Vị trí địa lý
Le Corbier nằm ở thị trấn Villarembert thuộc tỉnh Savoie (Département) vùng Auvergne-Rhone-Alpes (Région) phía bắc của dãy Alpes, France. Nó nằm ở trung tâm của dãy núi Arvan-Villards, một dãy núi nằm trong dãy núi Alpes. Le Corbier lấy tên ngọn núi Corbier là ngọn núi mà nó nằm dưới chân, ngọn núi này có đỉnh cao nhất gọi là Pointe du Corbier cao 2265m.
Thị trấn Villarembert: là một thị trấn nhỏ ở Pháp, người dân ở đây được gọi là Rembertins (với nam giới) và Rembertines (với nữ giới). Diện tích của nó khoảng 9,6km2 với khoảng 256 người dân năm 2004, trung bình 26,7 người/km2. Dân số của Villarembert giảm mạnh tới 13,3% từ năm 1999. Tỷ lệ nam là 51,5% nữ là 48,5%.
Xung quanh Villarembert là các thị trấn Saint-Jean-d’Arves, Fontcouverte-la-Toussuire et Albiez-Montrond, Villarembert cách 2 km theo hướng tây nam thị trấn Fontcouverte-la-Toussuire là một thị trấn lớn nhất của một vùng này.
Khoảng cách theo đường chim bay đến một số thành phố lớn của pháp
Paris : 496 km; Marseille : 229 km; Lyon : 126 km; Toulouse : 426 km; Nice : 190 km; Nantes : 642 km; Montpellier : 264 km; Strasbourg : 387 km; Bordeaux : 542 km; Lille : 646 km; Rennes : 685 km; Reims : 479 km;
Đây là một thị trấn có nhiều cuộc đua xe đạp chạy qua, đặc biệt là cuộc đua xe đạp lớn nhất nước Pháp giành cho nam giới, Tour de France.
Code bưu điện của vùng là 73300. Toạ độ: 45°15’00’’ Bắc; 6°17’00’’ Đông.
Le Corbier nằm đối diện với đỉnh Aiguilles d’Arves còn có tên gọi khác là Trois Ouillons, mặc dù tại Le Corbier không quá gần với đỉnh núi này nhưng nhìn thấy nó rất rõ vì vậy người ta lấy hình tượng của nó làm Logo cho khu trượt tuyết này. Trois Ouillons có ba đỉnh:
Đỉnh Méridionale cao 3514m nằm ngoài cùng bên phải. Tài liệu ghi nhận người đầu tiên chinh phục đỉnh núi này là William Auguste Coolidge và cha con Christian Almer ngày 22/07/1878.
Đỉnh Centrale cao 3513m nằm ở giữa. Người đầu tiên leo lên đỉnh là anh em người thợ săn Pierr-Alexis và Benoit-Magnin ngày 2/9/1839.
Đỉnh Septentrionale còn gọi là Tete de Chat (vì nó giống cái đầu con mèo) bên tay trái. Đỉnh này được chia làm 2 ngọn, ngọn phía nam cao 3358m, ngọn phía bắc cao 3364m. Ngọn phía nam nam được William Auguste Coolidge và cô của anh ta là Brevoort chinh phục ngày 3/7/1873. Ngọn phía bắc cũng được William Auguste Coolidge và cha con Christian Almer chinh phục ngày 22/07/1878
Le Corbier nằm ở độ cao 1550m so với mực nước biển, độ cao lớn nhất trong vùng là đỉnh Pointe du Corbier cao 2265m.
Đường đi đến
Đi bằng xe hơi: nếu đi từ Paris, khoảng cách 655km với hơn 600km trên autoroute theo tuyến đường ngắn nhất, thời gian đi khoảng 6g17ph, chi phí cho thuế đường khoảng 60€, còn xăng và ăn uống trên đường tuỳ vào xe và bạn. Đi trượt tuyết bằng xe hơi có lẽ vẫn là một giải pháp tốt nhất cho những người ưa thích môn trượt tuyết, nhất là khi đi theo nhóm hay đi cùng gia đình. Thứ nhất chủ động được thời gian, nếu bạn đến sớm hơn một chút và về trễ một chút bạn có thể tận hưởng thêm 2 nửa ngày trượt tuyết, còn sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì bạn khó có thể thực hiện được diều này. Nếu bạn đi xe riêng bạn còn có thể mang thêm được rất nhiều đồ, nhất là đồ trượt tuyết rất cồng kềnh, mang theo nước uống và đồ ăn bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều, đa số các phòng cho thuê ở đây không có ga giường và vỏ chăn và vỏ gối, nếu bạn là người khó tính bạn có thể mang theo hoặc mua loại ga giường, vỏ chăn vỏ gối dùng một lần. Đặc biệt là đối với người Việt mình, mang theo nồi cơm điện và gạo, gạo ở đây cũng có bán nhưng rất khó ăn. Đi xe riêng nếu đông người thì khi chia ra có khi chi phí còn rẻ hơn so với sử dụng phương tiện công cộng.
Đi bằng tầu: từ Paris bạn đi từ ga Paris Gare de Lyon đến ga St Jean De Maurienne Arvan, sau đó bạn phải đi tiếp bằng taxi (17km-40€) hoặc xe bus (bạn có thể xem giờ và mua trước vé xe bus trên internet giá khoảng 13€). Le Corbier cũng như đa số các khu trượt tuyết khác của Pháp thường không có tầu chạy đến tận nơi, vì vậy bạn phải đi thêm một đoạn bằng xe bus, đôi khi chỉ một đoạn bus ngắn thời gian chờ đợi có khi bằng cả một tuyến đường dài đi tầu vì vậy ban phải tính toán giờ cho chíng xác để vừa không phải chờ lâu vừa không bị lỡ chuyến. Tầu đi và về từ Paris gare Lyon đến gare St Jean de Maurienne ít khi có chuyến chạy thẳng thường phải chuyển tiếp qua 1, 2 chuyến tàu, các tầu gần phía St Jean de Maurienne thường kiểu như tầu chợ, không có số ghế, ai muốn ngồi đâu thì ngồi, đôi khi không có chỗ ngồi phải đứng. Những chuyến tầu này dừng ở rất nhiều ga nhỏ, thời gian dừng thường chỉ 1 phút vì vậy bạn phải thận trọng tránh bị nhầm ga, một kinh nghiệm nho nhỏ là bạn cứ căn đúng giờ trên vé xuống là được vì các tầu này thường chạy rất đúng giờ. Nếu bạn có kế hoạch đi chơi từ sớm thì bạn có thể tìm được vé khá rẻ. Đi tầu bạn cũng có một chút lợi thế về khoản hành lý (tuy nhiên cũng có những chuyến tầu hạn chế hành lý bạn phải tìm hiểu kỹ trước khi mua) và đi tầu có lẽ là đỡ mệt nhất.
Đi bằng máy bay: từ Paris bạn đi từ sân bay Paris Orly (ORY) bay đến sân bay Lyon-Saint Exupery (LYS), thời gian bay khoảng 1g giá vé từ 60€ đến 250€. Sau đó bạn phải đi tầu từ ga Lyon-Saint Exupery TGV đến ga St Jean De Maurienne Arvan và đi tiếp bằng xe bus hoặc taxi, bạn phải lưu ý tầu chỉ có 1 chuyến trong ngày. Nếu bạn không mua được vé tàu đi thẳng thì bạn có thể mua vé đi vòng, bạn phải chuyển tiếp qua một số chuyến tầu khác, các chuyến tầu này đa số là tầu chợ nên nó dừng rất nhiều, bạn phải lưu ý để không bị xuốnh nhầm ga. Ga tầu ở Lyon cũng có vài cái nên nếu bạn đi máy bay thì phải mua vé tầu đến ga Lyon-Saint Exupery TGV vì ga này nằm sát với sân bay luôn. Đi máy bay thường không phải là lợi thế đối với môn trượt tuyết vì bạn không thể mang được nhiều đồ, bạn cũng có thể mua thêm hành lý ký gửi nhưng cộng lại thì chưa chắc đã rẻ. Nếu bạn đi từ Paris, bạn sẽ phải đi ra sân bay, làm thủ tục, chờ dợi, sau đó vẫn phải chuyển tiếp bằng tầu và bus, thời gian chưa chắc đã nhanh hơn so với đi tầu.
Đi bằng xe bus: Không có xe bus chạy thẳng đến St Jean de Maurienne, bạn chỉ có thể đi bus đến Lyon, Grenoble sau đó chuyển tiếp bằng tầu. Đi bus được cái là rẻ và có thể mang được nhiều hành lý (lưu ý không phải lúc nào cũng được), nếu bạn không phải xuất phát từ những thành phố lớn lại có bus đi thẳng thì lựa chọn này cũng không tệ, tuy nhiên thời gian trên đường sẽ khá là dài, nếu bạn nào không quen sẽ là một cực hình.
Cũng còn nhiều phương án đi khác như đi chung xe (covoitura), bay đến các thành phố khác như Turin, Geneva sau đó đi tầu hoặc bus đến Le Corbier. Hiện nay chưa có bus, tầu đi thẳng đến Le corbier.
Khu trượt tuyết (station) và vùng trượt tuyết (Domainne skiable)
Khu thể thao mùa đông là một khu vực được thiết kế giành cho các môn thể thao mùa đông như trượt tuyết (ski), đi dạo trên tuyết (raquette à neige), đi dạo bằng moto trượt tuyết, đi dạo bằng xe chó kéo, nhảy dù trượt tuyết, v.v. người ta quen gọi tắt là khu trượt tuyết (station ski) vì người chơi môn thể thao trượt tuyết thường là đông nhất.
Khu trượt tuyết thường bao gồm:
Một quần thể phục vụ khách du lịch như: khách sạn, nhà hàng, siêu thị, hiệu thuốc, bể bơi, rạp chiếu phim, v.v. tuy nhiên tuỳ theo khu trượt tuyết lớn nhỏ mà các dịch vụ này có thể thêm hoặc bớt đi. Có một điểm khác biệt quan trọng giữa khách sạn ở khu trượt tuyết và các khách sạn bình thường là nó luôn có một cái phòng để đồ, mỗi phòng của khách sạn được quyền sử dụng 1, 2, 3 cái tủ trong đó (tuỳ theo số người trong phòng) dùng để cất các dụng cụ trượt tuyết. Cái phòng này thường được thiết kế ở ngay cửa ra vào hoặc có cửa riêng để đi ra đường trượt nhằm hạn chế mọi người tha tuyết vào trong khách sạn. Ở châu Âu có rất nhiều người đầu tư các nhà nghỉ ở trên núi, các nhà nghỉ này gọi là giường lạnh (lits froids hay volets clos), người ta có thể đến nghỉ hoặc cho thuê trong mùa trượt tuyết, thời gian còn lại trong năm chủ yếu đóng cửa để đấy. Vì vậy đánh giá về một khu trượt tuyết người ta thường đưa ra con số là khu trượt tuyết đó có bao nhiêu giường lạnh (lits froids).
Một hệ thống đường trượt tuyết (pistes) mỗi khu trượt tuyết có hệ thống đường trượt khác nhau, theo quy định chung người ta dùng màu sắc để phân biệt độ khó của đường trượt.
Một hệ thống cáp treo (remontées mécaniques) có thể là dây kéo, có thể là ghế treo, có thể là cabin, có thể là các băng truyền, vận hành chủ yếu bằng điện, có tác dụng đưa người lên cao.
Một cái trạm trung tâm, còn gọi là ga, là nơi tập trung các điểm xuất phát của hệ thống cáp treo cũng là nơi kết thúc của những đường trượt, người ta thường di chuyển theo vòng tròn, từ ga leo lên cáp treo để lên cao sau đó theo đường trượt trở về nhà ga. Nhà ga thường được thiết kế gần khu khách sạn để tiện đi lại, nhiều nơi có xe đưa miễn phí chạy liên tục để đưa khách từ các khách sạn đến nhà ga nếu khách sạn ở xa nhà ga, hoặc đưa khách đến các khu trượt tuyết lân cận (thường là trong cùng một vùng trượt tuyết).
Còn có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ khác như hệ thống máy móc san ủi tuyết, đội ngũ và các phương tiện cứu hộ, đội ngũ các hướng dẫn viên và dạy trượt tuyết, v.v.
Vùng trượt tuyết là một vùng có nhiều khu trượt tuyết, thường thì các đường trượt được nối với nhau, bạn có thể trượt từ khu này sang khu khác trong vùng hoặc bằng xe đưa đón miễn phí. Các khu trượt tuyết thường được tạo thành từ việc mở rộng của vùng trượt tuyết.
Khu trượt tuyết Le Corbier
Ý tưởng xây dựng khu trượt tuyết Le Corbier bắt đầu từ năm 1938 sau đó bị ngừng lại không thực hiện được do chiến tranh thế giới. Người xây nên khu trượt tuyến này mang ý tưởng bảo đảm tối đa an toàn cho trẻ em, người đi bộ và người trượt tuyết. Chính vì vậy nên các khu nhà ở được bố trí sát đường trượt, sát với ga cáp treo và không có đường giao thông nào xen vào giữa. Người trượt tuyết có thể đi bộ thẳng ra đường trượt mà không lo bị xe hơi đâm vào.
Những người đề xướng ra dự án này là thị trưởng Clément Duverney, nhà kinh doanh Christian Guérin, kiến trúc sư Jean Claude Bouillon, vận động viên trượt tuyết Noel Dompnier và những thanh niên trong vùng. Sau 3 năm nghiên cứu và 6 tháng làm việc khu trượt tuyết bắt đầu hoạt động vào ngày 30/12/1968 với 17km đường trượt đầu tiên và một vài chỗ ở. Những năm sau đó các toà nhà Cosmos, Soyouz và Baikonour v.v. lần lượt được xây dựng. Từ những năm 70 người đến càng ngày càng tăng, năm 1972 đã có 4000 giường, 15 cáp treo và 30km đường trượt tuyết.
Hiện nay Le Corbier đã có rất nhiều toà nhà cao tầng bắt đầu từ toà nhà mang tên Lunik nối liền với nhau đến toà nhà cuối cùng mang tên Cosmos. Trong đó cao nhất là toà nhà mang tên Vostok cao 17 tầng. Các toà nhà này đều có tầng dưới cùng là nơi để làm kho và các phòng để đồ trượt tuyết và có cửa sau mở ra sân trượt tuyết.
Có một hành lang nối các toà nhà với nhau vì vậy bạn có thể đi từ toà nhà này sang toà nhà khác mà không phải đi ra ngoài tuyết. Hầu như tất cả các dịch vụ trong khu trượt tuyết đều nằm ở hai bên hành lang này như nhà hàng, cửa hàng bán đồ ăn, cửa hàng bán bánh mì, cửa hàng cho thuê đồ trượt tuyết và bán đồ thể thao, nhà trẻ, díscoteque, cửa hàng bán đồ lưu niệm, v.v. trong hành lang cũng được sưởi ấm nên bạn có thể đi chơi thoải mái mà không cần phải mặc áo quá dày.
Các phòng cho thuê đều là các giường lạnh (lits froid) giống như các căn hộ chung cư, sau khi toà nhà xây xong sẽ bán cho mọi người, ai muốn đầu tư thì mua, phía bên trong chủ nhà sẽ tự thiết kế trang trí theo ý mình và theo một số tiêu chuẩn nhất định. Các căn hộ thường có kích thước khác nhau, có loại cho 2, 4, 5, 6 người ở, tất cả đều thiết kế kiểu gia đình (tức là có bếp, đồ nấu, bát đĩa) để bạn có thể tự nấu ăn lấy. Chỉ có một thứ quan trọng đối với người Việt là nồi cơm điện và đũa ăn là không có . Các căn hộ này thường uỷ quyền cho các đại lý dịch vụ cho thuê. Giá cả thì thay đổi theo thời gian, dịp Noel và cuối năm, tháng 2 (dịp nghỉ đông của học sinh) thì giá thường đắt nhất, đầu tháng 12 (tuyết rơi chưa nhiều), tháng 3, đầu tháng 4 thường rẻ nhất. Le Corbier thường khai trương từ 22/12 và đóng cửa 17/4 hàng năm. Sau đó các toà nhà sẽ đóng cửa, nghe nói vẫn có một số căn hộ cho thuê để cho khách leo núi vào mùa hè nhưng có lẽ không nhiều. Giá cho thuê còn phụ thuộc vào trang bị trong nhà, đẹp hơn sang hơn thì đắt hơn, phòng to hơn đắt hơn, có ban công nhìn ra núi tuyết thì đắt hơn.
Phía trước các toà nhà là bãi đậu xe, bạn có thể đậu xe thoải mái không phải trả tiền nhưng bạn phải lưu ý là bãi không có mái che nên nếu có tuyết rơi nhiều xe của bạn sẽ thành một đống tuyết. Phía sau toà nhà nối liền với sân trượt có các trạm cáp treo và các đường trượt.
Ở trung tâm của sân trượt là phòng hướng dẫn du lịch xây như hình một cái đĩa bay, tại đây bạn có thể xin sơ đồ của khu, vùng trượt, mua vé cáp treo, mua vé các dịch vụ và tham gia các môn thể thao mùa đông khác. Bạn cũng có thể được tư vấn và ghi tên vào các lớp học trượt tuyết, ghi tên cho trẻ em tham gia câu lạc bộ poui-poui là câu lạc bộ giành cho trẻ em từ 3 đến 8 tuổi, một câu lạc bộ rất nổi tiếng của Pháp có mặt ở hầu hết các khu trượt tuyết.
Le Corbier là một khu trượt tuyết nằm trong một vùng trượt tuyết lớn gọi là Sybelles được đánh giá là vùng trượt tuyết đứng thứ 4 của Pháp, nó gồm 5 khu trượt tuyết được nối thông với nhau là: Saint-Sorlin-d’Arves, Saint-Jean-d’Arves, La Toussuire, Les Bottières et Saint-Colomban-des-Villards, Le Corbier. Giữa các khu có xe đưa đón miễn phí chạy thường xuyên trong ngày.
Các đường trượt tuyết ở Le Corbier:
Các đường trượt phẳng: có 1 đường trượt đen, 9 đường trượt đỏ, 9 đường trượt xanh nước biển, 8 đường trượt xanh lá cây tổng cộng chiều dài khoảng 90km.
Đường trượt tự nhiên: chỉ có một đường xanh lá cây dài khoảng 1,5km.
Sơ đồ các đường trượt thường được dán ở nhiều nơi nhất là tại những nhà ga cáp treo. Có thể có các thông báo đường trượt nào đóng, đường trượt nào mở, từ mấy giờ đến mấy giờ ở các ga cáp treo.
Giải thích về đường trượt tuyết (pistes): Đường trượt tuyết là những đoạn dốc phủ đầy tuyết người ta có thể trượt được trên đó. Có 2 loại đường trượt tuyết trong khu trượt tuyết, thứ nhất là đường trượt tuyết phẳng, là loại đường trượt bình thường nhất, hàng đêm có xe ủi đi san đường nên khá bằng phẳng, đôi khi thiếu tuyết người ta còn phải ủi tuyết từ trên núi cao xuống để san đường. Đường trượt này hai bên có cắm cọc báo hiệu lề đường, những chỗ cua nguy hiểm còn có thể có lưới để bạn không bị bay ra ngoài. Tuỳ theo độ dốc, độ khó của đường trượt người ta phân ra là đường xanh lá cây (verte), xanh nước biển (bleue), đỏ (rouges), đen (noire). Đường xanh lá cây dễ trượt nhất đường đen khó trượt nhất. Đầu mỗi đường trượt sẽ có bảng chỉ đường về điểm cuối của đường trượt hoặc về hướng nào đó, màu sơn của bảng quy định độ khó của đường trượt. Loại đường trượt tuyết thứ 2 là đường trượt tuyết tự nhiên (ski de fond), loại đường trượt này người ta cứ để tuyết tự nhiên, không san ủi nên rất khó trượt, khi thì quá mềm lúc thì quá cứng. Có một chút bạn cần lưu ý, ở trong các khu trượt tuyết mặc dù là để tuyết tự nhiên nhưng các đường đều cắm cọc tiêu để giới hạn mép đường nên vẫn gọi là đường trượt (piste). Nhiều người trượt ở bên ngoài các khu trượt tuyết mới thực sự là tuyết tự nhiên, không có cọc tiêu giới hạn mép đường, rất là nguy hiểm, trượt bên ngoài không gọi là trượt trên piste. Có nhiều khu trượt tuyết còn có nhiều đường trượt có đèn để bạn trượt ban đêm.
Các phương tiện để đi lên dốc:
Từ Le Corbier có 2 cái cáp treo (télésièges), một là Sybelles Express đưa bạn lên lưng chừng núi, từ đây bạn có thể trượt trở về Le Corbier hoặc trượt đến một cái cáp treo khác để lên cao hơn hoặc trượt đến khu trượt tuyết lân cận.
Hai là La voie Lactée đưa bạn lên thẳng đỉnh núi, tại đây bạn có thể trượt về Le Corbier theo nhiều đường trượt khác nhau, bạn cũng có thể trượt sang khu trượt lân cận.
Có hai cái móc kéo (téléskis), loại này chỉ là một sợi dây bạn kẹp vào chân và nó sẽ kéo bạn trượt lên dốc với khoảng cách vài trăm met chỉ là đường trượt xanh lá cây, từ đây bạn trượt xuống, loại kéo này thường dùng cho những người đang tập hoặc mới tập và trẻ em. Cũng có một cái móc kéo nhỏ (kéo khoảng vài chục met) trong khu tập của trẻ em.
Hai cái băng truyền có mái che, bạn đứng trên nó nó sẽ đưa bạn lên cao khoảng 200m, giành cho trẻ em và người mới tập hoặc đang tập.
Hệ thống cáp treo hoạt động từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều, có thể có lúc một vài tuyến ngừng hoạt động tuỳ theo nhu cầu sử dụng, hoặc một lý do kỹ thuật nào đó.
Giá vé sử dụng hệ thống cáp treo có thể thay đổi theo năm hoặc theo phương thức mua. Nếu bạn mua trực tiếp tại nơi bán vé thì theo giá niêm yết, nếu bạn mua trên mạng có thể rẻ hơn một chút, nếu bạn mua luôn trong gói gồm thuê phòng, thuê dụng cụ, vé thì rẻ hơn nữa.
Ví dụ vé cho mùa đông 2019-2020 được niêm yết như sau:
Đi tất cả cáp treo trong vùng Sybelles: 4giờ/39,9€/1người lớn/34€/1trẻ em; 6ngày/227,4€/1người lớn/194€/1trẻ em
Đi 1 hoặc ít khu hơn thì rẻ hơn một chút nhưng không đáng kể, còn có các gói như gia đình 4 người (họ yêu cầu xuất trình giấy tờ để chứng minh) thì rẻ hơn, có các chương trình khuyến mãi như mua 2 cái người lớn tặng 1 vé trẻ em, v.v.
Các dịch vụ ở Corbier, trước hết phải nói Le Corbier nhắm vào khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. Ở đây từ phòng thuê cho đến các dịch vụ, các hàng quán đều không quá đắt (tất nhiên là đắt hơn ở những khu dân cư bình thường).
Tất cả các nhà hàng đều ở hai bên hành lang, giá trung bình khoảng 18€/người/bữa không kể uống. Có 2 nhà hàng ở tận trên núi gần ngay trạm cáp treo, nếu bạn muốn thử cảm giác lãng mạn hoặc bạn muốn chơi suốt ngày trên núi thì bạn có thể ăn trưa ở đây, các nhà hàng này không mở cửa buổi tối. Có 2 cửa hàng bán lẻ bán hầu như đủ hết các thực phẩm và vật phẩm cho cuộc sống hàng ngày, giá cũng không đắt hơn ở những vùng không phải khu du lịch nhiều lắm. Các cửa hàng này đều có bán bánh mì mở cửa rất sớm (6 giờ sáng) và đóng cửa lúc 6 giờ chiều, nếu bạn lười nấu và ăn được bánh mì thì cũng khá tiện, tất nhiên là chưa có hàng phở cho nên ăn sáng chưa được phong phú lắm.
Một dịch vụ rất quan trọng là dịch vụ cho thuê đồ thể thao, những người không đi trượt thường xuyên, những người còn mới chơi thường thuê đồ chứ không mua, mặc dù chỉ khoảng 4 tuần đi thuê thì bằng mua một bộ mới. Lý do họ thường chọn cách đi thuê vì: không biết mình có tiếp tục chơi môn trượt tuyết nữa hay không hay chỉ thử một vài lần cho biết. Không biết mình sẽ chọn dụng cụ trượt tuyết gì? ván trượt truyền thống (loại hai tấm – ski) hay ván trượt 1 tấm (snowboard)? với mỗi cấp độ khác nhau (level, niveau) mà chiều dài và chiều rộng, độ cong, độ vát (trước, sau) của ván trượt cũng khác nhau. Ngay cả đối với dày trượt đối với các cấp độ cũng có những đòi hỏi khác nhau. Với những loại đường trượt khác nhau (phẳng hay tự nhiên), hay để nhảy đều có đòi khác nhau về dụng cụ. Với mỗi người lại cảm thấy sử dụng như ý hơn đối với dụng cụ của hãng này mà không ưng với dụng cụ của hãng khác. Với trẻ em, đây là lượng khách đông và quan trọng nhất đối với các khu trượt tuyết thì mỗi năm lại phải đổi một bộ dụng cụ khác nhau. Một lý do nữa người ta hay đi thuê vì mang dụng cụ trượt tuyết đi rất cồng kềnh, nếu lựa chọn đi bằng máy bay thì rất rắc rối. Người ta cũng không muốn mua vì mỗi năm đi trượt về lại phải bảo trì, cho dầu mỡ chống rỉ sét.
Một gói cho thuê đồ trượt tuyết cơ bản bao gồm ván trượt (một hoặc hai tấm), dày trượt, hai cái gậy ở cấp thấp nhất giá cho thuê trong 6 ngày khoảng từ 80€ đến 120€, cấp độ cao hơn giá đắt hơn, mùa cao điểm đắt hơn, có mà cả thì có giảm giá, khách quen thì có giảm giá. Nếu bạn muốn thuê thêm cái mũ bảo hiểm hay kính trượt thì bạn phải trả thêm tiền, khoảng 10€/1 thứ/6 ngày. Tất nhiên bạn có thể thuê 1, 2 ngày nhưng giá tính theo ngày sẽ đắt hơn. Bình thường thì bạn chỉ cần báo số phòng mình ở là được, nhưng cũng có cửa hàng sẽ yêu cầu bạn đặt cọc. Quần áo trượt tuyết không có cho thuê đâu nhé, bạn phải tự mang theo, áo thì không quan trọng lắm ấm là được, nhưng quần thì hơi có khác quần bình thường, quần trượt tuyết thường có ống rộng và dài để bạn có thể phủ kín giày trượt tránh cho tuyết lọt vào giày.
Ngoài các dụng cụ trượt tuyết trên còn có rất nhiều những thứ linh tinh khác cho thuê như một cái đế có răng bám tuyết gắn vào giày (raquettes à neige) để đi trên tuyết, xe trượt tuyết, những cái sô để cho trẻ em trượt, v.v.
Le Corbier có một hồ bơi nhỏ ngoài trời, tất nhiên là nước nóng, người thuê phòng ở đây thường được bơi miễn phí. Ban đêm hồ bơi được phủ một lớp nhựa trên mặt nước có lẽ để tránh cho tuyết rơi xuống nước hoặc tránh cho mặt nước bị đóng băng. Có những lúc hồ bơi có hơi nước bốc lên mù mịt nom rất quyến rũ, bơi với xung quanh là tuyết phủ có lẽ cũng là một cảm giác lạ mà người thiết kế hồ bơi muốn đem lại cho mọi người.
Có dịch vụ xông hơi và massage, nhưng bạn phải trả tiền.
Có một rạp chiếu phim, giá 8€/người lớn; 7€/trẻ em.
Có một sàn discoteque giành cho thanh niên trên 18 tuổi.
Có một hiệu thuốc cũng nằm trên hành lang, hiệu thuốc này có thể bán thuốc không cần đơn thuốc, nhưng đa số là những thuốc cho những vết thương và bệnh cấp tính. Và họ thường không đồng ý thanh toán bằng bảo hiểm, tức là bạn mua gì thì phải trả tiền thứ đó, vì vậy nếu có thể chuẩn bị thuốc từ nhà thì nên chuẩn bị hạn chế hết sức mua ở đây.
Có một nhà trẻ nhỏ, nếu bạn có bê-bi và bạn muốn đi trượt tuyết thì bạn có thể gửi ở đây và dĩ nhiên bạn phải trả tiền.
Các hoạt động thể thao ở Corbier:
Trượt tuyết, đây là điều hiển nhiên vì đây là khu trượt tuyết. Hoạt động trượt tuyết ở đây có thể chia làm 3 hoạt động chính.
Khu giành cho người mới bắt đầu, nó gồm khu vực xung quanh văn phòng du lịch, khu trượt của những móc kéo, băng truyền, khu vực giành cho trẻ em. Khu vực này thường tương đối bằng phẳng ở đây bạn có thể tự tập trượt tuyết hoặc truyền đạt kỹ thuật cho người khác, các lớp học trượt tuyết cũng thường bắt đầu bài đầu tiên ở khu vực này. Khu vực này thường là khu tập trung đông nhất, các đường trượt khi trở về đều đi qua đây nên nếu bạn trượt về cần phải hạn chế tốc độ để tránh tai nạn. Lưu ý là sử dụng móc kéo là phải mua vé.
Các đường trượt, rất nhiều đường trượt, đều có mầu để xác định cấp độ, có ghi hướng hoặc điểm kết thúc để bạn không bị lạc. Các đường trượt có thể giao nhau hoặc có khúc cua nguy hiểm, nếu bạn trượt lần đầu nên thận trọng. Các đường trượt có thể được nối sang các khu trượt khác trong vùng Sybelles. Muốn lên các đầu đường trượt để trượt về bạn phải dùng hệ thống cáp treo, bạn không thể đủ sức trèo bộ lên đó được.
Đi dạo bằng dày đinh (Balades en raquettes), hoạt động này thường là một nhóm người khoảng từ 3 đến 12 người, họ sẽ đi trên tuyết một khoảng cách dài. Trang bị của mỗi người thường là một đôi đế có răng cưa gắn vào giày, một đôi gậy chống tuyết, ba lô đựng đồ ăn, nước uống và tất nhiên là quần áo lạnh. Người ta khuyên rằng mỗi nhóm nên thuê một người dẫn đường là tốt nhất, nhưng nhiều nhóm có những người đã thạo đường thì họ không cần thuê, hoặc người ta có thể dùng GPS để tìm đường đi. Người ta có thể bắt đầu từ Le Corbier leo lên núi theo những hành trình mà người ta tự chọn hoặc do người dẫn đường dẫn đi, đường đi thường vượt qua vùng tuyết tự nhiên, có thể cắt ngang những đường trượt nhưng ít khi dọc theo các đường trượt. Người ta cũng có thể đi cáp treo lên một đoạn sau đó leo bộ lên cao hơn nữa hoặc chọn một lộ trình khác. Khi trở về họ có thể đi bộ hoặc đi cáp treo, trên đường đi họ thường đi qua những căn nhà gỗ nhỏ ở đó họ có thể nghỉ ngơi, nấu cà phê (nếu mang theo bếp), ăn chút gì đó mà bạn mang theo. Hoạt động thể thao này thường có nhiều người lớn tuổi tham gia vì nó không quá đòi hỏi về kỹ thuật và thể lực, lại không quá mạo hiểm như môn trượt tuyết. Bạn chú ý phân biệt môn này và mộn thám hiểm trên tuyết, với môn thám hiểm trên tuyết họ thường không thực hiện trong khu trượt tuyết mà thường ở hẳn những khu hoang dã, trên các đỉnh núi cao họ thường đi nhiều ngày, mang theo cả lều và các dụng cụ đặc thù khác, mang theo lương thực, họ thường mang theo cả đế răng cưa và ván trượt (loại dùng trượt tuyết tự nhiên – ski de fond), những người tham gia thường là những người thích mạo hiểm, có thể lực tốt, có kỹ thuật trượt tuyết tốt. Và hàng năm số người tử vong cho trò chơi này cũng không ít.
Bạn có thể đi dạo bằng xe chó kéo, hoặc học điều khiển xe chó kéo. Nếu đi dạo bằng xe chó kéo bạn sẽ phải trả 45€ cho người lớn và 40€ cho trẻ em (nhỏ hơn 10 tuổi) thời gian đi không nhiều khoảng 1 tiếng đồng hồ trên một chiếc xe có khoảng 10 con chó kéo xe. Nếu bạn học điều khiển chó kéo xe bạn sẽ được thực tập trên một chiếc xe có khoảng 3, 4 con chó kéo với chi phí 120€ cho người lớn và 100€ cho trẻ em.
Bạn có thể bay với tầu lượn có động cơ để chiêm ngưỡng cảnh núi tuyết của vùng Sybelles từ trên cao với giá 80€/1 lần. Điểm xuất phát là ở Grande Vadrouille.
Bạn có thể nhảy dù trên núi tuyết, một vận động viên sẽ buộc bạn vào bụng anh ta, cả hai cùng trượt đến một vách núi sau đó sẽ bay bằng dù. Một lần bay như thế giá là 70€ cho cả người lớn và trẻ em cộng với 15€ tiền chụp ảnh, điểm bắt đầu bay là đỉnh của ngọn Corbier.
Bạn có thể lái mô-tô trượt tuyết với giá 60€/30phút người ngồi sau 5€/30phút, bạn phải có bằng lái xe ô tô và trên 18 tuổi, người ngồi sau phải trên 8 tuổi. Để được tham gia trò chơi này bạn phải đăng ký từ đầu tuần tại cửa hàng Boutique Clin d’Oeil toà nhà Apollo. Tiền đặt cọc là 350€ cho một chiếc mô-tô.
Dạy trượt tuyết, đây là một hoạt động rất quan trọng trong khu trượt tuyết, nếu bạn mới bắt đầu mà không có người dạy thì bạn khó mà trượt được.
Trước hết phải nói đến lớp học cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, do l’ESF (ecole du ski francais) tổ chức còn gọi là club piou-piou, bọn trẻ sẽ được vừa chơi vừa tập trượt tuyết trong một khu vực giành riêng. Bố mẹ chỉ đứng ở bên ngoài xem, sẽ có những hướng dẫn viên vừa chơi vừa hướng dẫn bọn trẻ. Tham gia lớp này trong thời gian học sinh nghỉ đông (thường là tháng 2) phải đăng ký trước trên mạng không thì sẽ không có chỗ.
Lớp dạy trượt tuyết bình thường, người tham gia từ 5 tuổi trở lên (thực tế thì họ vẫn chia ra lớp cho người lớn và trẻ em). Các lớp này thường khá là lộn xộn, lớp chuẩn nhất là lớp học đủ 6 ngày, nếu bạn học lớp này thì bạn học được tương đối đầy đủ, sau 6 ngày đa số đều được gọi là biết trượt tuyết. Với các lớp 6 ngày bạn có thể đăng ký lớp học buổi sáng hay buổi chiều hoặc cả ngày, thường là mỗi buổi chỉ học 2 giờ. Theo tôi đăng ký học một buổi là tốt nhất, còn buổi kia mình có thể tự tập lấy. Còn có các lớp học vài ngày, hoặc chỉ vài giờ, học những lớp như thế thường kết quả không được tốt lắm. Có những lớp học đặc biệt, dạy theo yêu cầu của bạn ví dụ bạn có nhóm đi đủ đông có thể tự tạo thành một lớp học, bạn muốn học một kỹ thuật đặc biệt nào đó để nâng cao kỹ thuật trượt tuyết của bạn, với lớp học đặc biệt thường có khung giá riêng và bạn phải trao đổi cụ thể. Về giá cả các lớp học trượt tuyết thường phụ thuộc vào thời gian, các khu vực thể thao mùa đông thường được chia thời gian hoạt động ra làm 3 thời kỳ.
Thời kỳ xanh: từ 21/12 đến 3/1; từ 25/1 đến 7/2; từ 7/3 đến 17/4.
Thời kỳ vàng: từ 4/1 đến 24/1; từ 21/3 đến 3/4.
Thời kỳ đỏ: từ 8/2 đến 6/3.
Giá thời kỳ xanh rẻ nhất, đỏ là đắt nhất, giá cả thường thay đổi theo năm và các chương trình khuyến mãi. Ví dụ giá cho lớp học trượt tuyết bình thường, học 1 buổi sáng/ 6 ngày/ thời kỳ xanh/ 2019-2020/ 147€/ 1người. Lưu ý rằng giá cả này chưa bao gồm vé cáp treo, theo học các lớp này bắt buộc bạn phải sử dụng cáp treo.
Trượt tuyết là môn thể thao xa lạ với Việt Nam nhưng thông qua phim ảnh, báo chí, truyền hình chắc ai cũng biết. Bài viết này mục đích để các bạn tham khảo, có thể có bạn nào đó muốn thử đi một chuyến thì có thể tham khảo, bạn nào không muốn thử thì có thể đọc cho biết.
Bài viết hay quá!
Thử bình luận ko có email và trang web
Thử bình luận