Khi bạn lặn sâu áp suất bên ngoài tăng lên, tất cả bộ phận trên người bạn sẽ chịu ảnh hưởng của áp suất. Có bộ phận bị ảnh hưởng nhiều, có bộ phận bị ảnh hưởng ít, mức độ ảnh hưởng còn tuỳ thuộc vào mỗi người và tình trạng sức khoẻ của người đó. Về nguyên tắc những bộ phận nào trong người có chứa những khoảng không khí thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều, các cơ quan nào mong manh, nhậy cảm bị ảnh hưởng nhiều hơn những cơ quan khác.

Có những cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng đáng kể khi lặn

Những vị trí bị ảnh hưởng của áp suất khi lặn.

Các xoang mặt như xoang trán, mũi, mặt với đa số thì ảnh hưởng này không nhiều lắm. Nhưng đối với những người đang bị viêm xoang, đã từng bị bệnh hoặc bị tổn thương xoang có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Những ảnh hưởng này không có cách khắc phục, nếu bạn nào bị đau xoang khi lặn thì nên từ bỏ môn thể thao này.

Răng, các bệnh về răng cũng có thể làm bạn bị đau răng khi lặn, cách khắc phục duy nhất là chịu đau và đi bác sỹ chữa răng.

Phổi, chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nó chứa nhiều không khí nhất. Hầu hết đều cảm thấy tức ngực khi xuống sâu nhưng phổi có lồng ngực bảo vệ, nó lại có độ đàn hồi tốt nên đại đa số đều chịu được sức ép của nước đối với phổi. Cũng có nhiều người không chịu được, khi đó bạn cần đi bác sỹ để kiểm tra xem phổi của bạn có vấn đề gì không và lấy ý kiến của bác sỹ xem có nên chơi môn thể thao lặn hay không.

Dạ dày và ruột cũng vậy, bạn có thể cảm thấy buồn nôn nhưng nếu quen bạn sẽ thấy không còn vấn đề gì nữa.

Chỉ còn có tai, có lẽ tai không phải là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất mà là vì nó quá nhạy cảm với áp suất nên bạn cảm thấy nó bị tác động lớn nhất. Ai cũng bị ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng ngay lập tức ở những met lặn đầu tiên. Vì vậy để chịu đựng được áp suất cao ở độ sâu người ta phải thực hiện cân bằng áp cho tai, cũng có người không (có thể là do không biết, có thể là do họ bỏ qua) thực hiện cân bằng áp, họ chịu đựng đau, quen dần với phản ứng đau và cơ thể của họ có thể tự động cân bằng áp. Nhưng điều đó rất mạo hiểm và có hại, họ có thể bị thủng màng nhĩ, bị trấn thương tai và giảm thính lực. Và nói đến cân bằng áp cho lặn thì chủ yếu là nói về cân bằng áp cho tai. Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu một số phương pháp cân bằng áp cho tai, còn những tác động đến các bộ phận khác của cơ thể sẽ không nhắc đến nữa.

Những cơ quan có liên quan tới cân bằng áp cho tai

Các cơ quan có liên quan đến cân bằng áp cho tai

Ống tai ngoài (lỗ tai) là phần của tai tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nếu khi bạn ở trên cạn thì nó tiếp xúc với không khí. Nếu bạn lặn xuống nước có hai trường hợp xảy ra, thứ nhất nó không tiếp xúc trực tiếp với nước mà giữa nó và môi trường nước bên ngoài có một khoảng không khí, khoảng không khí này có thể tồn tại do mũ lặn khá kín tạo ra một bọc khí giữa mũ lặn và tai, một ít không khí tồn tại trong ống tai ngoài không thoát ra ngoài. Trường hợp này hay gọi là lỗ tai khô, khi bạn lặn, tắm xong không thấy nước chảy từ trong tai ra và cũng khỏi cần ngoáy tai bằng bông. Trường hợp thứ hai là nước tràn vào lỗ tai ngoài (thường thì vẫn còn một chút không khí) khi lặn hoặc tắm xong bạn nghiêng đầu sẽ thấy nước trong tai chảy ra, người ta thường gọi là lỗ tai ướt. Cho dù bất cứ trường hợp nào thì lỗ tai vẫn phải chịu áp suất từ môi trường bên ngoài tác động vào.

Màng nhĩ, là lớp ngăn cách giữa ống tai ngoài và khoang tai giữa. Nó là bộ phận rất nhạy cảm với áp suất và rất dễ bị tổn thương. Khi bình thường (lúc ở trên cạn) nó nằm ở vị trí cân bằng do áp suất của tai giữa và áp suất bên ngoài bằng nhau. Nhưng khi lặn áp suất bên ngoài tăng lên, áp suầt tai giữa lại không tăng do đó màng nhĩ bị ép vào trong làm người ta thấy đau tai, tất nhiên là ép quá sẽ thủng màng nhĩ luôn.

Tai giữa, là khoảng không phía sau màng nhĩ, bình thường thì áp suất trong đó bằng với áp suất bên ngoài, tai giữa nối thông với khoang miệng mũi qua ống tai trong.

Ống tai trong (eustache) hay còn gọi là vòi màng nhĩ, nó là một cái ống nối tai giữa với khoang mũi. Bình thường thì nó thắt lại ở giữa như một cái van, cứ khoảng 3 phút nó lại tự động mở ra một lần hoặc nó tự động mở khi ngáp hoặc thực hiện động tác nuốt. Chính vì vậy mà khi lặn xuống áp suất của tai giữa không thay đổi, trong khi áp suất phía bên ngoài tăng lên làm ống tai giữa lại càng thắt lại, đồng thời màng nhĩ bị ép vào trong đó là nguyên nhân đau tai. Khi nổi lên nó tự động mở ra do áp suất bên trong tai giữa lớn hơn bên ngoài, áp suất hai bên màng nhĩ được tự động cân bằng. Cái ống này rất nhạy cảm, nó có thể mở ra bằng nhiều phương pháp, tuỳ thuộc vào mỗi người mà cách mở ra nào thích hợp hơn. Mở ống này để thực hiện cân bằng áp suất hai bên màng nhĩ người ta gọi là cân bằng áp (compensation hay equalisation)

Bạn có thể hình dung một cách dễ hiểu như sau: tai giữa là cái săm xe đạp, ống tai trong là cái van, còn khoang mũi là cái bơm. Nếu bạn muốn tăng hơi lên cho săm bạn bơm hơi vào, tất nhiên lúc đó cái van sẽ mở ra (nếu nó không bị tắc) đây là phương thức chủ động. Nếu bạn chỉ muốn cho áp suất trong săm bằng với áp suất bên ngoài thì đơn giản, bạn chỉ cần nhấn đầu van (hoặc tháo van ra) cho bên trong và bên ngoài thông với nhau là xong, đây là phương pháp thụ động.

Mỗi người có cấu trúc ống tai trong khác nhau nên khả năng thực hiện cân bằng áp cũng khác nhau. Có những người có ống tai trong quá gấp khúc không thể thực hiện được động tác này.

Vòm miệng mềm: là một cánh cửa nằm giữa khoang mũi và khoang miệng. Nó thường nằm ở ba vị trí, ở vị trí trên nó đóng đường thông giữa khoang mũi và khí quản (chỉ có thể thở bằng mồm); ở vị trí trung gian nó mở tất cả các cửa, mũi, mồm có thể thông với nhau và đều thông với khí quản (bạn có thể thở bằng cả mũi và miệng); ở vị trí dưới nó đóng đường thông giữa khoang miệng và khí quản (chỉ có thể thở được bằng mũi).

Nắp thanh quản nằm ở đầu trên của khí quản, nó cũng là một cái cửa, ở vị trí mở nó mở khí quản làm cho phổi có thể thông khí lên mũi và miệng (đồng thời đóng thực quản), ở vị trí đóng nó đóng khí quản không cho không khí lưu thông.

Các bộ phận khác như: lưỡi, khoang miệng, khoang mũi, khí quản, quai hàm. Đều có tham gia vào quá trình cân bằng áp tôi sẽ nói tới tác dụng của nó khi phân tích các phương pháp cân bằng áp cụ thể.

Phân loại các phương pháp cân bằng áp

Xin giải thích thêm một chút, các phương pháp cân bằng áp sau này đều là cân bằng áp cho tai nên tôi gọi tắt là cân bằng áp. Dù là dùng phương pháp gì thì cân bằng áp cũng là các kỹ thuật dùng để mở chỗ thắt của ống tai trong đưa không khí vào (và trong trường hợp đặc biệt là ra) tai giữa để cân bằng áp suất hai bên màng nhĩ. Người ta có thể phân biệt các phương pháp thành 2 loại, loại chủ động và loại thụ động.

Loại chủ động (actives hay còn gọi là compensation) là những phương pháp ép không khí ở khoang mũi làm cho áp suất ở đây cao hơn, cưỡng bức mở ống tai trong và đẩy không khí vào tai giữa thực hiện cân bằng áp. Các phương pháp này được sử dụng nhiều do dễ thực hiện hơn.

Loại thụ động (passives hay equalisation) là dùng sự chuyển động của các cơ trên mặt, cổ, quai hàm làm ống tai trong tự động mở ra giống như khi ngáp hoặc nuốt. Các phương pháp này có hiệu quả cao nhưng rất khó luyện tập.

Người ta còn phân chia các phương pháp cân bằng áp theo tiêu chí lặn xuống và nổi lên, có những phương pháp chỉ dùng cho lặn xuống như Valsalva và Frenzel, có những phương pháp chỉ dùng cho lúc nổi lên như Toynbee. Các phương pháp thụ động có thể thực hiện cho cả khi lên và xuống.

Còn có các kỹ thuật hỗ trợ cho các phương pháp cân bằng áp (chủ yếu là cho phương pháp Frenzel) cho những người lặn nâng cao (sâu hơn 25m).

Một thứ nữa cần phải cân bằng áp đó là kính lặn, trong bài này tôi cũng sẽ giới thiệu về cân bằng áp cho kính lặn.

Các phương pháp cân bằng áp

Có hai phương pháp cân bằng áp hay sử dụng nhất đối với dân lặn bắn cá là phương pháp Valsalva và phương pháp Frenzel đều là hai phương pháp chủ động. Còn các phương pháp khác: khó luyện tập, ít người tập được, dùng cho những người cần nâng cao độ sâu cho nên tôi không giới thiệu nhiều. Hai phương pháp cân bằng áp Valsalva và Frenzel sẽ được bổ xung thêm trong các bài về luyện tập các phương pháp này là “Phương pháp cân bằng áp Valsalva” và “Phương pháp cân bằng áp Frenzel”. Trong bài này chủ yếu là so sánh giữa hai phương pháp.

Phương pháp cân bằng áp Valsalva

Phương pháp Valsalva, đây là phương pháp hay dùng nhất, phương pháp này do bác sỹ giải phẫu người Ý tên là Antonio Maria Valsalva phát minh ra năm 1740. Phương pháp này thực hiện như sau: bóp mũi bằng ngón tay trỏ và tay cái, miệng cũng ngậm chặt, thở mạnh ra đằng mũ, hơi thở từ phổi thông qua khí quản, khoang mũi, ống tai trong làm mở chỗ thắt đưa hơi (làm tăng áp suất) vào tai giữa. Khi bạn nghe thấy tiếng “bục” nhẹ trong tai là đã thực hiện thành công.

Những vấn đề cần quan tâm đến phương pháp Valsalva:

Không bao giờ thổi hơi quá mạnh, nếu bạn thổi hơi để cân bằng áp quá mạnh có thể bạn sẽ bị rách màng nhĩ từ bên trong (giống như bơm xe quá căng). Để thổi hơi đúng bạn phải luyện tập và luyện tập đúng cách.

Nhược điểm của phương pháp này là: nếu ống bị khoá do bẩm sinh, do bị nghẹt thì không thể thực hiện được, nếu vội vàng thổi ra quá mạnh có thể bị chấn thương từ phía trong ra.

Các động tác cân bằng áp Valsalva không được liên tục như các phương pháp khác cho nên mỗi lần cân bằng áp màng nhĩ bị đàn hồi với biên độ lớn, lâu ngày sẽ gây nên kém thính lực.

Khi xuống sâu, thể tích khí trong phổi bị nén lại còn rất nhỏ nên nó rất quý báu đối với thợ lặn mà mỗi lần cân bằng áp Valsalva là sẽ tốn một chút lượng khí dự trữ quý báu đó.

Ở độ sâu lớn (trên 20m) do áp suất bên ngoài quá lớn, làm không khí trong phổi bị ép nhỏ lại không đủ để “bơm” lên mũi, các ống tai trong có thể không mở được.

So sánh hai phương pháp Valsalva và Frenzel

Phương pháp cân bằng áp Frenzel

Phương pháp cân bằng áp Frenzel được Hẻmann Frenzel một bác sỹ tai mũi họng người Đức phát minh ra năm 1938 trong chiến tranh thế giới thứ 2, dạy cho các phi công ném bom. Phương pháp này còn có một tên gọi nữa là phương pháp Marcan-Odaglia do người sáng lập ra môn lặn biển người Ý tên là Duilio Marcante và giáo sư về khoa chấn thương do áp suất cũng người Ý tên là Giorgio Odaglia đưa ra. Thực sự ai là chủ nhân của phương pháp này tôi cũng không biết nữa, nhưng do người ta hay gọi là phương pháp Frenzel hơn nên tôi cũng lấy tên này cho nó thông dụng.

Phương pháp cân bằng áp Frenzel cũng là một phương pháp cân bằng áp chủ động (xem thêm bài: Phương pháp cân bằng áp Frenzel). Khác với Valsalva, phương pháp Frenzel không ép không khí trong khoang mũi bằng hơi được đẩy thẳng từ phổi lên khoang mũi mà nó dùng lưõi như một cái piston ép không khí ở khoang miệng lên. Có thể hình dung cách khác, với phương pháp Valsalva phổi, khí quản, khoang mũi thông với nhau, dùng lực ép của phổi (cơ hoành, cơ lồng ngực) để ép không khí. Với phương pháp Frenzel khí quản bị nắp thanh quản khoá lại nên phổi bị tách biệt ra không tham gia vào quá trình nén khí, tham gia vào nén khí chỉ có lưỡi và đôi khi có thêm sự hỗ trợ của má, lượng không khí để nén cũng chỉ là lượng không khí trong khoang miệng không liên quan gì tới không khí trong phổi.

Các ưu điểm của phương pháp cân bằng áp Frenzel so với phương pháp Valsalva:

Do chỉ sử dụng lượng không khí trong khoang miệng nên tiết kiệm được không khí hơn, tuy nhiên điều này cũng còn gây tranh cãi vì cần bao nhiêu không khí đưa vào tai giữa để đủ cân bằng áp thì phương pháp nào cũng như nhau không có phương pháp nào tiết kiệm hơn. Cũng có thể tiết kiệm hơn nếu thực hiện cân bằng áp khô trước khi chúi đầu sau đó hít sâu và nén thêm một ngụm không khí vào miệng để dùng cân bằng áp Frenzel, nhưng vẫn là nhưng nếu thay vì nén nó ở miệng bạn nén nó ở phổi thì khi cần đưa lên miệng cũng không sao. Lại một lý luận nữa cho rằng thay vì ngậm một ngụm không khí ở miệng để thức hiện cân bằng áp Frenzel để lãng phí lượng ôxy trong đó (vì mồm không hấp thụ được ôxy) thì thà là nén nó ở phổi thì tốt hơn, việc ngậm một lượng không khí ở mồm rất dễ bị thoát ra ngoài, lại vừa mỏi mồm, với nhiều người thì cũng rất khó chịu. Một lý do nữa về vấn đề tiết kiệm khí là khi dùng phương pháp Valsalva do lực ép lên mạnh (thường là một phát một) nên có thể thừa làm lọt khí ra ngoài. Rất nhiều người áp dụng kiểu pha trộn, bình thường giữ khí ở phổi, khi cần thì đưa lên miệng áp dụng Frenzel.

Một ưu điểm khác của phương pháp Frenzel là việc cân bằng áp êm dịu hơn, thường là không thể làm cái một là xong, phải làm vài lần ép lưỡi mới OK chính vì vậy áp suất trong khoang mũi tăng lên từ từ sẽ bớt nguy hiểm hơn rất nhiều, đây là ưu điểm quan trọng nhất của phương pháp này. Nhưng, lại là nhưng cân bằng áp dùng cho thợ lặn nhưng thợ lặn thì lại làm nhiều việc khác nhau, có người lặn vì thành tích (freedive), có người lặn để chụp ảnh, còn chúng ta thì lặn để bắn cá. Với các mục đích lặn khác ví dụ với lặn tự do (freedive) họ sẽ xuống từ từ và dều, tay họ cũng chẳng cần cầm cái gì cả, họ sẵng sàng để một tay lúc nào cũng bóp mũi để họ có thể liên tục thực hiện cân bằng áp. Còn với dân lặn bắn cá, ít nhất cũng phải để một tay để cầm súng tay kia có thể cũng không rảnh để lúc nào cũng đặt lên mũi, trừ áp dụng kỹ thuật bổ nhào (xem bài : Kỹ thuật bổ nhào), các kỹ thuật khác đa số bạn bơi ngang hoặc nằm một chỗ (xem các bài: Kỹ thuật tìm kiếmKỹ thuật phục kích) lúc đó bạn không còn cần cân bằng áp nữa.

Một ưu điểm khác của phương pháp Frenzel là nó thích hợp ở độ sâu lớn. Nếu bạn luôn muốn vượt qua những độ sâu lớn (trên 20m) vậy thì bạn phải luyện tập phương pháp cân bằng áp này bởi vì bắt đầu từ độ sâu này (có thể thay đổi từ 20-40m tuỳ theo người) bạn không thể ép hơi từ phổi lên miệng nữa mà dù có ép được lên nếu bạn dùng phương pháp Valsalva thì lượng không khí này cũng bị hút trở lại phổi không đủ sức mở ống tai trong, vì vậy trước lúc đó bạn phải dự trữ một ngụm không khí ở miệng và thực hiện phương pháp Frenzel.

Nhược điểm lớn nhất của phương pháp Frenzel so với Valsalva là: khó luyện tập.

Phương pháp cân bằng áp BTV

Các cơ quan tham gia mở ống tai trong

BTV là chữ viết tắt của “Béance tubaire Volontaire” trong tiếng Pháp hay VTO viết tắt của “Voluntary Tubal Opening” tất cả đều dịch là tự động mở ống tai giữa dịch hay hơn là tự động cân bằng áp (đấy là tôi dịch chẳng biết có đúng không). Phương pháp này do bác sỹ người Pháp tên là Georges Delonca phát minh ra. Nội dung của phương pháp này là sử dụng các cơ trên mặt để mở chỗ thắt ống tai trong không cần phải ép hơi từ phổi cũng không cần phải ép lưỡi, việc cân bằng áp diễn ra tự động theo phản xạ. Thực hiện nó giống như động tác ngáp, quai hàm hạ xuống thật thấp. Nghe thì ngon nhưng không phải dễ, đây là phương pháp rất khó truyền đạt cũng rất khó học, chỉ có 30% trong số người học có thể áp dụng được, và không phải ai cũng có thể áp dụng được một cách trọn vẹn. Không có phương pháp rèn luyện trực tiếp chỉ có cách rèn luyện các cơ quan có liên quan để tạo phản xạ có điều kiện.

Đây là phương pháp cân bằng áp thụ động bạn có thể áp dụng cho lúc lặn xuống và cả lúc nổi lên nổi lên.

Đây là phương pháp cân bằng áp nâng cao, các bạn có thể tập qua nếu thấy khó thì thôi vì nó không cần thiết lắm cho môn thể thao lặn bắn cá (xem bài: Phương pháp cân bằng áp BTV)

Phương pháp cân bằng áp Toynbee

Đây là phương pháp ngược với phương pháp cân bằng áp Valsalva. Thực hiện phương pháp này cũng bằng cách bóp mũi, nhưng thay vì thổi ra bạn phải hít vào bằng mũi. Khi thực hiện phương pháp này áp suất trong khoang mũi sẽ giảm (áp suất ở tai giữa sẽ cao hơn) làm ống tai trong mở ra, hút không khí ở trong tai giữa vào khoang mũi. Phương pháp cân bằng áp này thực hiện khi áp suất bên ngoài thấp hơn áp suất trong tai giữa (chính là lúc nổi lên). Phương pháp này cũng có thể thành công bằng cách bịt mũi và nuốt nước bọt, hoặc là nuốt khan, động tác nuốt sẽ tạo chân không trong khoang miệng cũng có tác dụng như hít vào. Đây là phương pháp cân bằng áp chủ động.

Lưu ý: Không bao giờ thực hiện phương pháp Toynbee khi lặn xuống

Không phải lúc nào cũng cần thực hiện cân bằng áp bằng phương pháp Toynbee, với người bình thường ở trạng thái sức khoẻ tốt khi nổi lên ống tai trong sẽ tự động mở ra. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt nào đó nó bị nghẹt (nhiều chất nhầy, bị sức ép bên ngoài ép đương ống, áp suất bên trong tai giữa không đủ cao) thì bạn mới phải dùng biện pháp này. Nếu phải dùng phương pháp này liên tục thì bạn cần xem xét lại việc tạm thời nghỉ lặn và đi bác sỹ. Người ta có thể dùng viên bi bóng bay để luyện tập cho phương pháp Toynbee và phương pháp Valsalva.

Phương pháp nuốt nước bọt

Đây là phương pháp cân bằng áp dễ nhất, giống như bạn bị ù tai khi đi máy bay. Bạn chỉ cần nuốt nước bọt nhưng nhớ là không bịt mũi nhé. Đây là phương pháp cân bằng áp thụ động nhưng đôi khi rất hiệu dụng đối với nhiều người, có rất nhiều người chỉ cần dùng phương pháp này là được. Ngay cả những người lặn sâu cũng hay dùng phương pháp này kết hợp với các phương pháp chủ động khác. Với dân lặn bắn cá thường xuống không quá sâu, khi họ đã quen thuộc với một độ sâu nào đó thì họ chỉ cần dùng phương pháp này là đủ. Ví dụ bạn đã thường xuyên lặn tới 12m, vậy thì khi bạn lặn ở 6m bạn có thể chỉ cần nuốt nước bọt, hoặc có thể chẳng làm gì cả bạn cũng không cảm thấy đau tai. Ưu điểm nữa của phương pháp này là tay của bạn được tự do.

Phương pháp cân bằng áp bằng nước

Phương pháp này cực kỳ khó và nguy hiểm lại rất dễ gây nên bệnh viêm tai giữa nên các bạn không nên thực hiện. Với phương pháp này thay vì dùng không khí đưa vào tai giữa họ lại dùng nước đưa vào tai giữa để cân bằng áp, thường thì lúc đó hai bên màng nhĩ đều là nước. Thực hiện phương pháp này thợ lặn không đeo kính lặn, mũi có thể hút nước vào miệng. Để cân bằng áp được đòi hỏi thợ lặn phải rất rất thành thạo điều khiển vòm miệng mềm và nắp thanh quản, có thể khoá triệt để nắp thanh quản không cho nước đi xuống phổi. Lợi thế của phương pháp này là không phải tốn tí không khí nào để cân bằng áp cả. Họ cũng không dùng kính lặn nên không cần phải cân bằng áp kính lặn. Chỉ có những vận động viên chuyên nghiệp muốn phá kỷ lục về độ sâu mới sử dụng phương pháp này, với chúng ta thì chỉ nên đọc cho biết thôi.

So sánh các phương pháp

ValsalvaNuốt nước bọtFrenzelToynbeeBTV
MũiBópKhông bópBópBópKhông bóp
MồmNgậmNgậmTự doNgậmTự do
Nắp thanh quảnMởĐóngĐóngĐóngTự do
Động tácThổi bằng mũiNuốt nước bọtÉp bằng lưỡiNuốt nước bọtNgáp
Kết quảÉp khí vào tai giữaCân bằng tai giữaÉp khí vào tai giữaGiảm áp tai giữaCân bằng tai giữa
Luyện tậpDễRất dễHơi khóDễRất khó
An toànTrung bìnhTrung bìnhTốtTốtRất tốt

Kỹ thuật mouth-fill

Kỹ thuật mouth-fill (bouche-pleine) hay còn gọi là kỹ thuật Frenzel- Fattah. Đây không phải là một phương pháp cân bằng áp, nó là một kỹ thuật nâng cao nhằm hỗ trợ cho phương pháp cân bằng áp Frenzel (xem thêm bài: Phương pháp cân bằng áp Frenzel). Khi xuống đến một độ sâu nhất định (khoảng 25m), các phương pháp cân bằng áp không còn tác dụng nữa do không thể đưa không khí từ phổi lên miệng. Vì vậy phải dự trữ một ngụm không khí ở miệng để thực hiện cân bằng áp Frenzel, kỹ thuật dự trữ đó gọi là kỹ thuật mouth-fill. Đây là kỹ thuật áp dụng cho những người cần lặn sâu, đối với dân lặn bắn cá thì không cần thiết lắm các bạn có thể bỏ qua.

Các vị trí khoá lưỡi của phương pháp Frenzel

T-lock, K-clock hay H-clock

Nếu bạn nào đã đọc về phương pháp Frenzel chắc sẽ lưu tâm tới phương pháp khoá lưỡi T-lock, K-lock và H-lock. Tôi xin giải thích sơ qua về vấn đề này để các bạn khỏi phải mất công tìm hiểu, khỏi phải đi lòng vòng trong một mớ những kỹ thuật rắc rối. Tất cả các kỹ thuật T,K,H đều chỉ là vị trí khác nhau của lưỡi trong phương pháp Frenzel mà thôi. Xin nhắc lại một chút về kỹ thuật khoá lưỡi, dùng lưỡi và vòm miệng kín làm thành một cái khoá nhốt không khí ở trong vòm miệng, khí quản và khoang mũi. Lượng không khí bị nhốt này phụ thuộc vào vị trí của lưỡi tại thời điểm khoá. T-lock là lưỡi nằm ở vị trí như khi phát âm chữ “T” (giống chữ “tờ” trong tiếng Việt thì phải), vị trí này đầu lưỡi nằm sau răng cửa trên sát với nướu của răng, không khí bị nhốt bằng đầu lưỡi và vòm miệng cứng lượng không khí bị nhốt phía trong lưỡi khoảng 250ml. K-lock lưỡi nằm ở vị trí khi phát âm chữ “K” (giống như chữ “cờ” trong tiếng Việt), vị trí này phần giữa của của lưỡi sát với vòm miệng cứng, không khí được khoá bằng phần giữa của lưỡi và vòm miệng, thể tích không khí bị khoá khoảng 180ml. H-lock lưỡi nằm ở vị trí khi phát âm chữ “H” (giống như chữ “hờ” trong tiếng Việt), ở vị trí này phần cuối của lưỡi nâng cao gần sát với vòm miệng mềm tạo thành cái khoá, thể tích không khí bị khoá khoảng 120ml. Các kỹ thuật khoá này chỉ quan trọng đối với những người cần lặn sâu (trên 25m) khi họ quan tâm đến lượng khí dự trong miệng để thực hiện cân bằng áp Frenzel, các bạn chỉ cần đọc cho biết là được.

Kỹ thuật cá chép

Kỹ thuật cá chép

Kỹ thuật này còn gọi là kỹ thuật nén khí vào phổi (xem thêm bài: Phương pháp cân bằng áp Frenzel). Đây là một kỹ thuật khá quan trọng trong luyện tập tĩnh nhằm tăng khả năng chứa của phổi. Hy vọng khi viết về phần này tôi sẽ giải thích rõ hơn. Kỹ thuật này có thể mô tả như sau: bạn đã hít đầy phổi, bạn không thể dùng các cơ liên quan tới hô hấp như cơ hoành hoặc cơ liên xườn để hít thêm nữa. Bạn nuốt vào từng ngụm khí vào miệng, bạn dùng các cơ của miệng để nén ngụm không khí đó vào phổi, sau đó lại tiếp tục cho đến không chịu được nữa thì thôi. Khi thực hiện kỹ thuật này mồm của bạn sẽ mở ra khép vào như con cá chép (tôi thấy nó giống con cá vàng trong bể cá hơn) vì vậy gọi là kỹ thuật cá chép (carpe). Kỹ thuật này còn có một biến tướng gọi là kỹ thuật cá chép ngược, thay vì nén khí vào lại dùng để rút từng ngụm khí trong phổi ra trong trường hợp xuống quá sâu (trên 25m) để thực hiện phương pháp Frenzel.

Cân bằng áp cho kính lặn

Phương pháp cân bằng áp kính lặn

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cân bằng áp kính lặn tại bài “Kính lặn“. Khi bạn lặn xuống áp suất nước bên ngoài ép lên kính lặn làm nó ép sát vào mặt làm cho bạn rất khó chịu, mắt có thể bị lồi ra nhìn mọi vật không chân thật, bạn có thể bị buồn nôn, v.v.Vì lý do đó bạn phải cân bằng áp cho kính lặn. Phương pháp cân bằng áp là thổi hơi qua mũi vào kính lặn để cân bằng áp. Cũng như với tai giữa bạn có thể thổi hơi bằng phương pháp Valsalva (trực tiếp từ phổi) hoặc phương pháp Frenzel (ép hơi bằng lưỡi), nhưng nhớ lưu ý là không bóp mũi lại nhé. Với cân bằng áp cho kính lặn bạn cần có một số lưu ý sau:

Bạn có thể luyện tập khô bằng cách úp kính lặn lên mặt không đeo dây, hít vào một chút, khoá vòm miệng mềm lên trên, sau đó hít thở bằng mồm và bảo đảm là áp suất trong kính không thay đổi (không lọt tí hơi nào từ bên ngoài cũng như từ mũi). Tiếp tục rút thêm một chút nữa, rồi thở ra hít vào bằng miệng, thực hiện cho tới khi mặt kính sát vào mũi. Thực hiện thổi ra từng chút một, ngưng lại hít thở bằng mồm, lại thổi ra một chút cho tới khi kính rơi ra khỏi mặt.

Dùng kính lặn có không gian phía trong kính càng nhỏ càng tốt để tiết kiệm không khí thổi vào. Phần cao su trùm mũi phải đủ lớn để không bị bịt mũi.

Không bao giờ được xiết chặt dây quá, những bạn mới lặn thường hay xiết chặt dây vì sợ nước lọt vào. Điều này có thể đúng nếu bạn bắn cá nước cạn (bạn hầu như không phải lặn), nhưng nếu cần lặn thì đó là sai, khi bạn lặn xuống cộng với áp suất của nước sẽ làm kính bị ép vào nhanh hơn.

Bạn có thể ăn gian được một chút trước khi chúi đầu, khi ở trên mặt nước bạn không thiếu không khí, hãy làm đầy kính lặn tới mức có thể trước khi lặn xuống bạn sẽ tiết kiệm được không khí, kéo dài được thời gian cân bằng áp, nếu sợ đầy khí quá sẽ bung ra thì lấy tay giữ kính khi chúi đầu. Bởi vậy nhiều khi kỹ thuật chúi đầu trên lý thuyết sẽ bị thay đổi trong thực tế (xem thêm bài: Các động tác kỹ thuật khác). Trong thực tế khi chúi đầu không có tay nào rảnh cả, một tay cầm súng một tay giữ kính lặn, sau khi chúi đầu thường là kính lặn đã được ép vào không cần phải giữ nữa, bạn có thể dùng để bóp mũi hoặc làm cái gì đó. Tuy nhiên kỹ thuật ăn gian cũng cần phải luyện tập mới có kết quả.

Không cân bằng áp quá trễ, nếu bạn để kính lặn bị ép đến điểm liệt của kính thì cân bằng áp không còn tác dụng nữa hoặc là bạn sẽ bị lãng phí rất nhiều không khí thổi ra ngoài. Việc xác định điểm liệt của kính lặn có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng đó là thời điểm cân bằng áp không còn tác dụng, có người cho là đó là thời điểm joan cao su biến dạng để cho nước tràn vào, có người cho rằng đó là thời điểm không nhìn rõ được nữa. Cái đó thực ra không quan trọng, với cái mặt nạ quen thuộc, với thói quen của bạn bạn sẽ tìm ra điểm liệt thích hợp cho bạn. Hãy cân bằng áp trước khi đến điểm liệt.

Cân bằng áp sớm hay muộn, một vấn đề cũng có nhiều người tranh cãi. Tôi cân bằng sớm bởi vì, lúc nào kính lặn của tôi cũng ở trạng thái tốt nhất, tôi không bị ép đến mức choáng váng, tôi luôn luôn nhìn mọi vật một cách rõ ràng, tôi không bao giờ lo sợ kính lặn bị rơi vào điểm liệt. Tôi cân bằng muộn bởi vì tôi giữ thêm được một ít không khí trong phổi, tôi đang ở dưới nước tất nhiên là không thoải mái như trên cạn, tầm nhìn ư? ở một mức nào đó không ảnh hưởng đến tôi, điểm liệt ư? tôi luôn luôn quen thuợ với nó. Còn bạn? không có lời khuyên chính xác trong trường hợp này.

Người ta còn có thể cân bằng áp kính lặn và cân bằng áp cho tai cùng một lúc, dùng phương pháp Frenzel ép không khí lên khoang mũi mà không bịt mũi. Một phần không khí được đẩy qua lỗ mũi cân bằng áp cho kính lặn, một phần ép vào tai giữa. Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp bạn được tự do một tay. Nhược điểm của nó là không phải ai cũng thực hiện được do điểm cân bằng áp của kính lặn và tai không giống nhau, ví dụ như kính lặn đã cân bằng áp trong khi tai vẫn chưa “bụp” nếu tăng thêm nữa có thể làm lọt khí ra ngoài, trường hợp ngược lại cũng thể xảy ra. Vì vậy khi áp dụng bạn phải tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể của mình mà linh hoạt cho phù hợp.

Để cân bằng áp kính lặn có hiệu quả (không bị lọt khí ra ngoài) bạn nên dùng phương pháp Frenzel, cũng có nhiều người vẫn dùng Valsalva nhưng áp dụng kỹ thuật bơm lên từng chút một. Lợi thế của kỹ thuật bơm lên từng chút một là tiết kiệm được không khí trong phổi, giữ cho áp suất khoảng không bên trong của kính lặn ở mức phù hợp với bạn (vẫn thấp hơn bên ngoài, nhưng không ảnh hưởng lớn).

Tóm lại, cân bằng áp kính lặn là bài toán cân bằng giữa tiết kiệm không khí và yêu cầu sử dụng, bạn hãy lựa chọn cho phù hợp với mình.

Lưu ý thêm rằng không nên áp dụng bài toán này với cân bằng áp tai vì bảo vệ tai là vấn đề rất quan trọng phải được đưa lên hàng đầu.

Những vấn đề cần lưu ý khi cân bằng áp

Không bao giờ được để tai quá đau, mặc dù bạn có thể chịu đựng được nhưng rất nguy hiểm và có hại. Nguy hiểm vì bạn có thể bị rách màng nhĩ và dẫn đến điếc, có hại vì màng nhĩ bị căng quá có thể bị tổn thương, bạn có thể bị mắc bệnh ù tai, bị giảm thính giác, có thể bị đau tai vài ngày hoặc lâu hơn. Vì vậy khi cảm thấy hơi đau là bạn phải thực hiện cân bằng áp ngay, nếu bạn nào mới học lặn thì từ 1m đến 2m là bạn đã phải thực hiện cân bằng áp rồi (xem thêm bài: Các bài tập lặn), với các bạn lặn đã có kinh nghiệm thì chắc là biết được đến thời điểm như thế nào thích hợp để cân bằng áp.

Không bao giờ vượt cực hạn mà không có chuẩn bị. Tôi xin giải thích: bạn đã từng lặn tới độ sâu 10m, bạn đã quen thuộc với độ sâu này, bạn muốn vượt cực hạn của mình để tới độ sâu 12m. Không bao giờ làm điều đó nếu không có chuẩn bị ví dụ: sử dụng phao neo, lặn trong hồ bơi chuyên dụng, quan trọng nhất là phải thực hiện với sự giám sát của người khác, không được thực hiện một mình nhất là ở những độ sâu 20m bởi vì ngoài việc sức chịu đựng của tai còn có nguy hiểm của những tai nạn khác do áp suất và ngất do thiếu oxy. Sau khi quen với độ sâu này mới được thực hiện trong khi lặn thực tế, hãy ghi nhớ cảm giác của mình hoặc sử dụng đồng hồ để hiết độ sâu giới hạn của bạn (xem thêm bài: Đồng hồ lặn Mares). Lời khuyên quan trọng là: hãy nổi lên trước giới hạn của mình 1m.

Phải thực hiện liên tục, việc cân bằng áp không chỉ thực hiện một lần, khi càng xuống sâu càng phải làm nhiều lần. Nói cho dễ hiểu là cứ hơi đau tai là lại cân bằng áp.

Nếu không thực hiện được, như không nghe thấy tiếng “bục” nhỏ trong tai, không thấy hết đau tai thì làm lại. Nếu làm lại mà không được thì lập tức nghỉ lặn vì như vậy là cơ thể bạn đã có vấn đề. Hãy nghỉ “khoẻ” một vài ngày rồi đi lặn lại hoặc là đi bác sỹ.

Những ảnh hưởng đến cân bằng áp: nếu bạn bị ngạt mũi, mũi có nhiều chất nhầy điều đó có nghĩa là trong đường ống tai trong cũng có nhiều chất nhầy, chúng có thể làm tắc đường ống. Vì vậy khi bạn bị cảm cúm, xổ mũi, dị ứng có thể bạn không thực hiện được hoặc khó cân bằng áp. Ăn sữa có thể sinh ra chất nhầy, thuốc lá và rượu kích thích sinh ra chất nhầy, vì vậy hạn chế được thì nên hạn chế. Khi lặn xuống nếu không vì một lý nào khác, bạn nên hạn chế tư thế ngửa cổ ra đằng sau, nó sẽ gây ra nghẽn mạch máu đưa maú lên não và cũng làm giảm hiệu quả của động tác cân bằng áp. Những bộ đồ lặn quá bó (nhất là phần cổ) cũng có thể gây ra khó khăn cho việc cân bằng áp. Đôi găng tay quá dầy có thể gây khó khăn cho bạn trong động tác bóp mũi.

Lưu ý hiện tượng bị khoá ngược, bình thường thì khi áp suất khoang tai giữa nhỏ hơn áp suất bên ngoài (khi bạn lặn xuống) thì bạn phải cưỡng ép mở thông ống tai trong để đưa hơi trong miệng lên thực hiện cân bằng áp. Nhưng khi áp suất khoang tai giữa lớn hơn áp xuất bên ngoài (khi bạn nổi lên) ống tai trong sẽ tự động mở ra, bạn không cần phải làm động tác gì tai của bạn sẽ tự động được cân bằng áp. Nhưng vì một lý do nào đó ví dụ như, đường ống tai trong quá nhiều chất nhầy bị tắc, áp suất bên ngoài quá cao ép vào da thịt làm ống mở không được hoặc mở không đủ (giống như van xe bị hỏng, không xì được hơi) lúc đó bạn bị khoá ngược, tình trạng này rất nguy hiểm, hãy nổi lên thật chậm để giảm áp lực từ từ, Không bao giờ thực hiện cân bằng áp theo phương pháp Valsalva và Frenzel khi nổi lên, bạn có thể thực hiện các phương pháp cân bằng áp khác như nuốt nước bọt, chuyển động quai hàm. Sau đó hãy giảm độ sâu lặn và tốt nhất là nghỉ vài bữa nếu đây là tình trạng xảy ra bất ngờ.

Lời khuyên của những người có kinh nghiệm: hãy cân bằng áp trước khi lặn còn gọi là cân bằng áp khô, làm cho tai của bạn “bục” vài cái trước khi xuống nước hoặc trước khi làm động tác chúi đầu. Lý do, áp suất tai giữa tăng lên trước được một chút, màng nhĩ được khởi động trước khi xuống sâu sẽ dễ chịu hơn (không phải ai cũng vậy), cân bằng khô bạn không cần dùng không khí trong phổi. Khi lặn xuống đợi đến thời điểm thích hợp mới cân bằng áp (không cân bằng áp quá sớm), lý do, để phổi tận dụng hết ôxy trong không khí trong phổi, kinh nghiệm này hơi mâu thuẫn với các chú ý khác, áp dụng hay không là lựa chọn của bạn.

Một lời khuyên nữa: Hãy cố gắng luyện tập tất cả các phương pháp sau đó lựa chọn những phương pháp thích hợp nhất cho mình. Không nên thấy người ta nói phương pháp này rất khó nên không tập. Có những người chỉ mất vài lần thử là làm được trong khi những người khác thì không thể tập được. Nên luyện tập một cách cẩn thận vì tai rất nhạy cảm rất dễ bị tổn thương. Khi áp dụng thực tế nên áp dụng những phương pháp nào mình thành thạo nhất và sử dụng nhiều phương pháp kết hợp. Hãy nhớ chuyên tốt hơn đúng, khi luyện tập bạn sẽ thấy động tác của bạn không hoàn toàn đúng theo lý thuyết, bạn dùng cách khác, cách của bạn có vẻ lai từ cách này sang cách khác, không sao miễn là cách đó dễ cho bạn và tai của bạn “bục” là được.

Một kinh nghiệm nhỏ: Với đại đa số, nếu bạn để bọc khí trong mũ lặn, do mũ lặn của bạn quá kín chẳng hạn. Tức là giữa mũ lặn và tai của bạn có không khí thì bạn sẽ nhanh bị đau tai hơn vì vậy người ta thường đổ đầy nước vào trong mũ lặn để tránh bị bọc khí. Đổ đầy khá đơn giản, ngụp đầu xuống hé mũ lặn cho hơi thoát ra nước tràn vào là được. Còn có nhiều người canh ngay vị trí lỗ tai hơ nóng cái dùi đục một lỗ trên mũ lặn là được. Đấy là kinh nghiệm bạn cần phải thử và lựa chọn.

Lời khuyên cho các amateur, với các bạn chỉ vui lên thử một tí thôi tôi có lời khuyên sau. Thực hiện phương pháp Valsalva, rất dễ chỉ 10 phút là được, khi lặn xuống cứ nuốt nước bọt, không còn nước bọt thì nuốt khan, chuyển động quai hàm hạ xuống (như khi ngáp), hạ xuống và chuyển động sang hai bên. Tuy nhiên nếu luyện tập bài bản và có hướng dẫn thì tốt hơn.

Những gợi ý cho bạn khi cân bằng áp tai có vấn đề:

Xoa một ít dầu nóng xung quanh tai, các vị trí xoang mũi, xoang trán và phía dưới mũi trước khi lặn khoảng 30 phút, xoa đều và nhẹ sau đó cứ để cho dầu ngấm vào trong. Trước khi lặn làm sạch đường hô hấp bằng cách há mồm hét một tiếng A, xì mũi thật mạnh (từng lỗ mũi một nhé).

Nếu lặn xuống vài met mà vẫn không thực hiện được cân bằng áp thì nổi lên mặt nước, tháo kính lặn ra, làm sạch đường hô hấp lần nữa sau đó thử lại.

Tuyệt đối không lặn tiếp nếu không thực hiện được cân bằng áp.