Khi đưa vào sử dụng hầu hết các bức ảnh đều đã được chỉnh sửa, các ảnh chụp dưới nước cũng vậy. Do tính đặc thù của môi trường nước, do điều kiện chụp ở môi trường nước kém rất xa ở trên cạn. Các bức ảnh chụp dưới nước thường gặp khá nhiều lỗi do đó việc chỉnh sửa ảnh hậu kỳ lại càng quan trọng. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến các điểm cần chú ý đối với kỹ thuật chỉnh sửa ảnh chụp dưới nước, còn kỹ thuật chỉnh sửa ảnh nói chung mong các bạn tìm hiểu ở các tài liệu khác.

Chỉnh sửa khung hình

Với khung hình các bạn có thể phải quan tâm đến một số vấn đề như sau:

Quy tắc 1/3 trong nhiếp ảnh, về quy tắc này các bạn có thể tìm hiểu chi tiết ở trên rất nhiều tài liệu và bài viết liên quan đến chụp ảnh. Tôi muốn nhắc nhở đến quy tắc đó trong bài viết này vì liên quan tới các ảnh chụp dưới nước, các ảnh chúng ta tách ra từ các video quay dưới nước, những ảnh này được sử lý ở giai đoạn hậu kỳ để bảo đảm quy tắc này, điều mà bạn rất khó thực hiện khi cầm máy. Xin lưu ý thêm về quy tắc 1/3, nếu các bạn muốn sử dụng các ảnh của mình với mục đích như những tài liệu bạn nên áp dụng quy tắc 1/3 vì nó khá “chuẩn” và dễ nhìn, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể không cần áp dụng quy tắc này nếu bạn muốn truyền đạt một thông tin hay một ý tưởng nào đó.

Chụp chân dung và chụp phong cảnh: Đa phần các máy ảnh hay trong các phần mềm chỉnh sửa đều quy định chụp chân dung là ảnh dọc, chụp phong cảnh là ảnh ngang. Nhưng điều đó không nhất thiết đúng, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo, nhất là đối với thể giới dưới nước, khi mà mọi chủ thể đều là “lơ lửng” đôi khi điểm nhấn của phong cảnh là ở độ sâu chứ không phải là độ rộng. Bạn có thể quan sát ảnh phía dưới để thấy sự khác nhau khi sử dụng khung ảnh ngang và dọc đối với ảnh chụp dưới nước.

Sự khác nhau của khung hình dọc và ngang.

Xoay và lật ảnh: Các phần mềm chỉnh sửa ảnh thường cho phép bạn xoay ảnh và lật ảnh. Không có nhiều quy tắc trong vấn đề này, quan trọng là để cho người xem tạo được ấn tượng dễ nhìn và nắm được thông tin mà bạn cần truyền đạt.

Ví dụ: với ảnh cá dưới đây, nếu bạn muốn người xem tập trung vào chân dung của con cá, bạn có thể xoay lại cho ngay ngắn, cắt bớt ngoại cảnh, đổi thành khung hình dọc. Nếu bạn muốn mô tả sự năng động của nó trong môi trường thì bạn vẫn giữ lại độ nghiêng của chủ thể.

Xoay hình để truyền đạt ý tưởng

Với ảnh gốc, nếu theo thói quen nhìn từ trái qua phải, người lặn phụ (không đeo ống thở) sẽ được nhìn thấy trước, sẽ làm giảm đi tác dụng làm nền của người lặn phụ. Gương mặt “người đá” đối diện với gương mặt người lặn ở ảnh đã xoay nom thuận mắt hơn

Ảnh sau khi xoay nhìn thuận mắt hơn

Phân tích hai ảnh dưới, cô gái của ảnh sau khi xoay mang lại cảm giác mạnh mẽ, cá tính hơn

Lật ảnh có cái nhìn khác

Tỷ lệ khung hình: Hầu hết các máy ảnh đều giới hạn các tỷ lệ khung hình. Các mục đích xuất ảnh ra như: ảnh cho internet, ảnh cho các pano quảng cáo, ảnh cho các tạp chí, ảnh làm tư liệu, v.v. đều có các tỷ lệ khung hình chuẩn.

Nhưng nếu bạn thích được tự do sáng tạo, thích sử dụng tỷ lệ khung hình để làm nổi bật khung hình, nếu bạn muốn làm ngay ngắn lại hình ảnh mà bạn đã chụp được dưới nước do điều kiện chụp không cho phép thực hiện được. Sự thay đổi tỷ lệ khung hình có thể thay đổi cảm quan của người xem.

Khung hình 3/2 nêu lên ý tưởng chủ thể và khung cảnh xung quanh.

Khung hình 5/4 với chủ thể được phóng to thêm các cảnh bên ngoài được cắt bớt ý tưởng là tập trung vào chủ thể

Hoặc giả bạn muốn làm bức ảnh xoay đi một chút để thực hiện một ý đồ nào đó. Tất cả những mong muốn đó đều có thể thực hiện được bằng những phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ như Photoshop, và tôi có thể nói hầu hết các bức ảnh mà các bạn thấy đều đã được chỉnh sửa lại khung hình bằng cách thay đổi tỷ lệ khung hình, cắt, xén, xoay. Điều đó chắc ai cũng biết nhưng câu hỏi đặt ra là có cần thiết không, tại sao tôi không để bức ảnh như nó vốn có. Mọi người đều trả lời là rất cần thiết, thậm trí là bắt buộc phải làm vừa là để nhấn mạnh ý tưởng của bạn vừa là để tôn trọng người xem. Nếu bạn muốn cho người xem thấy một con cá vược mà bạn đang tìm kiếm, bạn không thể để nó trong một khung cảnh mênh mông rong biển mà người nào phải thật tinh mắt mới thấy, hẵy đưa chủ đề chính vào trung tâm, cắt bớt những phần dư thừa, nhất là những phần có thể phân tán sự chú ý vào chủ đề của độc giả.

Có một ví dụ về việc thay đổi khung hình để tạo ra các cảm giác khác nhau của người xem:

Tác dụng của chỉnh sửa khung hình.

Khung hình 3/2 thứ nhất hình được thu nhỏ so với khung hình tạo cảm giác chiếc lá và con bọ là một vật thể lạc lõng.

Khung hình 3/2 thứ hai hình được phóng to hơn, chủ thể được tập trung chú ý hơn.

Khung hình 16/9 nhỏ hẹp hơn con bọ không được đưa vào trung tâm mà kéo lên cao tạo cảm giác con bọ đang bò xuống.

Khu hình vuông với con bọ được phóng to

Cũng với ảnh con bọ, được phóng to và cắt thành hình vuông, con bọ được đưa vào trung tâm khung hình, chủ thể con bọ sẽ được người xem tập trung hơn

Một bài viết của bạn có thể có rất nhiều ảnh, hãy tạo ra một hoặc hai tỷ lệ khung hình mà bạn cho là phù hợp với bố cục của bạn, các hình ảnh nên được cắt chuẩn theo một trong hai tỷ lệ đó. Bạn cũng có thể thay đổi thành các khung hình vuông, tròn, bầu dục v.v. cho các mục đích riêng của mình. Bạn cũng có thể đóng khung hình bằng các đường viền. Theo tôi thì việc chỉnh sửa hậu kỳ luôn luôn bắt đầu từ việc chỉnh sửa khung hình.

Chỉnh sửa màu sắc của nước

Với chủ đề là chụp ảnh dưới nước vì vậy màu sắc của nước rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của bức ảnh, nó chính là chủ đề cũng chính là phông nền của bức ảnh chụp dưới nước nên tôi xin giới thiệu thao tác hậu kỳ về chỉnh sửa màu sắc của nước. Trong bài viết này tôi sử dụng kết quả của phần mềm Lightroom cho phép các bạn điều chỉnh, sửa đổi màu một cách có chọn lọc. Để việc chỉnh sửa có hiệu quả hơn khi chụp bạn nên để ở định dạng RAW, ở định dạng này các thông tin về hình ảnh được lấy trực tiếp từ cảm biến, với các định dạng khác (như JPEG) các thông tin đã được thông dịch, mã hoá nên không còn chính xác, việc chỉnh sửa sẽ kém hiệu quả hơn.

Đổi màu nước

Đổi màu nước, bạn hãy xem TAB điều chỉnh màu của Lightroom, điều chỉnh ba thanh xanh lá cây (vert), xanh lam và xanh lá cây (blue vert), xanh lam (blue) trong khung “3” bạn sẽ có được màu nước như ý. Thường thì giảm màu xanh lá cây và tăng màu xanh lam để cho nước biển chuyển sang màu xanh lam nom nó có chiều sâu và huyền bí hơn.

Ví dụ:

Thay đổi màu của nước biển.
Tab điều chỉnh màu

Với ảnh gốc, nước biển có màu xanh lá cây, toàn bộ có quá nhiều mầu vàng làm nước có vẻ đục, các vật thể không đủ độ nét. Chỉ cần chỉnh thanh Lam-lá cây (blue vert) bạn có thể đổi nước biển sang màu lam. Tuỳ vào tình trạng của hình gốc, tuỳ vào thẩm mỹ của bạn, chỉnh thêm hai thanh còn lại (đôi khi cả các thanh khác) bạn sẽ có được màu nước biển ưng ý nhất.

Thay đổi sáng tối của màu nước

Để thay đổi độ sáng của nước, bạn vào tab Luminance và thay đổi độ sáng của các màu liên quan tới màu của nước. Ví dụ:

Thay đổi độ sáng của nước

Trong ví dụ này chỉ hai thanh Blue vert và Blue tăng độ sáng của nước tăng lên rất ít (bạn lưu ý góc trên bên phải). Trong kỹ thuật sửa ảnh không bao giờ thay đổi quá nhiều để tránh phản tác dụng, những thay đổi thường không đặt hai ảnh gần nhau không phân biệt được mới là thành công.

Chỉnh sửa ảnh

Khôi phục màu da

Các ảnh chụp dưới nước thường làm cho làn da của người mẫu (da mặt, tay, …) nhiễm màu xanh không được đẹp, nguyên nhân do độ dày của nước đă hấp thụ màu đỏ và nhiệt độ màu của môi trường và nguồn sáng nhân tạo không đồng nhất. Để khôi phục màu da cho các bức ảnh dễ coi hơn bạn có thể tiến hành các bước sau:

Thực hiện cân bằng trắng để thực hiện bù màu cho toàn bộ bức ảnh:

Thực hiện cân bằng trắng.

Trong tab dévelopement “1” điều chỉnh các thanh trượt “2” để thực hiện cân bằng trắng, một phần mầu ấm sẽ được bù lại, hình sẽ bớt xanh hơn. Màu của da cũng trở nên hồng hơn nhưng thường chưa đủ. Để chỉnh sửa chính xác nhất hãy điều chỉnh tỷ lệ 1:1 (trên cùng bên trái);

Tô màu cho da, để thực hiện tô màu cho da, bạn thực sử dụng bộ cọ “1” hoặc phím tắt K, cùng với menu chức năng riêng của nó “2”. Công cụ này cho phép bạn thực hiện bổ xung màu cho từng vị trí, thay đổi độ phơi sáng, độ nét … như một số chức năng trong photoshop hoặc các phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp khác. Cọ “3” là một vòng tròn có tâm và đường bao, ở tâm là nơi hiệu ứng xảy ra mạnh nhất, hiệu ứng giảm dần và kết thúc ở đường bao. Bạn có thể điều chỉnh kích thước đường bao trong lúc di chuyển chuột và nhấn SHIFT.

Tô màu cho da

Để xem nơi bạn đã tô màu nhấn chữ “O”, xuất hiện vùng màu đỏ (màu mà bạn lựa chọn tô lên). Bạn có thể xoá bớt các vùng tràn ra “2” bằng cọ tẩy “1” bạn cũng có thể mở rộng vùng tô và thêm hiệu ứng bằng các cọ A và B (cọ A, B cho phép tạo ra hai cọ có các thông số khác nhau để bạn không phải thay đổi thông số khi chuyển cọ). Bạn nhấn “O” lần nữa để xem kết quả khi không có mặt nạ màu đỏ.

Xem mặt nạ bằng cách nhấn chữ “O”

Để thêm các màu bổ xung nhằm tô bóng cho khuôn mặt, bạn nhấn vào nút thêm màu”1″, bảng màu “2” hiện ra và bạn chọn màu thích hợp để tô bóng.

Bổ xung màu

Hiệu ứng làm mờ

Hiệu ứng làm tối hay làm mờ ảnh là kỹ thuật làm cho một vùng nào đó trên bức ảnh mờ hoặc tối đi, vùng làm mờ thường là vùng phía ngoài viền của bức ảnh. Hiệu ứng này có nguồn gốc xuất phát từ lỗi của ống kính, người ta thường phải tránh các lỗi này. Nhưng trong nhiều trường hợp, hiệu ứng này được sử dụng để: giảm các tác động do các nguyên nhân khác đem lại, làm tập trung sự chú ý của người xem vào chủ thể, tạo những ấn tượng mà tác giả muốn đem lại cho người xem. Chúng ta có thể phân tích một ví dụ sau của chị Cathy, một nhiếp ảnh gia dưới nước.

Hiệu ứng làm mờ

Ở ảnh gốc, mặc dù con lươn nằm sâu dưới hang nhưng do tiền cảnh quá sáng nên không tạo được độ sâu của hang. Chị Cathy đã sử dụng kỹ thuật hậu kỳ làm tối tiền cảnh, tăng độ tương phản của con lươn, đồng thời chỉnh sửa luôn tỷ lệ khung hình, theo tôi thì kết quả thật tuyệt vời.

Các phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ đều có các công cụ được thiết kế riêng nhằm mục đích làm tối một phần của ảnh và dễ sử dụng. Trong Lightroom có một thanh trượt tạo hiệu ứng làm mờ và 4 công cụ khác để làm tối các khu vực.

Thanh trượt: đây là công cụ dễ sử dụng nhất và hiển thị trực tiếp nhất nhưng ít linh hoạt nhất.

Sử dụng thanh trượt hiệu ứng làm mờ

Thanh trượt có các thông số sau:

Style – kiểu: có rất nhiều kiểu quy định vùng, mức độ làm mờ theo vùng, ở đây tác giả lựa chọn mặc định và là kiểu ưu tiên làm mờ phía trên.

Gain – độ sáng: nếu chỉnh (<0) hiệu ứng sẽ làm hình tối đi và ngược lại. Nếu để giá trị (=0) nó sẽ vô hiệu hoá hiệu ứng và các tuỳ trọn phía dưới.

Milieu – kích thước điểm giữa: Giá trị càng cao vùng giữa (không bị hiệu ứng tác động) càng lớn.

Arrondi – hình dáng: thay đổi giá trị bạn sẽ có những hình dáng vùng giữa khác nhau.

Contour progressif – độ nét: thay đổi giá trị làm mờ của các đường nét.

Hautes lumières – độ sáng của vùng sáng (chính là vùng giữa) nếu là giá trị (100) là độ sáng của vùng giữa không thay đổi.

Bộ lọc chia vùng: Bạn có thể hình dung một bộ lọc được đặt trước ống kính và chia bức ảnh thành 2 phần một phần giữ nguyên, một phần được sửa đổi theo các tuỳ chọn khác nhau. Bạn có thể tạo nên vùng chuyển tiếp giữa hai vùng, bộ lọc này có rất nhiều công dụng để chỉnh sửa lại ảnh theo ý muốn như điều chỉnh độ sáng, độ tương phản, độ bão hoà, độ sắc nét. Bạn cũng có thể bao quanh một khu vực bằng các bộ lọc khác nhau nhưng lưu ý rằng những phần bộ lọc trùng lên nhau hiệu ứng sẽ tăng lên gấp đôi.

Bộ lọc chia vùng

Bộ lọc xuyên tâm: Khác với làm mờ ảnh được căn giữa tự động, bộ lọc xuyên tâm có thể tạo ra một vùng giữa, thường có hình elip hoặc hình tròn. Các hiệu ứng cũng áp dụng như bộ lọc chia vùng, có thể áp dụng bên trong hoặc bên ngoài vùng giữa, cũng có thể thiết lập vùng trung gian để sự thay đổi không quá đột ngột

Bộ lọc xuyên tâm

Cọ chỉnh sửa: Đây là công cụ năng động nhất, nó có công dụng như bộ lọc chia vùng, tuy nhiên bạn có thể lựa chọn vùng một cách tuỳ ý bằng cách di chuột qua. Công cụ này thường được dùng khi bạn muốn thay đổi một vùng nhỏ trên ảnh, hoặc một vùng có hình dạng phức tạp không thể định hình bằng các công cụ khác.

Phần tô đỏ là vùng hiệu ứng có tác dụng

Lưu ý:

Trên đây chỉ là một chút kỹ thuật về chỉnh sửa ảnh hậu kỳ đối với các ảnh chụp dưới nước mà các bạn cần lưu ý. Còn có rất nhiều các chỉnh sửa hậu kỳ khác cũng giống như các ảnh chụp trên cạn như tẩy xoá các vết bẩn, cắt những chi tiết không phù hợp với chủ đề, với bố cục của ảnh, tô nét, làm mờ, v.v. mà các bạn có thể tham khảo ở rất nhiều ở các tài liệu khác. Các phần mềm chuyên về ảnh khác đều có thể thực hiện được các chức năng này thậm chí còn tiện lợi hơn, ví dụ chức năng auto trong image của photoshop, chỉ cần chọn chức năng này là ảnh của bạn đã gần như hoàn chỉnh.

Nhưng với dân lặn bắn cá chúng ta, bức ảnh chỉ là để kỷ niệm, nội dung đôi khi quan trọng hơn là hình thức không cần thiết phải bỏ ra hàng giờ loay hoay với các bức ảnh. Với ảnh tài liệu cũng không nên sửa chữa quá nhiều để mất đi tính chân thật của nó.

Với các bức ảnh chỉ cần chỉnh sửa sao cho không quá tệ là được, tuy nhiên có thể có những bức ảnh mà các bạn cần cho một mục đích nào đó và các bạn có tay nghề cao các bạn hoàn toàn có thể hoàn chỉnh nó theo khả năng.

Một lưu ý cuối cùng, dù chỉnh sửa thế nào cũng phải lưu lại ảnh gốc.