Thở và hô hấp có phải là một không? Khi người ta không thở có phải người ta ngừng hô hấp không? Xin trả lời là không phải. Thở chỉ là một động tác, có thể vô ý thức có thể là có ý thức. Không có động tác thở cơ thể vẫn thực hiện quá trình hô hấp không ngừng nghỉ, đây là một hoạt động vô ý thức, người ta còn tranh cãi là có thể tác động được đến nó hay không.

Tiếng Anh gọi quá trình hô hấp này là Central respiratory (dịch đúng thì là hô hấp trung ương) tôi tạm dịch là hô hấp bên trong. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ hoạt động của quá trình hô hấp bên trong như: áp suất O2, CO2 trong máu, nhu cầu năng lượng của cơ thể, trạng thái của cơ thể, nhiệt độ bên ngoài, v.v. cơ thể sẽ tự động điều tiết quá trình này cho dù người ta ngủ hay bị mất kiểm soát đối với cơ thể (bị ngất). Theo như lý luận trên thì người ta không thể chủ động tác động lên quá trình này, nhưng người ta có thể gián tiếp tác động lên tốc độ của quá trình này ví dụ: hạn chế các hoạt động không cần thiết của cơ thể như thực hiện thư giãn, xem bài: Các kỹ thuật khác, để giảm nhu cầu năng lượng của cơ thể. Luyện tập cho cơ thể làm quen với các mức áp suất O2, CO2 nhằm bình thường hoá các tín hiệu hồi báo của cơ thể do đó không làm tăng tốc độ của quá trình hô hấp bên trong.

Hô hấp bên trong là quá trình trao đổi chất diễn ra trong phổi, trong máu nó diễn ra không ngừng dù người ta có thở hay không.

Cơ sở lý luận của luyện tập nhịn thở

Thở là một hành động liên quan tới quá trình hô hấp bên trong, nó có tác dụng cung cấp và đổi mới không khí trong phổi cho quá trình hô hấp bên trong. Bình thường nó là một quá trình vô thức, nhưng người ta có thể chủ động điều khiển nó như chủ động thở nhanh lên hay chủ động ngưng thở. Hành động thở được thực hiện qua trung tâm điều phối hơi thở, đấy là hệ thần kinh, nó chịu tác động của rất nhiều tín hiệu được gửi đến từ các cơ quan khác nhau của cơ thể: hệ hô hấp bên trong, các tín hiệu từ các cơ, các tín hiệu phản xạ, v.v. và đặc biệt là nó có thể bị khống chế bởi ý thức chủ quan. Nếu trong một giới hạn mà ý thức còn không chế được hoặc bạn chưa mất đi quyền khống chế (chưa ngất đi). Luyên tập nhịn thở là:

Luyện tập cho cơ thể bạn thích nghi được với những tín hiệu vô thức ngày càng tăng được gửi đến trung tâm điều phối hơi thở trong quá trình nhịn thở.

Khả năng khống chế của ý thức đối với trung tâm điều phối hơi thở trước những tín hiệu của cơ thể.

Phương pháp 1/3:

Nếu bạn nào đã học hoặc đã tìm hiểu về phương pháp luyện tập nhịn thở thì chắc cũng đã biết đến phương pháp này. Lý thuyết về phương pháp này khá là phổ biến và quen thuộc với những ai tập nhịn thở cho: yoga, thiền, và đặc biệt là cho lặn, như chúng ta những người đam mê môn thể thao lặn bắn cá. Phương pháp này dựa trên cơ sở chia nhịn thở thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có những giải thích về sinh lý, có phương pháp luyện tập khác nhau. Có nhiều tài liệu họ chia làm 4 giai đoạn, nhưng dù chia làm 3 hay 4 thì các giai đoạn vẫn được giải thích đầy đủ.

Các giai đoạn của nhịn thở

Lưu ý: sự phân chia giữa các giai đoạn thường không rõ ràng nhất là giữa giai đoạn 1: giai đoạn bình thường và giai đoạn 2: giai đoạn muốn thở; giữa giai đoạn co giật và thời điểm nguy hiểm.

Giai đoạn 1: Giai đoạn bình thường.

Đây là giai đoạn kể từ khi ngưng thở đến khi bạn vẫn cảm thấy bình thường, không thấy có nhu cầu thôi thúc phải thở. Tôi xin giải thích kỹ hơn một chút về giai đoạn này, nhu cầu muốn thở thường phụ thuộc vào hai yếu tố chính, thứ nhất đó là nhu cầu sinh lý của cơ thể, thứ hai là yếu tố tâm lý.

Nhu cầu sinh lý là nhu cầu chính, rất khó khắc phục vì nó phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề và chúng ta đang luyện tập để khắc phục nhu cầu này.

Yếu tố tâm lý, rất dễ khắc phục (và cũng rất khó khắc phục) tôi chắc là ai cũng khắc phục được (tuy nhiên đôi khi nó vẫn bị ảnh hưởng cho dù là đối với cao thủ).

Một ví dụ nhỏ để phân biệt hai yếu tố ảnh hưởng: một người chưa từng lặn bao giờ, anh ta có thể nhịn thở được hơn 30s (ai cũng có thể nhịn thở được hơn 30s) nhưng khi anh ta chúi đầu xuống nước 15s thì anh ta đã hết hơi. Đó là do anh ta sợ ngạt, một yếu tố tâm lý thúc dục anh ta phải nổi lên, phải thở, mặc dù cơ thể anh ta vẫn chưa đòi hỏi thực sự. Vì vậy giai đoạn bình thường của thợ lặn lâu năm thường kéo dài hơn so với người mới tập lặn, bạn sẽ nói “đấy là điều tất nhiên, tôi lặn kém anh ta vì tôi mới tập lặn” điều bạn nói không hẳn đã đúng. Giai đoạn bình thường phụ thuộc rất nhiều vào cơ thể của mỗi người (trẻ hơn, sức khoẻ tốt hơn) vào tình trạng sức khoẻ lúc đó (có ốm đau không, có vừa vận động mạnh hay không) vì vậy thực tế giai đoạn này với người mới và cao thủ không khác nhau là bao nhiêu nếu xét về mặt phản ứng sinh lý. Nhưng thực sự thì với các cao thủ giai đoạn này của họ vẫn kéo dài hơn, đơn giản là vì họ khắc chế được yếu tố tâm lý. Nếu bạn mới luyện tập, bạn không phải lo, bạn sẽ nhanh chóng khắc phục được yếu tố tâm lý này. Cũng chính vì lý luận như vậy nên cách luyện tập để kéo dài giai đoạn này không khó.

Thứ nhất, để cho giai đoạn bình thường kéo dài bạn phải: bước vào giai đoạn nhịn thở ở trạng thái tốt nhất điều đó bao gồm:

Sức khoẻ ở trạng thái tốt nhất, không nên luyện tập khi đang bị những bệnh về đường hô hấp, bị dị ứng, vừa đi lặn với bình ôxy, vừa chơi thể thao hay làm việc nặng.

Không nên luyện tập nhịn thở khi bạn vừa ăn no.

Hạn chế rượu bia, chất kích thích là tốt nhất.

Trước khi nhịn thở hãy thở sâu và chậm, nếu tập dưới nước thì phải thực hiện “nghỉ toàn phần” (xem thêm bài: Các bài tập thư giãn). Hít hơi vào hết khả năng, không nên thực hiện động tác “cá chép” (xem thêm bài: Kỹ thuật cá chép).

Tuyệt đối không sử dụng kỹ thuật giảm thông khí (xem thêm bài: Kỹ thuật tăng thông khíCác bài tập nhịn thở)

Thứ hai, trong giai đoạn bình thường bạn phải rèn luyện kỹ năng tự điều chỉ (xem thêm bài: Các động tác kỹ thuật khác) để xoá bỏ ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Bạn hãy làm hai cách và so sánh hai kết quả, cách thứ nhất tập trung hết tinh thần vào phổi để xem cơ thể đã đòi hỏi bạn phải thở chưa. Cách thứ hai, bạn hăy tập trung tư tưởng vào một cái gì đó để quên vấn đề thở đi ví dụ: lắng nghe tiếng kim đồng hồ, đếm nhẩm hoặc nghĩ đến một chuyện xưa nào đó, đừng nghĩ đến chuyện bậy bạ nhé có thể bị tẩu hoả nhập ma. Và bạn sẽ rút ra kết luận tốt nhất cho mình.

Ghi nhận lại thời gian của giai đoạn này bằng đồng hồ bấm giờ nhiều chế độ hoặc sử dụng chương trình Freediving Trainer (xem bài: Sử dụng Freediving Apnea Trainer) khi thấy cơ thể có dấu hiệu muốn thở. Như đã nói tới ở trên việc xác định điểm này rất khó, như thế nào là dấu hiệu muốn thở của cơ thể. Thứ nhất điều đó không quan trọng bởi vì nó chỉ là một điểm trong một quá trình thôi bạn cho nó là thế nào thì nó là thế ấy, quan trọng là bạn nhớ được cảm giác của dấu hiệu đó để so sánh với lần tập sau và nhớ là phải loại bỏ ảnh hưởng của tâm lý. Với những người tập lâu năm thì họ thường có xu hướng đẩy thời điểm này về phía sau. Thứ hai, vẫn có một số kinh nghiệm để xác định thời điểm này. Về lý thuyết khi lượng CO2 trong máu tăng đến một ngưỡng nào đó thì các cơ quan thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não và não sẽ gửi các tín hiệu thúc dục các cơ quan liên quan thực hiện hành động thở. Mặc dù não là cơ quan trong chính cơ thể chúng ta nhưng nó gửi lúc nào, gửi như thế nào chúng ta cũng khó phần biệt được rõ ràng, vì vậy lấy dấu hiệu gì để coi đó là điểm bắt đầu muốn thở. Có vài kinh nghiệm để các bạn tham khảo, có bao giờ bạn thở dài không, chắc là ai cũng có vì trong đời ai chẳng có lúc không vừa lòng, bạn hãy nhớ cảm giác khi thở dài, khi đó bạn thường thở hết ra sau đó ngưng thở một chút và đến một lúc nào đó tự nhiên bạn sẽ hít vào, hãy nhớ kỹ cảm giác đó. Còn nếu bạn chưa bao giờ thở dài, chúc bạn may mắn, bạn hãy chọn thời điểm tim bạn bắt đầu tăng tốc hoặc bạn đang mộng du đâu đó bị cơ thể gọi về để thở.

Tóm lại giai đoạn này chẳng khó tập, chỉ cần quên nó đi là OK, nhưng giai đoạn này rất quan trọng vì nó rất dễ chịu, càng kéo dài nó, bạn càng đỡ vất và hãy nhớ cảm giác của giai đoạn này để so sánh với bài giảm thông khí.

Giai đoạn 2: Giai đoạn muốn thở.

Giai đoạn này còn có tên gọi khác là giai đoạn giằng co, đây là một giai đoạn khá khó khăn, hầu hết người mới tập đều không vượt qua được giai đoạn này để đến giai đoạn 3. Giai đoạn này gọi là muốn thở bởi vì trong suốt giai đoạn này bạn rất muốn thở, càng ngày càng muốn thở. Nó được gọi là giằng co vì đó là sự giằng co giữa ý thức và phản ứng tự nhiên của cơ thể. Tất nhiên cao thủ thì có lý trí cao hơn, họ quen với sự áp chế phản ứng tự nhiên của cơ thể hơn những người mới, và vì vậy họ lặn lâu hơn. Bình thường với người tập lặn chủ yếu là luyện tập kéo dài thời gian của giai đoạn này. Vậy làm sao để kéo dài thời gian này, nếu tôi nói các bạn cứ giằng co, từ từ rồi sẽ quen và các bạn sẽ lặn lâu hơn. Điều đó thì ai mà chẳng biết, nói vậy thì viết bài làm gì. Cũng có phương pháp luyện tập mà người ta cũng thường áp dụng, người ta còn quảng cáo chỉ cần luyện 1 tháng bạn có thể nhịn thở được khoảng 4 phút nhưng tôi thì không tin tưởng lắm nhưng thực sự là một phương pháp tốt. Luyện tập nó chắc chắn sẽ có kết quả nhưng con số cụ thể thì tôi không đưa ra được. Phương pháp này gọi là phương pháp “bảng” có hai bảng một là “Bảng CO2” luyện tập khả năng chịu đựng sự tăng lên hàm lượng CO2 trong máu, hai là “Bảng O2” luyện tập khả năng thích ứng của cơ thể với sự thiếu hụt O2 trong máu. Xem bài: Các bài tập nhịn thở để biết thêm về cách lập bảng và sử dụng bảng luyện tập.

Giai đoạn 3: Giai đoạn co giật

Khi đến cuối giai đoạn 2, các cơn có giật hoặc các dấu hiệu co giật bắt đầu xuất hiện. Quá trình nhịn thở của bạn đã chuyển sang giai doạn 3, giai đoạn này còn có tên gọi là giai đoạn chống cự. Đây là giai đoạn bạn phải dùng nghị lực, sự chịu đựng và quan trọng nhất là sự rèn luyện để vượt qua giai đoạn này. Tôi xin cải chính một chút, không phải là vượt qua hoàn toàn đâu nhé là chịu được bao nhiêu lâu trong giai đoạn này. Bạn chịu đựng được bao nhiêu lần co giật, 2 hay là 20, các cao thủ lặn bắn cá thường chọn thời điểm các cơn co giật bắt đầu xuất hiện để trở lên từ đáy nước. Xin giải thích thêm về hiện tượng co giật, khi CO2 trong máu của bạn tăng đến một ngưỡng nào đó (xem thêm bài: Kỹ thuật tăng thông khí) các cơ liên quan đến hô hấp sẽ co giật để thúc đẩy bạn phải thở, như cơ hoành (hay co giật nhất), cơ liên xườn (co giật khó chịu nhất). Khi bạn thấy có dấu hiệu co giật bạn sẽ thấy khó chịu đựng nhất, nhưng khi bạn đã bị co giật bạn sẽ lại thấy dễ chịu đựng hơn. Cũng giống như muốn nôn khó chịu hơn khi nôn. Tuy nhiên những lần co giật đầu tiên hoặc lâu ngày không co giật bạn có thể đau các cơ bị co giật, không lo hãy xoa bằng dầu nóng bạn sẽ quen. Rèn luyện chịu đựng các cơn co giật cũng cũng thông qua các bài tập bảng, với những người lặn lâu năm họ thường lấy thời gian xuất hiện co giật làm thời gian nhịn thở đưa vào Bảng CO2, ví dụ lúc đầu lấy thời gian xuất hiện cơn co giật đầu tiên để ghi vào bảng, sau đó có thể tăng lên đến cơn co giật thứ 2, thứ 3. Thời điểm xuất hiện các cơn co giật có thể thay đổi vì nhiều lý do, tình trạng sức khoẻ, khi hít vào có đủ hơi hay không, điều kiện nơi luyện tập.

Thời gian xuất hiện cơn co giật có thể xảy ra chậm hơn sau một quá trình luyện tập do cơ thể của bạn đã được thích nghi hơn, thời gian giữa các lần co giật cũng kéo dài hơn (thời gian giữa các lần co giật cuối thường ngắn hơn giữa các lần co giật đầu).

Chịu đựng các cơn co giật yếu tố tâm lý rất quan trọng, vì vậy kinh nghiệm của dân lặn bắn cá là khi nổi lên không bao giờ nên vội vàng, bạn càng vội vàng càng mong được thở thì các cơn co giật kéo đến càng nhiều và càng nhanh.

Một câu hỏi về các cơn co giật, nó có nguy hiểm không? Xin trả lời là nó rất nguy hiểm, nó cũng không nguy hiểm và nó là dấu hiệu an toàn. Hi, hi một câu trả lời rất vô trách nhiệm nhưng tôi xin giải thích.

Trước hết nó không nguy hiểm vì: với các bạn mới tập lặn (hay tập nhịn thở nói chung) việc xảy ra co giật chẳng có tí nguy hiểm nào cả, con người ta thường chịu được thiếu ôxy trong máu từ 3 đến 3,5 phút, vì vậy nếu bạn là người bình thường (không có bệnh tật gì về tim, mạch, hô hấp) vậy thì bạn cứ vô tư, bạn sẽ không đủ khả năng chịu đựng đến điểm nguy hiểm và các cơn co giật không gây ra nguy hiểm cho bạn.

Nó nguy hiểm: đối với các cao thủ nó là sự nguy hiểm đó là nghịch lý, nhưng sự thật là như vậy. Với các cao thủ thường luyện tập nhịn thở để vượt cực hạn, họ dễ dàng chịu được các cơn co giật, họ thường nhịn thở quá thời gian nhịn thở của người bình thường (theo lý thuyết khoảng 3,5 phút) và họ rất dễ dàng rơi vào thời điểm nguy hiểm. Thực ra các cao thủ thường luyện tập để đẩy thời điểm nguy hiểm ra phía sau, trong khi luyện tập họ luôn ở biên giới giữa hai trạng thái co giật và ngất đi. Vì vậy luyện tập nhịn thở rất nguy hiểm, lúc nào cũng cần có người giám sát, nhất là khi tập dưới nước. Với bạn chỉ nhịn thở dưới 3 phút thì cứ vô tư.

Cũng chính vì lý do đó mà khi lặn người ta để đồng hồ cảnh báo thời gian lặn nhỏ hơn thời gian có thể nhịn thở để tránh nguy hiểm (xem thêm bài: Đồng hồ lặn Mares).

Tại sao nó lại là dấu hiệu an toàn? Có một trường hợp đó là hiện tượng thôi miên khi lặn, ví dụ hay xảy ra nhất đó là khi bạn dùng phương pháp giảm thông khí để tăng thời gian lặn, cũng có bạn do bẩm sinh có thể lặn được rất lâu mà không bị co giật. Điều đó sẽ dẫn bạn trực tiếp rơi vào thời điểm nguy hiểm (bạn bị ngất) vì vậy trong những trường hợp này các cơn co giật lại là tín hiệu báo bình an đối với tình trạng bị thôi miên.

Trong bài này tôi có nhắc đến thời điểm nguy hiểm. Có nhiều tài liệu cho rằng đây là một giai đoạn riêng khi các cơn co giật xuất hiện nhiều và dày đặc hơn, cơn co giật có thể trở thành một cơn thắt kéo dài của cơ hoành và cơ liên xườn, và có thể ngất đi bất cũ lúc nào. Việc nhận ra giai đoạn này thường phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của mỗi người. Tôi thì tán thành hơn với việc ghép chúng vào cuối giai đoạn 3 và coi đó là một thời điểm chứ không phải là một giai đoạn.