
BTV là viết tắt của cụm từ (Béance Tubaire Volontaire) có thể được dịch như sau: tự động đóng, mở ống tai trong. Tiếng Anh là VTO viết tắt của cụm từ (Voluntary Tubal Opening). Phương pháp này do bác sỹ người Pháp tên là Georges Delonca đưa ra năm 1980.
Các cơ quan liên quan tới phương pháp cân bằng áp BTV

Xin nhắc lại một chút về các cơ quan của tai liên quan đến quá trình cân bằng áp của tai (xem thêm bài: Cân bằng áp). Việc cân bằng áp của tai thực ra vẫn diễn ra hàng ngày đối với mỗi người, ống tai trong luôn luôn tự động mở ra sau mỗi 3 phút (con số này có thể không chính xác), hoặc khi ngáp, khi nuốt thực hiện cân bằng áp hai bên màng nhĩ. Bình thường thì nó đóng lại để ngăn chặn không khí, chất nhầy, vi khuẩn từ khoang miệng, khoang mũi lọt vào làm nhiễm trùng tai giữa. Một chức năng nữa của sự đóng mở ống tai trong là cách ly phần nào tiếng ồn phát ra trong miệng (ví dụ như khi nhai, nuốt) đối với màng nhĩ. Sự cân bằng này là do các cơ trên mặt kéo mở ống tai trong theo phản xạ tự nhiên của cơ thể, sự đóng mở này không do một tác động bên ngoài nào gây ra nên gọi là sự đóng mở thụ động (passive). Hai cơ quan trọng nhất liên quan đến sự đóng mở của ống tai trong là cơ căng vòi nhĩ và cơ mở vòi nhĩ (Péristaphylines), hai cơ này phối hợp làm việc với nhau.

Khi lặn xuống, áp suất môi trường (nước) thay đổi quá nhanh, các ống tai trong không kịp thích ứng, không những vậy còn có phản xạ co bóp chặt lại chính vì vậy đóng mở thụ động càng chậm càng khó thực hiện. Các chuyên gia đã nghĩ ra các phương pháp cân bằng áp chủ động (Valsalva, Frenzel) tăng áp suất ở khoang mũi để cưỡng ép mở ống tai trong đưa không khí vào thực tai giữa, các phương pháp này gọi là các phương cân bằng áp chủ động (active). Tuy các phương pháp này dễ thực hiện nhưng nó là biện pháp cưỡng bức không phải là phản xạ tự nhiên của cơ thể và nó có một số khuyết điểm.
Người ta nghĩ thêm các biện pháp mô phỏng các động tác tự nhiên của con người như: nuốt nước bọt, nuốt khan, ngáp, di chuyển quai hàm, rướn căng cổ, v.v. để tạo ra phản xạ tự động mở ống tai trong thực hiện cân bằng áp, các phương pháp này là các phương pháp cân bằng áp thụ động. Vì đây là các động tác mô phỏng, lại trong tình trạng áp suất bên ngoài thay đổi quá nhanh nên hiệu quả không phải lúc nào cũng xảy ra theo ý muốn, chính vì vậy người ta phải luyện tập.
Một phương pháp cân bằng áp thụ động được cho là đầy đủ nhất hiện nay là BTV, tuy nhiên rất tiếc là chỉ có 30% số người luyện tập thành công, đây là phương pháp rất khó dạy và khó học, không có một cách thực hiện chính xác. Các bài học chỉ là luyện tập các cơ quan trên mặt nhằm nhận biết sự có mặt của cơ căng vòi nhĩ và cơ mở vòi nhĩ đồng thời điều khiển chúng, có tác dụng gì, mỗi người khác nhau, tác dụng thế nào chỉ người đó mới biết, và kết quả là thực nghiệm, nếu cân bằng áp được thì là thành công, không được thì cố gắng thêm. Khi thực hiện phương pháp này thợ lặn có thể làm các động tác như hạ cằm xuống thấp nhất và đưa ra xa nhất, căng cổ như ngáp đồng thời lưỡi đè xuống thấp nhất, có thể chuyển quai hàm sang hai bên nếu hai tai không được cân bằng áp đều nhau. Tóm lại với mỗi người tác dụng mỗi khác bạn hãy thử mọi động tác di chuyển các cơ quan: quai hàm, lưỡi, cổ họng, da mặt sao cho thấy có tác dụng là được. Chú ý luyện tập nhiều trên cạn, lắng nghe tiếng “bụp” trong tai, ghi nhận lại cảm giác đó để thực hiện lại. Phương pháp nuốt nước bọt thực ra cũng chỉ là trường hợp đặc biệt của BTV.
Một số kiến thức y học bổ xung

Xương móng (hyoid):
Là một cái xương sụn hình móng ngựa nằm ở phía trước của cổ, nằm ngay trên xương táo Adam (cách khoảng 1cm) . Nếu đầu ở tư thế bình thường thì nó ngang bằng với cằm, nếu ngửa cổ lên thì nó sẽ lộ ra. Hơi ngửa cổ lên dùng ngón cái và ngón trỏ sờ lên bạn sẽ thấy nó hình tròn và to hơn xương táo, khi lè lưỡi ra, thụt lưỡi vào, liếm lên vòm miệng cứng, nuốt bạn sẽ thấy nó di chuyển. Nó có thể di chuyển lên, xuống, tiến ra phía ngoài hoặc thụt vào trong tuỳ vào hoạt động của lưỡi vì nó nối với gốc của lưỡi. Người ta theo dõi sự di chuyển của nó (bằng hai ngón tay hoặc bằng gương) để biết được hoạt động của lưỡi.

Nuốt:
Đây là một động tác mà ai cũng biết nhưng vì nó có liên quan tới quá trình luyện tập cân bằng áp nên tôi xin giới thiệu sơ qua. Có thể chia hành động nuốt làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: thức ăn được nhai và được lưỡi đẩy ra phía sau đưa vào cổ họng.
Giai đoạn hai: các cơ quan phản xạ tự động làm việc, vòm miệng mềm được đóng lên phía trên không cho thức ăn đi vào khoang mũi. Các nếp gấp của vòm họng được kéo vào giữa tạo thành một cái rãnh để thức ăn qua đó vào họng. Các cơ cổ kéo khí quản lên trên và ra khía trước đồng thời các dây chằng đóng nắp thanh quản lại ngăn không cho thức ăn đi vào khí quản. Cơ cổ họng căng ra làm thực quản mở rộng hết cỡ làm thức ăn lọt vào thực quản. Cơ cổ họng thắt lại đẩy thức ăn đi vào thực quản và trôi xuống dưới.
Giai đoạn ba: thức ăn được đẩy từ thực quản xuống dạ dày.
Các bạn cần quan tâm nhất đến thời điểm cơ họng thắt lại đẩy thức ăn vào thực quản, khi luyện tập cũng như khi cân bằng áp bạn sẽ phải dừng lại ở thời điểm này. Đây là thời điểm nắp thanh quản đóng, vòm miệng mềm đóng đường lên khoang mũi, các cơ ở họng co thắt, tức là ở trạng thái căng nhất cũng là thời điểm tác động lên các cơ căng vòi nhĩ, cơ mở vòi nhĩ làm mở ống tai trong.
Các bài tập cân bằng áp BTV
Xin nhắc lại các bài tập này chỉ là các bài tập để luyện tập các cơ quan có liên quan tới việc đóng mở ống tai trong. Có người chẳng cần luyện tập cũng thực hiện được việc đóng mở, có người luyện tập cũng chẳng có tác dụng gì vì vậy mong các bạn thông cảm. Cũng có nhiều bài tập khác nhau các bạn có thể tìm kiếm và tham khảo, tôi chọn bài tập này vì thấy nó khá thông dụng. Các bài tập này không những hỗ trợ cho việc thực hiện cân bằng áp BTV mà còn hỗ trợ cho cả các phương pháp cân bằng áp khác. Trong quá trình luyện tập có thể bạn thấy mặc dù chưa tập hết các bài tập bạn đã có thể cân bằng áp BTV, vậy thì rất tốt, bạn có thể dừng lại nếu bạn hài lòng, bạn cũng có thể luyện tập thêm cho động tác trở nên thành thạo và tự nhiên.
Một số lưu ý khi thực hiện các bài tập
Thời gian thực hiện các bài tập khô (tập trên cạn) nên thực hiện vào buổi sáng hoặc khi mới ngủ dậy khi bụng vẫn còn đói, lý do: các bài tập liên quan tới các chuyển động của lưỡi, cổ họng, thực quản, khí quản là các cơ quan rất dễ gây ra triệu chứng buồn nôn.
Trước khi luyện tập nên dùng dầu nóng xoa bóp nhẹ các khớp xương quai hàm nhất là ở chỗ ngay dưới dái tai. Lý do: bạn sẽ phải há miệng rộng, phải chuyển dịch quai hàm, rất dễ bị sái quai hàm nhất là vào mùa đông, hãy làm nóng nó trước khi luyện tập.
Luyện tập trong trạng thái tĩnh tâm, các bài tập này đôi khi phải phối hợp những động tác rất khó và tinh tế, việc đạt được kết quả đôi khi không phải là do thực đúng theo lý thuyết mà là phù hợp với bạn. Vì vậy bạn phải luôn tĩnh tâm, tập trung sự chú ý đến sự thay đổi, bạn có thể thấy thành công ngay khi đang luyện tập hoặc có cảm giác được sắp tới thời điểm thành công. Không nên thực hiện động tác quá nhiều lần một lúc nếu bạn không còn thấy có cảm giác nữa. Tĩnh tâm còn phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, một tác động bên ngoài làm bạn giật mình có thể làm bạn bị trấn thương.
Nếu có bài tập phối hợp hai động tác thì phải luyện tập riêng từng động tác thành thạo trước đã.
Hầu hết các bài tập khô đều không có đòi hỏi điều kiện đặc biệt gì, bạn có thể luyện tập mọi lúc mọi nơi và không bao giờ là thừa.
Phần lớn là: luyện tập khô thì có vẻ được nhưng thực hành (khi lặn) thì không được. Lý do: khi bạn luyện tập khô bạn đang ở môi trường mà cơ thể bạn quen thuộc, các phản xạ xuất hiện rất đúng lúc. Khi bạn xuống nước, môi trường thay đổi, áp suất bên ngoài biến đổi rất nhanh các phản xạ sẽ xuất hiện không chính xác nữa. Không cần lo, có thể động tác của bạn chưa thuần thục, có thể bạn hơi căng thẳng, hãy thử nhiều lần (nên từ từ tăng độ sâu), hãy thử những động tác khác nhau. Một kinh nghiệm nhỏ: hãy kết hợp với các phương pháp khác, ví dụ: lúc đầu bạn áp dụng Valsalva hoặc Frenzel, những lần lặn tiếp theo bạn thực hiện BTV.
Sau mỗi lần thực hiện động tác bạn nên nghỉ khoảng 10s, trong lúc nghỉ hồi tưởng lại những biến đổi mà bạn đã cảm nhận được.
Nếu dùng tay để kiểm soát các động tác (ví dụ: kiểm soát sự di chuyển của xương móng) bạn không nên dùng lực, lý do: các cơ quan mà bạn luyện tập rất dễ tổn thương.
Có thể đứng trước gương để tự quan sát.
Nếu có người hướng dẫn thì tốt, hoặc trao đổi kinh nghiệm với đồng đội.
Tháo tất cả những gì vướng víu hoặc làm thắt chặt cổ như dây chuyền, vòng cổ, khăn quàng v.v.
Nhai kẹo cao su cũng có ích cho việc thực hiện cân bằng áp BTV.

Bài tập thở
Các bài tập thở thường rất dễ nhưng rất quan trọng, nó có lợi cho tất cả các phương pháp cân bằng áp, ở các bài tập này các bạn cần chú ý đến hoạt động của vòm miệng mềm, biết được ở trạng thái nào thì vòm miệng mềm của mình ở vị trí nào và cảm nhận được sự di chuyển của nó.
Bài 1
Ngậm miệng, hít sâu bằng mũi, lỗ mũi nở to hết sức (chú ý là lỗ mũi chứ không phải chỉ cánh mũi), bạn có thể quan sát bằng gương. Lúc này vòm miệng mềm sẽ đóng xuống dưới, nắp thanh quản mở.
Mở miệng, thở ra từ từ bằng miệng, lúc này vòm miệng mềm đóng lên phía trên nắp thanh quản vẫn mở. Nếu vòm miệng mềm đóng không triệt để có thể có không khí thoát ra đằng mũi, kiểm tra bằng cách đặt một cái gương nhỏ trước lỗ mũi xem nó có bị hơi nước làm mờ không. Nếu vòm miệng mềm không đóng kín lúc bạn thổi nước trong ống thở ra có thể có một phần không khí thông qua mũi lọt vào trong kính lặn.
Làm lại hai động tác trên với hai ngón tay đặt lên mũi xem lỗ mũi có phồng lên không.
Bài 2
Hít sâu đằng miệng, sao cho tạo ra tiếng “ờ, ờ, ờ” liên tục, để tạo ra âm thanh phần cuối của vòm miệng mềm (đoạn nối với vòm miệng cứng) rung nhẹ trong khi vòm miệng mềm vẫn đóng lên trên. Nếu vòm miệng mềm không rung thì bạn chỉ nghe thấy tiếng gió, mục đích tập rung là để bạn xác định được vị trí của vòm miệng mềm. Hít bằng bụng, bạn phải thấy bụng phình ra. Chú ý là vòm miệng mềm phải đóng chặt, nếu không khi bạn hít vào bằng ống thở bạn cũng hít luôn cả không khí trong kính lặn vào.
Thở ra từ từ đằng miệng, sao cho tạo ra tiếng “ch, ch, ch” liên tục, để tạo ra âm thanh phần giữa của vòm miệng mềm hơi rung. Trong cả hai động tác này bạn có thể tạo ra các âm thanh khác nhau, với tần số khác nhau, mục đích chỉ là giúp cho bạn xác định được vị trí của vòm miệng mềm. Bạn vẫn thở ra bằng bụng nên phải thấy bụng hóp vào. Vẫn phải chú ý là vòm miệng mềm luôn đóng kín nếu không bạn sẽ thổi hơi vào kính lặn.
Bài 3
Đây là bài kết hợp của bài 1 và 2 nên bạn phải thành thục bài 1, 2 trước.
Mở miệng, hít vào sâu bằng mũi, lỗ mũi nở hết mức, bụng phải phình ra. Bài này khác với bài 1 là phải mở miệng trong khi vòm miệng mềm vẫn phải đóng xuống phía dưới khoá khoang miệng thành một khoang độc lập. Bạn lưu ý rằng miệng của chúng ta luôn luôn ngậm ống thở nên nó thường ở tình trạng mở (mở một nửa).
Thở ra đằng miệng, bụng phải hóp vào.
Động tác này có một mở rộng như sau: thở (cả hít và thở) nhẹ bình thường bằng cả miệng và mũi, nhắm mắt lại tập trung chú ý vào vòm miệng mềm, đóng vòm miệng mềm bằng hai cách, cách thứ nhất nâng nhẹ phần cuối của lưỡi lên chạm với vòm miệng mềm, cách thứ 2, thả lỏng lưỡi để cho vòm miệng mềm tự nhiên đóng xuống, phân biệt sự khác nhau giữa hai cách bằng sự chú ý và sự chuyển dịch nhẹ của xương móng. Trong quá trình tập có thể đóng mở vòm miệng mềm theo nhiều nhịp điêụ khác nhau để phát ra âm thanh. Mục đích của bài tập này là nhận biết và điều khiển một cách tinh tế vòm miệng mềm ở vị trí thẳng (mở cả hai đường) và đóng xuống. Chú ý phần mở rộng này thực hiện với miệng luôn mở, vẫn hô hấp bình thường bằng mũi. Cuối cùng hãy thử hô hấp bằng mũi trong khi miệng ngậm đầy nước (rất dễ, cũng rất dễ sặc).
Làm lại động tác trên (không phải phần mở rộng đâu nhé) với một tay đặt lên mũi, một tay đặt lên bụng để theo dõi.

Bài tập lưỡi – A
Há miệng rộng hết mức, thè lưỡi ra hết mức sao cho đầu lưỡi có thể chạm được tới cằm (rất khó chạm, nhưng không sao chỉ cố gắng là được). Bạn cũng có thể hướng đầu lưỡi lên chóp mũi.
Vẫn há miệng rộng, duỗi thẳng lưỡi vươn ra xa nhất sau đó rụt lưỡi lại, để đầu lưỡi sát xuống vòm miệng dưới (dưới nướu răng cửa dưới), giữ cố định đầu lưỡi chuyển dịch gốc lưỡi sang hai bên.
Chú ý: khi di chuyển gốc lưỡi bạn có thể di chuyển xương quai hàm theo, nếu bạn nghe thấy tiếng lộp cộp trong tai, thường thì di chuyển hàm sang phải thì sẽ nghe thấy tiếng bên tai trái và ngược lại. Như vậy có thể là bạn đã thành công, hãy thử làm động tác đó khi lặn và tìm hiểu kết quả.
Vẫn há miệng, quét đầu lưỡi trên nướu răng hàm dưới sang hai bên, bạn cũng có thể nghe thấy tiếng trong tai.
Vẫn há miệng, đưa đầu lưỡi lên phía sau răng của trên, liếm bằng đầu lưỡi sát lên vòm miệng trên và ngược về phía sau sao cho chạm được vào lưỡi gà (rất khó chạm nhưng cố gắng là được).
Lưỡi gà: bạn há to miệng nhìn vào gương thấy có một miếng thịt nhỏ như ngón tay út từ trên rủ xuống đấy là lưỡi gà.
Vẫn há miệng, đầu lưỡi cố định sau răng cửa dưới cong lưỡi vươn ra ngoài càng xa càng tốt (nhớ là đầu lưỡi vẫn cố định).
Vẫn há miệng, đầu lưỡi cố định sau răng cửa dưới, cong lưỡi, ép xuống dưới và vào phía trong
Kiểm soát sự di chuyển lên xuống của xương móng bằng ngón tay và nhìn thấy sự di chuyển của quả táo Adam trong gương.

Bài tập vòm miệng mềm – B
Các động tác luyện tập vòm miệng mềm đã được giới thiệu trong bài tập thở.
Miệng mở rộng, lưỡi thả lỏng, nuốt nước bọt và dừng lại tại thời điểm vòm miệng mềm co thắt lại (nuốt một nửa). Kiểm soát việc di chuyển của xương móng, lúc này quả táo chuyển dịch sâu xuống phía dưới cổ căng ra. Bài tập này rất quan trọng, bạn thành công khi cảm thấy buồn nôn.
Đây là một động tác rất khó vì “nuốt” là một động tác liên hoàn của ba giai đoạn được điều khiển theo phản xạ của hệ thống thần kinh. Việc dừng lại giữa chừng đòi hỏi phải luyện tập, nếu có thể dừng được động tác, giữ trạng thái đó, giao động tại trạng thái đó – tôi cố gắng giải thích việc giao động như sau: làm cho cơ họng hơi buông lỏng sau đó thắt lại, hơi buông lỏng thắt lại (không phải thực hiện động tác nuốt khác đâu nhé), bạn có thể thấy xương móng lên xuống khi thực hiện động tác dao động.
Khi các cơ tham gia vào hành động nuốt co thắt lại bạn có thể thấy cơ ở dưới lỗ tai hơi bị kéo một cái như vậy là bạn đã có thể thành công.
Bài tập phối hợp lưỡi và vòm miệng mềm – C
Miệng mở rộng, đầu lưỡi vừa áp vừa đẩy vào phía sau răng cửa dưới, phần cuối của lưỡi ép xuống và đẩy về phía sau.
Thực hiện một động tác nuốt không hoàn chỉnh, dừng lại ở thời điểm vòm miệng mềm co thắt lại.
Kiểm soát động tác này qua việc thấy xương móng bị đẩy xuống một chút khi lưỡi bị ép xuống và đẩy về phía sau, sau đó lại bị đẩy xuống và tiến ra một chút nữa mỗi khi thực hiện nuốt một nửa.
Bài tập cằm – lưỡi – cánh buồm – D
Miệng chỉ mở một nửa, dịch chuyển quai hàm đẩy cằm về phía trước.
Đầu lưỡi đẩy vào phía sau răng cửa dưới và cố định tại đó, phần còn lại của lưỡi đẩy hết mức ra phía ngoài (nom nó cong như cánh buồm).
Thực hiện động tác nuốt không hoàn chỉnh và dừng lại ở thời điểm vòm miệng mềm co thắt lại.
Các bài tập khi khép miệng – E
Thực hiện bài tập B, C ,D trong khi ngậm miệng, đặc biệt nhấn mạnh vào bài tập B.
Thực hiện các bài tập với nhịp điệu nhanh hơn.
Thực hiện động tác cân bằng áp BTV
Thực hiện cân bằng áp BTV có nhiều cách bạn có thể thử xem cách nào có hiệu quả với bạn thì bạn dùng cách đó. Cách thử tốt nhất là tăng dần độ sâu với phao neo (xem thêm bài: Các bài tập lặn) lúc đầu tốt nhất là thử với không ngậm ống thở và chân xuống trước, phối hợp với phương pháp chủ động và so sánh.
Các động tác cân bằng áp:
Đóng tất cả các đường thở như nắp thanh quản, vòm miệng mềm đóng xuống dưới hoặc ở vị trí trung gian nhưng khoá lưỡi (H-lock) sau đó phồng cổ (ở vị trí xương móng), thực hiện phồng ra xẹp vào như cái bơm. Nếu với các bạn thuộc loại dễ thì như vậy là đủ.
Cũng như trên thêm vào ép sát lưỡi xuống và gốc lưỡi về phía sau, đầu lưỡi cố định sau răng cửa dưới, cằm hạ xuống và đưa ra phía trước (như khi ngáp). Nếu hai tai cân bằng không đều thì lắc gốc lưỡi sang hai bên (quai hàm lắc theo). Rất nhiều người làm như vậy là đủ.
Thực hiện nuốt nước bọt hoặc nuốt khan, đây là một phương pháp cân bằng áp rất dễ có thể coi là trường hợp đặc biệt của BTV. Nhưng hiệu quả thường không cao, ít người thấy có tác dụng.
Thực hiện dừng ở giữa động tác nuốt (bài tập B) thực hiện giao động ở đó, nếu không dược thì phụ thêm ép lưỡi, nếu không được nữa thì hạ cằm và đưa ra phía trước, có thể lắc gốc lưỡi và xương quai hàm.
Nếu không được nữa thì phải luyện tập lại hoặc dùng các phương pháp chủ động (Valsalva, Frenzel)
Những lưu ý khi thực hiện BTV
Cân bằng áp trước khi lặn (trước khi thực hiện chúi đầu), khi bạn còn ở trên mặt nước
Nêu có thể bạn lặn theo tư thế chân xuống trước thì cân bằng áp BTV sẽ dễ hơn
Khi thực hiện cân bằng áp BTV đầu thẳng hoẵc hơi ngửa ra sau một chút sẽ dễ hơn gục xuống ngực.
Cân bằng áp liên tục để duy trì áp lực dương ở tai giữa của bạn. Bạn không phải chờ đợi nỗi đau trước khi bạn phải cân bằng!
Nếu không cân bằng được bằng BTV thì dùng phương pháp khác nếu không can bằng áp được thì phải ngưng lặn ngay.
Uống nhiều nước, giữ cho mình ngậm nước (xem thêm bài: Giữ nước cho cơ thể khi lặn). Uống thật nhiều nước. Khi bạn bị mất nước, chất nhầy có xu hướng trở nên dày hơn. Chất nhầy dày có nhiều khả năng chặn ống mũi và ống tai trong của bạn.
Viết bình luận