Đây là một chương trình miễn phí (với bản nâng cấp thì phải trả phí) trên Google play và Appp store, các bạn có thể tải về máy rất dễ dàng. Một chương trình giúp bạn trong khi luyện tập nhịn thở, có thể dùng cho các người luyện tập các môn thể thao yoga, lặn tự do, lặn bắn cá. Chương trình này họ quảng cáo là: Đơn giản, Linh hoạt, Chuyên nghiệp, Thông minh, Thích nghi và Tiên tiến. Bạn có thể tìm nó với từ khoá Freediving Trainer, có rất nhiều chương trình tương tự, có thể thêm và bớt một vài chức năng và kiểu luyện tập hơi khác nhau. Điều đó không quan trọng, các bạn cứ lựa chọn chương trình nào hợp với bạn là được. Tôi thấy chương trình này đơn giản và cũng đủ dùng nên giới thiệu cho các bạn để lấy khái niệm chung về các chương trình trợ gíup luyện tập này.

Cài đặt và sử dụng chương trình này rất là dễ các bạn chỉ mất một chút xíu thời gian là có thể sử dụng được, nhưng để các bạn giảm bớt thời gian vô ích tôi giới thiệu luôn, đồng thời có vài kinh nghiệm trong luyện tập cũng viết luôn.

Khi bạn mở chương trình lên nó sẽ vào màn hình Home, là màn hình hoạt động chính của chương trình, tạm thời bỏ qua mình vào phần cài đặt trước. Chạm vào ba cái gạch ngang ở góc trên cùng bên trái bạn sẽ vào Menu để cài đặt các thông số chủ yếu của chương trình.

Home: bạn bỏ qua, nhấn vào đây bạn sẽ trở lại màn hình chính.

Bỏ qua các mục khác đến thẳng mục “Settings”

Settings: Tại đây bạn có thể cài đặt các thông số sau

Cài đặt các thông số chính của FAT

Prepare time – Thời gian chuẩn bị: nhấp vào mục này bạn có thể thay đổi được giá trị của thời gian này. Đây là thời gian để bạn có thể bắt nhịp đúng khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược.

Prepare notifications

Voice notification language – Ngôn ngữ: bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ nhắc nhở (rất tiếc là chưa có tiếng Việt)

Notification types – Kiểu nhắc nhở: bạn có thể lựa chọn kiểu Vibrate – Rung hay Speech – nói, hoặc cả hai.

Notification – Nhắc nhở: bạn có thể chọn chỉ nhắc nhở sau khi bạn bấm nút “phổi”, trước khi kết thúc đếm ngược 1phút, 30giây, 10giây, 5giây

Day/night mode – Ngày/đêm: bạn có thể chọn loại hiển thị phù hợp với ngày hoặc đêm.

History – Nhật ký

Các số liệu có thể lưu lại trong History

Sau mỗi buổi tập các thông tin về buổi tập được lưu lại tại đây (nếu bạn muốn). Các thông tin này gồm có các bảng kết quả luyện tập, các đồ thị, các ghi nhận về tỷ lệ oxy trong máu và nhịp tim (nếu bạn kết nối FAT với cảm biến). Dựa vào các ghi nhận này các bạn có thể theo dõi quá trình luyện tập của mình, thay đổi các giá trị trong bảng nếu thấy quá sức hoặc tiến bộ. Bạn cũng có thể chia sẻ các kết quả của mình với bạn bè, huấn luyện viên hoặc các phần mềm quản lý khác.

Sensors – Cảm biến

Kết nối FAT với Oxymetre

Bạn có thể chọn camera của điện thoại để làm bộ cảm biến hoặc các thiết bị bên ngoài kết nối bluetooth với điện thoại. Hiện nay chỉ có 4 thiết bị bên ngoài có thể kết nối và sử dụng được với Freediving Apnea Trainer là các Oxymetre: Jumper 500F; Berry med BM1000C; ARSTN M 160 B; ViAtom PC-60FW (bạn nhấn vào chữ SUPPORTED DEVICES tên các thiết bị sẽ hiển thị). Các thiết bị này sẽ cung cấp cho FAT thông tin về lượng oxy trong máu và nhịp đập tim của bạn. Với luỵện tập bình thường các thông tin không cần thiết lắm nhưng bạn cũng có thể có được những thông tin cần thiết như: tình trạng sức khoẻ của mình khi luyện tập có được tốt không (tỷ lệ oxy trong máu thấp, nhịp tim quá cao), các cài đặt về thời gian nghỉ có phù hợp không. Khả năng kìm chế nhịp tim của bạn như thế nào.

Best time – Kiểm tra khả năng nhịn thở

Chức năng này ghi nhận lại thời gian nhịn thở cao nhất mà bạn có thể thực hiện được, có thể là kết quả khi bạn tập khô hoặc ướt. Dựa vào kết quả này FAT sẽ tự động tạo ra hai bảng CO2 và O2, bạn cũng có thể dựa vào kết quả này để tự lập bảng theo kinh nghiệm của bạn. Kết quả này cũng được FAT dự đoán thành tích bạn có thể đạt được sau một tháng luyện tập:

1 phút trở xuống → 2,5 phút (nếu bạn nhịn thở được 1 phút sau 1 tháng luyện tập bạn có thể đạt được kết quả là 2,5 phút)

1,5 phút → 4 phút

2,5 phút và hơn → khoảng 5 phút

Nếu là tập khô:

Nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế

Thở bình thường và chậm trong thời gian từ 1 đến 2 phút. Không được thở sâu và nhanh hơn bình thường.

Bấm nút Play đồng hồ bắt đầu đếm thời gian chuẩn bị. Hít vào sâu, sau đó thở ra hết, sau đó hít vào hết mức có thể. Bắt đầu nhịn thở.

Trong thời gian nhịn thở hãy cố thư giãn, thả lỏng.

Khi nào cảm thấy cơ hoành bắt đầu co thắt thì bấm vào nút “lá phổi”

Khi bạn không thể nhịn thở thêm được nữa thì bấm vào “stop”

Nếu tập ướt: theo các chuyên gia về lặn thì tập ướt có kết quả tốt hơn tập khô vì do phản xạ nhịn thở khi vào nước của động vật có vú. Xem thêm bài: Giới thiệu các bài tập lặn bắn cá

Chức năng này dùng để ghi nhận lại kết quả nhịn thở lâu nhất của bạn khi ở điều kiện tốt nhất và sau bao nhiêu lâu thì bạn bắt đầu bị co thắt (xem thêm bài: Luyện tập nhịn thở). Chức năng này thường không dùng nhiều, nó thường dùng để kiểm tra khả năng của bạn để lập các bảng O2 và CO2. Nó cũng dùng để kiểm tra kết quả sau một thời gian luyện tập của bạn. Nếu bạn là một huấn luyện viên, nó là số liệu ban đầu để lập bảng cho các vận động viên cũng là kết quả kiểm tra sau một thời gian luyện tập. Số liệu này có thể lưu lại trong History

Tables – Các bảng luyện tập

Tables: mục này rất quan trọng. Tại đây bạn có thể tạo ra các bảng CO2 và O2 phù hợp cho quá trình luyện tập của bạn (xem thêm bài: Các bài tập nhịn thở). Mặc định họ sẽ có sẵn hai bảng (hoặc dựa vào kết quả của Best time, FAT sẽ tự động tạo ra). Nếu là bản miễn phí bạn có thể tạo thêm được 1 bản nữa theo yêu cầu của bạn, nếu bản trả tiền thì bạn có thể tạo thoải mái bao nhiêu cũng được.

O2-table ghi là “Increases your abillity to withstand tower levels of O2” có thể tạm dịch là: Tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi lượng O2 (trong máu) giảm. Nếu bạn nào lười đọc bài Tập nhịn thở thì tôi xin giải thích thêm, đây là một cái bảng ghi lại lịch trình cho một buổi tập nhằm tăng khả năng thích ứng của cơ thể với tình trạng thiếu ôxy (tăng thời gian nhịn thở). Đây là một bảng mặc định thực ra không có giá trị gì cả, khi bạn luyện tập bạn phải tạo ra một bản thích hợp cho bạn. Bạn có thể sửa nó lại cho thích hợp với bạn, bạn cũng có thể xoá nó đi và tạo bảng mới. Nhưng theo tôi nếu bạn mới tập thì nên giữ nguyên đó để lỡ nhầm lẫn giữa hai loại bảng O2 và CO2 thì còn có cái để đối chiếu hoặc bạn cần ghi nhớ: O2 thì thời gian nhịn thở thay đổi; CO2 thì thời gian nhịn thở không thay đổi. Nếu bạn muốn thay đổi nhấn vào bảng sẽ mở ra và bạn sửa theo ý bạn. Nếu muốn xoá nhấn và giữ nó sẽ biến thành màu cam, bạn nhấn vào thùng rác ở dưới bên phải.

CO2-table ghi là “Increases your abillity to withstand high levels of CO2” có thể tạm dịch là: Tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi lượng CO2 (trong máu) tăng. Cũng như bảng trên bạn có thể xoá, sửa chữa lại hoặc để lại làm mẫu.

Tạo bảng mới: bạn tìm phía dưới có dấu + trong vòng tròn màu cam (vị trí thùng rác nếu bạn muốn xoá bảng). Nhấn vào dấu cộng bạn sẽ có một mẫu bảng mới, tại dòng Table name bạn đặt tên bảng vào đây, có khá nhiều kiểu tên bảng tuỳ theo nhu cầu quản lý của bạn. Trước hết trong tên cần có loại bảng O2 hoặc CO2, để bạn biết đây là loại bảng gì, sau đó là tên người luyện tập nếu bạn là một huấn luyện viên, bạn cần biết bảng này là của ai, nếu bạn chỉ dùng cho mình thì có thể ghi lần luyện tập, ngày bắt đầu hoặc thời gian nhịn thở với bảng CO2, thời gian nhịn thở cao nhất với bảng O2. Dòng dưới là Table description, là nơi bạn ghi chú những gì bạn cần lưu ý khi thực hiện bảng này ví dụ: tập khô hay tập ướt, v.v.

Tạo một bảng mới

Tôi sẽ lập một bảng làm ví dụ: tôi lập bảng CO2 trước vì bảng này phải luyện tập trước sau đó lấy kết quả của bảng này để lập bảng O2.

Sau đó đến phần lập số liệu cho bảng, bạn nên tham khảo bài Luyện tập nhịn thở, Các bài tập nhịn thở vì nó hơi dài dòng.

Phần mô tả: Tập ở nhà từ 6-7 giờ sáng (chắc không cần giải thích).

Tên của bảng là : CO2- 2 đây là bảng CO2, bảng cá nhân không cần ghi tên, 2 là 2 phút, tôi sẽ nhịn thở với thời gian không đổi là 2 phút trong suốt quá trình luyện tập bảng này.

Tôi nhấn dấu “+” nó sẽ mặc định hiện lên dòng thứ nhất của bảng với thời gian nào đó, để thay đổi thời gian của mỗi cột theo ý của mình nhấn giữ vào số liệu đó nó sẽ hiện lên cửa sổ để điều chỉnh. Sau khi hoàn thành một dòng tôi nhấn tiếp dấu “+” để tạo dòng thứ 2 của bảng. Tôi tạo tổng cộng 8 dòng theo số liệu của bài Các bài tập nhịn thở. Nếu bạn muốn xoá bớt dòng nhấn vào thùng rác (nó sẽ xoá từ dưới lên trên).

Tôi tạo bảng thứ 2 là bảng O2, căn cứ vào bảng CO2, tôi lấy thời gian nhịn thở đầu tiên là 1 phút 30 giây (hơi thấp hơn thời gian tôi đạt được ở bảng CO2 là 30 giây), thời gian khôi phục tôi để 2 phút.

Lưu ý: với bản miễn phí bạn chỉ có thể tạo ra được một bảng mới cộng với 2 bảng có sẵn bạn chỉ có thể tạo ra được 3 bảng để sử dụng. Theo tôi với 3 bảng là quá đủ, vì thực tế bạn chỉ nên luyện tập với 1 bảng, tập xong bạn có thể xoá đi (hoặc sửa lại) thành bảng khác.

Có khá nhiều loại bảng tập ngoài bảng CO2 và O2, nhưng đây là hai bảng cơ bản nhất, bạn có thể tham khảo các loại bảng khác trên mạng với từ khoá “freediving tables”.

Màn hình chính của Freediving Apnea Trainer

Màn hình chính của Freediving Apnea Trainer

Các nút phổ thông như: Play, Stop, Pause tôi không giải thích thêm

Hàm lượng oxy (trong máu) và nhịp tim sẽ hiển thị nếu bạn kết nối FAT với cảm biến. Các thông số này hiển thị với thời gian thực nên bạn có thể theo dõi được tình trạng sức khoẻ của mình khi luyện tập:

Hàm lượng oxy có xuống quá thấp không? bạn nên biết giá trị thấp nhất an toàn cho bạn (giá trị này bạn có thể đề nghị bác sỹ tư vấn, nhưng không nên xuống quá 88%)

Theo dõi hàm lượng oxy bạn còn có thể xem thời gian phục hồi (thời gian thở – Breath) của bạn có thích hợp không nếu hàm lượng sau khi phục hồi quá thấp so với lúc bắt đầu thì bạn phải điều chỉnh lại (đối với cả hai bảng)

Theo dõi hàm lượng ôxy rất quan trọng khi bạn luyện tập giảm thông khí (xem bài: Kỹ thuật tăng thông khí, Các bài tập nhịn thở) tránh tình trạng hàm lượng oxy quá thấp dẫn đến bị ngất khi luyện tập.

Trong khi luỵện tập, bạn có thể làm chủ được mình hay không rất quan trọng, nhịp tim chính là một trong các thước đo chính về khả năng tự làm chủ của mình. Điều chỉnh trạng thái để sao có được nhịp đập trái tim xuống thấp nhất. Những cao thủ có thể điều chỉnh nhịp đập xuống đến số 6. và kéo dài thời gian nó tăng tốc. Theo dõi hiển thị trên màn hình và nội thị, bạn sẽ tìm được tình trạng thế nào là tốt nhất cho bạn.

Nút lá phổi: đây là nút đánh dấu thời gian cơ hoành bắt đầu co thắt. Ví dụ trên hình khi bạn nhịn thở được 1:35 cơ hoành của bạn bắt đầu co thắt bạn bấm vào nút này, FAT sẽ hiển thị bằng mầu vàng trên bảng (dòng đầu tiên). Với người mới luyện tập, thời gian này thường là thời gian kết thúc nhịn thở. Còn với người luyện tập lâu năm đây là thời gian kéo dài thời gian nhịn thở còn được gọi là giai đoạn co giật. Các giá trị này còn được lưu lại và tạo nên đồ thị để bạn có thể phân tích quá trình luyện tập của mình.

Lưu ý: nút lá phổi chỉ có tác dụng trong thời gian nhịn thở (Hold)

Đồng hồ đếm ngược: hiển thị thời gian đếm ngược bằng số và vòng tròn màu, khi gần hết giờ hẹn (còn khoảng 30s) vòng tròn chuyển sang màu cam. Trên đồng hồ còn ghi chú tình trạng của bảng (đang nhịn thở là Hold, đang thở khôi phục la Breath, đang chuẩn bị là Prepare). Trên đồng hồ đếm ngược sẽ xuất hiện đồ thị hàm lượng O2 nếu FAT kết nối với cảm biến.

Nút sang dòng kế tiếp: nhấp nút này bạn sẽ bỏ qua tình trạng đang thực hiện và chuyển sang bắt đầu tình trạng kế tiếp. Ví dụ: tại dòng đầu tiên, cột thở hồi phục Breath cài đặt là 1:30, nhưng tại 1 phút bạn bấm nút này đồng hồ sẽ chuyển sang đếm cho giai đoạn nhịn thở kế tiếp. Tác dụng của nút này là để giảm thời gian hồi phục (hoặc thời gian nhịn thở) trong một hoặc vài lần nào đó trong khi luyện tập các bảng.

Nút thêm 10s: Ngược lại với nút sang dòng kế tiếp, nút này kéo dài thêm 10s cho đồng hồ đếm ngược mỗi lần nhấn. Tác dụng của nút này nhằm tăng dần khả năng trước khi sửa lại bảng.

Nút chọn bảng: nếu bạn dùng bản không trả tiền thì bạn chỉ có thể tạo được 3 bảng, chúng sẽ xuất hiện ở đây để bạn lựa chọn sử dụng. Nếu bạn dùng bản trả tiền và bạn là huấn luyện viên có thể bạn sẽ phải tạo ra nhiều bản khi đó nút chọn bảng sẽ có tác dụng lớn.

Chức năng hơi thở vuông

Chức năng hơi thở vuông của FAT

Một hơi thở là gì? Có thể nói đó là một vòng lặp gồm 4 giai đoạn: hít vào –>ngưng thở –> thở ra –> ngưng thở –> bắt đầu hơi thở tiếp theo. Dựa vào phân tích này FAT đưa ra chức năng hơi thở vuông, với chức năng này bạn có thể điều chỉnh được thời gian cho từng giai đoạn. Bạn cũng có thể đặt chế độ thêm thời gian sau mỗi (hoặc nhiều) hơi thở. Ví dụ trên hình: sau mỗi hơi thở các giai đoạn sẽ thêm 10 giây. Rất tiếc là chưa có chức năng tự động bớt đi và điều chỉnh thêm bớt cho từng giai đoạn. Chức năng này cũng không hiển thị hàm lượng O2 và nhịp tim, tuy nhiên nếu bạn sử dụng Oxymetre bạn có thể theo dõi các chỉ số này trên Oxymetre.

Chức năng này giúp bạn:

Tìm ra cấu trúc tốt nhất cho hơi thở của bạn, bạn cứ thở bình thường theo phản xạ tự nhiên ư? chưa chắc đã là tốt nhất, hãy thử điều chỉnh các giai đoạn để tìm ra cấu trúc tốt nhất của hơi thở của bạn cho từng trường hợp: sáng dậy, hồi phục sau khi chơi thể thao, trước khi đi ngủ, khi ngồi thiền, v.v. Kết quả khi thở với hơi thở tốt nhất bạn sẽ thấy: khôi phục thể lực nhanh nhất, thấy thoải mái nhất và thể hiện ở chỗ là nhịp tim (chính xác hơn là huyết áp) trở về giá trị tốt nhất đối với bạn.

Nếu bạn nào khó ngủ, đây là một công cụ để đi vào giấc ngủ mà nhiều người áp dụng. Hãy thử với thời gian luyện tập khoảng 10 phút, các giá trị của các giai đoạn do bạn tự đặt theo hơi thở tự nhiên của bạn hoặc nhờ ai đó đo cho bạn khi bạn đang ngủ say. Có thể cài đặt cộng thêm 1, 2s sau mỗi vòng. Và luyện tập khi nằm trên giường, tập trung nghe cảnh báo, không suy nghĩ gì hết (kể cả nội thị) bạn có thể sẽ đi vào giấc ngủ rất nhanh.

Luyện tập các bài về phổi rỗng, về điều khiển nhịp tim v.v. sẽ giới thiệu ở các bài khác.

One Breath mode

Chức năng này khi mở ra là một cái bảng trắng không có số liệu, cũng không cài đặt được số liệu lên đó. Chỉ có thể nhịn thở, khi kết thúc thì nhấn nút chuyển sang giai đoạn kế tiếp như thực hiện với các bảng khác, các số liệu cũng có thể lưu lại trong History như các bảng khác. Cho đến nay tôi cũng chưa biết công dụng của bảng này.