Thiết bị quay video dưới nước

Vỏ chống thấm nước

Vỏ chống thấm nước cực kỳ quan trọng đối với quay phim và chụp ảnh dưới nước. Về giá tiền nó thường đắt hơn hoặc bằng với máy mà nó cần bảo vệ. Vỏ chống thấm nước có ít loại hơn so với máy vì vậy không phải máy nào cũng có vỏ chống thấm nước vừa với nó. Với các nhà quay phim và chụp ảnh dưới nước, họ thường lựa chọn vỏ chống thấm nước trước rồi mới tìm máy phù hợp với nó.

Tại sao vỏ chống thấm nước lại quan trọng như vậy?

Câu trả lời vì có rất nhiều lý do, các máy ảnh thông dụng chủ yếu thiết kế sử dụng trên cạn, nếu bạn sử dụng dưới nước bắt buộc phải có vỏ thống thấm nước. Có một số máy được thiết kế dùng dưới nước như máy chụp ảnh loại nhỏ, camera thể thao như Go-Sport, v.v. có thể dùng trực tiếp dưới nước nhưng bạn hãy thận trọng, nếu bạn dùng một vài lần trong thời gian ngắn thì không sao, nhưng nếu bạn dùng thường xuyên thì chắc chắn là tiêu đời. Các máy này tuy được quảng cáo là dùng được dưới nước nhưng thực tế thì độ an toàn rất kém nhất là khi dùng trong nước mặn, và họ sẽ không bảo hành cho bạn vì lý do bạn dùng trong nước mặn. Bạn hãy quan sát khay cắm thẻ nhớ, khe cắm sạc nó được chống thấm nước rất rất yếu, ở độ sâu, gặp sóng biển, khi bạn sử dụng, và khi di chuyển trong nước khả năng lọt nước rất cao. Nước không những có thể lọt vào trong máy phá huỷ các bo mạch, nó còn ăn mòn các chi tiết bằng kim loại lộ ra ngoài.

Những va chạm khó có thể tránh khỏi khi sử dụng dưới nước có thể làm xước ống kính, vỡ vỏ máy, kẹt nút bấm vì vậy vỏ chống thấm nước còn là vỏ bảo vệ.

Một lý do quan trọng nữa đó là do sự mất màu và thiếu sáng khi quay phim và chụp ảnh dưới nước. Một bàn xoay để bạn có thể thay đổi các bộ lọc màu, một hành động mà bạn không dễ thực hiện dưới nước, một hệ thống chiếu sáng phụ trợ được gắn thêm.

Những nút bấm trên máy trở nên quá nhỏ nếu bạn sử dụng găng tay khi lặn sẽ được thay thế bằng các nút bấm lớn hơn trên các vỏ chống nước.

Có một số thông số mà bạn cần quan tâm khi lựa chọn vỏ chống thấm

Độ sâu chống thấm, đây là một chỉ tiêu quan trọng nhất. Bạn có thể chỉ quay video ở độ sâu 25m không có nghĩa là máy của bạn sẽ không bị rơi xuống đáy ở độ sâu 50m. Mặc dù các nhà sản xuất thường có tính trừ hao nhưng bạn cũng nên tính thêm để bảm đảm cho máy của bạn.

Vật liệu chế tạo, liên quan tới khả năng chống chầy xước, va đập và tuổi thọ của vỏ chống thấm.

Hệ thống nút bấm, nút có đủ to để dễ dàng sử dụng dưới nước hay không, vị trí nút bấm có thuận lợi hay không, số nút bấm khai thác được bao nhiêu chức năng của máy (thường không khai thác hết như trên cạn). Độ nhạy cảm của nút bấm cũng rất quan trọng vì bạn bấm máy dưới nước thông qua găng tay sẽ khó khăn hơn nhiều so với trên cạn.

Thiết kế, bao gồm hệ thống khoá và joan caosu có an toàn và tiện lợi hay không.

Hệ thống khay để thay đổi các bộ lọc mầu có đủ theo yêu cầu của bạn hay không, có thuận tiện hay không.

Thương hiệu cũng là một chỉ tiêu lựa chọn quan trọng, đây là một sản phẩm không được thông dụng lắm nên đánh giá về chất lượng rất khó, bạn thường chỉ lựa chọn nó nhờ thương hiệu. Các thương hiệu Nauticam, Ikelite, Fantasea, Meikon là các thương hiệu được đánh giá cao đặc biệt là Nauticam và Ikelite, bạn không nên mua các vỏ chống thấm có thương hiệu lạ hoặc từ những nguồn không rõ ràng. Liên quan tới thương hiệu bạn cũng phải chú ý tới dịch vụ sau bán hàng của sản phẩm như: bảo hành, sửa chữa, cung cấp phụ kiện (như joan cao su, mỡ silicon, các nút bấm, vvvv).

Các chỉ tiêu phụ khác bạn có thể cần quan tâm như kết cấu ống kính có phù hợp với thể loại video bạn thường quay hay không (quay gần hay quay toàn cảnh), ổ cắm phụ kiện cho phép bạn nối máy với màn hình ngoài hoặc điều khiển từ xa có dây, chức năng kiểm tra độ rò rỉ trước khi lặn, v.v. các chức năng phụ đôi khi rất có ích trong quá trình quay video của bạn.

Một chỉ tiêu rất quan trọng cuối cùng đó là giá cả, càng đắt thì càng tốt đó là sự lựa chọn của cơ chế thị trường.

Vỏ chống thấm nước còn được chia làm hai loại:

Vỏ cơ khí, là loại vỏ có các nút bấm tác động (bằng cơ) trực tiếp lên các nút bấm của máy quay. Ưu điểm của loại vỏ này là: bản thân nó không có các bo mạch điện tử do đó không sợ hư hỏng vì nước khi mở ra và khi lau chùi, các nút cơ khí dễ sửa chữa, dễ thay thế. Nhược điểm của nó là các vị trí nút bấm có thể không thích hợp do vị trí cầm máy và sử dụng máy ở dưới nước và trên cạn có khác nhau, do giới hạn của cách tác động của nút bấm lên nút trên máy, vỏ phải tương thích với máy.

Vỏ kỹ thuật số, loại vỏ này có một hệ thống nút bấm riêng, thông qua bo mạch và dây cắm kết nối với máy. Ưu điểm của loại vỏ này là các nút bấm được thiết kế rất thuận lợi cho quay phim dưới nước, nhờ một số phím tắt nó có thể sử dụng được nhiều tính năng của máy hơn. Nhược điểm của nó là: dễ bị hỏng bo mạch do ẩm (khi lau chùi, khi mở ra thay pin trên thuyền), hỏng bo mạch thì chỉ còn cách thay thế, không phải loại máy nào cũng có cổng để cắm phím điều khiển bên ngoài.

Cũng có loại nửa này nửa kia, các nút cơ bản thường là cơ khí để bạn có thể tạm sử dụng nếu bo mạch bị hỏng. Kết luận cuối cùng, có rất nhiều lựa chọn và quyết định là của bạn.

Camera quay video dưới nước

Camera hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, bất cứ loại nào cũng có thể dùng để quay dưới nước miễn là nó có vỏ chống thấm nước. Các chức năng, các thông số kỹ thuật, kỹ thuật quay không khác gì nhiều so với trên cạn vì vậy tôi không giới thiệu nhiều về lựa chọn và kỹ thuật quay. Bạn lựa chọn nên chú ý nhiều đến mục đích của mình, hầu hết các máy trên thị trường hiện nay đều vừa có thể vừa quay video vừa chụp ảnh, nếu mục đích của bạn thiên về lĩnh vực nào thì bạn lựa chọn máy thiên về lĩnh vực đó. Do các sản phẩm mới liên tục được ra đời, các chức năng của camera liên tục được bổ xung, những thông số giới thiệu hôm nay sẽ nhanh chóng lạc hậu nên tôi cũng không giới thiệu. Các bạn có thể tham khảo bài viết https://www.backscatter.com/reviews/post/Backscatter-Best-Underwater-Compact-Cameras giới thiệu một số camera và vỏ chống thấm nước phù hợp với nó. Những camera này chủ yếu dùng cho dân amater không quá đắt, tương đối nhỏ, dễ sử dụng, vừa quay vừa chụp đều được. Còn nếu bạn muốn chuyên nghiệp hơn thì phải nghiên cứu từng máy một, và nhớ là máy dùng trên cạn và dưới nước là một miễn là có một cái vỏ chống thấm phù hợp.

Các bạn cũng có thể tham khảo bài viết sau để theo dõi một phân tích chi tiết về 1 camera và máy ảnh dùng cho quay phim và chụp ảnh dưới nước: https://www.subchandlers.com/blog/photo-video/appareils-photo/sony/rx100/sony-rx100/

Như đã giới thiệu ở phía trên, tôi sẽ không giới thiệu về kỹ thuật quay video nói chung, vì nó cũng giống như quay video trên cạn liên quan tới nội dung, đạo diễn, khung hình, sử dụng ống kính, kỹ xảo, v.v. Trong giới hạn của bài này tôi chỉ giới thiệu một số điểm cần lưu ý khi quay video dưới nước.

Cân bằng trắng

Trước hết xin được giải thích cân bằng trắng là gì?

Màu sắc thể hiện trên màn hình là do máy ảnh xử lý các tín hiệu ánh sáng mà bộ cảm biến nhận được thông qua ống kính. Ở dưới nước ánh sáng bị hấp thụ khác với trong không khí vì vậy tín hiệu ánh sáng mà bộ cảm biến nhận được khi quay dưới nước cũng khác với trong không khí. Có nhiều mầu trong nước sẽ bị hấp thu nhiều hơn màu khác, càng xuống sâu càng có nhiều màu bị mất đi. Do đó màu trắng (là tổng hợp của các màu) dưới sâu sẽ không còn là màu trắng nữa nó sẽ chuyển thành màu xanh lam (Xem thêm: Chụp ảnh dưới nước).

Người ta có nhiều phương pháp để bù lại những màu đã mất đi này để mầu trắng vẫn là màu trắng như: dùng bộ lọc mầu, dùng đèn pha, dùng phần mềm khi chỉnh sửa hậu kỳ. Một phương pháp nữa dùng cho các máy kỹ thuật số là thực hiện cân bằng trắng, có nhiều máy có chức năng tự động điều chỉnh cân bằng trắng khi quay ở dưới nước, nó căn cứ vào một cảm biến áp lực để xác định độ sâu của máy sau đó tự động điều chỉnh tín hiệu sao cho tại độ sâu đó màu trắng vẫn hiển thị là màu trắng có nghĩa là các màu khác cũng hiển thị trung thực với màu sắc của nó. Nếu bạn dùng đèn hoặc bộ lọc màu thì nên tắt chức năng này đi.

Cân bằng trắng thủ công, hầu hết các nhà quay phim dưới nước đều thực hiện cân bằng trắng bằng phương pháp này. Họ mang theo một tấm bảng màu trắng, trước khi bấm nút quay họ thực hiện cân bằng trắng bằng cách để tấm bảng màu trắng trước ống kính, bấm nút cân bằng trắng cho tới khi tấm bảng hiển thị trên màn hình đúng là màu trắng thì dừng lại. Mỗi lần thay đổi độ sâu lại phải cân bằng trắng lại, thậm trí tuỳ thuộc vào độ mạnh yếu của ánh sáng mặt trời cũng phải cân bằng trắng lại.

Lấy nét dưới nước

Do hạn chế của môi trường nước, bạn không thể quay được các cảnh ở xa vì vậy chức năng zoom hầu như không sử dụng được dưới nước do không nhận được ánh sáng từ các vật thể ở xa và do khó ổn định được máy khi quay nên cảnh sẽ bị nhoè.

Các cảnh quay dưới nước thường chỉ hiển thị tốt ở khoảng cách 6 m trở lại. Chức năng lấy nét tự động thường căn cứ vào các cạnh của vật thể để lấy nét, vì vậy hướng ống kính về đại dương mênh mông với các vật thể luôn lay động, các máy sẽ khó ổn định được tiêu cự của máy. Vì lý do này người ta thường tắt chức năng lấy nét tự động, lựa chọn lấy nét của một vật thể cách khoảng 2m là được.

Ổn định máy khi quay

Đây là thao tác khó khăn nhất đối với quay phim và chụp ảnh dưới nước. Nó tuỳ thuộc vào kỹ năng lặn của bạn, tuỳ thuộc vào tình trạng của môi trường nước (sóng, dòng chảy, rong biển, vách đá), tuỳ thuộc vào đối tượng quay (quay một con ốc hay quay một con cá trích). Có những thứ không thể khắc phục được nhưng cũng có vài mẹo nhỏ như:

Điều chỉnh thiết bị ở vị trí cân bằng với độ nổi âm hơi lớn một chút.

Nếu tìm được vị trí để tỳ thì nên tận dụng như tảng đá, vách đá, boong tầu đắm, đáy.

Nếu bạn có thể tìm được một vị trí để đặt máy, ví dụ bạn muốn quay một con cua bò ra khỏi hang bạn có thể đặt máy cố định trước cửa hang, bạn có thể mang theo chân máy nhưng phải mang theo túi chì mềm (giống như chì cổ chân, xem bài Thắt lưng chì) để đè thêm, bấm máy và chờ đợi. Tất nhiên là bạn phải ở xa vì con cua sẽ không ra khỏi hang nếu nó nhìn thấy bạn và bạn cũng có thể có một đoạn video với cái hang không nếu con cua ngủ quên hoặc đi ra theo đường khác.

Nếu vỏ chống thấm có cổng cắm thiết bị điều khiển từ xa thì bạn có thể sử dụng để “rình” quay những cảnh quay hiếm hoi. Bạn lưu ý rằng hiện nay các phương thức truyền tín hiệu không dây như wifi và bluetooth không thực hiện được trong môi trường nước.

Góc quay thích hợp

Những người mới quay video dưới nước thường có xu hướng quay từ trên xuống. Trừ một số cảnh quay đặc biệt, góc quay từ trên xuống thường ít thu được kết quả tốt. Có nhiều lý do:

Thứ nhất các sinh vật biển thường có xu hướng nguỵ trang ở phía trên, ví dụ bạn nhìn từ trên xuống con cá thường chỉ có một cái lưng màu xanh. Nếu bạn lặn xuống nhìn ngang hoặc nhìn chéo lên cảnh sắc sẽ thay đổi rất nhiều, con cá sẽ có màu trắng bạc, và các sọc màu.

Nếu bạn hướng máy lên trên nhờ ánh sáng mặt trời bạn sẽ có được một phông nền sáng và đẹp hơn. Bạn có thể chọn hướng máy phù hợp với ý tưởng của mình, nhưng hướng máy lên phía trên là một gợi ý tốt.

Độ nổi của máy quay.

Phần lý thuyết này có thể dùng chung cho cả kỹ thuật chụp ảnh dưới nước.

Với lặn bắn cá, các máy quay và chụp thường là các máy dùng cho thể thao như Go-Sport, Paralenz, nó thường nhỏ gọn, trọng lượng không đáng kể lại thường được gắn cố định trên kính lặn, trên trán, trên cổ tay hoặc trên súng, vì vậy độ nổi của máy quay không cần phải quan tâm tới.

Nhưng đối với quay phim và chụp ảnh dưới nước chuyên nghiệp, người ta phải sử dụng những thiết bị cồng kềnh hơn, máy to hơn, có giá đỡ, hệ thống đèn chiếu sáng v.v. Khi di chuyển dưới nước bạn không có chỗ để đặt máy nghỉ cho đỡ mỏi tay, khi di chuyển sức cản của nước trên máy, và bản thân trọng lượng của máy sẽ làm bạn rất mỏi tay. Để giảm sức cản của máy trong nước, bạn lựa chọn bộ giá đỡ (giá đỡ và các cánh tay gắn đèn) ít chịu sức cản nhất, tuy nhiên thường thì gọn nhẹ thì lại kém công dụng, vì vậy bạn phải cân bằng giữa hai vấn đề công dụng và gọn nhẹ tất nhiên cả về giá tiền nữa. Trọng lượng và kích thước của máy bạn thường ít có khả năng lựa chọn vì yêu cầu về chất lượng và các chức năng của máy thường được coi là chỉ tiêu hàng đầu luôn được ưu tiên, vỏ chống nước của máy bạn cũng không có quyền lựa chọn vì mỗi máy thường cũng chỉ có một vỏ chống nước thích hợp với nó. Duy nhất bạn có thể chủ động thay đổi đó là độ nổi của máy (bao gồm cả máy, vỏ chống nước, giá đỡ, đèn chiếu sáng) bằng cách gắn thêm các phao nổi.

Tuỳ theo thói quen của từng người, có người thích độ nổi dương tức là khi thả máy ra máy sẽ nổi lên hoặc độ nổi âm tức là khi thả máy ra máy sẽ chìm xuống. Với độ nổi dương lúc quay bạn sẽ phải dùng lực giữ cho máy không nổi lên. Ưu điểm của độ nổi dương là an toàn, nếu vì một lý do nào đó mà bạn tuột tay, máy ảnh của bạn không chìm xuống đáy đại dương, thích hợp khi bạn quay ở vùng nước sâu mà bạn không thể lặn tới đáy, khi bạn dùng nhiều máy quay một lúc, khi bạn có đèn pha rời (đèn pha không gắn trên giá), tuy nhiên trong mọi trường hợp nên có dây bảo hiểm gắn vào máy để giảm bớt rủ ro. Nhược điểm lớn nhất của độ nổi dương là kém ổn định khi quay.

Độ nổi âm, nhược điểm của nó là bạn có thể mất máy khi quay ở chỗ nước sâu. Ưu điểm của nó là khi quay ổn định hơn, lý do này không giải thích được có lẽ là do thói quen vì khi cầm máy trên cạn bạn luôn phải dùng lực nâng máy lên chứ không phải là kéo nó xuống, một ưu điểm nữa là khi bạn dùng dây đeo, máy sẽ nằm ở phía trước bạn chứ không phải trôi ở phía sau lưng, một ưu điểm nhỏ nữa là bạn sẽ phải dùng ít phao nổi hơn, vì những ưu điểm này mà đa số lựa chọn độ nổi âm.

Độ nổi bằng không, tức là bạn bỏ tay ra nó sẽ lơ lửng, thực tế thì không điều chỉnh được ở độ nổi này vì bạn chỉ thay đổi độ sâu một chút là độ nổi bằng không sẽ mất đi, ưu và khuyết của nó nằm ở giữa độ nổi âm và dương. Nhiều người thường điều chỉnh độ nổi không ở độ sâu bắt đầu quay và sau đó dùng độ nổi âm để có những thước phim ổn định nhất. Tuy nhiên hầu như trong mọi trường hợp đều phải gắn thêm phao để giảm trọng lượng của máy.

Các chi tiết gắn thêm không chỉ là phao để giảm trọng lượng của máy còn có những miếng chì nhỏ để tạo nên sự thăng bằng của máy, vị trí thăng bằng thường là vị trí nằm ngang, tức là khi bạn bỏ tay ra máy sẽ nằm ở vị trí nằm ngang như vị trí bạn cầm khi đang quay. Còn việc gắn chì, phao ở vị trí nào thì tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: bạn dùng bộ giá đỡ nào, dùng máy nào, vỏ chống nước nào, và quan trọng nhất là quá trình điều chỉnh của bạn khi thử nghiệm.

Chì và phao gắn thêm tạo độ nổi và thăng bằng cho máy

Phao thường có hai loại chính là phao bằng mousse hoặc bằng khí. Phao bằng mousse thường rẻ, có thể bán theo bộ hoặc từng cái rời, có thể có chân (để gắn vào giá) hoặc không chân gắn trực tiếp lên giá. Phao mousse có nhược điểm là khi xuống sâu do sức ép của nước làm nó giảm tác dụng. Phao khí thường có giá đắt hơn nhưng tốt hơn, chịu được áp suất lớn hơn. Phao khí thường có chân để gắn vào giá đỡ, chân thường có dạng bi tròn đường kính 1 inch để có thể xoay theo nhiều hướng. Phao khí bền hơn, có nhiều loại, có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau.

Để lựa chọn phao, trước hết bạn phải tính toán được sức nổi của thiết bị, tức là tính toán xem cần một lực là bao nhiêu để máy của bạn có độ nổi như bạn mong muốn, từ đó bạn có thể tính ra được cần phải mua bao nhiêu phao, cỡ phao nào, kích thước phao cho phù hợp. Nhớ phải cộng thêm chì cân bằng nếu bạn lắp vào. Một cách tính rất hữu hiệu đó là thử nghiệm, hãy lắp và thử, lắp tất cả những gì bạn cần lên giá sau đó lắp chì, lắp phao và thử dưới nước, nếu độ nổi quá dương thì bớt phao và ngược lại. Cái khó của cách tính này là không phải lúc nào bạn cũng có đủ phao để thử. Có một cách tính như sau: trước hết tính trọng lượng của toàn bộ thiết bị: giá đỡ, máy, vỏ, đèn, chì cân bằng (cho nó lên bàn cân là được) sau đó tính thể tích của nó chiếm chỗ hoặc tính khối lượng nước mà nó chiếm chỗ trong nước. Muốn tính thể tích của toàn bộ thiết bị, cho nó vào một bình đo thể tích (bình nước thuỷ tinh có các vạch đo thể tích) nếu cồng kềnh không cho vào được bạn có thể tháo rời cho từng phần vào, nếu bình nhỏ có thể đo từng phần sau đó cộng lại. Về lý thuyết 1 lít nước sạch là 1 kg vì vậy sau khi đo được thể tích bạn tính được trọng của lượng nước mà thiết bị chiếm chỗ.

Ví dụ: toàn bộ thiết bị cân được 4kg = 4 000g, thể tích của thiết bị là 3 lít (hay 3 dm3) đổi ra trọng lượng là 3 kg, bạn cộng thêm với 2,5% vì tỷ trọng nước biển nặng hơn nước ngọt khoảng 2,5%.

3 + 3×2,5% = 3, 075 (kg) = 3 075 g

Lực nổi cần thiết là: 4 000 – 3 075 =925 (g)

Từ lực nổi cần thiết bạn tính ra được số phao cần mua (trên phao hoặc trên bảng giá thường có các số liệu về độ nổi và kích thước). Phương pháp tính lý thuyết này giúp bạn mua được chính xác số phao cần mua nhưng đôi khi không hữu hiệu vì một chút sai số có thể làm bạn không vừa ý, với độ sâu khác nhau có thể có sự chênh lệch và khó chịu nhất là hình dạng và kích thước phao không phù hợp sẽ làm bạn không thoải mái khi thao tác. Vì vậy, nếu bạn không có kinh nghiệm (về thiết bị mà bạn mới mua) thì chỉ có thực tế sử dụng mới có được lựa chọn tốt nhất.

Có một mẹo nhỏ để tính nhanh khối lượng của nước mà thiết bị chiếm chỗ (khỏi cần tính thể tích. Bạn lấy hai cái chậu một cái to, một cái nhỏ, cái nhỏ đổ đầy nước biển, đặt chậu nhỏ vào trong chậu to rồi cho thiết bị vào chậu nhỏ (nhớ là phải ngập hết xuống nước nhé), cân lượng nước tràn ra (nhớ trừ bì nhé). Đó chính là trọng lượng nước mà thiết bị chiếm chỗ (không cần phải thêm 2,5%).

Chiếu sáng dưới nước

Đối với quay video chiếu sáng rất quan trọng, nhất là đối với những video quay dưới nước. Những câu hỏi được đặt ra là: khi nào cần sử dụng ánh nhân tạo (đèn pha), loại đèn gì, công suất bao nhiêu, bố trí đèn như thế nào, quyền chiếu sáng phân bố như thế nào. Câu trả lời phụ thuộc khá nhiều yếu tố như: độ sâu cảnh quay của bạn là bao nhiêu, tình trạng (độ trong) của nước, cường độ ánh sáng mặt trời thẩm thấu đến vị trí quay như thế nào, khả năng về thiết bị chiếu sáng của bạn như thế nào, bạn quay một mình hay có những chiến hữu phụ trợ và một yếu tố khác khá quan trọng đó là mục đích quay của bạn, quay cận cảnh tập trung vào một hay vài đối tượng hay quay toàn cảnh hay quay đối tượng ở xa cùng với hoàn cảnh xung quanh của đối tượng.

Quay video với ánh sáng tự nhiên

Không nhất thiết phải sử dụng ánh sáng nhân tạo khi quay video dưới nước. Nếu ở độ sâu dưới 6m, nước tương đối trong, trời không bị mây đen che phủ bạn hoàn toàn có thể quay video mà không cần bất cứ một thiết bị chiếu sáng nào. Đặc biệt khi có những chùm tia sáng mặt trời xuyên qua nước bạn có thể nhận được những đoạn video khá lãng mạn, nhưng thú thật dù video có tuyệt vời đến đâu cũng kém rất xa so với thực tế nếu bạn được chiêm ngưỡng. Ở các độ sâu 7 đến 8m bạn có thể sử dụng thêm bộ lọc màu đỏ đề bù lại các màu ấm bị hấp thụ. Một số máy quay dưới nước có khả năng tự động cân bằng trắng (như camera Paralenz), hoặc bạn có thể xử lý bằng các phần mềm để giải quyết vấn đề này. Theo lý thuyết thì với các thiết bị số hiện nay thì mắt bạn nhìn được tới đâu thì máy có thể ghi nhận được tới đó, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, ở độ sâu từ 10m trở lên chất lượng cảnh quay không đèn so với chúng ta nhìn thấy thực tế kém rất xa, tất nhiên nó còn phụ thuộc vào nước và ánh sáng tự nhiên khi quay, nhưng dù sao cũng kém rất xa.

Có một số máy có thể tự động điều chỉnh tông màu của video theo nhiệt độ của tông màu nguồn sáng. Nếu bạn quay tĩnh tức là bạn dừng lại tại một vị trí nào đó để quay, sau đó di chuyển đến vị trí khác để quay, thì bạn có thể để ở chế độ auto để có tông màu đẹp nhất. Nhưng nếu bạn vừa di chuyển (vừa bơi hoặc lặn) vừa quay thì bạn nên tắt chế độ auto và cài đặt ở một độ ấm nào mà bạn cho là thích hợp nhất để tránh tình trạng những thước phim của bạn vừa bị lắc do di chuyển vừa liên tục thay đổi tông màu.

Đối với lặn bắn cá các đoạn video chủ yếu là quay ở các độ sâu này và quay bằng ánh sáng tự nhiên. Bạn không thể vừa bắn cá vừa cầm theo một cái đèn pha để quay phim, trừ khi bạn lặn bắn cá vào buổi đêm. Có rất nhiều nơi trong luật lặn bắn cá không cho phép dùng đèn chiếu sáng (vì nó có tác dụng gọi cá tới). Tuy nhiên nếu luật pháp không cấm, trong kỹ thuật phục kích, tìm kiếm, bắn cá trong hang, bạn có thể gắn thêm đèn pha vào súng để vừa chiếu sáng, vừa gọi cá, vừa lấy lại màu cho video. Bạn cũng có thể đeo đèn ở cổ tay, ở trán trong khi bắn cá trong hang nó rất có ích cho bắn cá cũng như tăng cường chất lượng của các đoạn video.

Chiếu sáng bằng đèn

Tuy nhiên với các nhà quay phim dưới nước thì lại khác, đa số độ sâu họ quay thường thiếu ánh sáng (sâu hơn 20m và tuỳ từng vùng nước), quay trong hang động, quay trong các xác tàu, quay ở những rặng san hô sâu, sử dụng áng sáng nhân tạo là gần như bắt buộc. Với họ, các thiết bị hỗ trợ lặn như bình dưỡng khí, các ống khí được bơm xuống từ trên thuyền, các scooter hỗ trợ di chuyển dưới nước, các giá đỡ để gắn đèn và máy quay, vvv giúp họ có thể mang được nhiều thiết bị chiếu sáng hơn, và quan trọng nhất là họ có thời gian để chuẩn bị và bố trí cho việc chiếu sáng. Trong vấn đề chiếu sáng nhân tạo có một số lưu ý sau:

Chiếu sáng tiền cảnh, tức là tập trung chiếu sáng vùng không gian trước ống kính, đây là phương pháp thông dụng nhất. Ở dưới nước dù đèn pha cực mạnh cũng không thể chiếu sáng quá xa do sự hấp thụ ánh sáng của nước, ví dụ ánh sáng của đèn 100 watt chỉ có tác dụng đối với video ở khoảng cách 2m đến 3m; việc tăng công xuất chiếu sáng còn phụ thuộc vào kích thước thiết bị và nguồn điện đi kèm, hơn nữa một nguồn sáng quá mạnh có thể làm “cháy” tiền cảnh, có thể gây náo loạn đối với các sinh vật dưới nước. Vì vậy quay dưới nước khó có thể quay được khung cảnh rộng và sâu, các khung cảnh phía sau thường mờ và tối chỉ có tác dụng làm khung nền. Người ta có xu hướng tập trung vào chiếu sáng tiền cảnh, thường là đối tượng chính của video nhằm thể hiện rõ và tập trung chú ý vào chủ đề, cũng là để khôi phục màu sắc của chủ đề. Trong bức ảnh dưới đây (lấy ra từ một đoạn video) chủ thể là con cá được chiếu sáng ở khoảng cách gần, còn ở khoảng cách xa (hậu cảnh) chỉ là một màu xanh tối do tác dụng chiếu sáng không tới.

Chiếu sáng tiền cảnh

Việc sử dụng ánh sáng nhân tạo chiếu sáng tiền cảnh có xu hướng làm tăng độ tương phản do sự khác biệt về độ sáng mà cảm biến của thiết bị nhận được. Điều này là bình thường vì các tế bào cảm biến nhận được ánh sáng từ tiền cảnh mà không nhận được từ hậu cảnh do bị nước hấp thụ.

Một nhược điểm nữa khi tập trung chiếu sáng tiền cảnh mà chỉ dùng một đèn là trên hình ảnh sẽ tạo nên cái bóng của nhân vật quá rõ ràng, nó sẽ không hay, sẽ choáng lấy không gian của hình ảnh trừ khi bạn muốn có ý tạo ra hiệu ứng này.

Một kỹ thuật chiếu sáng tiền cảnh khác khi quay với khoảng cách xa, góc quay lớn, khi đó chủ thể của bạn xa với máy quay vì bạn muốn thể hiện chủ thể của bạn trong khung cảnh của nó, bạn phải thay đổi quyền chiếu sáng.

Ví dụ: trong cảnh quay dưới hang động, người quay dùng đèn của mình để chiếu sáng tiền cảnh, nhưng những người thợ lặn phía trước cũng sử dụng đèn để chiếu sáng hoàn cảnh xung quanh họ, nơi ánh sáng pha của người quay không tới được. Cách bố trí này vừa lấy được mầu của tiền cảnh, vẫn nhìn rõ được các chủ thể trong khung cảnh của họ.

Chiếu sáng tiền cảnh nối tiếp

Sử dụng đèn chiếu sáng tiền cảnh kết hợp với chiều ngược với ánh sáng tự nhiên (quay ngược từ dưới lên) bạn có thể tạo ra các mảng tương phản trên một phông nền sáng hơn.

Góc chiếu và vùng chiếu:

Góc chiếu của đèn pha có thể được xác định bằng góc tạo bởi hai tia sáng ngoài cùng của vùng chiếu, các thông số ghi góc chiếu trên đèn thường là ghi góc lớn nhất có thể tạo thành.

Vùng chiếu là toàn bộ không gian nhận được ánh sáng của đèn, không gian này thường là hình nón do các pha đèn thường là hình tròn, nhưng cũng có thể là các hình khác tuỳ theo hình dạng của pha đèn.

Cường độ ánh sáng, màu của ánh sáng trong vùng chiếu phụ thuộc vào công suất, chất lượng thiết kế như chất lượng phản quang của pha, sử dụng loại chiếu sáng gì LED hay halogen, tất nhiên còn phụ thuộc vào khoảng cách điểm chiếu sáng và đèn, cuối cùng là phụ thuộc vào độ trong của nước. Bạn có thể nhận biết rất dễ góc chiếu và vùng chiếu của đèn nếu bạn quan sát đồng đội của bạn sử dụng đèn pha dưới nước.

Góc quay và vùng quay của camera cũng được xác định tương tự nhưng bạn không nhìn thấy trực quan, bạn chỉ nhận biết được vùng quay trên màn hình camera hoặc trên phim. Về nguyên tắc, vùng quay của camera phải nằm trong vùng chiếu của đèn thì bạn mới có hình trên phim, nếu không bạn sẽ chỉ nhìn thấy phần phim được chiếu sáng, phần ngoài vùng chiếu sáng là bóng tối hoặc bóng mờ (do ánh sáng khuếch tán).

So sánh đèn pha dùng chiếu sáng và đèn pha dùng quay phim

Nói đến góc chiếu và vùng chiếu cần phải nhấn mạnh đến loại đèn pha, thường có hai loại đèn pha được sử dụng dưới nước.

Loại thứ nhất là loại đèn pha dùng để chiếu sáng, loại đèn pha này thường có góc chiếu rất hẹp (10°-15°) ánh sáng hội tụ thành một chùm, thường thì ở giữa cực mạnh, ra phía ngoài thì yếu dần, loại đèn pha này thường dùng để chiếu sáng, tìm kiếm là chính, loại đèn pha này có khả năng chiếu sáng xa nhưng công suất và kích thước không lớn. Ánh sáng của loại đèn này quá cứng, có thể làm cháy hình (cháy có nghĩa là làm quá sáng chứ không phải là bốc lửa đâu nhé), cũng làm tăng tác dụng xấu của các hạt huyền phù. Khi góc quay của camera lớn hơn vùng chiếu sáng, các vùng không được chiếu sáng sẽ tối, tạo nên một hiệu ứng có vùng sáng tối phân biệt, một hiệu ứng mà không phải lúc nào bạn cũng mong muốn. Tác dụng quay video của loại đèn này thường cực kỳ kém, rất tiếc trong lặn bắn cá chủ yếu là dùng loại đèn này.

Loại thứ 2 là loại pha dùng để quay phim và chụp ảnh, loại đèn này thường có góc chiếu mở rộng (trên 100°), ánh sáng đồng nhất hơn, để tăng cường sự đồng nhất của ánh sáng người ta thường dùng thêm kính làm mờ, tác dụng của kính mờ là làm tăng thêm độ khếch tán của ánh sáng làm ánh sáng mềm đi, tuy nhiên cũng sẽ làm giảm cường độ của ánh sáng. Nếu chiều rộng của góc chiếu vẫn nhỏ hơn góc quay của camera bạn sẽ thấy hiệu ứng bóng mờ trên phim tức là các cạnh của hình ảnh sẽ là bóng tối, không sắc nét, điều này sẽ hay xảy ra với các camera có góc quay rộng (như GoPro có góc quay tới 170°), trong những trường hợp đó phải dùng thêm đèn để có thể bao phủ hoàn toàn vùng quay phim của camera.

Công suất của đèn

Công suất của đèn thường được xác định bằng hai yếu tố, công suất tiêu thụ của đèn (lấy đơn vị là watts) và cường độ ánh sáng (lấy đơn vị là Lumens). Liên quan tới vấn đề chiếu sáng người ta thường chú ý đến thông số Lumens hơn, các đèn hiện nay có công suất từ 500 L đến 25 000 L. Việc lựa chọn công suất của đèn để có các thước phim đẹp rất phức tạp, phụ thuộc vào cảnh quay (gần hay xa, cảnh động hay cảnh tĩnh, chủ đề là gì), phụ thuộc khả năng bạn có thể có đủ loại, đủ số lượng đèn cần thiết hay không, bạn có đủ người trong ekip của bạn để thực hiện việc chiếu sáng hay không, v.v. và v.v.

Để quay cảnh gần (macro) người ta không thể dùng đèn có công suất quá lớn (trên 1000 L) vì sẽ bị cháy sáng, người ta thường dùng nhiều đèn 500L bố trí xung quanh cảnh quay để được ánh sáng đồng nhất. Kỹ thuật quay macro dưới nước cũng là một kỹ thuật đòi hỏi kinh nghiệm, từ bố trí hệ thống chiếu sáng sao cho nổi bật chủ đề, lấy hết được chi tiết, lấy được hậu cảnh, và quan trọng nhất là cố định được máy quay nếu bạn không muốn người xem bị nhức mắt với những hình ảnh nhảy múa.

Để quay các cảnh ở xa, tất nhiên bạn phải lựa chọn công suất đèn đủ lớn, điều kiện lý tưởng nhất là thực hiện chiếu sáng nối tiếp, các đồng đội của bạn sẽ sử dụng đèn chiếu sáng gần cảnh quay hơn ở một góc độ khác với góc chiếu trên đèn của bạn, với một nguyên tắc là, đèn của bạn có công suất nhỏ hơn đèn của người chiếu sáng gần cảnh quay.

Ví dụ: bạn muốn quay một rặng san hô, một người ở gần rặng san hô hơn dùng đèn 2500L chiếu xéo vào rặng san hô, còn bạn ở xa hơn dùng máy quay và đèn 1000L quay thẳng vào vùng sáng mà bạn quan sát được, lưu ý tới khoảng cách.

Để quay nối tiếp, không chỉ công suất đèn thích hợp, sự đồng bộ cũng rất quan trọng, đó là giữ cự ly thích hợp giữa bạn, đồng đội, cảnh quay, góc chiếu sáng của các đèn, vùng chiếu sáng của các đèn, thời điểm bấm máy và khả năng cố định máy khi quay.

Việc lựa chọn công suất đèn thường không có câu tra lời hoàn toàn chính xác, các đèn pha công suất lớn thường có các chế độ sử dụng 20%, 50%, 70% cho nên về lý thuyết bạn hoàn toàn có thể sử dụng đèn pha công suất cao cho các trường hợp kể cả quay macro, nhưng đèn công suất cao liên quan tới giá mua, tới tiêu tốn pin, tới kích thước đèn, tới các chức năng chuyển đổi phức tạp. Các nguyên nhân đó không phải quá quan trọng đối với các nhà quay phim dưới nước chuyên nghiệp nhưng lại rất quan trọng đối với dân lặn bắn cá. Sử dụng cường độ ánh sáng quá cao ngoài việc làm cháy hình, làm nổi bật các hạt huyền phù, còn làm ánh sáng quá cứng không tự nhiên, làm kinh hoàng các sinh vật dưới biển làm bạn không thể quay được các cảnh như ý.

Công suất của đèn còn phụ thuộc vào góc chiếu, một đèn có góc chiếu 60° công suất 1600L sẽ sáng hơn đèn có góc chiếu 120° công suất 2500L nhưng tất nhiên là vùng chiếu sẽ nhỏ hơn.

Một yếu tố khác liên quan tới công suất của đèn, nếu bạn có một cái giá đỡ trên đó có thể gắn camera và đèn pha, bạn lựa chọn gắn một đèn hay hai đèn với công suất nhỏ hơn. Câu trả lời để có một hình ảnh đẹp hơn, chi tiết hơn, để người xem có thể cảm nhận được độ sâu của hình ảnh, thấy được những vật thể bị che khuất, hai đèn là lựa chọn chính xác hơn. Hai đèn thường có góc chiếu khác nhau, có nhiều giá đỡ còn có những cánh tay gấp đề thay đổi các góc chiếu cho phù hợp với nhu cầu của người quay. Tất nhiên nếu không có nhu cầu đặc biệt khác bạn có thể giảm công suất của mỗi đèn. Sử dụng nhiều đèn với các góc chiếu khác nhau cũng là một biện pháp giảm ảnh hưởng xấu của các hạt huyền phù trong nước.

Nhiệt độ màu

Nhiệt độ màu lấy đơn vị là Kelvin (viết tắt là K), thang đo thường từ 1000°K đến 10 000°K, độ kelvin càng nhỏ ánh sáng càng có xu hướng ngả sang vàng người ta cảm giác ấm áp vì vậy người ta gọi là ánh sáng ấm. Độ Kelvin càng cao ánh sáng có xu hướng chuyển sang nhuốm màu xanh người ta gọi là ánh sáng lạnh. Với 5600°K, là ánh sáng trắng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) trong kỹ thuật chụp và quay, tuỳ theo chủ đề và gu của tác giả, người ta lựa chọn chiếu sáng bằng ánh sáng có nhiệt độ phù hợp với ý tưởng. Máy quay có thể cài đặt ở chế độ tự động, cũng có thể cài đặt ở một nhiệt độ màu cố định, thường là cài ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của nguồn sáng để tông màu có cảm giác ấm hơn. Các đèn pha quay video dưới nước thường có ghi chú nhiệt độ màu vì vậy khi lựa chọn mua và sử dụng bạn phải lưu ý.

Với camera sử dụng cho lặn bắn cá ví dụ như Paralenz, bạn thường đeo ở trên đầu, bạn không dùng đèn chiếu sáng, bạn nên cài ở nhiệt độ màu cố định là 5600°K để tránh tông màu biến đổi liên tục khi bạn để ở chế độ nhiệt độ màu tự động (Xem thêm: Camera Paralenz Dive). Nhưng nếu bạn dùng nó để lặn trong hang thì bạn cài đặt theo thông số của đèn pha mà bạn sử dụng.

Một số đèn dùng để chiếu sáng khi quay video dưới nước

Lưu ý khác khi chọn lựa đèn

Cung cấp năng lượng cho đèn thường có hai loại:

Thứ nhất là pin sạc gắn liền với đèn, ưu điểm của loại này là chất lượng của pin rất tốt, vì pin được cố định trong máy nên độ kín nước rất tốt. Nhưng nhược điểm của nó cũng khá nhiều, nhược điểm quan trọng nhất là không thể thay pin. Một cái đèn chỉ sử dụng được trong vòng 60 phút thường không đủ cho một lần quay vì vậy có thể thay pin nửa chừng đôi khi rất quan trọng. Một nhược điểm nữa là nếu không thể tháo pin ra bạn phải mang đèn của bạn trong hành lý sách tay, vì nhiều hãng hàng không không cho phép bạn để pin trong hành lý ký gửi.

Loại đèn với pin rời, ưu điểm của nó là giá có thể rẻ hơn một chút, bạn có thể mang theo pin dự phòng và thay pin khi cần thiết, khi đi du lịch bạn có thể để đèn ở hành lý ký gửi (nhớ tháo pin ra nhé). Nhược điểm của nó là: bạn phải mua pin rời, vì phải tháo lắp pin nên bộ phận chống thấm nước lớn hơn, do hay phải tháo ra nên rủi ro lọt nước cũng nhiều hơn.

Có một chỉ số gọi là CRI – chỉ số hoàn màu, chỉ số này nói lên sự khác nhau giữa ánh sáng của đèn tạo ra và ánh sáng tự nhiên. Giá trị của CRI = 100 có nghĩa là ánh sáng của đèn có chất lượng như ánh sáng tự nhiên, để có video tốt đèn phải có CRI lớn hơn 80, còn để soi sáng thì chỉ số không cần quan tâm.

Nếu trên đầu của đèn có một vòm kính lồi thì góc chiếu của đền ở trên cạn và dưới nước sẽ như nhau, nếu là kính phẳng thì góc chiếu ở dưới nước sẽ nhỏ hơn.

Lựa chọn đèn LED hay halogen?

Hiện nay các đèn pha chiếu sáng bằng LED đang dần chiếm ưu thế do thế mạnh của nó, các đèn LED có ưu thế dễ dàng điều chỉnh công suất để có được công suất cao nhất cũng như thấp nhất phù hợp với mục đích sử dụng. Nó tiết kiệm pin hơn rất nhiều so với đèn halogen, với cùng một công suất đèn halogen sử dụng không quá 30 phút trong khi đèn LED sử dụng được từ 1giờ đến 2giờ. Các đèn pha quay video thường dùng nhiều tim đèn LED khác nhau do đó tạo ra được các chùm tia sáng đồng nhất hơn, giảm thiểu được trong vùng sáng có một phần quá sáng khi dùng đèn halogen.