Thư giãn là một giai đoạn rất quan trọng trong lặn bắn cá, trước và sau mỗi lần lặn xuống sâu, sau mỗi lần di chuyển dài, sau mỗi lần ngược sóng, sau mỗi lần vận động mạnh bạn đều phải nghỉ ngơi thư giãn. Thậm trí trong suốt quá trình lặn bắn cá bạn cũng phải thực hiện thư giãn đó là quá trình tự điều chỉnh (xem thêm bài: Các động tác kỹ thuật khác). Các bài tập thư giãn trong hồ bơi có thể thực hiện như sau (các bài này có thể thực hiện ở ngoài biển):

Nghỉ ngơi tại chỗ

Đây là tư thế nghỉ dễ thực hiện và là cơ bản nhất. Tư thế này có thể được mô tả như sau: Nằm nổi trên mặt nước (nằm sấp), chân tay duỗi thẳng một cách tự nhiên (không cần cố sức duỗi cũng không căng cứng).

Thở bằng ống thở, chú ý là thở sâu, liên tục, chậm và đều (không giật cục).

Sau mỗi lần lặn dài bạn thường có nhu cầu thở gấp nhưng nếu bạn thở sâu và chậm, đều sẽ giúp bạn khôi phục tốt hơn, đây cũng là một kỹ thuật khống chế nhịp đập của tim. Yêu cầu của bài tập này là bạn có thể nằm yên tĩnh trên mặt nước, mặt chìm xuống nước và hơi thở trở lại bình thường là được. Mục đích của bài tập này là đối với bạn mới tập sẽ cảm giác được mình sẽ nổi mà không cần bất cứ một động tác hay một thiết bị hỗ trợ nào, bạn cũng xác định được thắt lưng chì của bạn đã hợp lý chưa. Bài tập này thích hợp ở chỗ nước nông.

Bài tập cá voi(La baleine):

Bài tập này là bạn vẫn giữ tư thế như tư thế nghỉ ngơi tại chỗ.

Bỏ ống thở ra sau đó ngậm lại thở lại thổi hết nước ra, hít vào sau đó lại bỏ ống thở ra.

Làm như thế nhiều lần đầu vẫn không thoát ra khỏi nước, mặt vẫn úp xuống.

Nếu thổi ra còn nước trong ống thở khi bạn hít sâu vào sẽ bị sặc nước.

Nếu không bị sặc là bạn đã thực hiện tốt bài tập này.

Bài này có thể có nâng cao một chút đó là:

Ước lượng chính xác sức thổi nước của mình sao cho vừa đủ để thổi ra hết nước trong ống thở nhưng vẫn còn không khí trong phổi.

Thổi bớt không khí ra nước trước khi ngậm lại ống thở (giữ lại không khí vừa đủ để làm sạch ống thở).

Để lại một ít nước dưới lưỡi nhưng vẫn có thể hít vào bằng ống thở mà không sặc nước (luyện tập thở mà không sặc dù trong miệng vẫn có nước).

Mục đích của bài tập này đó là, luyện tập thở với ống thở một cách thành thạo, động tác thổi ra thật mạnh cũng có tách dụng rất tốt sau mỗi lần lặn sâu vì nó có tác dụng đẩy thán khí ra nhiều nhất. Động tác ước lượng chính xác lượng khí cần thiết để làm sạch ống thở (thổi hết nước ra) giúp bạn khi gặp sóng lớn, nước tràn vào ống thở mặc dù bạn đang nổi, bạn sẽ phải thổi nước nhiều lần liên tiếp trước khi hít vào. Giữ nước trong miệng mà vẫn thở được nhằm thở khi ống thở vẫn chưa được làm sạch do nhiều lý do như: không đủ hơi, sóng đánh nước tràn vào, cao su ống thở bị rách (không để nước trong ống thở mà hút vào miệng để nó đọng dưới lưỡi, nếu nhiều quá đôi khi phải nuốt vào trước khi thở, hoặc ngoi đầu lên). Đây cũng là một bài tập về thư giãn giống như tư thế nghỉ tại chỗ nhưng hơi khác về động tác thở, động tác thở của bài tập này là thổi ra nhanh, hít vào cũng nhanh (không quá nhanh) sau đó nhịn thở (không quá lâu) giống như có một điểm dừng. Đây là cách thở hay dùng nhất khi lặn bắn cá nhất là khi đang di chuyển trên mặt nước.

Các bài tập nghỉ ngơi thư giãn

Nghỉ ngơi toàn bộ

(Tiếng Pháp là relaxation complète chẳng biết dịch thế nào cho nó hay) đây là bài tập đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi thực sự cũng là bài tập tự điều chỉnh. Bài tập này thực tế chỉ là bài tập, trong thực tế ít khi có thể thực hiện được động tác này. Có thể mô tả bài tập này như sau:

Tư thế giống như tư thế nghỉ ngơi tại chỗ, xin nhắc lại hai chân hai tay duỗi ra một cách thoải mái.

Nhắm hai mắt.

Thả lỏng toàn bộ cơ thể, thực hiện “nội thị”. tức là tập trung suy chú ý vào bên trong cơ thể, nếu bạn nào học yoga, thiền thì biết được kỹ thuật này, nếu bạn nào không biết được thì tập trung sự chú vào hơi thở hoặc nghe nhịp tim của mình.

Thở bằng bụng, thở ra và hít vào chậm, sâu, đều và liên tục giống như ở bài nghỉ ngơi tại chỗ.

Bài tập này thành công khi bạn cảm thấy các phần của cơ thể như được tách rời ra (đầu, tay, chân, vai, ngực), sóng bập bềnh của hồ bơi như làm mỗi phần chuyển động lắc lư một cách riêng biệt. Mục đích của bài tập này chính là để cơ thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi cao nhất, khi đang đi lặn bắn cá bạn rất khó có thể rơi vào trạng thái này được dù rằng xung quanh bạn có các đồng đội đang canh chừng. Bài tập này thường thực hiện trước và kết hợp với bài tập nhịn thở. Bài tập này có một vài biến tướng:

Cố gắng đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi như trên nhưng mở mắt, quan sát ghi nhận hoàn cảng xung quanh nhưng vẫn cố tập trung chú ý vào hơi thở. Biến tướng này phù hợp với thực tế hơn, dân lặn bắn cá thường cố gắng rơi vào trạng thái này trước khi định chuẩn bị một cú lặn sâu.

Cố gắng đưa (hoặc giữ lại) trạng thái như trên khi chìm xuống một chút, nếu tập một mình có thể giảm lượng không khí hít vào để chìm xuống một chút, nếu tập theo cặp thì bám vào thắt lưng chì của đồng và nâng lên một chút để chìm xuống (chìm một chút thôi nhé không phải lặn xuống). Ở trạng thái thả lỏng và nội thị bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi về áp lực.

Nghỉ ngơi trong nước:

Ở bài tập này bạn bạn cũng sẽ phải đưa mình vào trạng thái nghỉ ngơi tuyệt đối (cơ thể thả lỏng hết sức) nhưng bạn phải nhịn thở và vị trí của bạn không phải ở trên mặt nước mà là trong nước (bạn phải chìm hẳn vào nước).

Xuống đến vị trí không chìm không nổi (flottabilité neutre), nếu bạn tính chính xác về trọng lượng của thắt lưng chì (xem thêm bài: Thắt lưng chì) bạn sẽ biết được một độ sâu mà nếu bạn nằm im tại đó thì bạn sẽ không nổi cũng không chìm. Trong bài tập này bạn không cần chọn độ sâu quá chỉ cần xuống 0,5 đến 1m là được. Bạn có thể bỏ ống thở hoặc không, có thể mở mắt hoặc nhắm mắt, quan trọng nhất là bạn có thể tự điều chỉnh, thả lỏng cơ thể và tập trung cảm giác vào phía trong cơ thể. Ở bài tập này bạn có thể kết hợp với tập nhịn thở nhưng vì là bài tập về nghỉ ngơi nên bạn nên cố gắng tập làm sao nhanh nhất đưa mình vào trạng thái nghỉ thì tốt hơn.

Nằm ngửa trên mặt nước

Nếu đã xuống nước ai cũng biết nếu mệt cứ nằm ngửa lên là không sao. Một người bình thường luôn luôn nổi, nếu biết người ta chỉ cần nổi cái mũi lên để thở là được, người có luyện tập có thể nổi nửa khuôn mặt, nửa hai bàn chân và một chút xíu đầu gối lên. Còn đối với lặn bắn cá do có thêm bộ đồ lặn bạn còn nổi hơn nữa, nếu bạn tháo thắt lưng chì ra thì bạn muốn chìm cũng không được. Vì vậy nằm ngửa để nghỉ cũng là một động tác rất có lợi, ở tư thế này bạn có thể bỏ ống thở và kính lặn ra để thở một cách tự nhiên. Trong các bài tập ở hồ bơi không có bài tập này chắc là vì nó dễ quá và ít ai dùng đến nên các huấn luyện viên không đưa ra. Nhưng có một bài tập khác ở phía dưới có nói đến nên tôi giới thiệu luôn. Đó là bài tập kéo người (hay cứu người) người kéo sẽ nói sau còn người được kéo, cả ở trong tập luyện và thực tế, khi được người khác kéo bạn phải cố gắng đưa mình vào tình trạng nghỉ ngơi một cách nhanh nhất. Để làm gì? nếu khi luyện tập bạn phải đổi ca trở thành người kéo, bạn có đủ sức tiếp tục bài tập (rất mệt đấy nhé), trong thực tế nếu bạn bị kiệt sức được đồng đội giúp đỡ thì đây là lúc tốt nhất để bạn khôi phục thể lực, nếu bạn bị chuột rút thì cứ nằm ngửa ra và thả lỏng tuyệt đối sẽ giúp bạn qua cơn chuột rút, nhưng nếu bạn bị quá lạnh thì không nên nhé, nếu lạnh thì nên cố gắng vận động thì tốt hơn.

Nghỉ ngơi khi di chuyển

Nghỉ ngơi khi di chuyển: nghỉ ngơi khi di chuyển là tự điều chỉnh để không có những động tác thừa, thả lỏng những cơ không tham gia vào quá trình di chuyển không nằm trong khuôn khổ bài viết này (xem thêm bài: Các động tác kỹ thuật khác). Sự nghỉ ngơi đây là sự nghỉ ngơi thực sự có thể đưa ra hai trường hợp khi đang lặn xuống, và khi nổi lên.

Khi đang lặn xuống sau khi thực hiện động tác chúi đầu và vài nhịp chân nhái bạn sẽ rơi vào trạng thái rơi tự do, đây là lúc bạn có thể nghỉ ngơi, rơi vào trạng thái nghỉ bạn vừa tiết kiệm sức, kéo dài thêm thời gian lặn và che đậy bớt “sát khí”.

Bạn cũng có thể nghỉ ngơi khi bạn nổi lên, đến một độ cao nhất định bạn không cần bất cứ một cử động gì thì sức đẩy của nước cũng đẩy bạn lên, lúc này bạn có thể thả lỏng cơ thể nếu bạn không quá “hết hơi”. Nghỉ ngơi khi nổi lên còn giảm bớt được tai nạn chấn thương do thay đổi áp suất đột ngột nếu bạn vọt lên nhanh quá mặc dù nó rất ít xảy ra do lặn bắn cá thường không lặn quá sâu.

Bài tập này thường khó thực hiện trong hồ bơi vì không đủ độ sâu. Bài tập này được thực hiện như sau: chỉnh thắt lưng chì ở độ sâu thích hợp (tốt nhất khoảng 2m đến 3m) sau khi chúi đầu (hoặc thêm 1 lần đập chân nhái) bạn đạt đến trạng thái rơi tự do, chân tay, người ở tư thế bổ nhào (xem thêm: Kỹ thuật bổ nhào) cố gắng đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, cảm nhận sự thay đổi áp xuất, thực hiện cân bằng áp nếu cần thiết. Khi nổi lên đến khi cảm thấy nước có thể tự đẩy mình lên thì không đập chân nhái nữa và lập tức chuyển mình vào trạng thái nghỉ. Nếu bạn muốn luyện tập nhiều ở lúc nổi lên thì chỉnh cho thắt lưng chì ở độ sâu lớn hơn. Bạn có thể luyện tập kết hợp với kỹ thuật bổ nhào, nín thở, tăng độ sâu và cân bằng áp nhưng theo các huấn luyện viên thì nếu chủ đề của bài tập là gì thì nên tập trung vào nó. Bạn có thể kết hợp nó khi bạn lặn bắn cá thực sự.