Công dụng của dao
Các công dụng của dao (Fr: Couteau, En: Knife) với môn thể thao lặn bắn cá có thể kể ra như sau:
Để tự vệ
Tự vệ ở đây không phải là để chiến đấu với cá mập hay bạch tuộc, mặc dù trong các truyện ‘’cổ tích’’ vẫn có mô tả đến hành động này. Theo kinh nghiệm truyền miệng của dân lặn bắn cá khi gặp cá mập không nên ‘’chạy’’ nên quay đầu nhìn thẳng vào nó, nó bơi về phía nào thì mình xoay đầu về phía đó. Hai tay cầm chắc súng bắn cá mũi nhọn chĩa về phía trước nhưng chớ có bắn nhé, tuyệt đối không nên tấn công nó, cứ nhá nhá vào mắt nó là được, tất nhiên khi nó lao vào mình thì phải đâm thật, đâm được vào mắt nó là tốt nhất hi hi. Còn gặp bạch tuộc thì chưa thấy ai nói đến, không biết con dao bé tí có cắt được vòi của bạch tuộc không nữa. Nói đến tự vệ đây là những trường hợp rủi ro hay gặp nhất đó là : khi lặn xuống sợi dây kéo phao báo hiệu bị mắc kẹt vào đá hoặc vào rong biển, gặp lúc mình đã sắp hết hơi, lúc đó có 2 giải pháp xử lý, một là cởi thắt lưng chì ra nổi lên sau đó tuỳ tình hình mà xử lý tiếp theo, hai là nếu trong lúc lúng túng không mở được khoá thắt lưng chì hoặc mình dùng dây đeo chì hơi khó mở thì tốt nhất là rút dao cắt béng sợi dây là xong.
Trường hợp khác, rất nguy hiểm đó là bị lưới quấn lấy người, có rất nhiều tai nạn chết người trong môn thể thao lặn bắn cá do nguyên nhân này gây ra. Khi lặn bạn rất dễ mắc vào lưới đánh cá, có khi là lưới do người khác giăng ra, cũng có khi do lưới bị đứt ở đâu đó trôi dạt lại. Vì một lý do nào đó bạn bị lưới đánh cá quấn vào người bạn phải hết sức bình tĩnh, nếu quay đầu ngoi lên luôn thì rất dễ toi mạng vì sẽ bị quấn luôn vào chân. Để xử lý tốt nhất là bạn nên cố gắng ít di động, không nên vùng vẫy, lập tức rút dao ra cầm ở tay phòng trường hợp tay bị lưới quấn không rút dao ra được. Nếu gặp trường hợp nước quá đục không nhìn rõ được là gặp lưới cố định hay lưới bị trôi dạt bạn có thể thử bằng cách kéo mạnh về một phía nếu thấy nó căng thì là lưới cố định, sau đó dùng dao cẩn thận cắt những chỗ quấn vào mình, nếu không nhìn thấy rõ thì không nên gỡ vì gỡ lưới ở dưới nước rất khó và thường không đủ thời gian. Nếu gặp lưới đang trôi dạt, nếu mình chưa bị quấn vào lưới thì mình cũng phải tránh xa, bơi xuôi theo dòng nước tăng tốc vượt qua tốc độ của lưới trôi và tránh sang một bên để cho nó trôi đi, hết sức tránh đừng lặn xuống để cho nó trôi qua đầu bởi vì bạn không biếtt chắc được rằng đoạn lưới này dài bao nhiêu, hơn nữa lưới thường được gắn thêm chì cho nên nhiều đoạn lưới trôi phía trên nhưng vẫn có một phần quét xuống phía dưới, lặn sâu xuống chưa chắc đã thoát. Nếu đã bị lưới quấn thì cũng phải hết sức bình tĩnh, cố gắng tránh để cho lưới không quấn hết toàn thân, nếu là lưới trôi dạt thì thường tương đối nhẹ ta có thể nổi được trên mặt nước có đủ thời gian để từ từ gỡ hoặc cắt, cũng có thể vừa gỡ vừa cắt.
Một trường hợp nữa là chui vào đám rong rêu để bắn cá, bị kẹt, bị mắc là chuyện rất thường xảy ra, vừa gỡ vừa cắt là giải pháp tốt nhất trong những trường hợp này.
Để giết cá
Gặp phải con cá to và bạn bắn không phải vào chỗ hiểm của nó ví dụ như bắn vào phần đuôi hoặc phần lưng chẳng hạn, nó sẽ vùng vẫy rất mạnh, bạn khó mà treo được nó vào móc treo cá, lúc đó đành phải dùng dao để kết thúc. Một tay luồn xuống nắm lấy cổ cá (phần giữa hai mang) sau đó đâm dao vào chỗ hiểm của cá, thường là sau đầu chỗ sát với xương đầu, hoặc ngay sau vây trước của cá tuỳ theo loại cá. Gặp rắn biển, chình biển, lươn biển mấy loại nguy hiểm này thì nên cắt đầu nó đi vì nó sống rất dai. Tuy nhiên để cắt được đầu của chúng cũng không dễ đâu vì chúng thường vừa dai vừa trơn. Thường mấy loại này khi bị bắn toàn thân của nó sẽ quấn chặt lấy mũi tên hoặc sợi dây giữ mũi tên, bạn có thể dùng đoạn dây còn lại quấn quanh đầu nó sau đó xiết chặt vào mũi tên, lấy mũi tên làm thớt mà cắt, hihi cẩn thận nó cắn.
Để làm cá
Về nhà mới làm cá không tiện lợi chút nào, vừa tanh nhà lại vừa tốn nước. Vì vậy nếu có thời gian đa số dân lặn bắn cá xử lý luôn ngay ở hiện trường, đánh vảy, mổ, cắt, con dao sắc là không thể thiếu được. Dao còn được sử dụng để nạy các loại động vật bám vào đá hay thay tourlevis nhưng các chức năng này nên hạn chế sử dụng đến mức tối đa để tránh gãy và cùn dao.
Lựa chọn và sử dụng dao
Dao thường được chế tạo bằng thép không rỉ vì luôn luôn ngâm ở trong nước mặn, được để trong vỏ an toàn, có dây đai để có thể đeo được trên người. Tuỳ vị trí thuận tay của mỗi người mà có thể đeo ở bắp chân, đùi, thắt lưng hay cánh tay. Quan trọng là thuận tiện rút ra, tra lại vào vỏ. Trong trường hợp bạn lặn ở vùng nước quá lạnh, bạn phải mặc bộ đồ lặn từ 7mmm đến 9mm, bạn không nên đeo dao ở cổ chân vì với bộ đồ lặn dày như vậy và một đống chì đeo trên người mỗi lần bạn rút dao sẽ rất khó khăn. Một kinh nghiệm nhỏ khác là nếu bạn đeo dao ở dọc cánh tay, bạn có thể lợi dụng dao để tỳ vào đá mỗi khi bạn bị sóng đánh dập vào đá.
Dao và vỏ thường có chốt cài an toàn để khỏi rơi ra khi di chuyển, nhiều dao còn có khoen để móc sợi dây treo dao, tuy nhiên cũng ít ai sử dụng chức năng này trừ trường hợp luôn luôn phải sử dụng đến dao. Đối với dao dùng cho lặn bắn cá chúng ta nên lưu ý một số điểm sau :
Trước hết dao dùng cho lặn bắn cá nói riêng và thể thao lặn nói chung, lưỡi dao thường có một đoạn như lưỡi cưa và một cái khoen rất sắc. Bạn không nên coi thường chi tiết này, nó đôi khi rất quan trọng, ở dưới nước nhiều khi không có điểm tỳ nên rất khó cắt, lưỡi sắc của dao nhiều khi trượt không cắt được, lúc đó đoạn lưỡi cưa và khoen sắc rất có tác dụng. Sử dụng khoen sắc để cắt lưới ở dưới nước rất tốt, còn lưỡi cưa đặc biệt công dụng khi gặp phải dây kim loại. Khoen sắc tuy có công dụng nhưng nó cũng làm thân dao yếu đi rất nhiều, đây là một điểm hay làm dao bị gãy khi bạn cạy, khi bạn xoay dao lúc đâm vào cá. Vì vậy không cần lựa chọn dao có khoen sắc quá lớn (nom rất ngầu nhưng rất yếu). Mũi nhọn của dao hình lá lúa là mũi nhọn đâm và xoay tốt nhất, các loại mũi dao kỳ hình dị dạng khác chỉ nhìn thấy hay mà thôi. Nhiều dao còn thiết kế có thể chuyển đổi chức năng như một cái kéo, tuy nhiên cũng không có nhiều người dùng vì cũng hơi phiền phức, đôi khi phải chuyển đổi công năng của nó ở dưới nước rất phiền phức.
Dao dùng cho lặn bắn cá hơi khác với dao dùng cho các môn lặn khác, dao dùng cho lặn bắn cá luôn có mũi nhọn để đâm cá, dao dùng cho các môn lặn khác đôi khi thiết kế không có mũi nhọn.
Có rất nhiều loại dao, hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau, giá tiền cũng khác nhau, lựa chọn thế nào tuỳ thuộc vào kinh tế, kinh nghiệm và sở thích của bạn.
Sử dụng và bảo quản : không nên sử dụng dao để cạy các loại sống dưới biển như : con hào, con huitre, v.v. Vì các loại dao này thường rất yếu, dễ gãy, nếu cần cạy thì nên dùng các dụng cụ khác thiết kế riêng cho các hành động này. Khi làm vệ sinh không nên để lẫn dao và các đồ nghề khác vì rất dễ đứt tay và đâm thủng bộ đồ lặn. Rửa dao kỹ bằng nước ngọt sạch sau khi dùng, nhất là sau khi làm cá. Rút dao ra khỏi vỏ nếu lâu không sử dụng.
Viết bình luận