xả nước, có quai để xách lên, có quai để đeo, có thể có bánh xe để kéo hoặc không. Thực chất đây là một cái túi để đựng bộ đồ lặn, chân nhái, kính lặn v.v. khi đi thì bên trong là đồ khô, khi về thì bên trong là đồ ướt. Bạn cần nó vì bạn không thể xách một cái túi nước chảy ròng ròng lên xe hơi hay lên các phương tiện giao thông công cộng được. Nếu túi đủ dài và súng đủ ngắn bạn có thể cho súng vào trong túi nhưng cần lưu ý vì mũi tên có thể làm thủng túi. Nếu túi thủng bạn có thể dán nó lại bằng keo “con voi”.
Một cái ba lô chống nước có màu nổi bật là thứ không thể thiếu đối với những người chơi thể thao nước như: bơi, lặn, kayak, thuyền buồm, v.v. bạn cho tất cả đồ khô vào đó, những thứ quan trọng như giấy tờ thì nên cho thêm vào một cái túi ny-lông chống nước hay một cái hộp chống nước khác cho chắc ăn. Bạn cũng có thể để một ít hoa quả hay bánh gì đó nếu bạn muốn nhấm nháp trên một ghềnh đá hay bãi biển nào đó. Với dân lặn bắn cá nếu buộc phải mang theo thì bạn có thể buộc ba lô vào phao báo hiệu và kéo theo như một cái phao báo hiệu thứ hai, nếu bạn dùng phao báo hiệu loại lớn thì có thể để lên phía trên nhưng nhớ phải buộc kỹ nhé. Nếu bạn đi lặn bằng kayak hay thuyền thì cũng nên buộc chắc vào thuyền vì nếu sóng đánh rớt ra ngoài nhiều khi bạn không kịp vớt trước khi nó biến mất. Người ta thường chọn màu nổi bật vì để bạn và người khác có thể nhìn thấy nó từ xa.
Một cái túi chống nước nhỏ, có chỗ xỏ dây hoặc có sẵn dây treo, khi bạn mua các thiết bị phụ trợ cho các môn thể thao dưới nước như camera, máy ảnh, đèn, v.v. tại các cửa hàng chuyên bán đồ thể thao dưới nước thì có thể bạn sẽ được tặng thêm một cái túi như thế này thay thế cho một cái hộp xốp cầu kỳ nhưng vô tác dụng. Mặc dù các thiết bị của bạn có thể sử dụng được dưới nước nhưng nếu được bảo quản khô thì vẫn tốt hơn, cái túi còn có tác dụng chống va đập cho thiết bị khi bạn mang theo khi đi lặn còn các hộp xốp tuy chống va đập tốt hơn nhưng không thể mang xuống nước. Nếu các thiết bị mà bạn mang theo cần sử dụng ngay thì không nên cho vào túi vì lấy ra lấy vào rất dễ rơi (nhớ là bạn đang ở dưới biển nhé). Nếu các thiết bị bạn cần sử dụng ngay nên đeo vào kính, gắn vào súng, đeo vào cổ tay trước khi xuống nước, bạn cũng có thể treo nó ngay ở phao báo hiệu dù sao cũng an toàn hơn là lấy ra lấy vào trong túi. Có nhiều bạn hay cười tôi vì nếu đã sợ thế thì mang theo cái túi làm gì cho phiền phức, nhưng thực tế nó là như vậy, để có thể quay tương đối thoải mái cho một lần đi lặn bạn cần phải có ít nhất 2 cái camera, chưa kể những thứ khác như đèn, máy ảnh vì vậy dù là mất công vẫn mang theo túi thì tốt hơn và khi lấy ra lấy vào phải cẩn thận hoặc vào chỗ nước nông cho an toàn.
Một cái thùng nhựa dài có thể để được tất cả đồ ướt và đồ khô tiện lợi hơn rất nhiều so với cái túi đựng đồ lặn nếu bạn đi lặn bằng tàu hoặc đi ra chỗ lặn bằng xe hơi. Bởi vì ngoài chức năng đựng đồ ra nó cũng chính là một cái chậu lớn về đến nhà bạn chỉ cần đổ đầy nước ngọt vào, cho thêm tí bột giặt, ngâm, rũ, phơi thế là xong. Nếu dùng túi bạn lại phải giặt trêm cái túi rất mất công, túi cũng hay bị thủng lỗ nhỏ làm nước chảy ra xe còn thùng nhựa thì an toàn hơn. Nên chọn thùng có bánh xe cho dễ vận chuyển và có nắp để hạn chế hơi nước khuếch tán trong xe. Mùa đông hoặc những thời gian nghỉ lặn dài nó cũng chính là cái thùng để cất giữ bộ đồ nghề của bạn.
Một cái thùng nhựa có lớp xốp cách nhiệt dùng để mang theo đá lạnh trong những ngày hè nóng bỏng. Bạn có thể cho vào đó nước, hoa quả đồng thời cũng là để bảo quản những con cá bắn được. Thùng này chỉ có tác dụng khi bạn đi bắn cá bằng thuyền, đi cùng gia đình có người nhà trên bờ hoặc bạn để nó trên xe hơi, bạn không thể kéo nó theo như phao báo hiệu được.
Áo choàng, dép, chai đựng nước
Một chiếc áo choàng dài đến gót chân rộng thùng thình làm bằng vải nylon hoặc coton như chất liệu làm khăn tắm giúp bạn có thể thay quần áo ngay ở bãi biển mà không phải tìm chỗ thay quần áo, nó còn có tác dụng như một chiếc khăn tắm lớn để bạn lau khô người, có tác dụng giữ ấm cho cơ thể khi bạn vừa cởi bộ đồ lặn ra. Nếu bạn có xe hơi, nếu khách sạn của bạn không quá xa bãi biển bạn có thể đi bộ về thì bạn có thể mặc luôn nó để về thẳng buồng tắm của bạn. Loại này có rất nhiều loại, nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng theo tôi chọn loại trùm từ trên xuống, không có cánh tay nhưng có mũ trùm đầu là tiện lợi nhất.
Một đôi dép nhựa chắc chắn, nhẹ giúp bạn vượt qua những bãi đá lởm chởm mà không bị thương bàn chân và không bị rách bí tất. Nhiều bạn còn sử dụng nó làm vật tỳ để lên đạn súng bắn cá nếu bộ đồ lặn quá mỏng hoặc không có tấm lót để lên đạn. Bạn cũng có thể dùng để đi trong phòng khách sạn, đi dạo ở bãi biển. Nên chọn loại có thật ít khe để tránh cát, bùn lọt vào rất khó rửa, tất nhiên là phần đế phải chọn loại có khả năng bám tốt để tránh trơn trượt. Bạn có thể treo nó ở phao báo hiệu trong quá trình lặn.
Một cái bình đựng nước uống cũng rất quan trọng (xem thêm bài giữ nước cho cơ thể khi lặn), có nhiều bạn thì thường dùng luôn chai nước có sẵn, dùng xong thì vứt đi luôn nhưng không phải loại nào cũng dễ dàng treo ở phao báo hiệu, cách mở nút để uống không phải loại chai nào cũng thích hợp cho môn thể thao này. Bạn cũng có thể tự pha chế cho mình một đồ uống khoái khẩu thì bạn cần một bình đựng nước riêng. Có rất nhiều loại với những kích cỡ khác nhau, nhưng cho một lần đi lặn (hơn 2 tiếng) không nên ít hơn 750ml vì vậy bạn nên chọn loại từ 750ml trở lên. Có loại có thể cách nhiệt để bạn có thể mang theo trà hay cà phê nóng, nhưng thực sự khả năng giữ nhiệt cũng chẳng được bao lâu nếu bạn luôn ngâm nó ở dưới biển, loại bình này thường đựng được ít hơn rất nhiều so với loại khác cùng kích thước, trà và cà phê đều là loại đồ uống có tính chất lợi tiểu nên không có lợi cho việc giữ nước cho cơ thể cho nên nếu bạn có thể không uống khi đang lặn là tốt nhất.
Viết bình luận