Ngoài các kỹ thuật lặn bắn cá cơ bản, còn có một số kỹ thuật khác trong môn thể thao lặn bắn cá.

Kỹ thuật chúi đầu (En : canad ; Fr : le canard) :

Kỹ thuật chúi đầu một chân

Kỹ thuật chúi đầu không phải là kỹ thuật lặn bắn cá nhưng là một kỹ thuật cơ bản trong môn thể thao lặn bắn cá, kỹ thuật này có lẽ được mô phỏng từ động tác lặn của con vịt cho nên cả tiếng Anh và Pháp đều gọi là con vịt. Yêu cầu của động tác kỹ thuật này là chúi đầu vào trong nước nhanh nhất, im lặng nhất và đỡ tốn sức nhất. Động tác kỹ thuật này thường được chia làm 3 giai đoạn :

Giai đoạn 1 : Gập bụng để nửa người trên và hai chân làm thành một góc vuông. Hai chân vẫn nằm ngang trên mặt nước, nửa thân trên hướng thẳng xuống phía dưới. Nhiều bạn không quen lúc đầu rất khó gập bụng hoặc gập bụng nhưng nửa người trên vẫn không cắm xuống phía dưới, hoặc gập bụng quá mạnh gây lên tiếng động lớn làm cá chú ý. Lúc đầu các bạn có thể dùng hai tay (hoặc 1 tay) lấy đà như trong hình, sau này khi bạn đã quen thì động tác này rất dễ, hai tay có thể hoàn toàn tự do, súng có thể hướng xuống phía dưới hoặc cặp sát bên hông.

Kỹ thuật chúi đầu hai chân

Giai đoạn 2 :thẳng chân lên khỏi mặt nước, nếu bạn gập bụng ở giai đoạn 1 tốt thì khi bạn thẳng chân lên người của bạn đã chìm gần hết xuống nước thường chỉ từ đầu gối trở xuống lộ ra khỏi mặt nước. Động tác này đến đây thường được chia làm hai cách.

Cách 1 thẳng cả hai chân khỏi mặt nước sau đó nhờ sức nặng của người, của thắt lưng chì, và quán tính chúi xuống khi bạn thực hiện động tác gập bụng bạn sẽ nhanh chóng, im lặng chìm sâu vào trong nước.

Cách 2, chỉ thẳng một chân lên thôi chân kia vẫn giữ vuông góc với thân trên, hai cách này thực ra cũng giống nhau, tùy vào thói quen và kinh nghiệm của từng người. Không nên đập chân nhái trước khi chân nhái hoàn toàn chìm vào trong nước. Nếu động tác này thực hiện hoàn hảo thì trên mặt nước sẽ không bắn lên một chút nước nào.

Giai đoạn 3 : Lặn xuống, nếu độ sâu bạn định lặn xuống khoảng 3-4 m thì chỉ cần thực hiện tốt giai đoạn 1,2 bạn có thể yên tâm để ‘’rơi tự do’’ đến độ sâu bạn muốn không cần có thêm một động tác chân nào. Nếu độ sâu bạn cần lặn xuống lớn hơn thì bạn phải sử dụng chân nhái. Có thể đập chân nhái theo kiểu trườn sấp, tốc độ xuống sẽ chậm hơn, yên lặng hơn. Có thể đập chân nhái theo kiểu bơi bướm, tốc độ xuống nhanh hơn, vận động toàn thân bạn sẽ đỡ mỏi mệt hơn nhất là vào mùa lạnh và cuối cùng là đẹp hơn nếu có ai đó đang quay phim bạn. Nếu bạn mang thắt lưng chì hợp lý thì khi gần tới đáy bạn hoàn toàn không phải dùng chân nhái mà thực hiện rơi tự do ‘’tham khảo bài kỹ thuật bổ nhào’’. Đây là một trong kỹ thuật đặc trung của môn thể thao lặn bắn cá, với các môn thể thao dưới nước khác ví dụ như lặn bình động tác này không đòi hỏi quá cao.

Các bạn có thể tham khảo clip này

Kỹ thuật di chuyển :

Kỹ thuật đập chân nhái

Di chuyển đến vị trí lặn bắn cá: vị trí lặn bắn cá của bạn cách xa điểm bạn xuống nước (khoảng vài trăm mét). Để di chuyển đến vị trí đó bạn phải dùng chân nhái để bơi. Trước hết bạn phải biết luồng chảy của nước, nếu chưa biết thì phải thử, nếu dòng chảy khá mạnh thì không nên bơi ngược dòng, hãy đi bộ một đoạn trên bờ sau đó xuôi dòng chảy đến vị trí lặn bắn cá. Khi bơi đến vị trí lặn bắn cá bạn có thể chọn cách bạn thấy thoải mái nhất, đập chân nhái theo kiểu trườn sấp hay kiểu bướm, có thể dùng tay hoặc không, đối với đoạn đường khá xa thì chân nhái carbon giúp bạn đỡ mất sức rất nhiều. Khi đập chân nhái theo kiểu trườn sấp bạn nên vận động nhiều phần hông và đùi, hạn chế vận động quá nhiều phần bắp chân, lý do : phân tán mỏi mệt cho toàn thân, bắp chân làm việc qua tải rất dễ dẫn đến chuột rút nhất là khi nước quá lạnh, bạn vận động đều cả hông, đùi, bắp chân, bàn chân thì chân bạn sẽ thẳng hơn, làm giảm nhiều lực cản của nước, tận dụng tốt hợn lực đàn hồi của chân nhái, bạn sẽ đỡ tốn sức hơn. Tay có thể bơi phụ trợ theo kiểu trườn sấp, vừa vận động cho phần thân trên ấm lên vừa tăng tốc độ di chuyển. Bạn có thể vẫn treo súng ở phao báo hiệu hoặc cầm súng ở tay. Để định hướng bạn có thể căn cứ vào các điểm mốc dưới nước, vào các điểm mốc trên mặt nước mà bạn nhìn thấy như những tảng đá, các ngọn hải đăng, bờ, mặt trời hoặc thậm trí vào hướng của dòng chảy.

Di chuyển ở vị trí lặn bắn cá: Di chuyển ở vị trí này có hai kiểu chính.

Di chuyển trên mặt nước : phần lớn thời của dân lặn bắn cá là di chuyển trên mặt nước, thời gian lặn thực tế rất ít. Di chuyển trên mặt nước là để tìm kiếm cá, di chuyển đến vị trí lặn thích hợp và để nghỉ ngơi sau mỗi lần lặn. Cho dù là mục đích gì đi nữa yêu cầu là hết sức nhẹ nhàng, tránh làm động cá.  Động tác đập chân (không nên đập chân theo kiểu bơi bướm) phải nhẹ nhàng, đều đặn không nên tăng tốc bất thường, nếu phát hiện con mồi thì giảm đến mức thấp nhất thậm trí ngừng đập chân. Để giảm tiếng động phát ra bạn có thể lựa chọn : chân nhái loại tốt (carbon là tốt nhất), loại có ít gân nổi nằm ngang, chân nhái phải hoàn toàn chìm trong nước (đứng trên bờ hoặc trên thuyền không thấy bọt nổi lên), bạn cũng nghe thấy tiếng động do chân nhái phát ra ở mức thấp nhất và không cảm thấy chân nhái của mình hổng lên khỏi mặt nước. Để hạn chế tối đa chân nhái nổi lên mặt nước bạn có thể : điều chỉnh thắt lưng chì cho phù hợp, khi bơi hạn chế gục đầu xuống quá, và cách tốt nhất (nhưng ít ai thực hiện) đó là đeo thêm chì ở cổ chân. Khi di chuyển trên mặt nước bạn còn phải lưu ý tới hướng của dòng chảy và ánh sáng mặt trời, nếu dòng chảy tương đối mạnh, ngược dòng bắn cá chắc chắn sẽ thất bại. Để ánh nắng chiếu vào phía sau lưng bạn là lợi thế tốt nhất khi bạn di chuyển trên mặt nước.

Di chuyển dưới nước: sau khi lặn xuống bạn cần di chuyển dưới nước để tìm kiếm cá với kỹ thuật tìm kiếm, để đến nơi phục kích với kỹ thuật phục kích, tiếp cận với cá với kỹ thuật bổ nhào, tiếp cận hoặc tìm kiếm hang đá với kỹ thuật bắn cá trong hang. Kỹ thuật di chuyển áp dụng cho từng kỹ thuật lặn bắn cá đã được mô tả tỷ mỉ trong các bài khác. Tôi chỉ tóm tắt lại : an toàn, nhẹ nhàng và bí mật nhất.

Kỹ thuật di chuyển

Kỹ thuật sử dụng súng bắn cá:

Kỹ thuật này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và thói quen của mỗi người, không có gì là hoàn toàn đúng, cũng không có gì là hoàn toàn sai. Tuy nhiên tôi cũng nêu ra một số động tác kỹ thuật để các bạn tham khảo :

Trước hết là an toàn: không nên lên đạn (mắc sợi dây caosu vào mũi tên) khi không ở dưới nước (ở nhiều nước đây là quy định bắt buộc) khoá chốt an toàn nếu bạn di chuyển xa mà không có cá. Nếu bạn mang theo hai súng, khi gỡ cá mà súng kia chưa bắn thì nên khoá chốt an toàn vì khi bạn vùng vẫy với con cá rất dễ gây cướp cò với khẩu súng chưa bắn. Luôn luôn kiểm soát được hướng của mũi tên khi ngắm bắn cũng như khi di chuyển nhất là khi lặn bắn cá cùng người khác hoặc bơi ngang qua chỗ có nhiều người tắm biển, để an toàn bạn nên luôn hướng mũi tên xuống phía dưới hoặc phía trước, không nên hướng về phía sau hoặc sang hai bên trừ khi xác định được mục tiêu.

Một cách cầm súng khi di chuyển

Động tác cầm súng: Khi thực hiện kỹ thuật tìm kiếm, súng luôn giơ ở phía trước, còn với các kỹ thuật khác khi di chuyển súng thường cặp sát bên hông để giảm sức cản của nước, tay cũng ở tư thế này để đỡ mỏi tay nhất. Ngay cả khi thực hiện các kỹ thuật lặn bắn cá khác nhiều người vẫn thu súng vào sát bên hông, sau khi phát hiện mục tiêu mới đưa súng ra thẳng về hướng mục tiêu (kể cả khi đang phục kích), lý do : với súng dài nhiều khi đưa súng từ bên mình ra còn nhanh và ít lộ mục tiêu hơn là chuyển hướng súng, làm giảm tới mức thấp nhất ‘’sát khí’’ làm cho cá cảm nhận được. Không nên để tay vào cò súng nếu chưa chuẩn bị bắn, lý do : để giảm tới mức thấp nhất rủi ro cướp cò. Tránh cho bị tê cóng bạn nên thường xuyên đổi tay cầm súng, thường xoè và nắm lại ngón tay cho máu lưu thông.

Động tác cầm súng

Khi bắn bạn có thể cầm súng bắn cả hai tay hay một tay tuỳ điều kiện khi bắn, cầm súng hai tay chắc hơn, chuyển hướng súng dễ dàng hơn, cầm súng một tay có thể đưa súng ra xa hơn, trong trường hợp có dòng chảy và sóng nhiều rất khó bắn chính xác, bắn cá trong hang thường bắn súng bằng một tay. Nhưng ở cả hai trường hợp cánh tay phải thẳng, nếu bạn cong khuỷ tay độ chính xác giảm đi rất nhiều.

Sau khi bắn bạn có thể buông bỏ súng nắm lấy sợi dây giữ mũi tên kéo cá vào, động tác này có lợi súng không làm vướng bạn khi bạn thực hiện các động tác gỡ cá và móc cá vào móc treo cá, động tác này thích hợp khi nước tương đối lặng, không có dòng chảy, địa hình không quá phức tạp, nhưng súng trôi tự do dễ làm : thắt nút sợi dây giữ mũi tên, quấn vào rong rêu, quấn vào đá, vào dây kéo phao v.v.

Động tác khác : xỏ tay vào sợi dây caosu treo súng ở vai, hai tay bạn vẫn tự do để thực hiện các động tác kéo cá và treo cá. Động tác này làm cho súng và mũi tên luôn là một vòng tròn khép kín, giảm tới mức thấp nhất tình trạng thắt nút sợi dây giữ mũi tên nhưng có một khẩu súng lềnh bềnh bên cạnh mình cũng rất vướng víu cho các động tác khác nhất là khi con cá bạn bắn được tương đối to và chỗ trúng tên không phải chỗ trí mạng, không nên thực hiện động tác này khi lặn bắn cá trong hang .

Kỹ thuật điều chỉnh cơ thể

Về kỹ thuật này có hàng đống sách và tài liệu nghiên cứu sâu, tôi hy vọng rằng sẽ có nhưng bài viết chi tiết hơn, ở trong bài này tôi chỉ giới thiệu sơ qua thôi. Kỹ thuật điều chỉnh cơ thể là trong những điều kiện luôn giữ cho cơ thể ở trạng thái tốt nhất.

Có một số khái niệm như sau : thời gian lặn (thời gian nhịn thở) phụ thuộc vào lượng CO2 và oxy trong máu, mức độ tiêu thụ oxy trong máu dẫn đến phụ thuộc lượng không khí mà bạn giữ được trong phổi và tốc độ lưu thông của máu. Hít được bao nhiêu không khí vào phổi phụ thuộc vào mỗi người, tình trạng sức khoẻ, cấu tạo hệ hô hấp của người đó, kinh nghiệm và sự luyện tập. Còn tốc độ lưu thông của máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là khả năng điều chỉnh cơ thể. Người lặn bắn cá lâu năm và thường xuyên luyện tập điều chỉnh trạng thái cơ thể tốt hơn người mới chơi và ít luyện tập. Vậy điều chỉnh trạng thái cơ thể là gì ? Nói thì rất dễ nhưng thực hiện thì rất khó. Đó là: luôn luôn để cơ thể ở trạng thái thả lỏng nhất (có người còn gọi là trạng thái thiền) ở trạng thái này cơ thể bạn (hệ cơ bắp, hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn) hoạt động ở trạng thái thấp nhất. Để đạt trạng thái này bạn nên tìm cách ‘’trấn an’’ hệ thần kinh của minh ví dụ : ngẫm nghĩ đến chuyện xưa, nghĩ đến vài triết lý vớ vẩn nào đó, thưởng thức cảnh đẹp mà bạn nhìn thấy dưới đáy biển, v.v. có bạn thậm trí còn nghe cả nhạc nữa, không nên quá chăm chú vào việc bắn cá, đặc biết là không nên quá căng thẳng vì lo gặp cá mập. Nếu bạn quá căng thẳng hệ tuần hoàn của bạn sẽ hoạt động rất mạnh. Tất nhiên khi gặp cá to hoặc bắn được cá to, thấy một cảnh đẹp làm bạn xúc động vậy thì không cần hạn chế cảm xúc của mình vì đây chính là hưởng thụ cao nhất của môn thể thao này và vì là chúng ta đang chơi chứ không phải là đang hành nghề lại càng không phải đang ở trên chiến trường nên cũng không cần phải quá máu lạnh, hãy tận hưởng những cảm xúc rung động của môn thể thao này.

Hạn chế tình trạng căng thẳng của hệ cơ bắp, rất quan trọng vì tình trạng này tiêu tốn rất nhiều năng lượng của bạn cũng tiêu tốn rất nhiều oxy trong máu. Đây là một lỗi rất hay mắc phải trong môn thể thao lặn bắn cá cũng như trong các môn thể thao khác mà phần đông mọi người đều mắc phải. Có một số ví dụ như sau : do cách đập chân nhái của bạn sai. Khi đập chân nhái không nên ‘’gồng’’ cả chân, nhất là bắp chân, hãy thả lỏng toàn bộ cơ bắp của chân, phân bố đều lực đập của chân lên toàn bộ cơ bắp của chân từ bàn chân, cổ chân, bắp chân, đùi và hông, đạt được kết quả này động tác đập chân của bạn sẽ mềm dẻo hơn (tận dụng tối đa lực đàn hồi của chân nhái), nhẹ nhàng và đỡ tốn lực hơn và đặc biệt là không có cơ bắp nào bị quá tải.

Một ví dụ khác : tật gồng cứng hai vai và cổ, hầu như đại đa số các bạn mới tập và các bạn lặn ở xứ lạnh hay mắc lỗi này, nếu bạn mắc phải nên cố gắng bỏ để tránh thành thói quen.

Thói quen cắn chặt ống thở cũng dễ mắc phải, nếu bạn cắn chặt quá lâu bạn sẽ bị mỏi hàm, đôi khi còn bị co rút cơ hàm rất đau nhất là khi lặn trong nước lạnh.

Thói quen nắm chặt báng súng cũng là một thói quen nên bỏ, vừa mỏi tay vừa tốn nhiều năng lượng . Đó là một số tật nhỏ làm căng thẳng hệ cơ bắp của bạn trong môn thể thao lặn bắn cá, với mỗi bạn khác có thể sẽ mắc phải những lỗi khác nhau, trong quá trình lặn bạn nên tự kiểm soát lại cơ thể và cử động của mình để điều chỉnh cho tốt. Sau mỗi lần lặn bạn cũng có thể kiểm tra lại cơ thể của mình, nếu mỏi mệt đều là OK nếu có một bộ phận nào đó ví dụ : bắp chân, bả vai, cần cổ, hàm răng, quai hàm, bàn tay, cổ tay quá mỏi bạn phải kiểm chứng lại xem mình có mắc lỗi gì liên quan không.

Điều chỉnh thở đúng kỹ thuật: đối với dân lặn bắn cá điều chỉnh hơi thở là rất quan trọng, đối với người đam mê thường luyện tập mọi lúc mọi nơi. Khác với thở bình thường hít vào thở ra nhẹ nhàng và đều đều. Thở trong lặn bắn cá thì thở ra nhanh và sâu hít vào cũng nhanh và sâu, giữa hít vào và thở ra là một khoảng thời gian nhịn thở kéo dài, khoảng thời gian nhịn thở này thường chia làm hai trường hợp, trường hợp thứ nhất khi bạn nổi trên mặt nước, thời gian nhịn thở này thường ngắn hơn, không cần thiết thì không nên kéo dài làm bạn thiếu oxy trong phổi còn dài bao nhiêu thì bạn tự điều chỉnh theo khả năng của mình. Trường hợp thứ hai : nhịn thở khi lặn xuống, thời gian này  thường là thời gian nhịn thở lâu nhất mà bạn có thể chịu đựng được, tuy nhiên mọi người đều khuyên không nên đạt đến hoặc vượt qua giới hạn chịu đựng của bạn tránh rủi ro bạn có thể bị ngất, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bạn do tình trạng thiếu oxy trong máu. Để chuẩn bị tốt cho mỗi lần lặn này, trước khi lặn cơ thể của bạn phải ở trạng thái tốt nhất (vì vậy khi nhịn thở trên mặt nước không nên quá dài), phải hít vào nhiều nhất, khi lặn nên bỏ ống thở ra khỏi miệng. Hai lần lặn sâu liên tiếp nên cách nhau tối thiểu 2 phút (nếu có thể).

Bố trí và sử dụng thành thạo các đồ nghề khác. Ví dụ: dao, nếu bạn để dao ở vị trí không thuận tay như ở bắp chân chẳng hạn, nếu bạn mặc bộ đồ lặn 7 mm, đeo 10 kg chì ở thắt lưng, tay lại đang giữ mũi tên với một con cá đang vùng vẫy bạn sẽ rất khó rút được dao, hoặc bạn bị lưới hay rong rêu quấn vào chân cũng vậy. Vì vậy để dao ở vị trí dễ rút ra nhất, thuận tay nhất và sử dụng thành thạo (mở khoá bao dao mà không cần nhìn chẳng hạn) là rất quan trọng.

Một ví dụ khác: nếu kính lặn của bạn không hợp với bạn, bạn sử lý tình trạng hơi nước bám phía trong kính lặn không tốt, bạn thở với kính lặn không quen nước thường xuyên tràn vào, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực để đeo lại kính lặn. Hầu như đại đa số dân lặn bắn cá lâu năm đều chỉ đeo kính lặn một lần khi xuống nước tháo ra khi ra khỏi mặt nước.

Và một loạt các thao tác khác như lắp tên, gỡ cá, treo cá, gỡ dây rối v.v. chỉ có thể thành thạo nếu bạn chơi nhiều, luyện tập nhiều và tự rút ra kinh nghiệm.