Bạn không nên coi thường tác dụng của găng tay và bí tất nhé mặc dù nó nhỏ và không đắt lắm, nhưng nếu bạn ở xứ lạnh thì chi phí bạn phải bỏ ra cho chúng đôi khi còn cao hơn chi phí cho bộ đồ lặn hay súng bắn cá nữa vì chúng rất chóng hỏng và hay mất.

Găng lặn bắn cá 3mm dùng cho nước lạnh 15°C

Công dụng của găng tay (En : Gloes ; Fr : Gants)

Là để bảo vệ bàn tay. Đôi khi găng tay còn quan trọng hơn cả bộ đồ lặn. Các vùng biển ấm, ta có thể không cần mặc bộ đồ lặn vẫn có thể ở dưới nước 4, 5 tiếng đồng hồ, nhưng nếu không có găng tay thì rất rắc rối. Tôi có thể nêu một vài ví dụ như : khi kéo dây cao su của súng bắn cá nếu không có găng tay thì rất trơn, rất dễ bị tuột tay, sợi dây cao su bị bật ra bàn tay rất dễ bị bầm dập nếu không có găng tay. Khi bắn được cá, đa số các loại cá đều có bộ phận tự vệ như ngạnh, vây, răng, v.v. nếu không có găng tay tóm chúng nó rất dễ bị thương. Nếu dùng tay bắt các loại cua, ghẹ cũng cần phải có găng tay. Khi chui vào các hốc đá, vào đám rong rêu hoặc khi ta bị sóng đánh vào các tảng đá ngầm ta luôn phải sử dụng bàn tay bám vào đá hoặc vạch đám rong rêu ra, trên đó thường có rất nhiều nguy hiểm mà ta không lường trước được như vỏ hà, mun, hến biển, cầu gai, v.v. rất sắc, nhọn chạm vào dễ đứt tay như chơi. Vì vậy ngay cả ở những vùng biển ấm khi lặn bắn cá ta cũng phải mang găng tay, nếu không có găng lặn thì dùng găng bảo hộ lao động cũng không có sao.

Công dụng giữ ấm đối với các vùng biển lạnh, chức năng này rất quan trọng vì ở những vùng biển lạnh không có găng tay ta cũng không thể chịu lâu được dưới nước.

Phân loại

Người ta thường phân loại găng tay theo 2 tiêu chí chính:

Phân loại theo chức năng sử dụng: găng tay bằng vải sử dụng dễ dàng và tiện lợi hơn, găng tay bằng cao su tổng hợp (neonpère) giữ ấm tốt hơn.

Phân loại theo khả năng giữ ấm: nước ấm (từ 24°C trở lên) dùng găng tay vải, nước lạnh trên 15°C dùng găng bằng cao su tổng hợp dày đến 3mm, nước lạnh dưới 15°C nên dùng găng tay bằng cao su tổng hợp dày trên 5mm.

Lựa chọn và sử dụng

Găng dùng cho môn thể thao lặn bắn cá cũng có chút khác so với môn lặn có khí tài (bình ôxy, máy thổi khí) do khi lặn bắn cá bàn tay ta phải dùng nhiều hơn, cũng có nhiều động tác đòi hỏi khéo léo hơn như lắp dây cao su, treo cá, gắn lại ống thở, mở, đóng chốt an toàn súng bắn cá, v.v. cho nên găng thường mỏng hơn một chút, những điểm tiếp xúc nhiều như các đầu ngón tay, lòng bàn tay thường được dán thêm một lớp da hoặc vải dày.

Ở những vùng biển nhiệt đới như vùng biển miền nam Việt nam không cần thiết phải sử dụng găng bằng cao su tổng hợp vừa tốn tiền vừa kém linh hoạt, tôi nghĩ chỉ cần dùng loại găng vải từ 1-2mm là đủ. Đối với các vùng biển nước lạnh dưới 20°C bắt buộc phải dùng găng bằng cao su tổng hợp nếu không bạn khó có thể chịu đựng lâu được dưới nước.

Đối với lặn bắn cá dùng găng tay dày hơn 5 mm thì sẽ rất khó thao tác ở dưới nước, đôi khi ngón tay cũng không đút vừa cò súng nữa.

Găng tay thường được chế tạo bằng vật liệu giống như vật liệu chế tạo bộ đồ lặn, có rất nhiều loại nhưng thường là một lớp dày vật liệu tổng hợp giữa cao su và nhựa, đàn hồi và có tác dụng hạn chế sự lưu thông nước giữ ấm và bảo vệ cho bàn tay. Có loại có khoá ở cổ tay, có loại không, có nhiều màu sắc, dài ngắn khác nhau các bạn có thể lưạ chọn theo ý của mình. Theo tôi thì chọn găng tay có độ dày khoảng 3 mm, loại có khoá ở cổ tay, có màu hợp với màu của bộ đồ lặn là tốt nhất. Tại sao tôi khuyên các bạn nên chọn loại có khoá ở cổ tay, đó là vì một số những lý do rất đơn giản, thứ nhất bạn có thể nhét cổ tay áo vào găng sau đó khoá lại sẽ giảm đáng kể nước ngấm vào cơ thể theo đường tay, thứ hai nếu cần tháo găng ra làm một việc gì đó bạn có thể lợi dụng chức năng này để treo găng chăc chắn, nếu không có bạn thường phải dắt vào thắt lưng chì và việc trôi mất găng là chuyện thường xuyên. Và tất nhiên bạn phải lưu ý tới kích cỡ vì đeo một đôi găng dày 3mm mà không đúng kích cỡ thì rất phiền phức, găng lặn thường không phân biệt nam nữ (cũng có loại phân biệt nam, nữ) nên khi chọn bạn nên thử là chắc ăn nhất, nhiều khi bàn tay thì vừa nhưng độ dài các ngón tay lại không vừa bạn sẽ thấy rất khó chịu. Chỗ nhanh hỏng nhất đối với găng lặn bắn cá là các ngón tay vì vậy khi lựa chọn bạn phải lưu ý tới chi tiết này, nên lộn ngược găng lại xem gia công có chắc chắn không, nên chọn loại có dán thêm một lớp da mỏng ở đầu các ngón tay để giảm bị thương do ngạnh cá đâm vào.

Về sử dụng và bảo quản, cũng như bộ đồ lặn nên giặt lại bằng nước ngọt sau khi dùng và không nên phơi nắng quá lâu.

Công dụng của bí tất (En : booties ; Fr : chaussons)

Bí tất lặn bắn cá 3mm thích hợp nhiệt độ nước 15°C

Bí tất không quan trọng bằng găng tay, tuy nhiên nó cũng có nhiều công dụng :

Thứ nhất nó giữ ấm cho bàn chân ở những vùng nước lạnh. Bàn chân là một vị trí xa tim nhất vì vậy máu lưu thông đến bàn chân là chậm nhất nên bàn chân nhanh bị cóng nhất, bàn chân cũng có một số huyệt đạo quan trọng nên người ta hay ngâm chân bằng nước nóng khi trời lạnh. Ở đây các bạn cũng nên chú ý đến một chi tiết này : khi dùng chân nhái bàn chân của bạn luôn duỗi thẳng ra, càng thẳng càng tốt sao cho chân nhái và chân của bạn thành một đường thẳng vì như vậy sẽ làm giảm tối đa lực cản của nước, bạn sẽ bơi nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn, và dĩ nhiên là đẹp hơn. Một số chân nhái còn thiết kế hơi cong mục đích cho những người không thể duỗi thẳng được bàn chân ra vẫn có thể để cho chân nhái và chân tạo thành một đường thẳng. Tuy nhiên ở trạng thái duỗi thẳng bàn chân trong thời gian lâu và ở dưới nước lạnh rất dễ bị chuột rút bàn chân và bắp chân, nhất là đối với các bạn lớn tuổi và các bạn hay bị chuột rút. Trong trường hợp này bí tất lại rất quan trọng, đừng nên để mới bơi được vài chục mét thì chân đã cứng ngắc lại, theo kinh nghiệm của nhiều người bệnh chuột rút rất dễ thành tật, tôi cũng quen vài người rất dễ bị chuột rút, cứ xỏ chân nhái bơi vài chục mét là bị chuột rút. Vì vậy để bảo vệ bàn chân và tránh bị thành tật tốt nhất là nên dùng bí tất để giữ ấm tối đa cho bàn chân. Tuy nhiên ở nhiều vùng biển ấm, bạn cũng ít bị chuột rút thì không mang bí tất cũng rất thoải mái, đại đa số dân lặn bắn cá đều có thể không mang bí tất thì không mang là tốt nhất bởi vì thoải mái hơn, đỡ mất công tháo ra, mang vào, làm vệ sinh v.v. và quan trọng nhất là đỡ tốn tiền, đây là một khoản tiền không nhỏ vì bí tất rất hay bị rách.

Thứ hai là để bảo vệ chân : có rất nhiều vị trí xuống nước của ta không hoàn toàn dễ dàng, bằng phẳng. Ví dụ như bạn lặn bắn cá ở ven bờ, thường những điểm có nhiều cá thường là những bãi đá hoang vắng, hiểm trở nên để xuống được nước bạn phải lội qua một bãi đá có rất nhiều vỏ hà, vỏ sò sắc lẹm, thêm một đôi bí tất rất có lợi, đại đa số đều mang theo một đôi dép nhựa mỏng có độ bám tốt để lội qua các băi đá này, dép nhựa này cũng được dụng làm cái tỳ súng để lên dây cao su luôn, một công đôi việc sao không làm.

Bảo vệ chân còn cần thiết cho bạn khi bạn dùng loại chân nhái không được tốt lắm, đa số các chân nhái phần xỏ chân vào làm bằng cao su rất êm, nhưng cũng không phải không có những chân nhái phần này làm bằng nhựa cứng nên bạn nào da chân hơi mỏng rất dễ bị cọ sát làm cho trầy xước, nhất là những lần đầu sử dụng. Nếu bạn lặn bắn cá ở những vùng nước cạn, bạn luôn phải dẫm chân lên cát, cát lọt vào chân nhái gây cọ sát cũng rất khó chịu. Một trường hợp nữa ở vùng biển có nhiều sứa biển bàn chân rất dễ bị thiêu đốt nếu ta không có bí tất vì ta không thể nhìn thấy phía sau.

Một công dụng nữa : nom cho nó đẹp, chụp ảnh cho nó oai.

Phân loại

Ngoài việc phân loại theo độ dày của lớp cao su tổng hợp tuỳ theo nhiệt độ của nước bí tất còn được phân biệt như sau:

Bí tất: hầu như làm hoàn toàn bằng cao su tổng hợp, bên trong thường là một lớp vải mỏng (hầu như không có loại bên trong là lớp cao su như bộ đồ lặn) tôi nghĩ mục đích là để tăng độ bền của nó. Phần đế có thể tráng một lớp cao su mỏng. Loại này dùng cho chân nhái một cục, dùng cho đi lặn bằng tầu, đi lặn ở bãi cát, khi mà bạn đi xuống nước không phải vượt qua bãi đá quá rắc rối (tuy nhiên tôi vẫn khắc phục bằng cách mang thêm đôi dép nhựa), theo tôi loại này là tiện dụng nhất và nó cũng rẻ nhất.

Ủng lội nước 6mm, kết hợp với chân nhái gót rời

Loại thứ 2 là ủng lội nước, nó có thể làm kết hợp từ cao su, cao su tổng hợp, nhựa v.v. có rất nhiều loại đặc điểm của nó là đế rất dày có thể đi ở mọi địa hình, sau gót có hai cái mấu để cố định đai của chân nhái loại gót rời, loại này chỉ dùng được với chân nhái loại gót rời, không dùng được chân nhái một cục. Loại ủng này thích hợp cho lặn ở vùng có địa hình phức tạp khi bạn phải luôn thay đổi giữa bơi và lội bộ trên đá. Để bảo đảm ấm chân nhiều người còn đi thêm bí tất ở phía trong của ủng, tuy nhiên cần phải lưu ý số đo khi mua.

Bí tất lặn có đế cao su dày

Loại thứ 3 là loại trung gian giữa hai loại trên, nó là bí tất nhưng có dán một lớp cao su (cũng có khi là nhựa) dày ở đế và gót, với loại này bạn có thể lội bộ trên đá, cũng có thể dùng chân nhái có gót rời. Nhưng theo tôi thì dùng loại này không hay lắm vì với chức năng bí tất nó cũng không ổn vì lớp cao su đế và gót quá dày nó ôm lấy bàn chân không êm nhất là khi bạn xỏ chân vào chân nhái một cục. Với chức năng ủng nó cũng chẳng hoàn thành vì nếu gặp địa hình phức tạp nó cũng chẳng có tác dụng gì nhiều, khác với ủng khi dùng chân nhái loại gót rời rất hay bị tuột ra.

Lựa chọn và sử dụng

Bí tất cũng có rất nhiều loại, giá cả thì cũng vô cùng. Chất liệu chế tạo thì thường giống như vật liệu chế tạo bộ đồ lặn.

Về lựa chọn bí tất thì bạn nên dựa vào một số chỉ tiêu:

Dựa vào kích thước, vừa chân và hơi chật một chút là tốt nhất vì cao su tổng hợp khi xuống nước sẽ mềm và dãn ra, nếu bạn chọn hơi rộng sẽ bị đọng nước ở bên trong rất là khó chịu.

Chọn màu sắc nên chọn cùng màu với bộ đồ lặn là tốt nhất hoặc chọn màu đen (phần lớn bí tất bán trên thị trường là màu đen).

Dựa vào nhiệt độ của nước, nếu trên 15°C bạn dùng bí tất dày đến 3mm là đủ, nếu nhiệt độ nước xuống dưới 15°C bạn nên dùng bí tất từ 5mm trở lên, ở vùng biển ấm bạn có thể không dùng hoặc dùng bí tất vải vừa rẻ lại vừa bền, dĩ nhiên trong mọi trường hợp bạn phải lưu ý tới độ rộng của chân nhái, nếu bí tất quá dày bạn có thể khó nhét chân vào được hoặc quá chật khi bơi bạn có thể bị đau chân, tê chân, dễ bị chuột rút.

Bạn cũng có thể bọc bàn chân vào túi nylon sau đó mới mang bí tất nó cũng sẽ giúp cho bàn chân bạn ấm lên không ít.

Cũng như đối với bộ đồ lặn bạn nên vệ sinh bằng nước ngọt sạch sau khi dùng, chú ý khi vệ sinh phải lộn tất lại vì sẽ có rất nhiều cát lọt vào trong và không nên phơi nắng quá lâu. Bí tất thường hay rách nhất ở bàn chân, bạn có thể kiếm một tấm cao su tổng hợp (ví dụ như bộ đồ lặn cũ) cắt ra một miếng đúng bằng bàn chân rồi dán lại bằng keo dán dùng cũng được khá lâu.