Đây là một kỹ thuật nhằm khai thác tối đa khả năng chứa của phổi, vì khi luyện tập hoặc thực hiện kỹ thuật này miệng chớp chớp như con cá chép nên người ta gọi nó là kỹ thuật cá chép ( carpe ,carp, parking). Đây là một kỹ thuật khá nguy hiểm rất dễ gây chấn thương các cơ quan hô hấp nên khi luyện tập, thực hiện phải hết sức thận trọng.

Tất cả các lưu ý về cách luyện tập, các điều kiện luyện tập, chuẩn bị, an toàn, v.v. các bạn tham khảo bài: Các bài tập hít thở.

Có nhiều người sử dụng phương pháp tính thời gian (với sự hỗ trợ của đồng hồ bấm giây hoặc Freediving) nhưng tôi thì thấy không nên. Mục đích của bài những bài này là căng cơ, phổi của bạn lên hết sức có thể, nó đòi hỏi phải tập trung nội thị cao độ không cần quan tâm đến thời gian để tránh bị phân tâm.

Kỹ thuật cá chép

Một cơ sở lý luận nữa cho bài này tôi cần bổ xung: một quả bóng đá bạn thổi bằng mồm không đủ căng để đá, làm sao để nó căng hơn? Rất đơn giản tôi dùng bơm, bơm có sức đẩy lớn hơn nên tôi có thể làm cho quả bóng căng hơn. Nếu tôi muốn xì quả bóng ra thì sao, có hai cách, một cắm cái kim bơm vào sau đó đè cho nó xì hơi ra nhưng khó mà hết được, cách khác dùng một cái máy hút (nếu bạn không muốn hút bằng miệng) hút no ra. Nếu tôi coi phổi của tôi là một quả bóng, tôi đã hít vào hết sức, liệu tôi có thể chứa thêm được không khí nữa không? Xin trả lời là có, tôi có thể tăng thêm khoảng 25%. Bạn làm thế nào? bạn cắm một cái bơm vào miệng và bơm? Có thể, nhưng tôi không làm vậy, tôi thực hiện kỹ thuật cá chép. Tôi đã thở ra hềt sức, người ta nói trong phổi của tôi vẫn còn khoảng 1,2 lít khí cặn tôi có thể thở ra không? Xin trả lời áp dụng kỹ thuật cá chép bạn có thể thở ra thêm được một chút, nhưng không nhiều, luôn luôn tồn tại khí cặn trong phổi của bạn.

Kỹ thuật cá chép thuận.

Các bài tập cá chép thuận nhằm tăng dung tích (sức chứa) của phổi, có thể tập khô, có thể tập ướt.

Bài 1: Kỹ thuật cá chép thuận với thanh quản mở

Kỹ thuật cá chép thuận với thanh quản mở

Mục đích: của bài này là học phương pháp nén khí bằng miệng (môi, hàm, lưỡi), căng phổi và các cơ liên quan, hơn mức hít vào cao nhất mà bạn có thể. Rèn luyện khả năng thả lỏng (tự điều chỉnh).

Chuẩn bị: Ho khan vài cái để làm sạch họng. Nhắm mắt thực hiện nội thị và thả lỏng cơ thể.

Mô tả động tác:

Hít sâu bằng bụng và ngực đến mức có thể (xem Bài 6 – Các bài tập hít thở) không cần thực hiện động tác hít vào bằng vai và lưng.

Chú ý: Lúc này vẫn mở miệng và mở nắp thanh quản.

Thực hiện khoá H

Há miệng to

Ngậm miệng lại sao cho trong miệng có một ngụm không khí (má phình ra)

Mở khoá H

Hóp má, quai hàm, lưỡi ép không khí vào phổi

Thực hiện khoá H và tiếp tục ép cho tới khi không ép được nữa thì thôi.

Lưu ý: trong suốt quá trình vòm miệng mềm đóng đường lên khoang mũi. Không có bất cứ không khí nào lưu thông qua đường mũi, nếu lúc đầu không thực hiện được bạn có thể dùng kẹp mũi hoặc dùng tay bóp mũi.

Yêu cầu: phải ép được thêm không khí vào phổi, mỗi lần ép sẽ thấy phổi phình ra thêm. Trong suốt quá trình ép thanh quản phải mở. Thả lỏng được các cơ không cần thiết (trừ các cơ giữ cho phổi căng). Tập trung nội thị để cảm nhận được tất cả sự biển đổi và phản ứng của cơ thể.

Giải thích:

Khi thực hiện cần phải từ từ, nếu thấy có phản ứng của cơ thể thì dừng lại (không phải kết thúc động tác), thực hiện thư dãn, nếu thấy cơ thể ổn định lại nén tiếp, đây là hiện tượng rất bình thường bạn sẽ phải nén, dừng, lại nén. Không cần quan tâm đến thời gian đến khi nào không nén được nữa thì thôi.

Khi bắt đầu nén bạn sẽ thấy cơ hoành bị đẩy xuống trước tiên, bụng sẽ phình ra trước, với đa số đầu tiên là phình ra ở ngay phía dưới ức, rồi đến các chỗ khác. Bạn sẽ thấy áp lực ở cổ họng làm như muốn ho, thấy các cơ dãn ra đầu tiên khó chịu, ngứa ngáy sau đó sẽ trở nên dễ chịu nếu bạn thư dãn.

Bằng phương pháp này có thể tăng thêm dung tích của phổi, nếu bạn có phế dung kế bạn có thể kiểm tra xem bạn có thể tăng được bao nhiêu sau khi ép.

Về nguyên tắc nếu bạn có nhiều không khí trong phổi hơn thì bạn có thể nhịn thở lâu hơn. Hầu hết các nhà vô địch về lặn sâu đều sử dụng kỹ thuật này. Tăng dung tích phổi ngoài tăng lượng O2 dự trữ còn có lợi cho việc cân bằng áp ở những độ sâu từ 50m trở lên khi mà việc đưa không khí lên phổi thực hiện cân bằng áp Frenzel trở nên khó khăn. Kinh nghiệm của các vận động viên lặn sâu cho rằng ở 70m nếu không thực hiện cá chép, họ sẽ bị giảm độ sâu đi khoảng 5m.

Với dân lặn bắn cá, vấn đề cân bằng áp ở độ sâu đó không cần quan tâm. Chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề tăng lượng O2 để kéo dài thời gian lặn. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, kỹ thuật cá chép không tăng được thời gian lặn, Hering Breker một nhà khoa học đã đưa ra khái niệm gọi là “phản xạ Hering Breker” để chứng minh rằng người ta sẽ lặn tốt hơn với 95% dung tích phổi thay vì là 100%. Vì vậy kỹ thuật cá chép chỉ thực sự có lợi với những người lặn ở độ sâu từ 40m trở lên. Vậy chúng ta có nên luyện hay không, luyện rồi có nên áp dụng hay không, áp dụng thì áp dụng như thế nào. Với mỗi người đều có câu trả lời khác nhau, và các cuộc tranh luận vẫn chưa bao giờ chấm dứt. Nhưng có một điều hầu như mọi người đều nhất trí là nên luyện, còn áp dụng, kể cả những người phản đối áp dụng cũng thường thừa nhận rằng đôi khi họ vẫn áp dụng. Còn bạn nếu bạn có ý kiến gì hay có thể trao đổi cùng mọi người. Trước hết tôi xin tập hợp một số ý kiến chính của mọi người:

Luyện cá chép (nhất là trong giai đoạn đầu) dung tích phổi tăng lên rõ rệt (đây là nói dung tích phổi khi không thực hiện cá chép nhé), các cơ mềm hơn, khả năng kiểm soát phản ứng của cơ thể tăng rõ rệt.

Luyện cá chép tôi kéo dài hơn thời gian dễ chịu (gồm hai giai đoạn Giai đoạn bình thường và Giai đoạn muốn thở) Xem thêm bài: Luyện tập nhịn thở.

Áp dụng nó tôi có thể tăng thêm thời gian nhịn thở khi luyện tập và khi lặn.

Nhưng tôi chỉ luyện đến 20 lần nén là tối đa, tôi không áp dụng nó hoặc tôi chỉ áp dụng nó với dưới 15 lần nén, lý do:

Việc tăng áp suất trong phổi vượt qua giới hạn là nguyên nhân chính gây nên chứng phù phổi, gây kích thích các chấn thương về đường hô hấp, gây tràn dịch màng phổi, gây nên hiện tượng không khí thẩm thấu vào máu (thuyên tắc khí), làm dãn các phế nang làm chúng trở nên xốp, kém đàn hồi và nhanh lão hoá. Toàn là các bệnh “nghề nghiệp” của thợ lặn.

Khi luyện tập cũng như khi áp dụng cần phải tránh những vận động hoặc các phản ứng co rút cơ làm tăng thêm áp lực, với các nhà lặn sâu, họ làm được nhưng tôi thì không vì tôi còn phải vật lộn với lũ cá.

Kéo dài thời gian lặn ư, tôi phải lặn xuống ngay, tôi không có thời gian thực hiện cá chép nó làm tốn của tôi 15s trên mặt nước. Nó làm xáo trộn tình trạng của phổi, gây tăng nhịp tim và làm tôi khó tự điều chỉnh.

Lựa chọn đó là quyền của bạn.

Một kinh nghiệm nhỏ để tập kỹ thuật cá chép:

Lấy một cốc đầy nước, một ống hút và kẹp mũi

Kẹp mũi, hít hơi vào đầy phổi (hết mức có thể)

Nhúng ống hút vào cốc nước, đưa ống nước lên miệng

Hút nước và uống

Sau đó:

Thử với kẹp mũi và ống hút nhưng cốc không có nước

Thử với kẹp mũi nhưng không có ống hút

Thử mà không có bất cứ thứ gì, nếu bạn vẫn nuốt thêm được khí vào là bạn đã thành công

Bài 1A: Kỹ thuật cá chép thuận với nắp thanh quản mở và ống thở.

Đây là bài biến tướng của Bài 1, chỉ khác là thay vì nén khí bằng miệng (hàm, má, lưỡi) bạn phải nén khí bằng lưỡi (dùng khoá K hoặc khoá T). Bài này thực tế hơn Bài 1, lý do: Bài 1 thích hợp hơn với lặn thành tích khi mà vận động viên thường không dùng ống thở, khi thực hiện kỹ thuật cá chép họ có thể thực hiện khi đầu nhấc lên khỏi mặt nước. Với dân lặn bắn cá, họ thực hiện cá chép khi vẫn ngậm ống thở cho nên thực hiện nén bằng lưỡi thực tế hơn. Nén bằng lưỡi khó hơn, lực ép yếu hơn (do đó an toàn hơn). Luyện Bài 1 với miệng không khép hoặc ngậm luôn ống thở nén khí bằng lưỡi đó là Bài 1A.

Bài 2: Kỹ thuật cá chép thuận với nắp thanh quản đóng

Kỹ thuật cá chép thuận với thanh quản đóng

Mục đích: cũng như với Bài 1 nhưng với nắp thanh quản đóng (khoá thanh quản). Xác định được số lần nén tối ưu.

Mô tả động tác:

Hít sâu bằng bụng và ngực

Khoá thanh quản

Thực hiện thả lỏng toàn bộ

Thực hiện nén như Bài 1 nhưng sau mỗi lần nén nắp thanh quản đóng lại (giống như nuốt xuống) và thực hiện thả lỏng sau đó mới nén tiếp.

Không được nén quá 5 lần.

Sau lần cuối cùng thực hiện thả lỏng toàn bộ, nhịn thở (không cần quá dài) sau đó kết thúc bằng việc thở ra.

Giải thích:

Bài 1, 2 tuy giống nhau nhưng thực chất lại rất khác nhau. Bài 1 khoá bằng vòm miệng mềm và lưỡi rất dễ mở ra nếu áp lực trong phổi cao. Lực nén không khí của miệng chưa đủ mạnh để làm phổi căng lên tới mức tối đa. Khoá bằng vòm miệng mềm và lưỡi cũng không thể để bạn có thể thực hiện thả lỏng toàn bộ được. Bài 2 khoá bằng nắp thanh quản lại khác, đây là loại khoá chết, vừa do nó tự đóng xuống vừa do các cơ ở cổ co lại ép nó xuống (như động tác nuốt) do đó nó vừa có tác dụng nén thêm vừa rất khó mở. Nếu lần nén cuối cùng mà quá sức chịu đựng của phổi có thể làm phổi bị tổn thương vì vậy số lần nén phải hạn chế để bảm đảm an toàn. Các lần tập sau bạn có thể tăng lần nén lên nếu thấy mình còn khả năng, chỉ tăng thêm 1, hoặc 2 lần, và mỗi lần ngụm hơi cũng nên giảm đi. Người ta khuyên rằng số lần nén không nên quá 15, các vận động viên lặn sâu có thể đạt số lần nén đến trên 20.

Sau mỗi lần nén, nhất là sau lần nén cuối cùng bạn dừng lại đưa cảm giác đi khắp vùng ngực và bụng để thực hiện thư dãn, cảm giác dễ chịu sẽ rất nhanh đến với bạn.

Bài 2A: Kỹ thuật cá chép thuận với nắp thanh quản đóng và ống thở

Cũng giống như Bài 1A, Bài 2A là biến tướng của Bài 2 với thực hiện khi ngậm ống thở (miệng không khép lại) và thực hiện nén bằng lưỡi.

Bài 3: Kỹ thuật cá chép thuận với mở và khoá thanh quản.

Đây là bài kết hợp của Bài 1 và Bài 2. Lúc đầu thực hiện nén với thanh quản mở, đến lần nén cuối cùng khoá thanh quản thực hiện thả lỏng. Bài này nên thực hiện khi đã quen thuộc với Bài 1, 2 khi bạn đã ước lượng chính xác sức chứa của phổi để bảo đảm động tác khoá thanh quản (sau lần nén cuối cùng) không gây tổn thương. Thực hiện bài này thời gian thực hiện nén sẽ giảm đi.

Bài 3A: Kỹ thuật cá chép thuận với đóng, mở thanh quản và ống thở

Bài 3A như thường lệ, đây là bài biến tướng của Bài 3. Thực hiện giống như Bài 3 với ống thở (miệng mở) và nén bằng lưỡi.

Lưu ý khi luyện tập kỹ thuật các chép thuận

Theo như kinh nghiệm luyện tập của nhiều người, lúc đầu luyện Bài 1, Bài 2 để cho thành thạo kỹ thuật và tăng nhanh và sâu dung tích phổi. Sau đó chỉ tập Bài 3 và giai đoạn hiệu quả nhất là giai đoạn thả lỏng sau khi khoá thanh quản. Dân lặn bắn cá thường áp dụng Bài 3A khi lặn vì có thể tăng nhanh thêm một chút không khí trước khi chúi đầu, sau khi khoá thanh quản nhiều người bỏ ống thở ra.

Trong Yoga, thiền, khí công có luyện tập dịch chuyển cơ quan nội tạng khi còn hơi trong phổi, tuyệt đối không được thực hiện sau khi thực hiện kỹ thuật cá chép thuận. Tuy nhiên lại khá thích hợp sau khi thực hiện kỹ thuật cá chép ngược.

Kỹ thuật cá chép ngược.

Để tăng CV (dung tích hoạt động của phổi) ngoài việc tăng thêm VRI (dung tích tăng thêm khi hít sâu) bằng kỹ thuật cá chép thuận, người ta còn có thể giảm VR (dung tích khí cặn) bằng kỹ thuật cá chép ngược. Cũng như cá chép thuận nó gây thay đổi áp suất quá mức bình thường (lần này là giảm) trong phổi nên nó cũng nguy hiểm, thậm trí còn hơn cá chép thuận nên khi luyện tập và áp dụng các bạn phải cần lưu ý. Bài tập này có thể thực hiện khô hoặc ướt.

Bài 4: Kỹ thuật cá chép ngược với thanh quản mở.

Kỹ thuật cá chép ngược với thanh quản mở

Mục đích: Học cách hút khí từ phổi bằng miệng (môi, hàm, lưỡi), làm mềm các cơ.

Chuẩn bị: như các bài trên, ngồi trước gương, tay đặt lên bụng.

Mô tả động tác:

Thở ra sâu bằng ngực, bụng cho đến khi không thở ra được nữa thì thôi.

Thực hiện động tác kéo.

Ngậm miệng lại, phùng má ra, quai hàm chuyển xuống dưới tạo chân không trong khoang miệng hút không khí ở phổi lên.

Khoá không khí vừa hút lên bắng khoá H, mở miệng đẩy không khí ra ngoài.

Ngậm miệng lại và tiếp tục hút, cho tới khi nào không hút được nữa thì thôi.

Lưu ý: trong quá trình thực hiện bài tập nắp thanh quản luôn luôn mở, không có lưu thông không khí qua mũi. Có thể dùng kẹp mũi hoặc bóp mũi nếu thấy cần thiết.

Thông qua gương, qua tay đặt lên bụng bạn phải thấy mỗi lần hút bụng sẽ xẹp đi. Sau khi quen bạn chỉ cần nội thị để kiểm soát không cần dùng tay và gương nữa.

Yêu cầu: phải hút được không khí ở phổi lên, trong quá trình luyện tập thả lỏng các cơ không cần thiết. Nội thị để cảm nhận được tất cả những biến đổi và ghi nhớ các cảm giác để so sánh với các bài khác.

Giải thích:

Các bài tập cá chép ngược hỗ trợ rất tốt cho động tác thở ra sâu, nếu bạn có phế dung kế để kiểm tra bạn sẽ biết được kết quả. Thở ra bớt khí cặn để thay vào đó là khí sạch cũng rất có lợi cho sức khoẻ.

Nếu thực hiện động tác chân không bằng miệng khó bạn có thể tập khi trong phổi chưa thở ra hết bạn sẽ thấy rất dễ.

Động tác này rất quan trọng khi thực hiện lặn ở độ sâu từ 20m trở lên để lấy không khí lên miệng thực hiện cân bằng áp.

Bài 4A: Kỹ thuật cá chép ngược với tạo chân không bằng cổ họng

Bài 4A: là biến tướng của Bài 4, bạn thực hiện chân không bằng cổ họng. Bài 4 là phùng má, hạ quai hàm mím môi, chân không là cả khoang miệng và cổ họng. Bài 4A chỉ căng cơ cổ họng, chân không được tạo bằng khoảng không gian cổ họng sau lưỡi (khoang họng miệng) không khí được hút lên thường ít hơn.

Bài 5: Kỹ thuật cá chép ngược với thanh quản đóng.

Kỹ thuật cá chép ngược với thanh quản đóng

Mục đích: Học và rèn luyện cách hút không khí từ phổi giống Bài 4 nhưng với nắp thanh quản đóng.

Mô tả động tác:

Thở ra hết bằng ngực, bụng, thực hiện động tác kéo.

Khoá thanh quản (đóng nắp thanh quản).

Ngậm miệng.

Tạo chân không trong khoang miệng bằng má, quai hàm và lưỡi.

Hút không khí ở phổi lên nhưng không quá nhiều. Lưu ý là chưa thổi ra – miệng vẫn ngậm.

Khoá thanh quản, sau đó thổi hơi ra.

Tiếp tục làm lại, số lần theo khả năng nhưng không nên quá.

Yêu cầu: hút được không khí từ phổi lên, khoá được thanh quản trong khi vẫn còn không khí trong miệng.

Bài 5A: Kỹ thuật cá chép ngược với thanh quản đóng, tạo chân không bằng cổ họng

Là sự kết hợp của Bài 5 và Bài 4A, bài này rất quan trọng đối với các vận động viên lặn thành tích khi họ cần rút không khí ở phổi lên để thực hiện cân bằng áp (ở những độ sâu trên 40m).

Xin nhắc lại lưu ý:

Đây là một kỹ thuật khá là nguy hiểm khi luyện tập cũng như khi áp dụng trong khi lặn, vì vậy luyện tập phải thực hiện từ từ từng bước một. Khi áp dụng không nên nén khí đến mức cao nhất.

Luyện tập kỹ thuật cá chép rất có ích cho việc tăng thời gian nhịn thở (tăng sức chứa của phổi) nhưng trong lặn bắn cá nó không thường được áp dụng.